Từ đứa Trẻ Mồ Côi Khổ Luyện Núi Thiêng Nuôi Chí Làm Tướng Cướp
Có thể bạn quan tâm
Hang ông Thẻ tương truyền là đại bản doanh của Đơn Hùng Tín. Ảnh T.G |
Đơn Hùng Tín không phải là nhân vật hư cấu mà là “người thực, việc thực”, có quê hương bản quán rõ ràng. Thế nhưng cuộc đời hắn ly kỳ với nhiều giai thoại đến khó tin. Có lẽ đây là tay giang hồ tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí thời tiền cách mạng, đồng thời làm cho những tay cò Tây (quan Pháp) Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20 phải “thất điên bát đảo”. Cho đến nay chưa có tài liệu nào ghi chép đầy đủ về năm sinh hay mất của tướng cướp Đơn Hùng Tín. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của một số nhà văn, nhà biên khảo sử, nhà văn hóa Nam Bộ… vẫn ghi chép một số điểm, đoạn về cuộc đời thiện ác của tên tướng cướp mang màu sắc huyền thoại này.
Sau nhiều ngày tìm hiểu về tiểu sử và danh phận của Đơn Hùng Tín ở An Giang, chúng tôi tình cờ biết đến một người mang “duyên nợ” và từng dành một phần sự nghiệp nghiên cứu, viết về Đơn Hùng Tín. Đó là nhà biên khảo Liêm Châu (89 tuổi, Châu Đốc). Nhà báo Liêm Châu chỉ kém nhà văn Sơn Nam hai tuổi, cả hai cùng học trường Trường Collège de Cantho (Cần Thơ) những năm 40 của thế kỷ trước. Lúc sinh thời nhà văn Sơn Nam có về vùng Bảy Núi trốn Pháp thì nghe danh tướng cướp Đơn Hùng Tín và ông đã dành một chương sách khá lớn để viết về tên “lục lâm thảo khấu” này với tựa chương “Đơn Hùng Tín chào đời”, trong tập “Hương rừng Cà Mau” nổi tiếng.
Người có “duyên nợ” với tên tướng cướp họ Đơn, cụ Liêm Châu cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thất Sơn huyền thoại, lại làm công tác biên khảo nên khá hiểu những nhân vật thuộc về lịch sử. Về Đơn Hùng Tín thì cụ cho rằng, y từng một thời “luyện phép” ở một số hang tại ngọn núi linh thiêng Tà Lơn (Campuchia). Sau đó hắn về lập hội và cát cứ ở núi Trà Sư và núi Cấm (huyện Tịnh Biên, An Giang), đến nay vẫn còn một số dấu tích. Hồi Sơn Nam còn sống, trong những buổi trà đàm cùng, Liêm Châu thường chia sẻ rằng, bản thân rất thích nhân vật này do đó có ý định viết hẳn một cuốn sách theo dạng tiểu thuyết kiếm hiệp. Đầu tiên cụ viết truyện “Ngũ hổ Đơn Hùng Tín” và nhờ Sơn Nam cùng nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà gửi báo Điện Tín ở Sài Gòn đăng dài kỳ, do cốt truyện hay nên rất được độc giả đón nhận.
Cho đến năm 1991, khi có thêm tư liệu về tướng cướp họ Đơn, cụ Liêm Châu đã tập hợp và viết tiếp thành 5 cuốn sách, mỗi cuốn 300 trang sau đó in tại một nhà xuất bản ở Sài Gòn. Thế nhưng, khi vừa xuất bản được một cuốn thì nạn tiểu thuyết Kim Dung của Trung Quốc in lậu ồ ạt vào khiến tiểu thuyết trong nước không thể bán được. Tác phẩm của cụ cũng không nằm ngoài số phận đó. Nhà nghiên cứu Liêm Châu cho biết, cuộc đời của viên tướng cướp này rất ly kỳ. Những lần “ăn hàng” của anh ta có nhiều giai thoại rất phi phàm. Cũng phải nhận thấy rằng, vì tính chất giật gân, câu khách của truyện, tiểu thuyết thời thực dân và sau này một số báo chí chế độ cũ Sài Gòn khi viết về Đơn Hùng Tín đã phóng đại rất nhiều, khiến nhân vật xa rời thực tế, không còn nguyên bản như ngoài đời.
Theo nhà nghiên cứu Liêm Châu, Đơn Hùng Tín chỉ là người bình thường đầu đen, máu đỏ chứ không phải mình đồng, da sắt đạn chì bắn không chết. Thế nhưng, vì tu luyện nên “ngón nghề” của anh ta đã đạt đến độ điêu luyện, bản thân thoắt ẩn thoắt hiện “khứ vô dấu, lai vô vết” làm quan Pháp phải đau đầu. Tín là kẻ trượng phu, trọng nghĩa khinh tài, ghét kẻ quyền thế. Dù chọn ăn cướp là một nghề nhưng anh ta luôn lấy của nhà giàu chia cho người nghèo. Điều đặc biệt, Tín còn nhân danh bình đẳng đấu tranh với bọn “mũi lõ” và tự xăm trên ngực hàng chữ: “Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái”. Nhà biên khảo Liêm Châu và cuốn tiểu thuyết viết về tướng cướp họ Đơn. Ảnh T.G |
Quê gốc Đơn Hùng Tín ở Cao Lãnh (Đồng Tháp). Hắn có tên khai sinh là Lê Văn Tín. Nhưng do mồ côi từ nhỏ, sống đời phiêu bạt chẳng sợ ai nên y lấy luôn tên Đơn (cô đơn), Hùng (anh hùng) và Tín (tên tục). Cũng có một giả thuyết khác là thời trẻ Tín rất thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Trung Quốc, trong đó có một nhân vật giang hồ hào hiệp tên Đan Hùng Tín (tiểu thuyết “Thiên Hạ Kiêu Hùng”, thời Đường). Vì quá ngưỡng mộ nên Tín lấy và cải tên họ của nhân vật này cho bản thân và hành hiệp giang hồ từ đó.
Cuộc đời Tín không ai rõ, nhưng nói về chuyện Tín luyện võ công như thế nào thì người dân vùng Bảy Núi ai cũng kể nằm lòng. Thuở hàn vi, nghe danh núi Tà Lơn là chốn thiên linh, hiểm địa, có nhiều đạo sỹ, người có công năng bùa phép huyền bí nên Tín lặn lội tìm tới. Trên núi nhiều hang động, mỗi động được xem là một am tu phải hương khói đầy đủ. Tín tự đặt cho mình cách rèn khắt khe. Mỗi buổi sáng thức dậy, y châm một que nhang sau đó chạy thật nhanh để châm hương cho tất cả số am trên núi mà đến am cuối cùng mồi lửa vẫn còn. Qua năm tháng tôi luyện, đôi chân Tín có thể vượt rừng, băng hang đá như loài sơn dương leo đèo. Ngoài ra để mắt tinh và sáng, Tín thường ngâm mình dưới suối nhìn mặt trời lúc ban mai và hoàng hôn. Vậy nên dân gian bảo rằng mắt Tín sáng như mắt khỉ đi đêm cũng như ngày. Rồi Tín có ăn cắp được một khẩu súng ngắn hiệu “mút-cơ-tông” của Tây. Ngày ngày tự học bắn để đạt đến “độ bách phát bách trúng”. Ngoài ra gã giang hồ này còn học bùa chú từ các thầy cao tay.
Thành “cao nhân” nhờ những màn xảo thuật
Trong tập “Đơn Hùng Tín chào đời”, nhà văn Sơn Nam có viết về cuộc gặp gỡ giữa Đơn Hùng Tín và một “quân sư” tên Giáo Phép. Phép rất thông minh, dù không biết võ nhưng rất nhiều mưu mẹo. Người này nguyên là giáo viên nhưng vì thói hút thuốc phiện và đánh bạc nên bị sa thải. Mộng đổi đời đã đưa chân Phép sang núi Tà Lơn “tu” lấy tên Giáo Phép (thầy giáo Phép) và mong gặp một ai đó sẽ “tư vấn” cho cách bịp thiên hạ để kiếm cơm. Nhân duyên thiên định đã khiến hai kẻ đồng chí hướng này gặp nhau. Biết Phép có mưu lược thì Tín coi như là quân sư, y mừng rỡ thẳng thừng đặt vấn đề cho tương lai: “Gặp được chú Giáo (Tín lớn tuổi hơn Giáo Phép), tôi mừng như cá gặp nước, như rồng gặp mây. Xem qua truyện Tống, truyện Đường, tôi thích có một nhân vật tên Đan Hùng Tín, người tận trung với chúa. Mai chiều mình làm giàu, cùng nhau chia cơm xẻ áo”.
Giáo Phép có mưu cao, lược sâu mách nước với giang hồ họ Đơn rằng, trong giới tu Tiên (phái tu Tiên) trên núi đang lưu giữ một cuốn sách tên là “Thiên thư bí quyết” rất hữu ích cho việc hành đạo sau này. Cuốn sách dạy người ta một số trò xảo thuật rất kỳ bí, nếu lĩnh hội được một trong những bài đó cũng đã đủ thay đổi vận mạng rồi. Anh ta dẫn ra câu chuyện rằng, có một ông lão tại núi học được phép mầu trong quyển “bí kíp” trên. Ông này nuôi một con khỉ, mỗi ngày cho nuốt một lá bùa nhưng đến ngày thứ 7 thì khỉ lăn ra chết. Ông đem xác khỉ cất vào cái hộp, đúng trăm ngày giở ra thì khỉ mở mắt, ông liền cho uống tiếp lá bùa thứ 8 thì khỉ sống lại, lanh lẹ và nhất nhất tuân lời ông. Mỗi ngày con khỉ chạy xuống chân núi trộm lấy 2 đồng xu về cống nạp cho ông lão.
Tín tìm mọi cách và cuối cùng lấy được cuốn sách. Theo lời hướng dẫn của Giáo Phép, anh ta quyết định học màn xảo thuật bắn đạn vào người không chết. Đó là dùng đạn đúc bằng sáp có hun khói giống hệt đạn chì, khi bóp cò nhìn từ xa đạn như thể găm vào người. Với trò xảo thuật này cả hai sẽ biểu diễn trước đám đông để dân chúng biết đến Đơn Hùng Tín là kẻ phàm thường, súng đạn bất nhập. Ngày ngày tên cướp họ Đơn và “quân sư” Phép luyện chẳng mấy chốc đã đạt đến độ tinh xảo. Khi đã yên tâm, Tín bảo Giáo Phép xuống núi dán thông báo để những tên giang hồ đang đói cơm rách áo cần thủ lĩnh thì lên núi sẽ được nhận đệ tử, sống trong một doanh trại giống “Lương sơn bạc” bên Tàu. Lối thoát của hang Đơn Hùng Tín. Ảnh T.G |
Đúng như mong muốn, Tín phao tin làm lễ hạ sơn thu phục đệ tử bằng trò bắn đạn vào người không chết, giang hồ tứ chiếng được tin kẻ ngưỡng mộ, người hiếu kỳ tập trung lên núi xem. Tại đây, Tín đứng trên một chiếc hang thẳm mọi người hội tề vòng quanh. Hắn thuyết giảng về chuyện bản thân đã luyện thành đến độ đạn chì bất nhập cơ thể. Giáo Phép diễn theo như những gì Tín nói khi đưa khẩu “mút-cơ-tông” và đạn chì sáng loáng cho những người xung quanh xem để chứng minh đó không phải là đạn giả. Màn biểu diễn bắt đầu, Tín bảo Phép đứng từ xa nhắm thẳng người Tín bắn. Sau phát đạn nổ đanh hơi khói khét bốc lên Tín vẫn không rơi xuống hố. Ngược lại y từ từ cắn đầu viên đạn thổi phù lăn xuống đá núi leng keng, mọi người xem ai nấy đều trố mắt kinh ngạc.
Để gieo vào lòng tin bọn giang hồ đang đói rách, Tín cho mọi người chiêm ngưỡng lại “công năng” của mình bằng phát súng thứ hai. Lần này, Giáo Phép nhằm thẳng đầu Tín và bóp cò, viên đạn bay chát vào đầu thối lên vách đá lòa máu đỏ, nhưng người bị bắn thì vẫn cười nói bình thường. Không ai biết đó là trò bịp mà Tín đã luyện thành công nhờ ngậm đạn thật trong miệng, còn viên đạn thứ hai có đầu sáp bít son Tàu đỏ nên giống hệt máu. Trò tung hứng của một thầy giáo biến chất và kẻ giang hồ ma mãnh khiến mọi thứ diễn ra như thật. Sau màn “hạ sơn” thành công, tiếng tăm Đơn Hùng Tín vang xa. Nhiều tay giang hồ tìm đến gia nhập bái y làm sư phụ. Chẳng mấy chốc sơn trại của của Đơn Hùng Tín lớn mạnh trở thành băng cướp nổi danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh.
Độc chiêu “xin” sính lễ đám cưới nhà thầy Cai
Tài “ăn hàng” của Tín siêu đẳng đến nỗi anh ta từng tuyên bố lấy tài sản của người khác bằng cách lấy ngay trước mặt chứ không thèm lấy lén lút đằng sau. Trong tập “Giang hồ lục tỉnh”, nhà văn Nguyên Hùng (SN 1927-2005) có viết giai thoại về cuộc “ăn hàng đường hoàng” của tướng cướp họ Đơn như sau. Nhà thầy Cai (Cai tổng) đang nhộn nhịp khách khứa, toàn là dân có máu mặt trong tổng, ghe tầu đậu đặc dưới bến. Hôm ấy là ngày thầy Cai làm lễ thành hôn cho con. Mấy ông trong ban hội các làng đều tới chung vui với gia đình vị đứng đầu tổng. Đây cũng là dịp cho mấy bà khoe của, ai cũng đeo vòng vàng đầy cổ tay.
Hai bên thông gia làm lễ lên đèn xong xuôi, khách khứa bắt đầu nhập tiệc. Bỗng dưới bến có tiếng máy hát vọng lên lảnh lót: “Con ơi, tháng Chạp tới đây là ngày con được ghi vào sổ nhân duyên, trên cung đàn nhấn phím tơ loan đàn bản cầm sắt cho duyên hai con bền chắc…”. Đó là giọng ca truyền cảm của cô Tư Sạn, thời đó làm người dân khắp Nam Kỳ Lục tỉnh mê mệt. Trên nhà mọi người chăm chú lắng nghe. Thầy Cai bước ra hàng ba nhìn xuống bến và nói to lên: “Có khách quý ở xa tới trễ, bà con mình chờ một chút”. Dưới sông, chiếc ghe hầu cập bến, một vị khách đóng áo dài ung dung bước lên. Ông tươi cười chào hỏi gia chủ. Nhưng thầy Cai nhìn khách lạ ông mới gặp lần đầu. Khách tự giới thiệu: “Tôi là hương hào làng bên hay tin thầy Cai cưới dâu cho con, tôi tới chia vui”. Rồi sau đó khệ nệ bưng một mâm phủ vải đỏ lên nhà và mở khăn nhiễu điều nói: “Xin thầy Cai nhận cặp rượu sâm banh với hai gói trà Ô Long Kỳ Chưởng gọi là chút quà mọn.
Thầy Cai nở nụ cười thật tươi đón nhận quà của khách lạ. Sâm banh là rượu đắt tiền, chỉ có Tây đầm và dân sang mới dám dùng cho nên một phút trước, khách còn là kẻ lạ, nhưng bây giờ thì kể như quen. “Mời anh hương vô ngồi chung bàn với tôi”, gia chủ tươi cười mời khách. Rượu được vài tuần, thầy Cai và thông gia đưa chàng rể, cô dâu chào bà con hai họ cùng thân bằng quyến thuộc. Từng bàn một nâng ly chúc mừng “loan phụng hoà minh, sắt cầm hảo hiệp” hoặc nôm na hơn là “trăm năm hạnh phúc”. Khách quý tặng bao thư giúp vốn cho cặp vợ chồng trẻ “ra riêng”. Đúng vào lúc đó khách lạ mới hiện nguyên hình là “tướng núi”: Đơn Hùng Tín. Trước họng súng, tất cả các bà đều riu ríu lột hết vòng vàng, cà rá bỏ vô chiếc khay mà tên trạo chìa ra từng bàn một. Xong rồi tên trạo bưng khay “chiến lợi phẩm” tuốt xuống ghe hầu. Đơn Hùng Tín ung dung từ biệt hai họ và thực khách.
Bỏ mạng vì đàn em phản bội
Chính vì chuyện mạo danh hương chức, quan lớn đi ăn tiệc và trấn lột những quan lại thân Tây nên nhiều bọn quan Tây lo nơm nớp một ngày nào đó tên cướp gian hùng “ghé thăm”. Tên tuổi của Đơn Hùng Tín đã được Pháp qui vào hạng đệ nhất tội phạm và ra giá thưởng với người nào cho tin chính xác để bắt. Một hôm đi kiếm ăn, ghe của Tín ghé cồn Rồng, neo giữa sông, để rồi từ đó đi xuồng nhỏ khi nào muốn qua Mỹ Tho. Vì cồn Rồng nằm cách bờ tỉnh Mỹ Tho chỉ độ 500 mét, bên bờ là chợ tỉnh, nhộn nhịp đông người. Tín sai một đàn em đi chợ mua đồ dùng.
Tên này là một kẻ sanh tâm phản trắc mà Tín không hề biết. Trên đường đi, hắn báo ngay với cảnh sát Pháp để lãnh thưởng. Vừa hay tin, chánh quyền sở tại mừng rỡ, tập trung cả cảnh sát, tàu ghe, bố trí kế hoạch bao vây cồn Rồng và ra lệnh bất cứ giá nào cũng phải bắt được, hoặc giết chết, không được để tưởng cướp thoát. Vòng vây đã xiết chặt mà Đơn Hùng Tín chẳng hề hay biết. Tên đàn em phản bội đã chỉ điểm xuồng nào của có Tín xuồng nào không nên bọn lính biết rất rõ và chúng cứ nhằm thế mà nhả đạn. Tín chống trả và định nhảy xuống sông tìm cách trốn thoát nhưng bọn Pháp trên bờ dùng hỏa lực đốt cháy và vây chặt không xuồng nào ra được, cuối cùng Đơn Hùng Tín cùng đàn em chết trong vòng vây. Cuộc đời của một tướng cướp lừng danh trời Nam chấm dứt từ đó.Sơn trại của tướng cướp họ Đơn? Có giả thuyết cho rằng, hồi hoạt động ở núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang), Đơn Hùng Tín lập đại bản doanh tại hang ông Thẻ. Hang ông Thẻ nằm ở mạn Đông Bắc núi Cấm là một hang rất nhiều ngách hiểm địa, chúng tôi đã có chuyến thám hiểm công phu nhưng không còn dấu vết gì. Thế nhưng những người dân sống trên núi còn kể lại rằng, trước đây có rất nhiều tiền mục rơi trong hang, có thể đây là những “chiến lợi phẩm” mà Đơn Hùng Tín cùng đàn em để lại. |
Từ khóa » Tiểu Sử đơn Hùng Tín
-
Thiện Hùng Tín – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tiểu Sử Đơn Hùng Tín: Tướng Cướp Lừng Danh Nam Bộ Một Thời
-
Tống Tửu Đơn Hùng Tín, Tần Quỳnh Khóc Bạn | Hoalongphongvan
-
Thuyết đường - Hồi 24 - Kiếm Hiệp - Truyện Online
-
Lost Bird - Gạo Nếp Đơn Hùng Tín Và đặc điểm Kì Lạ: Bỏ... | Facebook
-
Những Hang động Thất Sơn Huyền Bí: Doanh Trại Tướng Cướp Đơn ...
-
Tống Tửu Đơn Hùng Tín & Tần Quỳnh Khóc Bạn - Nhạc Music
-
Tùy Đường Diễn Nghĩa - Chương 60 - SSTruyen
-
Thời Trai Trẻ Sơn Nam Từng Chạm Mặt Võ Sĩ Lừng Danh Cùng Tướng ...
-
TÓM TẮT TIỂU SỬ VÀ GƯƠNG CHIẾN ĐẤU ANH DŨNG CỦA ANH ...
-
Tần Quỳnh Khóc Bạn - Kho Tàng Vọng Cổ Việt Nam
-
Khóc Đơn Hùng Tín - Khoc Don Hung Tin / Thanh Sang - Nhạc Music
-
Karaoke Tống Tửu Đơn Hùng Tín. 4 Lớp Xuân Tình. | Kho Nhạc ...