Từ điển Tiếng Việt "đình Công" - Là Gì?

đình công

- đgt. (H. đình: thôi; công: việc làm) Nói công nhân ngừng việc làm để đòi hỏi hay phản kháng điều gì: Công nhân Máy tơ đã nổ đình công (Ng-hồng).

 x. Bãi công.

hdg. Ngưng việc làm để phản đối hoặc yêu sách điều gì. Tổng đình công: đình công toàn diện.

Đỉnh cao của tranh chấp lao động tập thể được biểu hiện ở việc ngừng việc tập thể. Đình công là biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhất của tập thể lao động để đòi người sử dụng lao động thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động, đòi thỏa mãn những yêu sách và các vấn đề trong quan hệ lao động. Theo các Điều 172 – 179 Bộ luật lao động, tập thể lao động chỉ có thể quyết định đình công khi tranh chấp lao động tập thể đã được hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng họ không nhất trí với quyết định này mà cũng không lựa chọn việc yêu cầu tòa án giải quyết. Việc đình công phải tiến hành qua các bước sau đây: Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động bằng bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ kí và phải được quá nữa tập thể lao động tán thành. Ban chấp hành công đoàn làm bản yêu cầu của cuộc đình công, cử đại diện, nhiều nhất là ba người trao bản yêu cầu này cho người sử dụng lao động đồng thời gửi thông báo đình công cho cơ quan lao động cấp tỉnh và liên đoàn lao động cấp tỉnh. Sau khi thực hiện các thủ tục đó, cuộc đình công có thể bắt đầu.Pháp luật nghiêm cấm các hành vi bạo lực, làm tổn hại máy móc, thiết bị, tài sản của doanh nghiệp, các hành vi xâm phạm trật tự an toàn công cộng trong khi đình công. Các cuộc đình công bị coi là bất hợp pháp khi: - Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể, vượt ra ngoài phạm vi quan hệ lao động. - Vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp. - Không theo đúng trình tự, thủ tục quy định Chính phủ quy định các doanh nghiệp phục vụ công cộng, doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh quốc phòng không được đình công. Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định hoãn hoặc ngừng một cuộc đình công nếu thấy cuộc đình công đó có nguy cơ nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân hoặc an toàn công cộng. Điều kiện, trình tự, thủ tục cụ thể tiến hành đình công, việc giải quyết các cuộc đình công được quy định cụ thể trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết tranh chấp lao động do Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 11.4.1996.

Nguồn: Từ điển Luật học trang 160

xem thêm: bãi công, đình công, đình hoãn

Từ khóa » đình Công Nghĩa Là Gì