Từ Cô Hàng Nước đến Ngôi Quán Quân Danh Ca Vọng Cổ - Báo Tuổi Trẻ

Từ cô hàng nước đến ngôi quán quân danh ca vọng cổ - Ảnh 1.

Ngọc Huyền trong chương trình Đường đến danh ca vọng cổ mùa 2 - Ảnh: ĐĐDVCV

Ngọc Huyền rất có tiềm năng. Giọng ca tốt, nội lực, nếu biết khai thác, rèn luyện sẽ rất hay và điêu luyện. Tuy nhiên, Huyền cần nên biết tiết chế hơi ca của em sao cho tình cảm, ngọt ngào, biết lúc nào nên bung, lúc nào cần sâu lắng. Tôi hay nhắc Huyền: đã đạt quán quân rồi cứ chạy theo hát đám, hát tiệc hoài sẽ mai một. Vì với một số bạn trẻ quen sô hát đám tiệc, ở đó không gian quá ồn ào, để người ta nghe được giọng mình thì các bạn phải dùng sức nhiều hơn kỹ thuật. Lâu dần thành thói quen, khi vào hát nhà đúng chuẩn, một khán phòng im lặng các bạn sẽ hát bị phô, làm mệt tai người nghe. Huyền muốn trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp phải biết tìm thêm những vai diễn hay, cố gắng tập trung rèn luyện thêm về giọng hát và diễn xuất.

Nghệ sĩ Kim Tử Long

Năm 2016, ngay từ vòng bán kết để tuyển chọn 12 giọng ca xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, Ngọc Huyền là thí sinh được đánh giá cao.

Suốt các vòng thi, Huyền luôn đạt số điểm cao nhất, ai cũng chắc mẩm cô sẽ là người giành chuông vàng.

Nhưng đúng là học tài thi phận, ở các vòng trước Huyền rất khỏe, nhưng ngay đêm thi quyết định cuối cùng Huyền... lăn ra bệnh, kết quả cô về nhì với giải chuông bạc trong sự luyến tiếc của nhiều người.

Trịnh Ngọc Huyền - Em chưa 18 (phiên bản vọng cổ)

Muốn biết cảm giác của người đứng nhất!

Bẵng đi một thời gian, khán giả lại tái ngộ Ngọc Huyền trong chương trình Đường đến danh ca vọng cổ mùa 2. Những ai từng gặp Huyền ở giải Chuông vàng vọng cổ có lẽ sẽ bất ngờ vì Huyền gần như lột xác. Trắng trẻo, xinh đẹp và... gợi cảm hẳn ra!

Khi thi Chuông vàng vọng cổ 2016, cô thổ lộ là lần đầu tiên bước chân lên Sài Gòn, đi ra đường còn ngại vì xe cộ gì mà ầm ầm. Gần hai năm trôi qua, cô gái Trà Vinh năm nào còn lớ ngớ với Sài Gòn giờ đã chững chạc, bản lĩnh hơn.

Với chất giọng vang khỏe, lanh lảnh như tiếng chuông đồng, ngay từ vòng tuyển chọn Huyền đã chinh phục cả ba huấn luyện viên, cuối cùng cô chọn về đội của Kim Tử Long - ông thầy của cô gần hai năm trước tại giải Chuông vàng vọng cổ.

Trịnh Ngọc Huyền - Lầm lỡ

Qua mỗi vòng thi, Huyền càng chứng tỏ sự tiến bộ của mình. Ưu thế của Huyền là giọng ca nội lực, ca dạn và... không sợ mấy ông thầy đờn. Bởi thế có lần Thanh Hằng ngạc nhiên nói: "Em ca mà không sợ mấy ông đờn, em... lùa mấy ổng chạy muốn chết!".

Trong đêm chung kết với tiết mục Má hồng soi kiếm bạc, Ngọc Huyền hóa thân thành nữ tướng Triệu Thị Trinh. Tiết mục của cô nhận được sự khen ngợi của ba vị giám khảo NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Tuấn và nghệ sĩ Chí Tâm.

Nghệ sĩ Thanh Tuấn gật gù: "Ngọc Huyền tuy hơi nhỏ con nhưng giọng rất khỏe, nội lực, làm người nghe thích thú. Em cất giọng vô câu vọng cổ là tôi thích rồi. Nhịp nhàng tốt, vững chãi, bản lĩnh, tự tin. Em có một giọng ca đẹp!".

Trịnh Ngọc Huyền - Nụ hôn bất ngờ

Em tự thấy mình chưa là gì so với các anh chị đi trước nên đi thi rất vô tư, không nặng nề giải thưởng. Lần trước hụt chuông vàng em chỉ buồn khoảng một tuần. Lần này, đi thi cũng có lúc nghĩ vu vơ: Thử coi cảm giác đứng nhất như thế nào, chứ trước giờ đứng nhì không hà. Cái cảm giác lúc nhận giải quán quân thiệt không biết nói sao, chỉ biết bật khóc thôi...

Ngọc Huyền

Đường đến với nghề ca diễn

Vui tết ở quê dịp vừa rồi, Huyền như sống lại ký ức của những năm về trước. Khi cô bé Huyền tốt nghiệp lớp 12, tự mở một quán cóc bán nước ngay chợ Duyên Hải. Tiền lời mỗi ngày chừng 60.000 đồng, quán thì ngày càng... ế, trong khi cô chủ thì ngày càng nổi tiếng nhờ những lúc bán ế thường cất lên mấy câu vọng cổ.

Rồi một lần trên đài phát tin Đoàn cải lương Ánh Hồng (tỉnh Trà Vinh) cần tuyển diễn viên trẻ, Huyền dẹp quán cóc rồi leo xe đò lên Trà Vinh dự tuyển.

Trịnh Thị Ngọc Huyền - Đêm tóc rối

Không hiểu sao trưởng đoàn Hoàng Long của Đoàn cải lương Ánh Hồng nghe được tiếng "con nhỏ" bán ế mà ca cải lương rất dạn và hay nên khi Ngọc Huyền tìm tới, ông quyết định nhận luôn.

Mấy năm ở đoàn Ánh Hồng là thời gian cho Huyền nhiều kinh nghiệm, cô góp nhặt nghề từ những vai rất nhỏ như tì nữ, múa hát...

Mỗi tháng tổng cộng thu nhập chỉ khoảng 2 triệu đồng nhưng Huyền rất vui vẻ: "Em sống khỏe vì được đoàn cho ở tập thể, với lại em có tiêu xài gì đâu. Mỗi tháng lương phát qua thẻ ATM em để y nguyên không rút. Thứ nhất, em... không biết cách xài thẻ; thứ hai, để trong đó coi như tiền để dành!".

Trịnh Ngọc Huyền và huấn luyện viên Kim Tử Long trong trích đoạn Má hồng soi kiếm bạc

Khoảng năm 2016, đoàn Ánh Hồng gặp khó khăn. Năm đó, Huyền thi đậu vào trung cấp dược tỉnh Trà Vinh với ý định chuẩn bị cho mình một tương lai khác khi đoàn giải thể. Rồi cô đoạt chuông bạc Chuông vàng vọng cổ 2016, và như thế có lẽ tổ nghề đã không muốn cho cô gái ấy rẽ ngang một hướng khác.

Ngọc Huyền tiết lộ từ khi có được giải chuông bạc, cô đã quyết định ở lại thành phố để phát triển sự nghiệp. Ban đầu khá khó khăn, nhưng từ từ cô được các anh chị nghệ sĩ thương và giới thiệu nhiều sô diễn hơn. Hiện tại, mỗi tháng cô cũng có tầm hơn 20 sô diễn.

"Trong tương lai, em mong muốn mình được làm việc với một tập thể giỏi nghề để có cơ hội học hỏi. Em ráng cố gắng để khi giới thiệu tên mình khán giả biết đó là ai..." - Huyền chia sẻ.

Tết năm nay Huyền rất vui vì được tỉnh nhà mời tham gia chương trình truyền hình trực tiếp.

Cô chia sẻ đêm 30 năm nay của cô đúng nghĩa là hát cho khán giả Trà Vinh. Đầu giờ cô hát ở Duyên Hải, giữa giờ cô chạy về chương trình trực tiếp của Đài PT-TH Trà Vinh, gần cuối đêm giao thừa cô quay lại hát cho bà con ở Tiểu Cần.

Cô nói ở huyện gần biển quê cô bà con mê cải lương lắm nên khi Huyền về, nhiều người muốn gặp mặt làm Huyền mắc cỡ quá xá.

Từ khóa » Tiểu Sự Trịnh Thị Ngọc Huyền