Tứ Đại Thiên Vương Là Những Ai - Cõi Tứ Thiên Vương Như Thế Nào?
Có thể bạn quan tâm
Tứ Đại Thiên Vương là bốn vị Thiên chủ thống lãnh Thiên chúng ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Đây là cõi thấp nhất của chư Thiên thuộc Dục giới. Theo kinh Trường A-hàm, Tứ Đại Thiên Vương gồm có:
1. Thiên vương ở phương Đông tên là Trì Quốc Thiên Vương, luận Trí Độ gọi là Đề Đầu Lại Tra. Ngài thống lãnh Càn Thát Bà, các thần tướng và Tỳ xá xà, hộ vệ nhân dân nước Phất bà đề khỏi bị xâm lăng.
2. Thiên vương ở phương Nam tên là Tăng Trưởng Thiên Vương, luận Trí Độ gọi là Tỳ lâu lặc xoa. Ngài thống lãnh các thần Cưu bàn trà và Bệ lệ, hộ vệ nhân dân nước Diêm-phù-đề.(Đây là cõi giới mà chúng ta đang sinh sống)
3. Thiên vương ở phương Tây tên là Quảng Mục Thiên Vương, luận Trí Độ gọi là Tỳ lâu bát xoa. Ngài thống lãnh tất cả loài Rồng và Phú đơn na, hộ vệ nhân dân nước Cù-da-ni.
4. Thiên vương ở phương Bắc tên là Đa Văn Thiên Vương. Ngài thống lãnh các Dạ-xoa và La sát, hộ vệ nhân dân nước Uất-đơn- việt.
- 10 chuyện tâm linh có thật.
- Cách trị khóc dạ đề
- Thiên ma là loại ma gì.
- Quỷ thần có thật không.
- Cách thay đổi vận mệnh.
- Kinh Địa Tạng Linh Cảm ứng.
- Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
Tứ Đại Thiên Vương
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: “Bốn vị Thiên Vương của bốn phương đều cư ngụ ở lưng chừng núi Tu Di; cung điện có thành trì bằng thất bảo—vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não—bao quanh. Thành cao bốn vạn hai ngàn do-tuần, chung quanh có bảy lớp hàng cây, bảy lớp lưới giăng (la võng), bảy lớp câu-lơn bao bọc, vô cùng trang nghiêm.
“Tứ Phương Thiên Vương” tức là bốn vị Thiên Vương trấn giữ ở bốn phương—Ðông Phương Thiên Vương, Nam Phương Thiên Vương, Bắc Phương Thiên Vương và Tây Phương Thiên Vương.
Tứ Đại Thiên Vương: 1. Ðông Phương Thiên Vương
Theo tiếng Phạn, tên của vị Thiên Vương này là Ðề Ða La Tra; Trung Hoa dịch là Trì Quốc. “Trì” tức là “trì hộ”—vị Thiên Vương này gìn giữ và bảo hộ quốc gia cùng tất cả chúng sanh. Ðông Phương Thiên Vương có chín mươi chín người con trai và đều được gọi là Nhân Ðà La.
Trong các quỷ thần do Ðông Phương Thiên Vương thống lãnh, thì có một số là Hương Thần (thần thích hương thơm), và một số là Xú Thần (thần hôi thúi). Hương Thần là ai? Ðó chính là Càn Thát Bà trong Bát Bộ Quỷ Thần, trên đầu có một cái sừng. Càn Thát Bà rất thích ngửi hương thơm, hễ đánh hơi thấy nơi nào có hương thơm là liền chạy về hướng đó.
Ngọc Ðế, tức là Nhân Ðà La Vương, có một loại hương gọi là hương chiên-đàn; khi nào đốt hương này lên, Càn Thát Bà ngửi được thì liền đến và khảy đàn tấu nhạc cho Ngọc Ðế nghe. Bởi Ngọc Ðế vẫn còn ở trong Lục Dục Thiên, chưa ra khỏi cảnh giới Ngũ Trần, cho nên còn thích nghe Càn Thát Bà tấu nhạc. Vậy, Càn Thát Bà là Nhạc Thần của Ngọc Ðế, mà cũng chính là Hương Thần.
Trì Quốc Thiên Vương còn thống lãnh cả Xú Thần (thần hôi thúi). Xú Thần này có tên là Phú Ðơn Na, đi đến đâu là hôi hám thối tha đến đó. Ðây cũng chính là vị Phú Ðơn Na được nhắc tới trong Chú Lăng Nghiêm. Bản lãnh cùng thần thông của Xú Thần chính là phóng ra mùi hôi, và hễ đến nơi nào thì nơi ấy liền có mùi hôi thối nồng nặc!
Tứ Đại Thiên Vương: 2. Nam Phương Thiên Vương.
Theo tiếng Phạn, tên của vị Thiên Vương này là Tỳ Lưu Ly; Trung Hoa dịch là Tăng Trưởng—vị Thiên Vương này có thể làm cho thiện căn của chúng sanh được tăng trưởng. Nam Phương Thiên Vương cũng có chín mươi chín người con trai, và cũng đều gọi là Nhân Ðà La. Bốn vị Thiên Vương này, mỗi vị đều có chín mươi chín (99) người con trai, và đều được gọi là Nhân Ðà La; vì vậy, cả ba trăm chín mươi sáu (396) vị đều có cùng một tên gọi giống nhau.
Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương cũng cai quản, thống lãnh các quỷ thần; trong đó có loài Viễn Quỷ (quỷ xa) và Cận Quỷ (quỷ gần). Vì sao gọi là Viễn Quỷ? Vì loài quỷ này thường tránh xa loài người. Vì sao gọi là Cận Quỷ? Vì loài quỷ này thích làm tổ tiên của người ta, hễ đến nhà người nào thì làm tổ tiên của người đó, cho nên gọi là Cận Quỷ.
Viễn Quỷ có tên gọi là gì? Trong Chú Lăng Nghiêm, Viễn Quỷ được gọi là Cưu Bàn Trà. Ðúng ra, những chữ này phải đọc là “Cưu Bàn Ðồ,” nhưng hiện nay những người tụng Chú đều đọc là “Cưu Bàn Trà”—có lẽ Cưu Bàn Ðồ cũng biết mình bị đổi tên rồi, do vậy quý vị có đọc là “Cưu Bàn Trà” thì cũng được linh ứng như nhau; cho nên, tên gọi thì không có gì là nhất định cả.
*
Tại sao “Cưu Bàn Ðồ” lại bị đọc nhầm thành “Cưu Bàn Trà”? Vì người ta không nhìn cho rõ chữ “đồ”! Chữ “đồ” và chữ “trà” chỉ khác nhau ở một nét ngang, và hai chữ này cũng chỉ hơn kém nhau một nét ngang ấy mà thôi—phần dưới của chữ “trà” là chữ “mộc,” còn phần dưới của chữ “đồ” là chữ “mạt.” Bởi chỉ sai khác nhau một nét ngang nhỏ, nên người ta lơ đễnh mà lầm lẫn chữ “đồ” ra chữ “trà.” Thế nhưng, khi nghe ai gọi “Cưu Bàn Trà” thì Cưu Bàn Ðồ cũng biết đó là người ta gọi mình.
Hình dạng của Cưu Bàn Trà như thế nào? Cưu Bàn Trà hình thù trông như cái vại hay cái chum lớn tròn tròn, không có đầu, cũng chẳng có chân. Vì loài quỷ này thường tránh xa, không thích ở gần con người, nên gọi là Viễn Quỷ.
Loài Cận Quỷ được gọi là Bệ Lệ Ða, và cũng có được nhắc đến trong Chú Lăng Nghiêm. Ở Trung Quốc, mỗi gia đình đều có thờ cúng bài vị tổ tiên, và loài quỷ này thường lân la tìm đến làm tổ tiên cho từng nhà. Bởi loài quỷ này thích tiếp xúc, thân cận loài người nên được gọi là “Cận Quỷ.”
Tứ Đại Thiên Vương: 3. Tây Phương Thiên Vương.
Theo tiếng Phạn, tên của vị Thiên Vương này là Tỳ Lưu Bạc Xoa; Trung Hoa dịch là Tạp Ngữ, ngụ ý rằng vị Thiên Vương này biết nói đủ các thứ tiếng, thông thạo tất cả ngôn ngữ của mọi quốc gia.
Tây Phương Thiên Vương còn được gọi là Quảng Mục Thiên Vương và cũng thống lãnh một số quỷ; đó là loài quỷ nào? Chính là loài quỷ mà trong Chú Lăng Nghiêm gọi là Tỳ Xá Ðồ và Trung Hoa dịch là Ðạm Tinh Khí Quỷ, tức là loài quỷ chuyên ăn tinh khí.
“Tỳ Xá Ðồ” còn được dịch là Ðiên Cuồng Quỷ, bởi loài quỷ này có thể làm cho người ta sanh bệnh điên cuồng, bị phát điên phát cuồng. Loài quỷ này lại chuyên ăn tinh khí của con người—chúng đến những nơi xảy ra hành vi tánh dục nam nữ để ăn thứ tinh khí bất tịnh ấy. Một khi quỷ Tỳ Xá Ðồ khiến cho người nào mắc bệnh, thì người đó không còn hay biết gì cả, phải vào bệnh viện tâm thần để điều trị. Tuy nhiên, những người bị loài quỷ này hãm hại, dù có ở bệnh viện tâm thần thì cũng không dễ gì bình phục được.
*
Tây Phương Thiên Vương còn thống lãnh cả rồng độc (độc long). Loài rồng có nọc độc này, hễ mắt chúng vừa nhác thấy người nào thì người đó liền bị trúng độc của chúng ngay tức khắc. Chẳng những thế, nếu quý vị nghe tiếng của chúng, ngửi thấy mùi của chúng hoặc tiếp xúc, đụng chạm vào chúng, thì cũng đều bị trúng độc cả.
Như vậy, Tây Phương Thiên Vương thống lãnh, cai quản hai loại quỷ thần là quỷ Tỳ Xá Ðồ và loài rồng độc.
Tứ Đại Thiên Vương: 4. Bắc Phương Thiên Vương.
Trong bốn vị Thiên Vương thì Bắc Phương Thiên Vương là thủ lãnh; cả ba vị Thiên Vương kia đều phải chịu sự chỉ huy của vị thủ lãnh này.
Bắc Phương Thiên Vương cũng cai quản quỷ thần; đó là loài quỷ thần nào? Ðó là hai loài quỷ—quỷ Dạ Xoa và quỷ La Sát. Dạ Xoa có rất nhiều loại—có Dạ Xoa đi dưới đất, có Dạ Xoa du hành trên không trung, có Dạ Xoa ở trên trời… Dạ Xoa còn được gọi là quỷ Tiệp Tật, tức là loài quỷ chạy nhanh, bởi chúng có thể chạy với một tốc độ xấp xỉ tốc độ của ánh sáng. Quỷ La Sát còn được gọi là quỷ Khả Bố (đáng sợ), vì chúng rất tàn ác và có hình thù trông rất đáng sợ.
Bốn vị Thiên Vương cai quản các quỷ thần như thế ở thế gian, và đến lúc cần họp hội nghị thì họ đều quy tụ ở chỗ của Bắc Phương Thiên Vương. Bắc Phương Thiên Vương có tên là Tỳ Sa Môn, Trung Hoa dịch là Ða Văn, vì vị Thiên Vương này có kiến thức rất uyên thâm, hiểu nhiều biết rộng. Cũng chính vì thế mà ba vị Thiên Vương kia đều răm rắp tuân theo hiệu lệnh cùng mọi sự sai bảo của Bắc Phương Thiên Vương.”
Tứ Đại Thiên Vương giám sát việc thiện ác thế gian
Tứ Đại Thiên Vương ngoài việc thống lãnh Thiên chúng ra, các Ngài còn hộ vệ và che chở và giám sát thiện ác ở thế gian. Theo Lập Thế A-tỳ-đàm, đức Phật bảo:
“Vào ngày mồng tám hằng tháng Tứ Đại Thiên Vương du hành khắp thế gian, lần lượt quan sát vào đúng ngày này, nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ giữ gìn tám giới. Nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ làm bố thí. Nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ tu hạnh phước đức. Nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ kính trọng cha mẹ, Sa -môn, Bà-la-môn, các vị tôn trưởng trong nhà. Vào ngày mười bốn và rằm hằng tháng, cũng làm như thế.
Nếu không có kẻ gìn giữ tám giới, bố thí, tôn trọng, bấy giờ, bốn Thiên vương Thiện pháp đường, đem mọi việc ấy tâu lên cùng Đế-thích. Bấy giờ, Đế-thích và chư Thiên nghe xong, sinh lòng áo não, phán thế này: “Việc này không tốt, trong nhà lỗi đạo, các tôn trưởng của chư Thiên ắt phải hao tổn, bè bạn A-tu-la ắt ngày càng nhiều hơn”.
Nếu có kẻ giữ gìn tám giới, bố thí tu phước, kính lễ các vị Sa-môn, tôn trưởng. Bốn Thiên vương đem tâu lên xong, Đế-thích và chư Thiên nghe xong sẽ sinh lòng hoan hỷ, nói thế này: “Việc này rất tốt, quyến thuộc của chư Thiên theo chánh pháp ngày càng đông đảo, bạn bè A-tu-la dần dần giảm bớt”.
Thiên chúng cõi Tứ Thiên Vương
Theo các kinh Trường A-hàm và luận Trí Độ. Trời Tứ thiên vương đều có hôn nhân, hành dục như người thường, nhưng sinh ra theo lối hóa sinh. Nghĩa là Thiên chúng đều từ trên đầu gối sinh ra, đã lớn như trẻ con hai tuổi. Nam sinh ngồi trên đầu gối phải của mẹ, nữ sinh trên đầu gối trái của mẹ. Thiên tử sau khi được sinh ra một lát thì đã biết đói khát. Khi đó do phước lực, tự nhiên hiện ra các vật quý đựng đầy thức ăn, đủ mỹ vị.
Nếu trời có nhiều phước đức, thức ăn toàn màu trắng tinh. Phước đức trung bình thì màu xanh. Phước đức kém thì màu đỏ. Nếu khát thì có vật quý đựng nước cam lồ. Cũng có ba màu khác nhau như của thức ăn. Uống vào miệng không lưu giữ như sữa mật ném vào lửa (tan ngay). Ăn uống xong liền trưởng thành như chư Thiên. Khi mới sinh ra, Thiên tử nhớ lại được nghiệp tiền kiếp. Khi biết chơi đùa thì khả năng này biến mất.
Chỗ ở của cõi Tứ Thiên Vương
Theo kinh Lập Thế nói: “Dưới chân núi Tu-di là chỗ ở của chư Thiên. Có ba cấp khác nhau: Cấp thứ nhất, ngang dọc bằng nhau, rộng sáu mươi do tuần. Cấp thứ hai, ngang dọc bằng nhau, rộng bốn mươi do tuần. Cấp cao nhất, ngang dọc bằng nhau, rộng hai mươi do tuần. Mỗi cấp đều có bảy lớp tường rào chung quanh. Thậm chí có đủ các loại chim, mỗi loài đều cất tiếng hát tuyệt diệu, không thiếu âm hưởng nào. Trong ba cấp này đều có Dạ-xoa cư trú. Giữa chừng núi Tu-di, cao bốn vạn hai ngàn do tuần, có cung điện của Tứ Đại Thiên Vương cư trú.
Luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Từ Diêm-phù-đề xuống hai vạn do tuần là địa ngục Vô gián. Từ Diêm-phù-đề trở lên bốn vạn do tuần là chỗ cư trú của Tứ Đại Thiên Vương.
Về ăn mặc của thiên chúng cõi trời Tứ Thiên Vương
Chư Thiên trong sáu Trời của cõi Lục dục đều không mặc áo trời, du hành tự tại. Xem ra như mặc lớp hào quang sống động, không thể đem vải vóc thế gian so sánh. Y phục của chư Thiên cõi sắc giới, tuy gọi là thiên y, nhưng thật ra cũng như là hào quang, càng biến chuyển, càng đẹp đẽ, không thể diễn tả nỗi. Còn kinh Khởi Thế nói: “Trời Tứ thiên vương thân cao nữa do tuần, áo dài một do tuần, rộng nữa do tuần, nặng nữa lượng.
Tuổi thọ của chư Thiên cõi Tứ Thiên Vương
Thọ lượng của chư Thiên như sau: Vếu nhân gian sống năm mươi năm, thì Trời Tứ thiên vương là một ngày đêm. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của Trời Tứ thiên vương là năm trăm tuổi. Tính theo ngày tháng của nhân gian là chín trăm vạn năm.
Về quyến thuộc và hôn nhân
Như kinh Khởi Thế nói: “Chư Thiên ở cõi Dục giới, như Trời Tứ thiên vương, Trời Tam thập tam đều có việc mua bán, đi tham quan, song chỉ cốt cho vui vẻ tinh thần. Thật sự khác hẳn với người thế gian, như trước đây đã nói”.
Như kinh Khởi Thế nói: “Ba châu còn lại đều có phép tắc hôn lễ giữa nam nữ. Người Uất-đơn-việt không có chỗ riêng. Nếu cây cong xuống che kín, nam nữ liền giao hợp, không dùng đến hôn lễ. Các loại Rồng, chim Kim sí, A-tu-la đều có phép tắc hôn lễ giữa nam nữ, hơi giống người thế gian. Chư Thiên cõi Lục dục và Thiên ma đều có hôn lễ. Nếu mỗi lần muốn hành dục, thì hai vật âm dương cùng đến, chất dơ tiết ra.
Tất cả các loại Rồng, chim Kim sí, nếu mỗi lần muốn hành dục, thì hai vật âm dương cùng đến, chỉ có làn khí tỏa ra, liền được khoái lạc, không có chất dơ. Trời Tam thập tam, mỗi lần muốn hành dục, thì hai vật âm dương cùng đến, liền được khoái lạc, cũng tỏa ra làn khí, như các loài Rồng, chim Kim sí ở trước, không khác chút nào. Trời Dạ ma cùng nắm tay nhau thành ra hành dục. Trời Đâu suất đà cùng tưởng nhớ đến nhau thành ra hành dục. Trời Hóa lạc cùng nhìn nhau say đắm thành ra hành dục. Trời Tha hóa tự tại cùng tâm sự với nhau thành ra hành dục. Các Trời Ma thân cùng trông nhau thành ra hành dục. Tất cả đều được khoái lạc, thỏa nguyện chuyện dục”.
*
Hơn nữa, luận Lập Thế nói: “Trời Tứ thiên vương nếu đi hỏi Thiên nữ, khi nhà Thiên nữ hứa gã xong xuôi, mới được rước dâu, hoặc bán chác, hoặc trao đổi. Chư Thiên cõi Dục giới cũng đều như thế. Người Diêm-phù-đề và ba châu còn lại, các Trời Tứ thiên vương, Trời Đao lợi đều phải cùng nhau hòa hợp mới thành dục. Trời Dạ ma cùng ôm ấp nhau thành ra hành dục. Trời Đâu suất cùng nắm tay nhau thành ra hành dục. Trời Hóa lạc cùng cười với nhau thành ra hành dục. Trời Tha hóa tự tại cùng nhìn nhau thành ra hành dục.
Các Thiên nữ ở cõi Trời Tứ thiên vương không ăn rỡ, không mang thai, không sinh con, không ẳm con. Khi nam nữ sinh con, hoặc trên đầu gối, hoặc ở chỗ ngủ, đều có thể sinh được. Nếu sinh ở chỗ người nữ, Thiên nữ nghĩ rằng: “Đây là con ta”. Thiên nam cũng nói là: “Đây là con ta”. Thế là con của một cha một mẹ. Nếu sinh trên đầu gối, ở chỗ ngủ của người cha thì con chỉ có một cha, nhưng các thê thiếp khác đều được làm mẹ. Cũng có người tu hành đến chết, không hành dục. Chuyện sinh con, hành dục của Trời Tứ thiên vương nhiều vô số lượng, nhưng cũng có người tu hành đến chết, không hành dục.
*
Tất cả chư Thiên ở cõi Dục giới cũng đều như thế. Hết thảy người nữ đều lấy sự đụng chạm làm khoái lạc. Tất cả người nam, khi tiết ra chất dơ, đều lấy làm khoái lạc. Chư Thiên ở dục giới lấy việc tỏa ra chất khí làm khoái lạc”.
Trời Tứ thiên vương đều ăn vị Tu đà. Sáng ăn một nắm, chiều ăn một nắm. Ăn vào cơ thể xong liền biến đổi thành thân mạng. Vị Tu đà nầy ở vườn tược, ao hồ, vườn cảnh đều có mọc tự nhiên. Vị Tu đà nầy cũng có thể biến thành tám món ăn uống như Khư đà ni. Tất cả chư Thiên ở Dục giới cũng đều ăn như thế. Chư Thiên ở Sắc giới, từ cõi Sơ Thiền đến cõi Biến tịnh, đều lấy niềm vui làm thức ăn. Chư Thiên từ cõi Vô sắc giới trở lên, đều lấy ý thức làm thức ăn”.
Chư Thiên cõi Tứ Thiên Vương ăn uống thế nào
Kinh nói: “Chư Thiên ở Dục giới, tùy theo phẩm bậc sang hèn, có thức ăn tốt xấu không giống nhau. Kẻ phước dày, tùy theo ý nghĩ, đều được cung ứng đầy đủ, uống thì nước cam lồ đầy ly,
Ăn thì trăm món cùng hiện đến. Kẻ phước mỏng, tuy có ăn uống nhưng thường không vừa ý lắm, vì không được no đủ, nên còn xuống các cõi dưới kiếm ăn”. Bởi thế, kinh có nói: “Thí dụ như chư Thiên cùng thức ăn đựng trong đồ quý giá, tùy theo phước đức, thức ăn có màu sắc khác nhau, bậc thượng phẩm thì thấy màu trắng, bậc trung phẩm thì thấy màu vàng, bậc hạ phẩm thì thấy màu đỏ. Chư Thiên ở Sắc giới lấy Thiền duyệt làm thức ăn. Nếu luận theo Tứ thực chỉ có lối Xúc thực”.
Sự cai quản của Tứ Đại Thiên Vương
Kinh Đại Cát Nghĩa Chú nói: “Tứ Đại Thiên Vương hộ thế thống lãnh bốn phương.
- Thiên vương Đề Đầu Lại Tra thống lãnh đám Càn thát bà.
- Thiên vương Tỳ Lưu Bác Xoa thống lãnh đám Cứu bàn trà.
- Thiên vương Tỳ Lưu Lặc Xoa thống lãnh loài Rồng.
- Thiên vương Tỳ-sa-môn thống lãnh đám Dạ-xoa.
Tứ Đại Thiên Vương này, mỗi vị có chín mươi mốt người con trai, dung mạo đoan trang, có uy lực lớn, đều gọi là Đế. Bốn Thiên vương này gồm có ba trăm sáu mươi bốn người con trai, thường hộ vệ khắp cả mười phương. Có Thích-đề-hoàn Nhân thống lãnh tất cả thế giới bốn phương. Thiên vương Đại phạm thống lãnh trên cõi Trời”.
*
Luận Trí Độ nói: “Tất cả sơn hà, thảo mộc, đất đai, thành quách, tất cả quỷ thần đều lệ thuộc vào sự thống lãnh của Tứ Đại Thiên vương. Thế nên, tất cả đều cùng nhau tháp tùng bốn Thiên vương mà đến. Trong đám quỷ thần này, có kẻ không có được quyển kinh Bát Nhã Ba la mật, nên kẻ ấy đi đến chỗ Bát nhã ba la mật, hành lễ, cúng dường, thì cũng được lợi ích”. Từ Trời Đao lợi của Dục giới trở lên, quyến thuộc của chư Thiên trở thành đông đúc không thể xác định số lượng. Như Đế-thích có đủ chín mươi ức Na-do-tha Thiên nữ và có hàng ngàn người con cùng vô số quần thần họp thành quyến thuộc”
Sáu Trời ở Dục giới có sự sang hèn khác nhau, vì có sự phân biệt giữa vua tôi, dân chúng và thê thiếp. Như trong Trời Đế-thích thì Đế-thích là vua, ba mươi hai Trời là quần thần. Các Thiên chúng còn lại là dân chúng. Phu nhân làm đẹp lòng trong hàng Thiên nữ là Thiên hậu. Các Thiên nữ còn lại là thứ thiếp. Năm Trời kia đều giống như thế.”.
Sự giàu nghèo và phong tục cõi Tứ Thiên Vương
Kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Từ Trời Đao lợi trở xuống, tùy theo phước báo dày mỏng mà có sự phân biệt giàu nghèo. Vị có phước dày, tất cả đều đầy đủ, hưởng thụ dư thừa. Vị có phước mỏng, tuy có y phục, cung điện làm bằng bảy loại bảo vật, nhưng ăn uống thường không no đủ”. Thế nên, kinh ấy có nói:
“Đã từng có chư Thiên mỏng bề phước đức, vì bị nạn đói, phải hành hạ xuống cõi người Diêm-phù-đề, hái táo chua để ăn. Người ở đây thấy hình thù dị thường, sợ sệt xúm đến hỏi han.
Vị ấy đáp rằng: “Ta thật không phải là người mà chính là Trời bạc phước. Tuy có cung điện, y phục tuyệt đẹp, nhưng ăn uống thường không no đủ, nên phải xuống đây hái táo để ăn. Các người chớ nên sợ sệt!”. Kinh điển hay phổ biến chuyện này”(Do kiếp trước tu hành giữ giới, nhẫn nhục, nhưng không làm bố thí).
*
Như từ Trời Tứ thiên vương đến Trời A-ca-ni-tra, nếu trong gia quyến có người chết thì không đưa tiễn, không hỏa thiêu, không vứt thây, không chôn cất. Vừa khi thân quang vụt tắt thì sẽ không còn hình hài, vì được hóa sinh ra. Trời Tứ thiên vương hoặc tự mình sát sinh, hoặc khiến vị khác sát sinh. Sinh vật đã chết không ăn thịt. Chư Thiên Trời Đao lợi cũng như thế. Từ Trời Dạ ma trở lên Trời A-ca-ni -tra, đều không tự mình sát sinh, cũng không khiến người khác sát sinh. Sinh vật đã chết không ăn thịt. Vì do hóa sinh ra, nên khi chết đi, không còn thi hài. (Theo Pháp uyển Châu Lâm)
( Tứ Đại Thiên Vương là những ai )
Tuệ Tâm 2021.
5/5 - (2 bình chọn)- Share on Facebook
- Tweet on Twitter
- Share on LinkedIn
Từ khóa » Tứ đại Thiên Vương Là Gì
-
Tứ đại Thiên Vương Trong đạo Phật - Văn Hóa Tâm Linh
-
Tứ đại Thiên Vương Trong đạo Phật Là Những Ai? - .vn
-
Thiên Vương – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tìm Hiểu Tứ Đại Thiên Vương Trong Phật Giáo - HoaSenPhat
-
Tứ Đại Thiên Vương Phật Giáo Bao Gồm Những Ai?
-
Tứ đại Thiên Vương | Giác Ngộ Online
-
Tứ đại Thiên Vương Trong đạo Phật Gồm Những Vị Nào? - Sống Đẹp
-
Tứ đại Thiên Vương Trong đạo Phật Là Những Ai? - Hỏi Gì 247
-
Tìm Hiểu ý Nghĩa Của Tứ Đại Thiên Vương Trong Phật Giáo
-
Tượng Tứ Đại Thiên Vương ý Nghĩa Như Thế Nào?
-
Ý Nghĩa Tượng Tứ Đại Thiên Vương & Mối Liên Hệ Với Quan Âm ...
-
Ý Nghĩa Hình Xăm Tứ Đại Thiên Vương-Tượng Thiên Vương 2021
-
Tứ Đại Thiên Vương Phật Giáo Bao Gồm Những Ai? - Muarehon
-
Tứ đại Thiên Vương (âm Nhạc) - Wiki Là Gì