Từ "Cỏ Lau" đến "Gió Dại" - Báo Công An Nhân Dân điện Tử - CAND

  • Nhà văn Đào Thắng trong tôi
  • Nhà văn Thuận: Thanh Đồng trong tín – ngưỡng –chữ
  • Nhà văn Khải Đơn: Tôi muốn là bạn của người trẻ

Nhà văn Bảo Ninh được mời viết “Lời tựa” cho tuyển tập này, và bản thân ông cũng là tác giả có truyện in trong tuyển. Đó là truyện ngắn “Gió dại”, một tác phẩm xuất sắc của Bảo Ninh, dù nó có vẻ ít được biết đến hơn là những “Khắc dấu mạn thuyền”, “Hà Nội lúc không giờ,” hay “Lá thư từ năm Quý Sửu”…

Có lẽ bây giờ là lúc thích hợp để đọc lại truyện ngắn này, cùng với một truyện ngắn xuất sắc không kém, là “Cỏ lau” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh LG.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ảnh: LG.

Sở dĩ có sự đặt cạnh nhau này là vì câu chuyện được kể trong hai tác phẩm đều lấy bối cảnh Quảng Trị trong khoảng thời gian 1972 - 1973. Hơn thế, đều thể hiện một cái nhìn tỉnh táo, sắc lạnh vào vấn đề con người trong chiến tranh - một trong những vấn đề được đặt ra sớm nhất của văn học thời kỳ đổi mới - và thể hiện nỗi buồn trong chiến tranh (xin mở ngoặc để nói ngoài lề: “nỗi buồn”, chứ không phải “chiến tranh”, mới thực là chủ đề mà Bảo Ninh dồn sức trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nỗi buồn chiến tranh).

Câu chuyện của Cỏ lau là câu chuyện của Lực, nhân vật xưng Tôi, một cán bộ cấp trung đoàn, ngay sau khi chiến tranh kết thúc đã trở lại khu vực thành cổ Quảng Trị với nhiệm vụ thu thập hài cốt các đồng đội đã hy sinh.

Trở lại chiến trường xưa, với Lực, cũng chính là sống lại những ký ức xưa, những ký ức kéo dài từ lúc ông còn là một chàng trai vừa mới cưới vợ đã ra Bắc đánh Pháp, rồi quay về chiến trường miền Nam trong những năm tháng chống Mỹ khó khăn nhất, rồi tham gia chiến dịch thành cổ Quảng Trị khét tiếng lịch sử…

Nguyễn Minh Châu đã không kể câu chuyện của Lực theo trật tự thời gian tuyến tính. Những mảng ký ức của nhân vật luôn đan cài với hiện tại, luôn từ bóng tối lờ mờ của sự quên hoặc sự cố quên mà đột ngột trở về, sáng rõ như hình chiếu từ một tấm gương.

Nguyễn Minh Châu thực hiện sự đan cài thời gian ấy bằng một thủ pháp duy nhất: đó là những bức ảnh, như những luồng sáng rọi về từ quá khứ, như nút nhấn khiến cho các sự kiện cứ thế chuyển động. Nhờ vô tình trông thấy ảnh cưới của hai vợ chồng trong tiệm chụp ảnh mà Lực biết vợ mình còn sống và đã có một gia đình khác, cũng biết luôn việc mọi người tưởng mình đã chết trong cái khoảng thời gian bị bố ráp đến nghẹt thở ấy.

Nhờ nhìn thấy bức ảnh người chiến sỹ trẻ đã hy sinh mà Lực nhớ lại chiến dịch thành cổ, nhớ trận đánh mà mình đã đưa một người vào chỗ chết bằng một mệnh lệnh đầy manh động.

Nổi bật lên trên cái nền không gian của sự hồi nhớ ấy là hai hình ảnh/ biểu tượng: đá và cỏ lau. Đá trong Cỏ lau, qua cái nhìn của Lực thuở trai trẻ, khi đi vào núi Đợi dỡ sắn cùng vợ, là những hòn vọng phu: “…thật là đủ hình dáng, đủ tư thế, cả một thế giới đàn bà đã sống trải bao thời gian qua chiến chinh dường như đang tụ hội về đây, mỗi người một ngọn núi, đang đứng một mình vò võ, chon von trên các chóp núi đá cao ngất, người ôm con bên nách, người bế con trước ngực, người cõng con sau lưng, người hai tay buông thõng xuống, mặt quay về đủ các hướng, các chân trời có súng nổ, có lửa cháy”.

Cái nhìn ấy đã như tiên báo về số phận sau này của Thai, vợ Lực, và biết bao số phận đàn bà trong khói lửa chiến tranh. Tuy nhiên, xuyên suốt tác phẩm thì phải là hình ảnh cỏ lau. Đôi khi đó là một hình ảnh thiên nhiên thật đẹp: “Hoa lau phất phơ trên nền xanh uyển chuyển của rừng lau, thân cây lau cúi rạp xuống từng đợt, ánh lá xanh loáng lên dưới ánh mặt trời rồi trở màu sẫm huyền bí trong vô vàn tiếng lá chạm nhau xào xạc”.

Nhưng chủ yếu, cỏ lau ở đây hiện lên như một nhận thức kép về chiến tranh. Thứ nhất, là sự vô nghĩa của chiến tranh: bao người đã chết, bao xương máu đã vùi xuống cho đất thêm màu mỡ, nhưng hoa trái lúa gạo lại không mọc lên từ đất đó, mà chỉ có bạt ngàn cỏ lau. Thứ hai, là sự thờ ơ mau chóng của con người đi ra từ chiến tranh: “Với biết bao nỗi lo toan tính đầy hối hả trong thời bình, mỗi con người chúng ta có lẽ đôi khi cũng là một cánh rừng cỏ lau giàu sức sống, rất chóng lãng quên những người lính đã ngã xuống”.

Giàu tính kịch nhất trong Cỏ lau chính là đoạn viết về Lực trong lễ tưởng niệm thi hài liệt sỹ và trước cơn vật vã của cô gái tên Phi Phi. Ký ức ập về, bắt Lực phải đối diện với chính quá khứ của mình: trong trận đánh năm nào, chỉ vì một chút tự ái cá nhân của người chỉ huy, Lực đã đẩy một chiến sỹ vào chỗ chết một cách không đáng có.

Tự giày vò đến đau đớn trong sám hối, Lực đã rơi vào một tra tấn tinh thần, một ảo giác của thú nhận tội lỗi. Điều đó không xảy ra, bởi rốt cuộc, Lực biết, đôi khi im lặng là cần thiết cho cả người sống lẫn người chết.

Nhưng cũng chính bởi thế mà trong thiên “truyện ngắn-dài” này (64 trang in), cụm từ “con người của chiến tranh” – có lẽ là cụm từ mang độc quyền Nguyễn Minh Châu? – vang lên như một nhận thức đầy cay đắng. “Chiến tranh làm người ta hư đi hơn là làm cho người ta tốt hơn” – một nhân vật trong Cỏ lau đã nói như thế.

Không nhắc đến cụm từ “con người của chiến tranh” như Nguyễn Minh Châu, song trong Gió dại – cũng như trong Nỗi buồn chiến tranh và nhiều truyện ngắn khác – Bảo Ninh vẫn khiến cho cụm từ này vang lên, theo một cách khác.

Câu chuyện được kể lại từ nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, một người lính Bắc Việt có mặt tại Quảng Trị năm 1973, sau chiến thắng thành cổ. Khi đó, Quảng Trị đã thuộc quyền kiểm soát của miền Bắc, và ở cái vùng đất vốn đã bị chà đi xát lại trong suốt những năm tháng chiến tranh ấy, có những người thường dân gốc là ở phía “bên kia”, họ tụ lại đây sau bao phen chạy loạn, sống trong nơm nớp âu lo giữa hai làn đạn, không dám nghĩ đến ngày mai.

Không gian sống của họ - cũng là không gian của chuyện kể - là làng Diêm: “Một cái làng cô hồn. Cỏ dại, gai góc, lùm bụi, những đống gạch vụn, ngói nát, dầm gãy ngổn ngang. Rải rác, xiêu vẹo, những túp những nửa lều nửa hầm mọc ngoi lên trên nền đổ nát. Từ những đống hoang tàn bầy chó trong làng bươi ra đủ thứ nát bét của đời sống một thời đã sụp đổ… Dân cư của làng suy tàn, đầy rẫy những nhân vật hoang dại”.

Trong số “đầy rẫy những nhân vật hoang dại” ấy, người kể chuyện chỉ tập trung vào một, đó là Diệu Nương, cô ca sỹ Sài Gòn thình lình bị chiến sự cầm giữ trong vùng giải phóng. Với nhân vật Diệu Nương, có thể nói, ta bắt gặp một phiên bản của nhân vật Phượng trong Nỗi buồn chiến tranh: hiện thân của Cái đẹp đến nhức nhối và bị vò xé đến tàn bạo trong cơn binh lửa.

Diệu Nương sở hữu một tiếng hát đầy ma mị: “Cùng với ngày mới tiếng hát dường như lớn lên mãi và tràn rộng ra, vừa sâu trầm vừa vút cao, tự thoát đi trở thành âm thanh vô chủ, ngân lên hoang dã trở thành khúc du ca của thiên nhiên”.

Bằng tiếng hát của mình, Diệu Nương có thể khiến cái nhìn của người nghe như bị khúc xạ qua một lăng kính huyền hoặc: “Trong màn ban mai, ảo mộng và thực tại lẫn lộn, âm thanh và hình ảnh hòa nhập. Một thân hình thon thả, một dáng đi uyển chuyển. Suối tóc xõa trên lưng. Song đó có thể chỉ là hư ảnh của bài ca, một ảo giác lồng trong tiếng hát”.

Diệu Nương hát vào mỗi sớm mai, bất chấp cảnh sống khốn khổ, vật vờ vô định của mình. Và hát vào mỗi hoàng hôn: “Giọng ca tuyệt vời song thảng thốt như làn gió dại lướt xiên đồng cỏ trong ánh nhá nhem buồn thảm của mỗi ngày”.

Trong cái không gian tàn rữa của chuyện kể, tiếng hát của Diệu Nương vút lên, vừa như một đối trọng, lại vừa như một sự diễn giải đầy ý nghĩa về tình thế chiến tranh: “Trong cuộc huynh đệ tương tàn/ Chúng ta chỉ là con sâu cái kiến/ Nhưng ôi, chúng ta, chính chúng ta đây/ Một thời chúng ta cũng có/ Một quê hương và một mối tình…”.

Với tiếng hát ấy, với nhan sắc quyến rũ, và với sự nồng nàn đầy bản năng đàn bà, Diệu Nương trở thành đối tượng thèm muốn của cánh lính Bắc Việt vốn bao năm chỉ biết ấp ôm cây súng. San sẻ một chút từ khẩu phần lính mỗi ngày, họ háo hức tìm tới cô hằng đêm bất chấp lệnh cấm “của trên”, và tất cả đều được thỏa mãn.

Cái mệnh đề “con người của chiến tranh” hiện lên thành câu chữ trong Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu đã hiện lên ở đây, trong Gió dại, qua hàng loạt sự kiện xuất phát từ nhân vật Diệu Nương. Con người vốn có tốt có xấu, có nhân tính và có cả phi nhân tính ngay trong bản thân mình. Nhưng khi bị thả vào guồng máy chiến tranh, phần nhân tính ngày một thui chột để nhường chỗ cho phần phi nhân tính ngày một phì đại.

Những người lính dấm dúi tìm tới Diệu Nương, do tình thế chiến tranh trui rèn, hầu hết đều chỉ nhìn thấy ở cô hiện thân của một con cái, hơn thế, một con cái tiềm tàng khả năng là thám báo do địch cài vào. Họ không thấy cô chỉ là một người đàn bà trong chiến tranh, một người đàn bà khao khát tình yêu, khao khát được tự do thoát khỏi sự cầm giữ, và trên hết, khao khát hòa bình.

Bởi thế, khi hồi nhớ cảnh Diệu Nương cùng người lính yêu cô chân thành nhất bỏ trốn, bị rượt đuổi, rồi cả hai bị bốn khẩu AK xả đến hết băng đạn, người kể chuyện mới có một câu bình luận đầy tinh thần sám hối được giấu dưới cái vẻ ngoài thản nhiên, cũng là câu kết truyện: “Chúng tôi không chỉ ngờ rằng chúng tôi đang tiến vào mùa khô cuối cùng của cuộc chiến. Chúng tôi đã bắn chết những người báo trước hòa bình, vậy mà hòa bình vẫn đến”.

Từ Cỏ lau đến Gió dại, ở điểm đầu và điểm cuối của giai đoạn cao trào của văn học thời kỳ đổi mới, có thể thấy một cách viết về chiến tranh rất khác với những giai đoạn trước đó. Không phải những chiến dịch, những trận đánh, những chiến thắng, những tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng, mà trọng tâm của sự tìm kiếm ở đây là vấn đề con người.

Con người sẽ mang diện mạo như thế nào khi nhúng mình vào chiến tranh và bị chiến tranh chà xát? Con người sẽ ra sao khi phải đối mặt với bản ngã của chính mình, dưới sức tác động và những hệ quả của chiến tranh?

Đọc lại hai thiên “truyện ngắn-dài” xuất sắc này (Gió dại dài 35 trang in) cũng là để thấy rằng: chúng khác biết bao với cách viết về chiến tranh theo kiểu “sử thi” mà hiện nay người ta đang ráo riết “đầu tư”, cổ súy, nhưng hiệu quả nghệ thuật thực sự trên người đọc nói chung thì chẳng được bao lăm.

Từ khóa » Gió Dại Bảo Ninh