Tứ Diệu đế, Bát Chánh đạo Là Gì? | Tài Liệu Du Lịch

Mục lục

Trong phật giáo có tứ diệu đế và bát chánh đạo, cùng tìm hiểu

Tứ diệu đế là bốn chân lý cao thượng, chắc chắn, hiển nhiên. Bao gồm:

Khổ đế:

Là chân lý chỉ ra những nổi khổ của chúng sinh. Theo triết lý Phật giáo, tất cả loài vật, dù hữu tình hay vô tình trong thế giới đều ở trong khổ não.

Tập đế:

Nguyên nhân trực tiếp của nỗi khổ là do con người ta có lòng tham lam (tham), giận dữ (sân), si mê (si), và dục vọng, ham muốn danh, tật, sắc, thực, thụy. Lòng dục vọng của con người có căn nguyên sâu xa từ sự vô minh. Con người không hiểu được do nhân duyên chi phối, khiến cho “chư hành đều vô thường, vạn pháp đều vô ngã”, nên người ta lầm tưởng rằng cái gì cũng thường định, cái gì cũng của ta, có ta, chấp ngã, vị kỷ, tham dục, hành động, chiếm đoạt, tạo ra những nỗi khổ triền miên từ kiếp này sang kiếp khác. Cội nguồn của đau khổ là ái dục, luyến ái, bám víu và vô minh; trong đó, ái dục là ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng mọi người. Chính ái dục làm cho ta đeo níu sự sống dưới mọi hình thức và vì thế dẫn dắt lôi kéo con người mãi mãi phiêu bạt trong dòng luân hồi. Muốn thoát khỏi khổ não, phải tận diệt ái dục, xóa vô minh.

Diệt đế:

Là giải thoát luận và lý tưởng luận của Phật giáo, nó là phương pháp diệt trừ, từ gốc đến ngọn (từ nhân đến quả) nỗi khổ, giải thoát con người khỏi nghiệp chướng luân hồi. Theo triết lý Phật giáo, muốn vậy phải tận diệt mọi ái dục (phải dập tắt ngọn lửa dục vọng trong lòng mỗi người), dứt bỏ được vô minh, đạt tới sự sáng tỏ bản nhiên trong tâm con người, đưa chúng sinh đến Niết bàn thường trụ.

Đạo đế:

Là cách thức, con đường để được giải thoát khỏi nỗi khổ. Con đường đó không phải là cách tu luyện khổ hạnh ép xác, cũng không phài là chìm đắm trong dục lạc thấp hèn, thô bỉ. Đó là hai thái cực khôn thể đưa đến giải thoát. Con đường để diệt dục vọng, xóa vô minh, giác ngộ và giải thoát, theo Đức Phật là con đường ở giữa hai thái cực kia, là con đường tu luyện đạo đức theo giới luật và tu luyện tri thức, trí tuệ bằng “thực nghiệm tâm linh”, “trực giác”.

Bát chính đạo – con đường giác ngộ và giải thoát

Chính kiến

– Nhận thức đúng, nhìn nhận rõ phải trái, không để những điều sai trái che lấp sự sáng suốt của mình;

Chính tư duy

– suy nghĩ đúng đắn để đạt tới chân lý và giác ngộ;

Chính nghiệp

– Là hành động, việc làm đúng đắn, không làm những điều tàn bạo, gian ác, giả dối;

Chính ngữ

– Chỉ nói những điều đúng đắn, điều phải, điều tốt, không được nói những điều gian dối, điều ác, điều xấu;

Chính mệnh

– Sống đúng đắn, trung thực, nhân nghĩa, không tham lam, gian tà, vụ lợi;

Chính tinh tiến

– Nỗ lực, sáng suốt, vươn lên một cách đúng đắn;

Chính niệm

– Phải luôn tâm niệm và suy nghĩ đến đạo lý chân chính, đến điều tốt, không được suy nghĩ đến điều xấu xa, bạo ngược và tà đạo;

Chính định

– Kiên định, tập trung tư tưởng tâm trí vào con đường, đạo lý chân chính, không để bất cứ điều gì làm lay chuyển tâm trí, đạt tới giác ngộ.

Trong tám biện pháp tu luyện để đạt tới giác ngộ và giải thoát thì chính kiến, chính tư duy thuộc về môn tu luyện trí tuệ; chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh thuộc về môn tu luyện đạo đức theo giới luật; còn chính tinh tiến, chính niệm, chính định thuộc về môn tu thiền định. Tóm lại gọi chung là giới – định – tuệ. Như vậy, tư tưởng Đạo đế chính là đạo đức luận và tri thức luận của Phật giáo.

Từ khóa » Tứ Diệu De Và Bát Chánh đạo