Tư Duy Chiến Lược Của Đảng Trong Chiến Dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tập trung hoàn thành chiến dịch

Ngày 7/5/1953, Đại tướng Henrri Navarre (khi ấy là Tham mưu trưởng lục quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)) được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương. Navarre đã đề ra kế hoạch quân sự mới vào tháng 7/1953 với hy vọng quân Pháp đang trong tình thế phòng ngự bị động sẽ “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng. Thực hiện Kế hoạch Navarre, quân Pháp đã mở rộng càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Bộ và tập trung quân cơ động chiến lược ở Bắc Bộ chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn vào Việt Bắc để giành thắng lợi quyết định để nhanh chóng kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng.

Vào tháng 9/1953, Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, tác chiến là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, tương đối yếu mà đánh; giữ vững thế chủ động, kiên quyết tiến công, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng, các mặt trận; chọn thời cơ quyết chiến, quyết thắng. Để làm thất bại kế hoạch Navarre, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Địch tập trung quân sự đông để tạo nên sức mạnh. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn... Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc làm hướng chính. Các hướng khác là hướng phối hợp”.

Tháng 11/1953, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho quân ta tiến lên Tây Bắc. Cùng với hướng chính là Tây Bắc, quân ta cũng tiến đánh Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào. Do đó, quân Pháp buộc phải phân tán lực lượng để giữ Tây Bắc (ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ), Thượng Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ.

Được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã tiến hành xây dựng nhanh chóng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Các tướng lĩnh Mỹ và Pháp đều cho rằng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại”. Do đó, để giành thắng lợi mang tính quyết chiến chiến lược, quân ta cần tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để làm lung lay đến tận gốc rễ hy vọng tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch ở đây, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.

Bộ Chính trị nhận định Điện Biên Phủ có một vị trí cô lập, xa căn cứ hậu phương của địch và mọi sự tăng viện, tiếp tế đều dựa vào đường hàng không. Lực lượng ta là những đơn vị chủ lực tinh nhuệ, có tinh thần chiến đấu cao và đã được huấn luyện về cách đánh tập đoàn cứ điểm. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Tại hội nghị, Bộ Chính trị đã thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Ngoài ra, Hội đồng Cung cấp mặt trận cũng được thành lập ở Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Theo đó, các địa phương cũng thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận cấp liên khu và cấp tỉnh.

Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Tổng quân số điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 55.000 người, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Đảng, Chính phủ ta cũng đã huy động 260.000 dân công để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong trận đánh quyết định này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao trọn niềm tin cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(1). Bởi vậy, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chủ động, sáng tạo trong thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ngày 30/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gửi báo cáo điều này với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị: “Chúng tôi nhận thấy đối với một kẻ địch đã tăng cường như ở Điện Biên Phủ thì phải dùng cách đánh tiêu diệt từng bước”(2). Kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc” của Đảng ủy chiến dịch được Bộ Chính trị chấp thuận.

Từ ngày 13/3/1954, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, quân ta đã tiêu diệt lần lượt từng cứ điểm, vây lấn địch từng mét hào và mở những đợt tiến công quyết định đi đến thắng lợi. 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, tướng De Castries, Chỉ huy trưởng cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống.

Kết thúc chiến dịch, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ 16.200 tên địch, trong đó có 1 tướng, hạ 62 máy bay, 81 đại bác. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan “Kế hoạch Navarre”, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi.

Nói về tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hệ thống thuộc địa của Pháp đã dần bị lung lay. Nhà sử học Mỹ Berna Fol đánh giá: “Lần đầu tiên, cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa đánh bại”. Ký giả người Pháp Jules Roy ghi nhận: “Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa”.

Đặc biệt, chỉ 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm châu Phi” với 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Nhận định về chiến thắng Điện Biên Phủ, vào tháng 9/1969, Bí thư Đảng Cộng sản Tunisie Mohamed Hartman đã bày tỏ: “Chúng tôi biết rằng, chính cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã đóng góp vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phong trào dân tộc ở châu Phi và trong thế giới Arab, và mở đầu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(3).

1. Võ Nguyên Giáp: Điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 66.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 214-220.

3. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.631.

Nguyễn Văn Toàn

Từ khóa » Chiến Dịch Lịch Sử điện Biên Phủ Năm 1954