Tự Chặt Ngón Tay Khi Trong Nhà Có Người Chết

Sinh sống chủ yếu ở cao nguyên Baliem, phía Tây New Guinea, tỉnh Papua, Indonesia, người Dani (hay còn gọi là Ndani) với dân số vào khoảng 280.000 người, là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch trên thế giới bởi một phong tục rất kỳ lạ: Ấy là khi gia đình có người chết thì phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhà sẽ tự chặt ngón tay.

Bà Mabel giơ hai bàn tay với 6 ngón đã tự chặt cụt.
Bà Mabel giơ hai bàn tay với 6 ngón đã tự chặt cụt.

Một trong những đặc điểm của ngôn ngữ Dani là về màu sắc, họ chỉ có 2 từ để phân biệt. Với các màu lạnh, tối, như xanh lục, xanh đậm, tím, đen… thì gọi là “mili”, còn những màu nóng hoặc nhạt như đỏ, hồng, vàng, cam, trắng thì gọi là “mola”. Nhà ngôn ngữ học Eleanor Rosch thuộc Đại học Lancaster, Anh quốc kể lại câu chuyện thú vị khi lần đầu tiên ông đặt chân đến lãnh địa của người Dani năm 1926: “Họ đón mừng tôi bằng một tràng hoa màu trắng quàng vào cổ rồi cho tôi biết nó là “mola”. Lát sau lúc tôi ghé thăm ông trưởng làng và chiếc áo màu đỏ ông mặc cũng được gọi là… “mola!”.

Tháng 10/1909, lần đầu tiên phương Tây biết đến tộc người Dani qua chuyến thám hiểm của Hendrikus Albertus Lorentz. Ông cùng các cộng sự đã ở lại với họ suốt 6 tháng. Theo Hendrikus, đàn ông Dani ở trần, chỉ che đậy bộ phận sinh dục bằng một cái ống làm từ cuống quả bầu phơi khô sau khi đã moi rỗng ruột. Phụ nữ cũng thế, họ để ngực trần, mặc váy lá cọ. Đàn ông vẽ mặt bằng chất liệu màu lấy từ vài loại cây cỏ còn trang sức của phụ nữ là chuỗi vòng cổ làm từ vỏ sò.

Thức ăn chủ yếu của người Dani là khoai lang và đồng thời nó cũng là thứ dùng để trao đổi các vật phẩm khác với những bộ tộc sống trong vùng, đặc biệt nó còn là của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Hendrikus viết trong nhật ký: “Cách nấu ăn của họ cũng khá kỳ lạ. Đầu tiên họ đào một cái hố, đốt lửa rồi cho vào đó nhiều hòn đá nhỏ. Khi đá đã rất nóng, họ gói khoai lang, chuối hoặc thịt heo vào lá chuối rồi đặt lên đá và lấp đất. Chừng nửa tiếng sau, họ bới đất lấy thức ăn ra. Vì thế ở khắp làng, đi đâu cũng thấy những cái hố nhỏ đầy tro và đá”.

Tuy nhiên, một tập tục khiến Hendrikus và nhóm thám hiểm kinh ngạc nhất là mỗi khi trong một gia đình nào đó có người chết. Ngoài những lễ nghi rất rườm rà như xông khói, vẽ các hoa văn họa tiết lên tử thi, họ không khóc than mà chỉ rì rầm đọc những câu thần chú do một thầy mo trong làng hướng dẫn rồi kết thúc bằng lễ nấu thịt heo, trong khi một phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhà tự chặt một ngón tay của mình để tỏ lòng thương tiếc người quá cố.

Trong nhật ký, Hendrikus viết: “Hôm ấy, tôi đến dự đám tang của một thanh niên tên là Aji, chết vì bệnh sốt rét. Sau khi thực hiện các nghi lễ, người chị lớn nhất của Aji đặt ngón tay út của bàn tay trái lên mép một tấm gỗ rồi cầm con dao. Mất vài giây nhìn vào mặt Mabel như để thể hiện tấm lòng, bằng một động tác rất dứt khoát, bà vung dao lên rồi chặt mạnh xuống. Tôi hoa mắt, chóng mặt khi một lóng ngón tay út của bà rơi ra, máu chảy đầm đìa nhưng bà vẫn cố nén sự đau đớn. Ngón tay ấy sau đó sẽ được chôn chung với người chết”.

Vết thương sau đó được người ngồi bên cạnh nhanh chóng bó lại bằng một nắm các loại cỏ đã giã nát. Nó có tác dụng cầm máu, giảm đau và chống nhiễm trùng.

Với bà Mabel, 57 tuổi, người đã từng tự chặt ngón tay mình 5 lần vì trong 12 năm, gia đình bà có 5 người chết. Bà cho biết bà là con đầu, sau bà còn 6 đứa em. Mẹ bà mất khi sinh đứa sau cùng. Bà nói: “Lúc ấy tôi 19 tuổi và ngón tay đầu tiên tôi tự chặt là ngón út của bàn tay trái. Khi ấy tôi thấy đau lắm nhưng tôi tin rằng mẹ tôi sẽ chia sẻ sự đau đớn với tôi”.

Hơn một năm sau, đến lượt cha Mabel qua đời và ngón tay đi theo cha là ngón út của bàn tay phải. 24 tuổi, bà lấy chồng rồi sau đó, ngón đeo nhẫn của bàn tay trái cũng rời bỏ bà trong đám tang cha chồng. Bà nói: “Chưa hết, tôi còn phải tự chặt thêm 3 ngón nữa khi em ruột tôi và 2 người trong gia đình bên chồng chết”. Điều ngạc nhiên là chồng và các con bà đều không ai phản đối hay ngăn cản. Theo họ, việc tự chặt tay là chuyện tự nhiên như bao đời nay vẫn thế. Thậm chí chồng bà Mabel còn nói “nếu tôi chết mà nó không chặt ngón tay thì nghĩa là nó không chung thủy với tôi”.

Khi được hỏi bà có hối hận về việc tự hủy hoạt thân thể và khó khăn gì trong sinh hoạt hằng ngày hay không thì bà cười: “Sao lại phải hối hận chứ! Nhiều khách du lịch phương Tây khi đến thăm tôi cho rằng đó là hành động tàn nhẫn, vô nhân đạo nhưng với người Dani, nó là cách duy nhất để thể hiện tình thương yêu và sự đau buồn của chúng tôi khi vĩnh viễn mất đi người thân. Còn khó khăn ư? Thật lòng mà nói thì lúc đầu, có những việc tôi đã làm quen nhưng sau khi mất ngòn tay, tôi hơi lóng ngóng. Càng mất nhiều thì càng lóng ngóng nhưng theo thời gian, tôi dần quen rồi”.

Theo các chuyên gia sinh học, nếu mất ngón tay cái hoặc ngón trỏ, khả năng cầm, nắm sẽ giảm đi 50%. Mặc dù không hiểu gì về cơ chế này nhưng tất cả những người phụ nữ Dani tự chặt tay đều không ai chặt ngón tay cái hoặc ngón trỏ. Bác sĩ Stilwell, chuyên khoa chấn thương chỉnh hình ở bệnh viện Memorial, thành phố Boston, Mỹ, giải thích: “Có lẽ những công việc họ làm hàng ngày đã khiến bản năng họ nhận ra rằng ngón cái và ngón trỏ là hai ngón tay quan trọng nhất trong một bàn tay. Tôi đã từng du lịch đến cao nguyên Baliem nhưng chưa từng thấy người nào mất những ngón tay ấy”.

Hiện tại, theo lệnh cấm của chính phủ Indonesia, phụ nữ Dani không còn tự chặt ngón tay trong các lễ tang nhưng nhà báo McCullogh của tờ Traveller (Người du hành) cho biết khi tìm hiểu 100 phụ nữ Dani, có đến 67 người vẫn đồng ý với việc chặt ngón tay nếu gia đình có người quá cố. McCullogh viết: “Ngoại trừ những phụ nữ Dani được đi học và họ ý thức về quyền nhân thân của mình, còn thì đa số vẫn tin rằng việc tự chặt ngón tay là việc làm đúng…”.

VŨ CAO (Theo Traveller)

Từ khóa » Hình Tự Chặt Ngón Tay