Tự Doanh Chứng Khoán Là Gì? Những Yêu Cầu Với Nghiệp Vụ Tự ...

Chứng khoán đang thể hiện sức hút mạnh mẽ của mình với nhiều nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Tự doanh chứng khoán là một nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán được pháp luật quy định rõ ràng. Bạn quan tâm, chưa hiểu rõ tự doanh chứng khoán là gì? Chia sẻ dưới đây của Finhay sẽ làm rõ về nghiệp vụ tự doanh chứng khoán.

Tự doanh chứng khoán là gì?

Tự doanh chứng khoán là một nghiệp vụ của công ty môi giới chứng khoán trên thị trường. Hoạt động tự doanh chứng khoán là việc công ty môi giới tự mua hoặc bán chứng khoán cho chính mình, theo Luật chứng khoán 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010.

tu-doanh-chung-khoan-la-gi

Nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán được thực hiện thông qua cơ chế giao dịch mua-bán, tại sàn chứng khoán hoặc thị trường OTC. Chứng khoán được thể hiện dưới các hình thức: Chứng chỉ, bút toán ghi sổ, hay chứng chỉ điện tử. Hiện nay, do chứng khoán phái sinh chưa được phát triển hoàn chỉnh, nên hoạt động tự doanh xoay quanh các sản phẩm chứng khoán như: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. 

Mục đích của nghiệp vụ tự doanh chứng khoán

Hoạt động tự doanh chứng khoán được các công ty môi giới thực hiện nhằm mục đích:

  • Mang lại lợi nhuận từ chênh lệch giá cho chính công ty: Bởi công ty chứng khoán là một tổ chức chuyên nghiệp, có nhiều ưu thế về nguồn lực và tài chính hơn các nhà đầu tư cá nhân. Việc thực hiện tự doanh sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho công ty môi giới. Tuy nhiên, nhà nước vẫn có những quy định riêng, điều kiện bắt buộc về hoạt động tự doanh để tránh công ty môi giới thao túng thị trường.
  • Tạo nguồn dự trữ, đảm bảo khả năng cung ứng cho thị trường: Nhiệm vụ của các công ty chứng khoán là đảm bảo tính thanh khoản của thị trường. Do vậy, công ty cần tính toán, cân đối để mua dự trữ chứng khoán, đảm bảo khả năng cung ứng cho nhu cầu cần thiết.
  • Điều tiết thị trường chứng khoán, trong trường hợp giá biến động: Hiệp hội chứng khoán sẽ là đơn vị kết nối các công ty môi giới chứng khoán. Phân tích bàn luận đưa ra chiến lược điều tiết chứng khoán trên thị trường, chống lại các biến động giá xấu.

Đặc điểm nổi bật của nghiệp vụ tự doanh chứng khoán

Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán là hoạt động kinh doanh chứng khoán trên chính nguồn vốn của công ty. Những đặc điểm của nghiệp vụ tự doanh như:

  • Công ty thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán dưới danh nghĩa là khách hàng, nhà đầu tư.
  • Doanh thu của hoạt động tự doanh đến từ hoa hồng và phí. Đồng thời, doanh nghiệp tự doanh chứng khoán có thể nhận được 100% lợi nhuận từ hoạt động đầu tư.
  • Nghiệp vụ tự doanh mang tính chất đầu cơ, thực hiện trên nhiều công cụ phái sinh khác nhau với các khoản đầu tư phức tạp.

Yêu cầu và quy định đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán

Không phải công ty môi giới chứng khoán nào cũng được thực hiện nghiệp vụ tự doanh. Pháp luật và ủy ban chứng khoán nhà nước có những yêu cầu riêng với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, cụ thể như sau:

  • Yêu cầu tách biệt quản lý: Công ty môi giới chứng khoán thực hiện đồng thời nghiệp vụ môi giới và tự doanh chứng khoán cần có những quy định tách biệt 2 hoạt động này. Tách biệt liên quan đến: Quy trình nghiệp vụ, con người, tài sản, vốn cho từng loại.
  • Ưu tiên khách hàng trước tiên: Công ty tự doanh chứng khoán cần thực hiện nghiệp vụ nhưng cần ưu tiên quyền lợi của khách hàng đầu tiên, đảm bảo sự công bằng. Các lệnh giao dịch của khách hàng cần được xử lý trước lệnh của công ty.
  • Bình ổn giá thị trường chứng khoán: Theo quy định của pháp luật, mục đích của nghiệp vụ tự doanh thực hiện bình ổn giá chứng khoán trên thị trường.
  • Hoạt động tự doanh tạo tính thanh khoản cho thị trường: Áp dụng với các chứng khoán mới, chưa có thị trường giao dịch. Hoạt động tự doanh tạo tính thanh khoản, nhu cầu mua bán giao dịch của thị trường cấp 2.

yeu-cau-voi-cong-ty-tu-doanh-chung-khoan

Các loại hình tự doanh chứng khoán

Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được thực hiện bởi các công ty môi giới với mục đích và chiến lược khác nhau. Phân loại tự doanh chứng khoán cụ thể thành 6 loại:

  • Hoạt động tự doanh đầu tư ngân quỹ: Tất cả các doanh nghiệp đều cần dự trữ một lượng tiền mặt, phục vụ yêu cầu chi trả dự phòng các nhu cầu khác nhau. Ngoài tiền mặt, doanh nghiệp có thể dự trữ dưới dạng gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc chứng khoán ngắn hạn, có tính thanh khoản cao để sinh lời. Sử dụng số tiền dự phòng nhàn rỗi một cách hợp lý để tạo lợi nhuận.
  • Hoạt động tự doanh đầu tư chênh lệch giá: Công ty môi giới thực hiện hoạt động này thiên về đầu tư ngắn hạn, mua với giá thấp và bán với giá cao để ăn chênh lệch giá.
  • Hoạt động tự doanh đầu cơ: Loại hình mà công ty chứng khoán chấp nhận rủi ro về giá chứng khoán để kiếm lợi nhuận. Doanh nghiệp sẽ thực hiện mua chứng khoán số lượng lớn với giá thấp và bán ra với giá cao hơn trong tương lai. Lợi nhuận của hoạt động đầu cơ từ sự biến động mạnh của giá chứng khoán.
  • Hoạt động tự doanh đầu tư tự vệ: Mục đích của hoạt động nhằm bảo vệ trước sự biến động bất thường của giá chứng khoán. Công ty sẽ sử dụng các công cụ phòng vệ: future, swap, option… để loại trừ rủi ro từ một loạt hoạt động đầu tư khác.
  • Hoạt động tự doanh tạo lập thị trường: Đặc điểm của hoạt động này là công ty chứng khoán sẽ chấp nhận rủi ro để nắm giữ chứng khoán mới, với khối lượng và thời gian nhất định. Mục đích nhằm thúc đẩy và tạo ra thị trường giao dịch cho chứng khoán đó. Công ty chứng khoán đóng vai trò nhà tạo lập thị trường, đồng thời thường xuyên niêm yết mức giá chào mua – bán để kích thích các nhà đầu tư khác.
  • Hoạt động tự doanh nắm quyền kiểm soát: Mục đích nhằm thao túng hoặc nắm quyền kiểm soát của một tổ chức phát hành nào đó. Yêu cầu để thực hiện hoạt động này là tiềm lực kinh tế đủ mạnh và cán bộ có trình độ cao để kiểm soát tổ chức đó để thu về lợi nhuận. Hoạt động thường thực hiện với các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, nhưng có tiềm năng phát triển hoặc bán lại cho các đối tác trên thị trường.

Các hình thức giao dịch tự doanh chứng khoán

Hoạt động tự doanh chứng khoán có 2 hình thức giao dịch chính, cụ thể như:

  • Giao dịch trực tiếp: Thực hiện tay đôi giữa 2 công ty chứng khoán hoặc với khách hàng/ nhà đầu tư thông qua thương lượng. Đối tượng áp dụng hình thức này là chứng khoán niêm yết trên thị trường OTC.
  • Giao dịch gián tiếp: Công ty môi giới chứng khoán với vị trí khách hàng, nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán.

cac-hinh-thu-giao-dich-tu-doanh-chung-khoan

Quy định pháp luật về nghiệp vụ tự doanh chứng khoán

Hoạt động tự doanh chứng khoán được pháp luật và nhà nước quản lý rất nghiêm ngặt. Những quy định pháp luật liên quan đến nghiệp vụ tự doanh được thể hiện ở:

Quy định vốn pháp định của công ty tự doanh chứng khoán

Yêu cầu về vốn pháp định để doanh nghiệp được thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán là 100 tỷ đồng. Áp dụng với tất cả công ty chứng khoán 100% vốn Việt nam hay có vốn đầu tư nước ngoài hoặc chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam, được quy định tại Điểm b, khoản 1, điều 18 Nghị định số 14/2007/NĐ-CP.

Quy định về các hoạt động tự doanh chứng khoán

Theo điều 22, Thông tư số 121/TT-BTC, hoạt động tự doanh chứng khoán cần đảm bảo các quy định cụ thể như sau:

  • Công ty cần có đủ tiền hoặc chứng khoán để thanh toán các lệnh giao dịch của mình, sau khi đã ưu tiên khách hàng.
  • Hoạt động tự doanh cần được thực hiện dưới danh nghĩa của chính công ty môi giới, không được thực hiện dưới danh nghĩa của bên thứ 3. Không cho phép người khác sử dụng tài khoản tự doanh của mình.
  • Các trường hợp không được coi là hoạt động tự doanh: Mua/ bán cổ phiếu của chính mình, mua/ bán chứng khoán do sửa lỗi giao dịch.
  • Công ty chứng khoán cần ưu tiên khách hàng giao dịch trước. Đồng thời công khai với khách hàng mình là đối tác trong các giao dịch thỏa thuận.
  • Trường hợp Lệnh mua chứng khoán của khách hàng ảnh hưởng đến giá mã chứng khoán đó. Yêu cầu công ty không được mua – bán cùng loại chứng khoán đó hoặc tiết lộ thông tin với bên thứ 3.
  • Trường hợp Khách hàng đặt lệnh giới hạn, công ty không được mua – bán cùng chiều với loại chứng khoán đó, mức giá không được phép bằng hoặc tốt hơn mức giá nhà đầu tư đưa ra, trước khi lệnh của khách hàng được thực hiện.

quy-dinh-tu-doanh-chung-khoan

Quy định liên quan đến tài khoản tự doanh chứng khoán

Theo Công văn số 2327/UBCK-PTTT do Ủy ban chứng khoán nhà nước ban hành, hướng dẫn thực hiện Thông tư 74/2011/TT-BTC, quy định: “Công ty chứng khoán chỉ được mở một tài khoản tự doanh tại chính công ty của mình và không được mở bất cứ tài khoản nào ở các công ty môi giới chứng khoán khác”.

Sơ lược quy trình tự doanh chứng khoán

Hoạt động tự doanh chứng khoán sẽ được các công ty môi giới tự thực hiện theo chiến lược cũng như cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Không có một quy định bắt buộc nào về quy trình hoạt động tự doanh, nhưng các công ty có thể thực hiện theo các bước cơ bản sau:

  • Bước 1: Xây dựng chiến lược đầu tư chứng khoán riêng. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng và xác định cụ thể chiến lược đầu tư chủ động/ thụ động hay bán chủ động. Đồng thời lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư phù hợp.
  • Bước 2: Khai thác tìm kiếm cơ hội đầu tư. Công ty chứng khoán có thể tìm kiếm cơ hội tại các thị trường phát hành hoặc lưu thông, thị trường đã niêm yết hoặc chưa niêm yết.
  • Bước 3: Phân tích, đánh giá tiềm năng cơ hội đầu tư. Đây là nhiệm vụ của bộ phận tự doanh, với các chuyên gia tài chính, phân tích thị trường, đánh giá cơ hội sinh lời, điều tiết thị trường… Sau phân tích đưa ra kết luận về mã chứng khoán, khối lượng và giá cả đầu tư.
  • Bước 4: Thực hiện giao dịch đầu tư. Yêu cầu các hoạt động giao dịch tuân thủ đúng quy định của pháp luật về nghiệp vụ tự doanh.
  • Bước 5: Quản lý hoạt động đầu tư và thu hồi vốn. Bộ phận tự doanh sẽ theo dõi biến động thị trường, quản lý nguồn vốn đã đầu tư, tìm kiếm cơ hội mới, đánh giá các yếu tố nhận biết dấu hiệu để quyết định giữ lại hay bán đi.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến lược riêng để đầu tư chứng khoán, thực hiện nghiệp vụ tự doanh trên nền tảng cơ sở pháp luật quy định. Hy vọng những chia sẻ trên đây của Finhay về tự doanh chứng khoán sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về thuật ngữ này.

Từ khóa » Tổ Chức Tự Doanh Là Gì