Tử Cung 2 Sừng Và Có Thao Sống 7 Tuần Tuổi ở Sừng Phải

10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpgTrang chủHỏi & đápSức khỏe mang thaiTử cung 2 sừng và có thao sống 7 tuần tuổi ở sừng phảiTử cung 2 sừng và có thao sống 7 tuần tuổi ở sừng phải

Hỏi - 15/01/2011

Kính gởi Bác sỹ,

Vợ em hiện nay đang 30 tuổi, có thai được 7 tuần. Trong thứ sáu vừa rồi có ra một ít máu nên có đi siêu âm. Kết quả siêu âm có ghi những nội dung chính sau:

1. Thai sống trong tử cung # 6 -7 tuần ở sừng (p)/ Tử cung 2 sừng

2. Động Thai, có óc tách thai #10%

3. Nhân xơ tử cung/Mẹ 14x12 và 22x16mm

Phòng siêu âm không có bác sỹ kết luận nên chúng em có đem kết quả siêu âm ra ngoài hỏi bác sỹ tại phòng khám cho biết.

Do tử cung 2 sừng và thai sống bên một sừng nên khả năng mất thai là rất cao. Cần theo dõi thường xuyên trước khi quyết định. Nếu thai di chuyển xuống giữa tử cung thì có thể sinh, còn nếu không thì có thể mất thai.

Kính thưa bác sỹ, hiện chúng em khá hoang mang. Không biết kết quả như thế là thế nào? Khả năng để có thể giữ thai là cao không. Bây giờ chúng em phải làm gì để giữ đuợc thai. Nếu chờ thời gian để xem thai di chuyển vào chính giữa thì phải tốn bao nhiêu chờ đợi việc đó, và nếu thai không di chuyển vào giữa thì phải mổ bỏ thai thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến những lần mang thai sau vì hiện chúng em vẫn chưa có con.

Chân thành cám ơn bác sỹ đã trả lời

Trả lời

Chào bạn,

Tử cung hai sừng là một bất thường về hình dạng cấu trúc của tử cung. Vì hai sừng nên thể tích buồng tử cung nhỏ hơn bình thường. Thai phát triển tại 1 sừng (phải hoặc trái tử cung) có khả năng sẩy thai và sinh non cao hơn những trường hợp tử cung bình thường. Thai nhi thường có cân nặng thấp và ngôi thai không bình chỉnh tốt (bình thường ngôi đầu, trong trường hợp tử cung hai sừng thường là ngôi mông hoặc ngôi ngang) nên tỉ lệ mổ lấy thai cũng cao hơn. Tuy nhiên có khá nhiều trường hợp thai phụ với tử cung 2 sừng vẫn sinh con đủ tháng. Không có chỉ định bỏ thai trong trường hợp tử cung hai sừng. Trường hợp của vợ bạn có thai 6 – 7 tuần, tử cung hai sừng, bóc tách túi thai 10%, kèm nhân xơ tử cung như vậy có nhiều nguy cơ sẩy thai. Trước mắt cần nằm nghỉ, kiêng giao hợp và dùng thuốc dưỡng thai. Khi thai lớn đến 12 – 13 tuần sẽ lấn dần vào khoảng trống giữa buồng tử cung. Chúc vợ chồng bạn có 1 cháu bé sinh năm Tân Mão nhé.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Các bài viết khác15tháng 02Ngừa ung thư cổ tử cung có nên mang thai?

Chào bạn,

Bạn đã tiêm ngừa nhiễm HPV (Human papiloma virus 2 mũi và mũi tiêm thứ 2 cách đây 1 tuần vào thời điểm bạn phát hiện có thai. Thuốc ngừa nhiễm HPV được sản xuất bằng kỹ thuật tái tổ hợp, bản thân vaccine không chứa bộ gen của virus nên không ảnh hưởng đáng kể đến thai nhi. Bạn có thể tiếp tục thai kỳ và khám thai theo qui trình để đánh giá sức khỏe của bạn và của bé yêu nhé.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh- Bệnh viện Từ Dũ

15tháng 02uống 2 viên Ferrovit/ ngày có sao không ạ?

Chào bạn,

Sắt và acid Folic rất cần thiết cho thai phụ. Theo Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo nên bổ sung sắt và acid folic từ trước mang thai 3 tháng và kéo dài đến sau sinh 1 tháng.

Liều bổ sung bình thườngmỗi ngày 1 viên là đủ. Riêng với những thai phụ có dấu hiệu thiếu máu thiếu sắt có thể bổ sung 2 viên mỗi ngày.

Acid folic đặc biệt quan trọng đối với thai phụ. Acid folic giúp tạo tế bào hồng cầu và bạch cầu, giúp trong quá trình chuyển hóa protein và tạo tế bào mới, là yếu tố quan trọng trong việc tổng hợp DNA, chất liệu di truyền trong tế bào. Đối với thai phụ, nhu cầu acid folic gia tăng do sự phát triển nhanh chóng của thai nhi.Liều bổ sung acid folic mỗi ngày cho thai phụ khoảng 400 – 600mcg. Liều acid folic tối đa mỗi ngày là 1000 mcg. Tuy nhiên, nếu quá liều trên rất hiếm khi gây ngộ độc cho thai phụ và thai nhi. Liều thừa acid folic làm che lấp triệu chứng thiếu vitamin B12. Lượng acid folic thừa cũng ức chế tác dụng của thuốc chống động kinh. Nếu dùng quá 1000 mcg mỗi ngày, cơ thể cũng thường không hấp thụ đến 1000 mcg, còn lại tự cơ thể sẽ thải trừ.Đối với trường hợp của bạn nếu không thiếu máu đáng kể thì chỉ cần dùng 1 viên ferrovit mỗi ngày là đủ.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh- Bệnh viện Từ Dũ

31tháng 01Mang thai lần đầu thai lưu tuần thứ 6 không rõ nguyên nhân

Chào bạn,

Trước hết xin chia buồn cùng bạn với lần sẩy thai lưu vừa qua. Trường hợp của em là thai lưu 6 tuần. Với tuổi thai sớm như thế nguyên nhân thường gặp là rối loạn nhiễm sắc thể, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, thiểu năng hoàng thể thai kỳ, bệnh lý về nội tiết,… Và có đến 25% thai lưu sớm không rõ nguyên nhân.

Các xét nghiệm trên: MCV 79.3 (83-92) fl MCH 26.1 (27-32) pg

đã có chứng tỏ em có hồng cầu nhỏ và nhược sắc. Nên xét nghiệm huyết đồ chồng để tầm soát bệnh Thalassemia cho thai nhi nếu kết quả MCV và MCH của chồng cũng thấp.

Tất cả các xét nghiệm trên chưa thấy yếu nào có thể gây sẩy thai lưu sớm.

Để chuẩn bị cho việc mang thai em cần phải có sức khỏe tốt. Do đó, em nên khám sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa và tiêm ngừa một số bệnh cần thiết như rubella, sởi quai bị, thủy đậu, viêm gan B. Nên dùng acid folic mỗi ngày từ hôm nay cho đến suốt thai kỳ. Thời gian em có thể mang thai lại là sau khi tiêm ngừa đầy đủ tối thiểu 1 tháng. Mong rằng thai kỳ lần sau của em được tốt đẹp. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

28tháng 01Tháng thư 4 - dư nuoc oi va Nam đám rôi mạng mạch

Chào bạn,

Dư ối và nang đám rối mạch mạc thai nhi 5mm vào tháng thứ 4 thai kỳ là không đáng lo ngại. Thông thường các dấu hiệu này sẽ trở về bình thường ở tuổi thai 23- 24 tuần.Vấn đề chính là bạn cần khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm sàng lọc thai nhi.

Chúc bạn và bé khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

28tháng 01Mất ngủ rất nhiều khi mang thai

Chào bạn,

Khi mang thai, giấc ngủ khá cần thiết đối với sự phát triển thai nhi và hoạt động tạo máu của chính cơ thể bạn. Bên cạnh các cách bạn đã áp dụng, để có giấc ngủ ngon, ban ngày bạn nên làm việc bình thường. Có thể vận động tay chân nhiều hơn. Nên tắm nước ấm vào buổi chiều tối. Buổi tối nên đọc sách trước khi ngủ, nên chọn những loại sách mang tính giáo dục hoặc vui cười. Không nên ăn quá no trước khi ngủ.

Nếu bạn vẫn khó ngủ có thể khám thêm chuyên khoa nội thần kinh. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

28tháng 01Xin tu van Nhau thai bam mat truoc do II

Chào bạn,

Siêu âm đo độ mờ gáy thực hiện ở tuổi thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Với thai 13 tuần tuổi có thể đo độ mờ gáy được. Vị trí nhau bám mặt trước là bình thường. Nhau bám nhóm 1 là bám ở đáy tử cung, nhóm 2 là bờ dưới nhau qua nửa dưới của thân tử cung, nhóm 3 là nhau bám thấp hay nhau tiền đạo. Khi thai lớn > 20 tuần mới xác định được nhóm 3. Tử cung lớn lên theo tuổi thai cũng có thể kém bánh nhau lên và vị trí nhau bám sẽ thay đổi theo. Đau lưng là dấu hiện thường gặp ở thai phụ do nội tiết thai kỳ gây nên. Bạn nên có tư thế đúng, giữ lưng thẳng (dù đứng hay ngồi). Tránh thay đổi tư thế đột ngột.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

26tháng 01Lần sinh thứ 2 phải tiêm mấy mũi uốn ván?

Chào bạn,

Trường hợp của bạn nên tiêm thêm 1 mũi VAT 3, vì lần mang thai trước tiêm 2 mũi (VAT 1 và VAT 2). Mũi VAT 3 này nên được tiêm vào khoảng tuần 16 – 20 thai kỳ. Tuy nhiên bạn có thể tiêm bất kỳ lúc nào cũng được, miễn là trước ngày bé chào đời tối thiểu 30 ngày thì tác dụng ngừa uốn ván sơ sinh mới hiệu quả.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

26tháng 01Buong trung co nhieu nang nho

Chào bạn,

Trước hết xin chia buồn cùng bạn vì đã thai lưu 3 lần. Với tiền căn như thế thì bạn thuộc nhóm nguy cơ cao và cần kiểm tra sức khỏe toàn bộ cũng như làm khá nhiều xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, cũng có khoảng 25% trường hợp thai lưu liên tiếp không rõ nguyên nhân. Những xét nghiệm cần làm nữa là xét nghiệm nhiễm sắc thể của hai vợ chồng, xét nghiệm nội tiết (bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp,…) xét nghiệm bệnh tự miễn,…

Bạn đã có thai 3 lần thì không lo về vấn đề buồng trứng. Nếu trong những lần trước bạn có hút nạo thai lưu thì với thủ thuật này có thể gây viêm tắc ống dẫn trứng và có thể dẫn đến hiếm muộn. Nhưng sau 3 tháng chưa thể đánh giá được. Bạn có thể theo dõi thêm 8 – 9 tháng sau và canh ngày rụng trứng. Mong kết quả tốt đẹp đến với vợ chồng bạn.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

26tháng 01Trọng lượng thai nhi???

Chào bạn,

Vào tuần lễ thứ 31 thai kỳ với các số đo như trên là thai hơi nhỏ so với tuổi thai. Tuổi thai 31 tuần các chỉ số trung bình ĐKLĐ: 81 mm CDXĐ: 60 mm ĐKNB: 82 mm. Thường ĐKNB lớn hơn hoặc bằng ĐKLĐ. Nếu ĐKNB nhỏ hơn ĐKLĐ thai có nguy cơ chậm phát triển.

Với các chỉ số trên, cân nặng ước tính của bé khoảng 1500g (+/-150g).

Trong thời gian này bạn cần ăn uống bồi dưỡng, nghỉ ngơi nhiều hơn và tránh những nỗi âu lo phiền muộn. Hãy vì con mà cố gắng bạn nhé. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

23tháng 01Xin hỏi vần đề thai nhi chưa quay đầu

Chào bạn,

Nhau bám thấp là một trong những nguyên nhân gây nên ngôi thai bất thường. Hai yếu tố trong trường hợp của bạn là nhau bám thấp và ngôi ngang nên sẽ sinh khó. Khả năng mổ lấy thai là cao. Xưa kia, các thầy thuốc dùng thủ thuật ngoại xoay thai để xoay bé từ ngôi mông hoặc ngôi ngang thành ngôi đầu. Tuy nhiên thủ thuật ngoại xoay thai khá nguy hiểm và có thể gây tai biến cho mẹ và thai như nhau bong non, vỡ tử cung, suy thai nên ngày nay không áp dụng nữa. Thai nhi nằm trong buồng tử cung và tự bình chỉnh theo kích thước thai nhi, tử cung, vị trí nhau, lượng ối. Khi tử cung gò cứng, áp lực bụng sẽ tăng và đè lên cơ hoành nên bạn có cảm giác khó thở. Bạn có thể nằm đầu cao và nghỉ ngơi nhiều hơn để dưỡng thai. Nếu vẫn còn cứng bụng thường xuyên bạn nên đến bệnh viện khám để được xử trí phù hợp.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

23tháng 01Chụp X-Quang khi mang thai

Chào bạn,

Tia X là 1 dạng bức xạ năng lượng cao không nhìn thấy được bằng mắt thường. Tia X có thể xuyên thấu qua nhiều vật thể, đặc biệt là các vật thể sống, khi xuyên qua những vật thể sống, tia X làm biến đổi tế bào và AND của những tế bào sống. Tia X được dùng trong chẩn đoán (chụp X quang) các bệnh lý về xương, phổi, và các cơ quan khác. Tia X có thể kèm với nguy cơ ung thư, bệnh bạch cầu cấp và một số dị tật bẩm sinh cho thai nhi, tuy nhiên nguy cơ này rất nhỏ. Theo Ủy ban kiểm soát về vấn đề hạt nhân của Mỹ, thai nhi có nguy cơ phát triển bệnh ung thư về sau khi nhiễm liều bức xạ từ 2- 6 rads. Thai có nguy cơ dị tật bẩm sinh khi nhiễm liều bức xạ > 5 rads. Trong y khoa khi dùng tia X để chẩn đóan, liều bức xạ được dùng rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với liều gây hại cho thai. Vì vậy, bạn được chụp X quang cột sống trong thai kỳ, ngay cả giai đoạn đầu (2 tuần sau khi thụ thai) hầu như không nguy hiểm cho thai nhi. Tia X dùng trong chẩn đoán y khoa hầu như không làm gia tăng tỉ lệ di tật bẩm sinh thai nhi. Tuy nhiên, trong thai kỳ, tốt nhất là hạn chế tối đa việc tiếp xúc với tia X.

Theo tính toán của Tổ chức về sức khỏe Canada, liều bức xạ trung bình trên thai nhi khi mẹ chụp X quang cột sống là 1.7milligray (mGy) # 0.17 rad. Theo nồng độ nhiễm xạ như thế thì hầu như rất thấp so với liều gây hại cho thai. Vì vậy bạn vẫn tiếp tục thai kỳ và cần khám thai đều đặn.

(1 Gray = 100 Rad= 1000 mGy)

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

23tháng 01Mang thai sau khi chích ngừa viên gan B mũi thứ 3 và trái rạ

Chào bạn,

Trước hết nếu kinh bạn rất đều, kinh cuối 20/11/2010, tính đến 24 tháng 12 thì thai của bạn khoảng 4 – 5 tuần vô kinh, tương ứng với 2-3 tuần sau thời điểm thụ thai (rụng trứng). Ngày rụng trứng của bạn khoảng 5 /12/2010.

Thời điểm bạn tiêm ngừa 24/10/2010 trước ngày rụng trứng khoảng 6 tuần. Bạn có thể yên tâm với các mũi tiêm ngừa vừa qua. Theo khuyến cáo không nên mang thai ít nhất 1 tháng sau tiêm ngừa. Tuy nhiên cũng có những trường hợp tiêm ngừa ngay chu kỳ kinh cuối hoặc ngay thời điểm rụng trứng vẫn không có chỉ định chấm dứt thai kỳ vì nguy cơ trên thai nhi là rất thấp.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

23tháng 01Có được uống thuốc khi mới mang thai hay không?

Chào bạn,

Cảm ho thường do nhiễm siêu vi. Các loại thuốc theo toa không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm siêu vi có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Bạn nên khám thai để được làm những xét nghiệm cần thiết đánh giá sức khỏe mẹ và con. Hiện tại, bạn cần giữ cơ thể ấm, uống nhiểu nước, nên dùng thức ăn dễ tiêu, súc miệng bằng nước muối pha thật loãng. Chúc bạn và bé khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

23tháng 01Thai 7 tuan chua co phoi

Chào bạn,

Thông thường qua siêu âm đầu dò âm đạo, tim thai có thể phát hiện với tuổi thai 6 tuần 3 ngày. Vào ngày 6/12/ 2010 siêu âm thai bạn # 5-6 tuần. Đến 25/12/2010 thì thai của bạn # 7 – 8 tuần. Vào tuổi thai này phải thấy phôi thai và tim thai. Nếu qua siêu âm đầu dò âm đạo mà vẫn không thấy phôi thai và tim thai thì có thể kết luận là thai ngừng tiến triển.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

23tháng 01Tỉ lệ dương tính giả khi làm Tripple Test?

Chào bạn,

Sinh con khỏe mạnh, thông minh là ước mơ của các bậc làm cha mẹ. Hiện nay, việc sàng lọc và chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện những thai bất thường, đặc biệt những thai nhi bị chậm phát triển trí tuệ như hội chứng Down là rất cần thiết.Sàng lọc trong 3 tháng đầu thai kỳ nhờ vào siêu âm đo độ mờ gáy và Double test (Free beta hCG và PAPP-A). Có thể sàng lọc hội chứng Down, trisomy 13 và trisomy 18. Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc nguy cơ thấp thì không cần phải xét nghiệm sàng lọc 3 tháng giữa thai kỳ. Với siêu âm độ mờ gáy chính xác và phần mềm tính toán nguy cơ qua xét nghiệm Double test, siêu âm độ mờ gáy và tuổi mẹ đáng tin cậy thì có thể phát hiện được 90% thai nhi bị hội chứng Down. Sàng lọc trong 3 tháng giữa thai kỳ nhờ vào Triple test (AFP, Free beta hCG và UE 3). Triple test được chỉ định trong những trường hợp chưa sàng lọc trong 3 tháng đầu. Bộ ba xét nghiệm này có thể sàng lọc hội chứng Down, trisomy 18 và khuyết tật ống thần kinh thai nhi. Triple test giúp phát hiện 65% những bất thường kể trên. Với trisomy 13 và trisomy 18 thì có nhiều bất thường về hình thái học thai nhi. Khuyết tật ống thần kinh thai nhi có thể phát hiện qua siêu âm. Những bất thường này có thể quan sát được qua siêu âm lúc thai 20 – 24 tuần, có thể phát hiện đến 90%. Riêng hội chứng Down thì chỉ phát hiện qua siêu âm hình thái học 57%, như vậy có 43% trẻ bị hội chứng Down không biết được qua siêu âm hình thái. Kết hợp Triple test và siêu âm hình thái học làm tăng khả năng phát hiện bất thường thai nhi.Những trường hợp sàng lọc có nguy cơ kết hợp cao sẽ có chỉ định sinh thiết gai nhau hoặc xét nghiệm dịch ối. Đây là xét nghiệm chẩn đoán. Sinh thiết gai nhau và chọc ối là những thủ thuật mang tính xâm lấn, có thể ảnh hưởng đến thai như: sẩy thai, nhiễm trùng, chạm thương thai nhi. Vì vậy chỉ áp dụng trong những trường hợp nguy cơ kết hợp cao.

Trường hợp của bạn đã được sàng lọc trong 3 tháng đầu với nguy cơ thấp thì không cần làm triple test nữa.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám thai - Bệnh viện Từ Dũ

22tháng 01Em là Thuỳ Linh - người vừa gửi câu hỏi trước - xin nói chi tiết về biểu hiện của em

Chào bạn,

Cảm lạnh hay cảm cúm thông thường hầu như ít ảnh hưởng đến dị tật bẩm sinh thai nhi. Cúm có thể gây bội nhiễm và biến chứng viêm phổi cho mẹ. Nếu tình trạng mẹ nặng thì có thể gây thai lưu.Nhiễm rubella có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh với tuổi thai > 6 tuần (< 12 tuần). Khi tiêm ngừa rubella với 1 mũi tiêm bạn có thể được miễn dịch suốt đời. Không thể tiêm ngừa rubella khi mang thai.

Vacxin cúm mùa không có giá trị miễn dịch suốt đời như vacxin rubella. Tuy nhiên, tiêm ngừa cảm cúm thông thường hay cúm mùa có thể được khi mang thai. Bạn đã tiêm ngừa cảm cúm 2/ 2010 thì đến nay bạn vẫn có thể bị cảm cúm lại. Hiện tại với những triệu chứng viêm hô hấp trên như bạn đã mô tả, bạn có thể súc miệng bằng nước muối pha loãng, uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể. Nếu ho đàm nhiều, bạn có thể đến bác sĩ khám và điều trị thích hợp.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám thai - Bệnh viện Từ Dũ

22tháng 01Ra huyết ở tuần 11

Chào bạn,

Với tuổi thai 11 tuần 5 ngày chưa thể chẩn đoán là nhau tiền đạo được. Tuy nhiên, với dấu hiệu ra máu đỏ tươi bạn nên nằm nghỉ, kiêng giao hợp và dùng thuốc dưỡng thai theo lời dặn của bác sĩ. Thai > 20 tuần mới có thể chẩn đoán là nhau tiền đạo.

Với nhau bám đoạn dưới tử cung (nhau bám thấp – một thể của nhau tiền đạo), vào những tuần lễ cuối thai kỳ, khi đoạn dưới dãn ra, nhau có thể ”dời” chỗ lên trên và không còn là nhau tiền đạo nữa.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám thai - Bệnh viện Từ Dũ

04tháng 01Siêu âm thai 6 tuần, túi thai có bờ không tròn đều

Chào bạn,

Thai bạn có phôi và tim thai chứng tỏ thai đang còn sống, túi thai không tròn đều và có ra huyết là có dấu hiệu dọa sẩy thai. Trong thời gian này bạn cần nghỉ ngơi, kiêng giao hợp, giữ tâm hồn thoải mái và dùng thuốc theo toa để dưỡng thai. Dọa sẩy thai có thể có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có khi không tìm được nguyên nhân. Đa phần những nguyên nhân sẩy thai có thể điều trị được bằng phương pháp trên thì không lo nhiều về vấn đề dị tật. Những thai có bất thường nặng thường sẽ khó dưỡng. Dù gì thì bạn vẫn nên tiếp tục dưỡng thai và khám thai định kỳ để sàng lọc và chẩn đoán thai nhi trước sinh. Chúc bạn và bé khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

04tháng 01Em có thai 6 tuần, hiện tại đang có triệu trứng như bị cúm mặc dù đã tiêm phòng vacxin cúm tại viện Pasteur từ tháng 2/2010

Chào bạn,

Khi mang thai, do thay đổi nội tiết thai kỳ nên phần lớn các thai phụ cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém, thậm chí có người cảm giác lúc nào cũng lạnh và nghĩ rằng mình bị cảm. Mặc khác tiêm phòng không phải miễn dịch hoàn toàn với cúm. Cúm mùa có thể do nhiều type virus khác nhau gây ra, tiêm phòng type này và vẫn có thể mắc phải type khác. Do đó, sau tiêm phòng cúm vẫn có thể bị cúm.

Cảm cúm thông thường không ảnh hưởng đáng kể trên thai kỳ. Bạn chỉ cần giữa ấm cơ thể, uống nhiều nước và vitamin C, dùng thức ăn dễ tiêu. Nếu có sốt nên dùng thuốc hạ sốt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Khí khám thai, bạn cần mang theo các giấy hoặc hồ sơ tiêm ngừa để các bác sĩ xem bạn đã tiêm ngừa loại bệnh gì, từ đó mới có thể xem nên làm những xét nghiệm nào nữa không.

TS.BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

04tháng 01Đẻ thường và đẻ không đau

Chào bạn,

Khi vào chuyển dạ sinh, với những cơn gò tử cung ngày càng tăng dần về cường độ và tần số làm cho sản phụ có cảm giác đau. Cảm giác đau này có khác nhau tùy vào ngưỡng chịu đau từng người. Với những sản phụ có ngưỡng chịu đau cao thì dễ dàng vượt qua được và cuộc chuyển dạ sinh có thuận lợi hơn mà không phải dùng phương pháp giảm đau nào.

Với những sản phụ có ngưỡng chịu đau thấp thường gặp phải nhiều khó khăn: mệt mỏi, vật vã, lo lắng, thậm chí có khi ngất đi. Chính những yếu tố này gây cản trở không ít cho quá trình sinh đẻ. Vì vậy, có khá nhiều phương pháp để giảm đau trong chuyển dạ:

  • Không dùng thuốc

- Chuyển động (tư thế giúp giảm đau)- Kích thích điện qua da. * - Liệu pháp tâm lý- Thôi miên (Hypnosis - giấc ngủ nhân tạo)*- Châm cứu *- Massage, vật lý trị liệu *- Cho chồng vào bên cạnh vợ để động viên vợ khi sinh.- Tập luyện trong thai kỳ với phương pháp thở sâu. Có các lớp học dành cho sản phụ gần sinh về các tập thở, tập rặn.- Đẻ trong nước.*

Lưu ý *: Chưa áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện sản trong nước.

  • Dùng thuốc
  • Hiện tại hầu hết các cơ sở sản khoa dùng phương pháp gây tê ngoài màng cứng hoặc tê tủy sống để giảm đau.
  • Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phụ đều có thể áp dụng được. Những trường hợp sau đây không thể gây tê ngoài màng cứng hay tê tủy sống được:
  • Dị ứng với thuốc tê nhóm amide
  • Tụt huyết áp nặng chưa điều chỉnh được
  • Đang dùng thuốc chống đông máu
  • Viêm cấp tính, nhiễm trùng huyết
  • Bệnh lý thần kinh-tủy sống
  • Bệnh cột sống (lao, u bướu…)
Với bạn vì huyết áp thấp nên có thể chọn lựa 1 trong những biện pháp kể trên không ảnh hưởng đến huyết áp. Tuy nhiên, cũng có 1 số thai phụ nghĩ là mình bị huyết áp thấp nhưng vì có thể điều chỉnh bằng truyền dịch nên vẫn có thể tê ngoài màng cứng được.

Với gây tê ngoài màng cứng, khi vào chuyển dạ thực sự, cổ tử cung mở từ 4 cm trở lên, cơn gò khá và sản phụ cảm giác đau nhiều mới có thể bắt đầu thực hiện. Khi sắp sinh, cổ tử cung mở từ 7cm trở lên nên gây tê tủy sống.

Trước khi gây tê ngoài màng cứng để giảm đau sản khoa, các bác sĩ chuyên khoa gây mê khám và đánh giá bạn có nằm trong những trường hợp chống chỉ định hay không. Nếu bạn không thuộc diện chống chỉ định, sẽ tư vấn cho bạn về cách làm, hiệu quả, việc thực hiện châm tê sẽ được tiến hành. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật và chỉ định, tê ngoài mang cứng hầu như không ảnh hưởng gì về sau.

TS. BS. Lê Thị Thu HàKhoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ

Từ khóa » Tử Cung 2 Sừng Mang Thai đôi