Tự điển - Hành Khiển Đại Vương - .vn

Hành Khiển Đại Vương có nghĩa là:

(行譴大王): theo quan niệm tín ngưỡng dân gian của Trung Quốc, có 12 vị Đại Vương Hành Khiển, được gọi là Thập Nhị Hành Khiển Đại Vương (十二行譴大王), cai quản nhân gian. 12 vị ứng với 12 Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Các Đại Vương này còn được gọi là đương (kim) niên chi thần (當[今]年之神, vị thần của năm nay). Mỗi vị có trách nhiệm thống nhiếp thế gian trong vòng 1 năm, xem xét mọi chuyện tốt xấu của từng người, từng gia đình, từng thôn xã, cho đến từng quốc gia để luận tội và trình tấu lên Ngọc Hoàng Thượng Đế. Bên cạnh mỗi vị Đại Vương, thường có một vị Phán Quan trợ lý. Trong số 12 vị này, có rất nhân đức, độ lượng; có vị cương trực và cũng có vị rất nghiêm khắc. Tương truyền rằng có năm xảy ra loạn lạc, chiến tranh, mất mùa, thiên tai, v.v., cũng do các vị Đại Vương Hành Khiển gây ra để trừng phạt nhân gian. Tên gọi các vị Đại Vương Hành Khiển và Phán Quan như sau: (1) Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển Đại Vương (周王行譴), Thiên Ôn Hành Binh Chi Thần, Lý Tào Phán Quan; (2) Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển (趙王行譴), Tam Thập Lục Phương Hành Binh Chi Thần, Tiêu Tào Phán Quan; (3) Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển (魏王行譴), Mộc Tinh Chi Thần, Tiêu Tào Phán Quan; (4) Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển (鄭王行譴), Thạch Tinh Chi Thần, Liễu Tào Phán Quan; (5) Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển (楚王行譴), Hỏa Tinh Chi Thần, Biểu Tào Phán Quan; (6) Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển (呉王行譴), Thiên Hải Chi Thần, Hứa Tào Phán Quan; (7) Năm Ngọ: Tần Vương Hành Khiển (秦王行譴), Thiên Hao Chi Thần, Nhân Tào Phán Quan; (8) Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển (宋王行譴), Ngũ Đạo Chi Thần, Lâm Tào Phán Quan; (9) Năm Thân: Tề Vương Hành Khiển (齊王行譴), Ngũ Miếu Chi Thần, Tống Tào Phán Quan; (10) Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển (魯王行譴), Ngũ Nhạc Chi Thần, Cựu Tào Phán Quan; (11) Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển (越王行譴), Thiên Bá Chi Thần, Thành Tào Phán Quan; (12) Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển (劉王行譴), Ngũ Ôn Chi Thần, Nguyễn Tào Phán Quan. Một trong những ý nghĩa quan trọng của Lễ Giao Thừa là vì tục lệ Việt Nam chúng ta tin rằng mỗi năm có một vị Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để cung tiễn vị cũ ra đi và nghênh đón vị mới đến. Sở dĩ Lễ Giao Thừa được thiết cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút vị cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã; thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì cả.

Trên đây là ý nghĩa của từ Hành Khiển Đại Vương trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam cung cấp. Các từ khóa khác về Phật học trên hệ thống sẽ được tiếp tục cập nhật.

Từ khóa » Tiêu Tào Phán Quan Là Ai