Tử Cung đôi Và ảnh Hưởng Của Nó đến Việc Mang Thai - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- 1. Tử cung đôi là gì?
- 2. Triệu chứng
- 3. Nguyên nhân của tử cung đôi
- 4. Chẩn đoán
- 5. Điều trị như thế nào?
- 6. Tử cung đôi ảnh hưởng thai kỳ như thế nào?
- 7. Các rối loạn liên quan
Với cấu tạo cơ thể gồm một tử cung và hai buồng trứng kèm phần phụ, kể từ lúc sinh ra người phụ nữ đã mang theo thiên chức làm mẹ thiêng liêng. Dù không thường gặp, ở một số chị em lại có đến hai tử cung, hay tử cung đôi. Tình trạng này vì sao lại xảy ra? Ở hoàn cảnh này, liệu việc mang thai và sinh nở có thuận lợi không? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về tử cung đôi qua bài viết sau đây nhé.
1. Tử cung đôi là gì?
Tử cung đôi là một bất thường hiếm gặp phát triển từ lúc bé gái còn trong bụng mẹ. Tất cả các tử cung hình thành từ hai ống nhỏ tên gọi là ống Muller. Khi chúng bắt đầu phát triển, hai ống này sẽ hoà nhập với nhau để tạo thành một tử cung. Tuy nhiên, trong những trường hợp hiếm gặp, các ống này tiếp tục tách rời và trở thành hai tử cung riêng biệt.
Thông thường, âm đạo của người nữ có tử cung đôi được chia thành hai đường vào riêng bởi một vách mỏng. Đôi khi, hai tử cung chỉ có một cổ tử cung. Đôi lúc, mỗi tử cung sẽ có một cổ tử cung riêng biệt.
Việc phụ nữ có tử cung đôi mang thai đến lúc đủ tháng sinh là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, tình trạng này có làm tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non.
Tình trạng tử cung đôi thường hay bị nhầm lẫn với tử cung có vách hay tử cung hai sừng (tử cung hình tim).
2. Triệu chứng
Thông thường, phụ nữ có tử cung đôi không biểu hiện triệu chứng gì rõ rệt. Nếu có triệu chứng thường là cảm giác đè ép bất thường, đau quặn bụng trước và trong kỳ kinh, hành kinh lượng nhiều, sẩy thai liên tiếp hoặc sinh non. Bác sĩ có thể phát hiện tình trạng này khi kiểm tra phụ khoa định kỳ. Nếu không, tình trạng này thường được tìm thấy khi khảo sát các nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp.
Trong trường hợp có âm đạo đôi đi liền với tử cung đôi, bạn có thể hành kinh dù đã đặt tampon âm đạo. Điều này là do bạn chỉ đặt tampon vào bên trong một âm đạo. Còn lại một âm đạo vẫn thông suốt và ra kinh.
3. Nguyên nhân của tử cung đôi
Tình trạng tử cung đôi là một bất thường bẩm sinh. Điều này có nghĩa là tử cung đôi đã xuất hiện từ khi còn phát triển dạng bào thai trong bụng mẹ và ảnh hưởng đến các bé gái sinh ra sau đó.
Như đã đề cập ở phần trên, tình trạng này xuất hiện khi hai ống nhỏ tiền thân của tử cung không hòa nhập làm một mà phát triển độc lập thành hai tử cung riêng lẻ. Tuy nhiên, khó mà xác định nguyên nhân cụ thể gây nên tình trạng này. Nó có thể liên quan đến di truyền. Nghĩa là tình trạng này được biết đến là xuất hiện ở các thành viên trong cùng một gia đình.
4. Chẩn đoán
Khi thăm khám phụ khoa định kỳ, bác sĩ có thể cảm nhận bạn có hai cổ tử cung hoặc cảm giác tử cung của bạn có hình dạng khác với bình thường. Để xác định rõ hơn, bạn có thể cần thêm một số xét nghiệm nhằm tìm bất thường.
>> Việc thăm khám Sản phụ khoa định kỳ sẽ giúp cho phụ nữ kiểm soát tốt hơn sức khỏe của mình. Xem thêm: Khám Sản phụ khoa ở đâu tại TP. HCM?
Siêu âm
Siêu âm được dùng để tái dựng hình ảnh bên trong cơ thể bạn. Bác sĩ siêu âm sẽ dùng một đầu dò trên bụng nhằm quan sát hình dạng tử cung. Nếu không rõ, bác sĩ có thể đề nghị thêm siêu âm qua ngã âm đạo. Trong trường hợp đó, đầu dò siêu âm sẽ được đưa vào trong âm đạo để quan sát rõ tử cung và hai phần phụ chi tiết hơn.
Siêu âm bơm nước
Đây là dạng siêu âm khác, dùng một dụng cụ để bơm chất lỏng qua âm đạo vào trong lòng tử cung. Sau đó, bác sĩ siêu âm sẽ quan sát các bất thường về hình dạng trong lòng tử cung nếu có.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ sử dụng sóng từ trường để tạo ra các hình ảnh cắt ngang từng phần của cơ thể. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm bất động hoàn toàn trong một chiếc máy có hình dạng giống một đường hầm lớn. Đây là một kỹ thuật không gây đau đớn.
Chụp phim vòi trứng – buồng tử cung có bơm thuốc cản quang (HSG)
Một chất có khả năng cản tia X (chất cản quang) sẽ được bơm vào trong lòng tử cung qua ngả âm đạo. Khi chất cản vào bên trong tử cung, bạn sẽ được chụp nhiều phim X-quang để quan sát hình dạng tử cung.
5. Điều trị như thế nào?
Phẫu thuật có thể được dùng để điều chỉnh tình trạng này, tuy nhiên hiếm khi cần thiết. Những phụ nữ có tử cung đôi nhưng không có triệu chứng thì hoàn toàn không cần điều trị. Nếu sẩy thai nhiều lần liên tiếp mà không tìm ra nguyên nhân nào khác, bạn có thể được đề xuất phẫu thuật. Phẫu thuật hoàn toàn có thể giúp bạn duy trì được một thai kỳ khoẻ mạnh.
Phụ nữ có hai âm đạo và hai tử cung có thể được phẫu thuật để bỏ màng ngăn giữa âm đạo. Việc này giúp cho quá trình sinh con dễ dàng hơn.
6. Tử cung đôi ảnh hưởng thai kỳ như thế nào?
Việc có tử cung đôi thường không gây cho phụ nữ bất kỳ rắc rối nào trong việc thụ thai. Đôi khi, hình dạng bất thường của tử cung mà thai làm tổ có thể dẫn đến sẩy thai. Ngoài ra, phụ nữ có tử cung đôi cũng thường có tử cung nhỏ hơn bình thường nên dễ có nguy cơ sinh non. Các dữ liệu hiện tại cho thấy khả năng sinh non tăng đến 45% ở phụ nữ có tử cung đôi.
Nếu bạn có tử cung đôi và đang mang thai, bác sĩ sẽ muốn theo dõi thai kỳ của bạn sát sao hơn. Theo dõi sẽ giúp đảm bảo em bé vẫn ổn định. Bác sĩ có thể đề nghị bạn phải chấm dứt thai kỳ sớm. Bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai khi em bé có bất kỳ dấu hiệu nào gợi ý không khỏe.
Nếu có tiền sử sẩy thai liên tiếp, bạn có thể được đề nghị phẫu thuật, giúp tăng cơ hội mang thai đến lúc sinh.
7. Các rối loạn liên quan
- Phụ nữ có tử cung đôi thường hay gặp phải vấn đề hành kinh nhiều (cường kinh). Nếu việc ra kinh nhiều đến mức không kiểm soát được, bạn có thể cần gặp bác sĩ để hỗ trợ.
- Các bất thường ống Muller có thể ảnh hưởng đến một ống khác khi thai nhi phát triển gọi là ống Wolff. Bất thường trong hình thành ống Wolff có thể gây nên các vấn đề về thận của thai. Biến chứng này xảy ra ở khoảng 15 – 30% phụ nữ có tử cung đôi.
- Trong một số rất ít trường hợp, phụ nữ có tử cung đôi gặp phải tình trạng hiếm muộn.
- Bé gái mới sinh nếu có bất thường trong hình thành lỗ hậu môn (không có hậu môn) cũng có thể đi kèm với tình trạng tử cung đôi.
- Lạc nội mạc tử cung. Đây một tình trạng thường gây đau bụng nhiều trong giai đoạn hành kinh. Rối loạn này xảy ra khi các mô bình thường nằm trong tử cung của người phụ nữ (mô nội mạc tử cung) lại hiện diện ở bên ngoài tử cung. Mô nội mạc tử cung lạc chỗ tiếp tục hoạt động như mô nội mạc bình thường. Tại đây, chúng dày lên rồi lại bong tróc gây chảy máu vào mỗi chu kỳ kinh. Các mô này phát triển ở sai chỗ nên không có cách nào để thoát khỏi cơ thể. Nếu lạc nội mạc tử cung trên buồng trứng có thể tạo thành các nang lạc nội mạc.
Lời kết
Tử cung đôi là tình trạng bẩm sinh đã có từ khi phụ nữ ra đời. Bất thường này có thể không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của chị em. Tuy nhiên, nếu gặp các vấn đề như hành kinh nhiều hay hiếm muộn, việc đến gặp bác sĩ để chọn lựa phương pháp điều trị là vô cùng quan trọng. Một số loại tử cung đôi có thể được chỉnh sửa bằng phẫu thuật để thuận tiện cho việc mang thai.
Bác sĩ Hoàng Lê Trung Hiếu
Từ khóa » Tử Cung 2 Buồng Khi Mang Thai
-
Sản Phụ 36 Tuổi Có Tử Cung đôi đón Con Khỏe Mạnh Sau Hai Lần Sảy ...
-
Tử Cung đôi Và Nguy Cơ Sảy Thai | Vinmec
-
Thế Nào Là Tử Cung đôi? | Vinmec
-
Nguyên Nhân Bị Tử Cung đôi Và Cách điều Trị An Toàn | TCI Hospital
-
Tử Cung 2 Sừng Có Thể Mang Thai Tự Nhiên Không?
-
Tử Cung đôi Và Những Nguy Cơ Với Phụ Nữ Mang Thai
-
Tử Cung đôi Là Gì? Tử Cung đôi Liệu Có Thể Sinh Con Bình Thường?
-
Người Phụ Nữ Từng Mang 2 Tử Cung Sinh Con Thành Công
-
Tử Cung đôi Là Gì? - Khám Chữa Bệnh, Phổ Biến Kiến Thức Y Học
-
Bất Thường ở Tử Cung Có ảnh Hưởng đến Khả Năng Mang Thai Không?
-
Có Thai Ngoài Tử Cung - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Cổ Tử Cung Ngắn Khi Mang Thai: Mối đe Dọa Sảy Thai Và Sinh Non
-
Những điều Cần Biết Về Dị Dạng Tử Cung