- Trang chủ
- Văn hóa
- Di tích LSVH Cấp tỉnh
Thứ Sáu, 08/05/2020 10:28:00 GMT+7 Từ đường họ Lê, thôn Y Lư, xã Nam Hoa Lượt xem: 5122 Arial Open Sans Times New Roman Calibri Tahoma Từ đường họ Lê thờ Thủy tổ, Điển Quốc công Lê Bá Kỳ. Tổ Lê Bá Kỳ quê gốc ở Thanh Hóa, được phong làm Hùng Liệt tướng quân dưới thời Lê Trung Hưng. Câu đối tại Từ đường ghi lại công lao của ông trong sự nghiệp phục hưng triều đình phong kiến nhà Lê: “Thảo Mạc phong công truyền miếu xã, Phù Lê nghĩa khi tráng sơn hà.” (Đánh dẹp quân Mạc công lao truyền miếu xã, Phò giúp nhà Lê chí khí ngút non sông.” Theo sách Nam Trực Văn hóa lịch sử qua các thời đại (của tác giả Lê Xuân quang, năm 2001): Năm 1545, Thái tế nhà Lê Trung Hưng là Nguyễn Kim chết. Hai người con trai của ông là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng tuổi còn nhỏ nên binh quyền rơi vào tay con rể Trịnh Kiểm. Khi anh em Nguyễn Uông trưởng thành, Trịnh Kiểm sợ mất binh quyền, mới dùng mưu ám hại Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng lo sợ xin vào trấn thủ Thuận Hóa. Trịnh Kiểm bằng lòng xin với vua Lê cho Nguyễn Hoàng làm quan trấn thủ Thuận Hóa, một mặt ngầm sai Hùng Liệt tướng quân Lê Bá Kỳ mang quân mai phục ở quãng sông chảy qua Nghệ Tĩnh, đợi thuyền Nguyễn Hoàng đi qua tìm cách hạ thủ. Thấy Trịnh Kiểm thâm độc, tướng Lê Bá Kỳ cử người tâm phúc bảo cho Nguyễn Hoàng biết, Nguyễn Hoàng thoát chết. Nên bị Trịnh Kiểm nghi ngờ, tướng quân Lê Bá Kỳ đã đưa gia đình lánh về Lư thôn (làng Lau). Sự kiện này cũng được ghi lại ở nội dung câu đối lưu giữ tại Từ đường: “Khuông tán Lê triều, công đệ nhất, Chưởng phù Hoàng phảng. quốc vô song.” (Phò giúp triều Lê, công lao bậc nhất, Cứu giá thuyền rồng, ơn đức ai bằng.) Ngai, bài vị Bản thổ Điển Quốc công Lê Bá Kỳ tôn thần Đến năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, xét công lao Tướng quân Lê Bá Kỳ cứu sống Gia Dụ Hoàng đế (tôn hiệu của Nguyễn Hoàng), hạ chiếu ngày giỗ ông, được dự quốc tế, đổi Lư thôn thành làng Y Lư. Như vậy, Thủy tổ Lê Bá Kỳ về Y Lư vào khoảng nửa sau thế kỷ 16, thời gian này vẫn còn ảnh hưởng của chính sách khuyến nông tích cực để phát triển kinh tế, mở rộng đất đai canh tác của triều đình phong kiến nhà Lê. Nhà Lê chủ trương khuyến khích nông dân ở những nơi ít ruộng hoặc không có ruộng đến khai khẩn đất hoang ở các bãi bồi ven sông, ven biển để thành lập nên những miền quê mới. Được sự khuyến khích của triều đình, nhân dân nhiều nơi đã đến khai hoang lập ấp ở vùng đất Nam Định. Theo tư liệu lịch sử địa phương, tại địa bàn bốn thôn của xã Nam Hoa thời đó đều có các vị Thủy tổ về lập làng: thôn Hưng Đễ có tổ họ Phạm, họ Đặng; thôn Hưng Nghĩa có tổ Trần Công Toản; thôn Trí An có tổ Triệu Chân Kính, Thủy tổ Lê Bá Kỳ là người đầu tiên khai phá, tạo lập đất Y Lư. Bìa trí thờ tự tại tòa hậu cung Thủy tổ Lê Bá Kỳ chiêu tập dân ly tản, cho người phát hoang, vượt thổ làm nhà, cải tạo đồng ruộng, đào mương dẫn thủy nhập điền, thuận tiện việc trồng cấy. Ông dạy dân cấy lúa nước nơi ruộng trũng, trồng hoa màu trên ruộng cao, chăn nuôi gia súc gia cầm. Kế tiếp ông, các tổ họ Phạm, Vũ cũng về đây sinh sống và lập nghiệp. Trong công cuộc khẩn hoang, xây dựng làng xã, Thủy tổ Lê Bá Kỳ cùng các dòng họ đã tạo nên một tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn gian khổ. Qua thực tế sản xuất, các vị tổ và nhân dân đã dần đúc kết những kinh nghiệm, tìm ra giống lúa, hoa màu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cho năng suất cao. Nhờ đó, đời sống nhân dân ngày thêm ổn định, tạo nên làng xóm đông vui, trù phú. Cuộc đời của Thủy tổ Lê Bá Kỳ không chỉ gắn liền với sự nghiệp phục hưng của triều đình phong kiến nhà Lê mà ông còn đóng góp công đầu cùng thủy tổ các dòng họ để khai sáng, thành lập nên vùng đất Y Lư. Công lao ấy được lịch sử địa phương ghi nhận, dân làng và con cháu dòng họ tưởng nhớ. Tại tòa tiền đường còn có câu đối ca ngợi công đức của Thủy tổ: “Quyết sơ lập ấp quần dân, tổ công ngôn niệm, Kỷ độ khuông vương phụ quốc, thần đức duy dương. ” (Thuở đầu lập ấp họp dân, công lao của tổ còn nhớ mãi., Mấy độ phò vua giúp nước, ơn đức của thần được ngợi ca.) Sau khi Thủy tổ Lê Bá Kỳ qua đời, con cháu dòng họ cùng dân làng dựng từ đường thờ ông để tri ân công đức. Ông được suy tôn làm thần Bản thổ, triều đình phong kiến ban là Mãnh tướng, tên thụy Điểm Chính Phấn Dũng Hồng Huân, tặng phong Điển Quốc công. Đạo sắc ngày 25 tháng 7, năm Khải Định 9 (1924) đã ghi nhận công lao và chuẩn việc thờ phụng ông: “Sắc xã Y Lư, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định phụng thờ tôn thần Bản thổ Điển Quốc Công Lê Bá Kỳ, linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay gặp dịp Trẫm mừng thọ bốn mươi tuổi đã ban ơn tặng bảo chiếu, long trọng làm lễ tăng thưởng phẩm trật, phong tặng rõ ràng là Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần, linh thiêng phò giúp chính trị thịnh trị. Chuẩn cho phụng thờ thần, thần sẽ che chở bảo vệ dân ta” Sắc phong ban cho Bản thổ Điển Quốc công Lê Bá Kỳ tôn thần Niên hiệu Khải Định 9 ( 1924) Như vậy, từ đạo sắc trên cho thấy việc thờ tự tôn thần Bản thổ Điển Quốc Công Lê Bá Kỳ không chỉ ở trong phạm vi dòng họ mà ông còn được dân làng Y Lư thờ phụng với vai trò là thần Bản thổ. Bản thổ là thần đất, có nhiệm vụ bảo vệ long mạch và đất đai mà mình cai quản, có nhiệm vụ phối hợp với Thành hoàng bảo đảm an toàn cho người dân ở vùng đất ấy. Đối với cư dân nông nghiệp ở đất thuần nông Y Lư, thần đất còn là thần linh bảo vệ mùa màng. Tín ngưỡng thờ thần đất của nhân dân Y Lư vừa thuận theo tâm lý sùng bái tự nhiên vừa bắt đầu từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Vị thần đất của họ là nhân thần, người có công mở đất lập làng, có nhiều công trạng, sau khi mất, linh thiêng phù hộ, được phong làm Bản thổ, tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ chở che nhân dân sống ấm no, sung túc, bình an. Hiện nay, trong tòa hậu đường của di tích, dòng họ thờ khám và thần chủ của Thủy tổ Lê Bá Kỳ. Trên thần chủ ghi: “Tiên triều ban thần tổ Mãnh tướng, thụy Điểm Chính Phấn Dũng Hồng Huân, tặng phong Điển Quốc công” (Triều trước ban thần tổ là Mãnh tướng, tên thụy Điểm Chính Phấn Dũng Hồng Huân, tặng phong Điển Quốc công). Hàng năm tại Từ đường diễn ra nhiều ngày lễ, sinh hoạt văn hoá nhằm tôn vinh ghi nhớ công lao của Thủy tổ Điển Quốc công Lê Bá Kỳ và các vị tổ dòng họ đồng thời là những dịp để con cháu tỏ lòng tri ân với tiên tổ. Nghi thức tế lễ tuy đơn giản nhưng thành kính, trang nghiêm. Lễ giỗ Thủy tổ Điển Quốc công Lê Bá Kỳ, là ngày lễ quan trọng nhất của dòng họ. Theo các bậc cao niên trong họ kể lại, sau khi Thủy tổ Lê Bá Kỳ được sắc phong thờ phụng và được dự quốc tế, cứ đến ngày giỗ mùng 2 tháng 3 hàng năm có các quan triều đình về dự tế cùng dân làng và dòng họ. Về sau, nhân dân vẫn duy trì theo nếp ấy. Hiện nay, việc tế lễ diễn ra trong 3 ngày, từ 30 tháng 2 đến mồng 2 tháng 3, con cháu gần xa quây quần tập trung tại Từ đường để tổ chức nghi lễ long trọng. Ngày 30 dựng rạp, bày lễ. Chiều ngày mùng 1, dòng họ tổ chức nghi thức “tế cáo”. Sáng mùng 2, tổ chức tế nam quan trang trọng tôn nghiêm do các con trai, cháu trai đảm nhiệm. Ông trưởng họ đọc văn tế nêu tiểu sử phò vua giúp nước, sự nghiệp khai hoang lập làng của Thủy tổ. Các họ, các lão làng cùng tham gia tế lễ dâng hương. Con cháu dâng hương cẩn cáo tiên tổ ban phúc lành cho mọi người bình yên.. khỏe mạnh, học hành thành đạt. Lễ vật dâng cúng tổ có hương hoa, trà rượu, oản quả, xôi thịt. Sau tế lễ, con cháu thụ lộc, trò chuyện chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, gắn chặt thêm tình đoàn kết. Trong kỳ lễ có tổ chức các trò chơi dân gian, chiếu chèo vừa để tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên, vừa phục vụ đời sống tinh thần của dòng họ và dân làng. Cũng trong dịp này, dòng họ tổ chức lễ khuyến học, phát thưởng cho các cháu đạt thành tích trong học tập. Những ngày lễ cùng nghi thức được tổ chức hàng năm tại Từ đường họ Lê là dịp để con cháu báo hiếu, ôn lại công lao, sự nghiệp của tiền nhân, vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để đoàn kết gắn bó, học tập, lao động xây dựng quê hương giàu mạnh. Toàn cảnh từ đường Từ đường họ Lê được xây dựng trên khu đất rộng, mặt quay hướng Đông Nam. Tổng thể khu di tích gồm: nghi môn, sân và công trình kiến trúc trung tâm. Nghi môn của Từ đường quay hướng đông nam, được dựng bởi bốn cột đồng trụ tạo thành ba cửa ra vào. Qua nghi môn đến sân gạch đỏ rộng . Công trình kiến trúc từ đường họ Lê được xây dựng theo kiểu chữ “đinh”. Tòa tiền đường có 5 gian, bộ khung công trình được liên kết bởi bốn bộ vì gỗ lim kiểu câu đầu ván mê. Nâng đỡ bộ vì là hệ thống hai hàng cột và tường chịu lực: cột cái phía sau; cột quân (cũng là cột hiên), tất cả được kê trên chân tảng đá hình cổ bồng. Mỗi bộ vì có ba dạng liên kết, chủ yếu ở vì nóc, vì nách và liên kết hiên. Vì nóc được gia công theo kiểu câu đầu, ván mê. Các ván mê chạm hổ phù, khoét lòng. Phần đỉnh của ván mê đặt long cốt, phía dưới ván mê là câu đầu, một đầu ghép mộng nối với cột cái, một đầu nối với trụ non, tỳ lực xuống xà đinh phía dưới. Bộ cửa tiền đường được gia công bằng gỗ theo kiểu bức bàn, chân xoay chạy hết ba gian công trình. Tất cả các khoang cửa được đặt trên các ngưỡng đá. Hậu đường nối với tiền đường bởi 3 khoang cửa gỗ, cánh cửa thiết kế kiểu thượng chấn song hạ bức bàn. Hồi xây bít đốc, trổ cửa hình chữ nhật, lắp chấn song con tiện, cánh cửa chớp bằng gỗ, lấy ánh sáng và tạo sự thông thoáng cho khu nội tự. Bộ khung hậu đường được liên kết bởi hai bộ vì gỗ kiểu câu đầu ván mê, trên ván mê chạm hổ phù. Xà đinh chịu lực được làm bằng bê tông. Mái lợp ngói nam, nền lát gạch đỏ. Toà hậu đường là không gian thờ tự quan trọng nhất của từ đường. Tại đây, đặt khám, ngai, bài vị cùng sắc phong của Thủy tổ Điển Quốc công Lê Bá Kỳ ở chính giữa. Bên trái, bên phải thờ gia tiên. Phía trước thờ 3 tổ đầu ngành, vốn là ba người con của tổ Lê Bá Kỳ. Kết cấu bộ khung toà tiền đường Từ đường họ Lê là nơi thờ tự, tri ân công đức của các thế hệ con cháu dòng họ và nhân dân địa phương đối với Thủy tổ, tôn thần Bản thổ Điển Quốc công Lê Bá Kỳ. Điển Quốc công Lê Bá Kỳ là vị Thủy tổ đầu tiên có công khai phá, mở đất lập làng ở Y Lư. Sau khi ông mất được dân gian suy tôn, các triều đại phong kiến sắc phong là Bản thổ tôn thần. Từ đường là nơi cháu con phụng thờ Thủy tổ, đồng thời là nơi nhân dân thờ cúng vị thần Bản thổ của làng mình. Vì vậy, Từ đường họ Lê vốn là ngôi Từ đường dòng họ nhưng lại có chức năng như một ngôi đền thờ Thần đất của làng. Từ đường họ Lê là công trình tín ngưỡng mang phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc từ vật liệu xây dựng, đến bố cục thiết kế. Tại di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: sắc phong, nhang án, ngai, bài vị, khám thờ. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ từ đường là nơi dòng họ tụ họp, tuyên truyền, động viên, khích lệ nhau một lòng theo Đảng, theo Cách mạng, tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, kế hoạch của địa phương. Sự tồn tại của di tích luôn nhắc nhân dân nhớ đến lịch sử hình thành làng xóm, không quên công lao người đầu tiên khai phá. Đây cũng là nơi để con cháu dòng họ cùng dân làng vừa ngưỡng vọng, tri ân vừa nhờ cậy thần phù hộ chở che được khỏe mạnh bình an, mùa màng tươi tốt, con cháu học hành thành đạt. Ở đây, hàng năm diễn ra các hình thức sinh hoạt văn hoá của dòng họ cùng nhân dân địa phương qua các kỳ lễ tiết, ngày giỗ thần. Nhờ đó những giá trị văn hoá được bảo lưu và phát huy. Từ đường họ Lê ở một góc độ nhất định, là nơi thể hiện tín ngưỡng thờ Thần đất của dân làng Y Lư, là nơi con cháu dòng họ dựa vào đây làm điểm tựa tinh thần, luôn phấn đấu học tập, lao động, sáng tạo, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Với những giá trị tiêu biểu về Lịch sử - Văn hóa, từ đường họ Lê, thôn Y Lư được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2019. Tin khác - Từ Đường họ Triệu, xã Nam Hoa 20/12/2024 (15 Lượt xem )
- ĐỀN NHO LÂM, XÃ BINH MINH 19/12/2020 (2801 Lượt xem )
- ĐỀN ĐÔNG, THÔN NGỌC THỎ, XÃ TÂN THỊNH 19/12/2020 (2709 Lượt xem )
- Đền, chùa thôn Nội, xã Nam Thanh 19/12/2020 (3979 Lượt xem )
- Từ đường họ Nguyễn Đình, xã Nam Cường 27/10/2020 (7349 Lượt xem )
|