Từ 'điều Chỉnh Quy Hoạch Dọc đường Lê Văn Lương - Tố Hữu'

Cần xử lý trách nhiệm ra sao để chấm dứt tình trạng cho phép, phê duyệt các điều chỉnh quy hoạch một cách dễ dãi, vô tội vạ như đã xảy ra?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Vi phạm dọc đường Lê Văn Lương - Tố Hữu: Xử lý sao cho nghiêm mà không thiệt người mua nhà?Vi phạm dọc đường Lê Văn Lương - Tố Hữu: Xử lý sao cho nghiêm mà không thiệt người mua nhà?

Theo Kết luận của Thanh tra Bộ xây dựng, UBND TP.Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã liên tục điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật. Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Nhưng khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế… Trong đó, có nhiều dự án chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, diện tích sàn, thậm chí có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng. 

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường cho rằng, tình trạng điều chỉnh quy hoạch tại nhiều khu vực, nhiều tuyến đường ở Hà Nội diễn ra từ lâu.

Để xác định trách nhiệm của những sai phạm này, theo ông Võ, trước hết cần phải định vị được xem lỗi sai nằm ở đâu, nguyên nhân nào: "Ai gây ra sai, ai cho phép điều chỉnh quy hoạch, ai cho phép điều chỉnh dự án? Điều chỉnh đó ở mức nào? Chủ đầu tư sai ở mức nào? Có phần của chủ đầu tư sai, có phần của cơ quan cho phép điều chỉnh sai không đúng pháp luật về điều chỉnh quy hoạch?

Cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết đến từng số tầng, căn nhà đúng đến đâu? Việc điều chỉnh có trái thầm quyền?"

7

Theo TS.KTS Ngô Doãn Đức, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Trãi, điều chỉnh quy hoạch là một nhu cầu, khó tránh khỏi trong quá trình phát triển đô thị.

Tuy nhiên, việc cho xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng trong nội đô, tăng thêm tầng cao của các công trình trên đường Lê Văn Lương hay khu đô thị Linh Đàm là điều chỉnh “lùi”, cho thấy sự phát triển phiến diện, đề cao yếu tố kinh tế mà không quan tâm đến vấn đề giao thông, môi trường.

Sự phát triển của các đô thị, trong đó có Hà Nội thời gian qua là điều đáng mừng nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Cách thức quản lý quy hoạch có phần tùy tiện, áp đặt, một số quyết định điều chỉnh quy hoạch cục bộ và chi tiết đôi khi còn mang tính chủ quan cá nhân… phá vỡ định hướng phát triển của thành phố, để lại hệ lụy cho người dân và sự phát triển của đô thị.

KTS Ngô Doãn Đức cho rằng: "Người chịu trách nhiệm đầu tiên là cơ quan được giao lập quy hoạch, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết… Nơi lập quy hoạch phải giải thích tại sao lại điều chỉnh quy hoạch. Thứ hai là những người ra chủ trương, yêu cầu điều chỉnh quy hoạch hay kiến nghị phải điều chỉnh quy hoạch và cơ quan phê duyệt quy hoạch này".

9

Hà Nội có chủ trương mở rộng diện tích và kéo giãn dân ra các khu vực ngoại thành nhằm giảm tải áp lực cho khu vực nội đô.

Tuy nhiên, nhiều dự án xin điều chỉnh quy hoạch dù gặp sự phản đối của cộng đồng dân cư nhưng vẫn được các cơ quan chức năng hợp thức hóa theo mong muốn của chủ đầu tư; một số dự án di dời trụ sở cơ quan, đơn vị nhằm ưu tiên đất để phát triển các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng xã hội kỹ thuật hầu hết lại được quy hoạch, “ nhường” cho phát triển các dự án chung cư, nhà cao tầng.

Chính sự sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch, “nhồi nhét” nhiều nhà cao tầng vào nội đô mà không đánh giá được những tác động đã gây áp lực tới hệ thống giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường. Hệ lụy nhìn rõ nhất là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập úng mỗi khi mưa lớn.

Kỳ họp thứ 3 khóa họp 15 của Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu quốc hội đã chứng kiến nhiều tuyến đường của Hà Nội đã biến thành sông sau những trận mưa lớn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật Quốc hội cho rằng có yếu tố trục lợi chính sách trong những điều chỉnh quy hoạch: "Tôi cho rằng có lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch của UBND thành phố Hà Nội, có trách nhiệm liên đới là Sở Quy hoạch, Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và đầu tư. Tại sao lại cho phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô khi mà chủ trương của thành phố là giãn dân. Điển hình như tuyến đường Lê Văn Lương, đây là vấn đề bất cập cần phải có kiểm điểm xử lý của người đứng đầu trong từng thời kỳ. Nhưng ở đây không chỉ có trách nhiệm của UBND TP còn có trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng có biết vấn đề này hay không?".

Ông Hòa cho rằng, một số chính quyền vì lợi ích cục bộ của địa phương đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị và sự phát triển của thủ đô. Bởi vậy, quá trình thanh, kiểm tra cần có sự tham gia của cơ quan điều tra. Nếu có lợi ích nhóm, tiêu cực trong quy hoạch, xây dựng, cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan theo đúng quy định của pháp luật, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để khắc phục tình trạng này, TS Võ Kim Cương, Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Tp.HCM cho rằng, cần phải đánh giá tác động giao thông, môi trường khi đề xuất điều chỉnh quy hoạch và tăng cường công tác hậu kiểm: "Tôi cho rằng hậu kiểm quan trọng hơn tiền kiểm. Mình vẫn có thói quen duyệt xong là xong, ở dưới thực hiện như thế nào ít khi kiểm tra và ít khi đề xuất giải pháp để thực hiện quy hoạch. Do vậy sau khi ký xong phải có chế độ hậu kiểm".

Một số ý kiến cho rằng, ngoài vai trò của chính quyền các cấp, Bộ Xây dựng cũng cần thường xuyên thanh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch và có những biện pháp điều chỉnh, xử lý sai phạm kịp thời, ngăn chặn những sai phạm, phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị.

Tổ hợp 12 tòa chung cư HH cao từ 36 - 41 tầng ở khu đô thị Linh Đàm nổi tiếng với mật độ dân số cao, xây san sát. Ảnh: Thanh niên

Tổ hợp 12 tòa chung cư HH cao từ 36 - 41 tầng ở khu đô thị Linh Đàm nổi tiếng với mật độ dân số cao, xây san sát. Ảnh: Thanh niên

Điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tùy tiện dẫn đến phá vỡ quy hoạch phát triển chung và để lại những hệ lụy lâu dài cho xã hội. Bởi vậy, cần làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, cá nhân tham gia thực hiện việc điều chỉnh này và nghiêm túc xử lý sai phạm theo các quy định pháp luật hiện hành, không có vùng cấm để tránh tái diễn.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: "Không có vùng cấm trong xử lí vi phạm điều chỉnh quy hoạch".

Hơn 10 năm trước, khu đô thị Linh Đàm được đánh giá là khu đô thị kiểu mẫu duy nhất ở miền Bắc với 60% diện tích là sân chơi, vườn hoa, sinh hoạt cộng đồng và nhà ở chỉ chiếm 23%.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của 4 tổ hợp nhà chung cư HH Linh Đàm với khoảng 8 nghìn căn hộ đã phá vỡ quy hoạch ban đầu khiến khu vực này trở thành điểm “nóng” về giao thông vào mỗi giờ cao điểm sáng, chiều, đồng thời nảy sinh vô số các vấn đề phức tạp về quản lý dân cư, về giáo dục, sức khỏe, môi trường và an ninh trật tự, đều bắt nguồn từ sự quá tải.

Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị giai đoạn 2013-2018, có tới 1.390 dự án có điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần, có dự án tới 9 lần…Điều này phản ánh về chất lượng công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, công tác điều chỉnh quy hoạch còn khá tùy tiện.

Tình trạng quá tải giao thông, hạ tầng xã hội do sự  xuất hiện của hàng chục cao ốc trên các trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Lê Văn Thiêm… đã được VOV Giao thông đề cập từ nhiều năm nay.

Nhưng chỉ đến khi, Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Kết luận số 39 cùng với tình trạng đường biến thành sông sau những trận mưa lớn gần đây ở Hà Nội, thì các cơ quan chức năng, các đại biểu quốc hội và dư luận mới thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Điều 47, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã nêu rõ căn cứ được phép điều chỉnh quy hoạch là khi có sự điều chỉnh về chiến lược, quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế- xã hội; có sự điều chỉnh, thay đổi địa giới hành chính và mục đích phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.

Tuy nhiên, nhìn lại các dự án điều chỉnh quy hoạch theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, hầu hết các dự án được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, về mật độ, về tầng cao, gia tăng lợi nhuận cho các chủ đầu tư nhưng lại làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, gây hệ lụy cho hệ thống hạ tầng giao thông, sự phát triển kinh tế- xã hội của đô thị.

Một quy hoạch để được phê duyệt phải thực hiện theo luật, mất nhiều năm, với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành. Tuy nhiên, khi  điều chỉnh lại đang được thực hiện theo nguyên tắc, cấp nào duyệt quy hoạch, cấp đó có trách nhiệm và quyền được điều chỉnh.

Bởi vậy mới xảy ra tình trạng một số dự án được lập chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc tỷ lệ 1/500 nhưng sau đó điều chỉnh nhiều lần, không công bố công khai minh bạch dẫn đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong quản lý đô thị không biết để quản lý, giám sát thực hiện.

Điều 14, Luật quy hoạch đô thị năm 2009 chỉ rõ, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

Điều chỉnh quy hoạch không hướng đến lợi ích của phát triển kinh tế, xã hội, sự phát triển bền vững của đô thị có thể gây hệ lụy lâu dài đến hàng trăm năm. Thế nhưng, công tác thanh kiểm tra quyết định điều chỉnh quy hoạch dường như chưa thực hiện, và cũng chưa có trường nào bị xử lý trách nhiệm về sai phạm đó.

Sự buông lỏng trong công tác điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng như kiểm gia, giám sát thực hiện quy hoạch thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan tham mưu điều chỉnh quy hoạch.

Đã đến lúc, Hà Nội nói riêng, và các đô thị khác nói chúng cần nghiêm túc rà soát lại các dự án sai phạm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước - những người đã ký quyết định điều chỉnh quy hoạch và xử lý đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành, không có vùng cấm nhằm tăng tính răn đe cho các dự án sau này.

Đặc biệt, cần làm rõ: có hay không vấn đề trục lợi, tham nhũng từ điều chỉnh quy hoạch, và coi đây là tình tiết tăng nặng khi điều tra, truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan.

Căn cứ vào thời gian của những điều chỉnh quy hoạch của các dự án sai phạm gây thiệt hại lớn cho kinh tế, xã hội, người đứng đầu chính quyền thành phố, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và pháp luật về những chữ ký của mình. Điều chỉnh quy hoạch là cần thiết nhưng phải căn cứ trên cơ sở khoa học.

Siết chặt công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đến thời điểm này dù đã quá muộn, nhưng vẫn cần phải làm và nhất định phải làm, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, thích ứng với sự thay đổi biến đổi khí hậu trong tương lai.

Từ khóa » Dự án Mở Rộng đường Lê Văn Lương Hà Nội