Tư Duy Chính Xác, Mạch Lạc Thì Cách Diễn đạt Sẽ Trong Sáng, Dễ Hiểu

Ta biết rằng: “từ là vỏ vật chất của khái niệm”. Nói một cách nôm na thì mỗi từ đều là tên gọi của một vật nào đó hoặc một sự việc nào đó. Còn “câu là vỏ vật chất của tư duy”. Nghĩa là khi con người suy nghĩ, muốn truyền một ý tưởng nào đó đến với người khác thì phải diễn đạt nó bằng câu. Như vậy muốn biểu thị một khái niệm chính xác thì phải dùng một từ chính  xác để không nhầm lẫn giữa vật này với vật khác, muốn truyền một ý tưởng nào đó thì phải diễn đạt sao cho đúng với ý nghĩ của mình để người nghe (hoặc người đọc) không nhầm, không hiểu sai. Nói nôm na như sau: Những ý nghĩ trong đầu mình không ai biết thì thuộc phạm trù tư duy, đem diễn đạt những ý nghĩ ấy truyền cho người khác thì thuộc phạm trù ngôn ngữ, vì phải dùng ngôn ngữ mới diễn đạt được.

Báo chí là một phương tiện truyền ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm của người này đến với người khác. Điều này yêu cầu người viết, người nói (tức nhà báo, kể cả phóng viên và biên tập viên) phải diễn đạt cho chính xác, truyền đúng ý nghĩ của mình đến với độc giả hay thính giả. Đây là yêu cầu tối thiểu và cũng là tối đa. Xét về mặt diễn đạt thì thấy trên các báo nhiều “hạt sạn” hay nhiều “cỏ”, nghĩa là còn có hiện tượng dùng từ sai, đặt câu thiếu trong sáng, mạch lạc, thậm chí có hiện tượng nói một đằng phải hiểu một nẻo. Nếu thống kê hiện tượng này trên các báo thì nhiều vô kể. Một số tờ báo đã tăng thêm trang sửa lỗi trên các báo nhưng cũng không sửa hết.

Nhiều người cho rằng hiện tượng đó chỉ thể hiện kỹ năng, trình độ của người viết hay người nói. Thực chất vấn đề không hoàn toàn đúng như vậy. Vấn đề diễn đạt còn thể hiện tình trạng tư duy. Khả năng diễn đạt thường gắn với khả năng tư duy. Điều này thể hiện rất rõ ở những người làm công tác chuyên ngành. Ai làm ở ngành nào, hiểu về ngành nào thì diễn đạt về ngành ấy tốt hơn những người không làm trong ngành. Có người mắc bệnh thần kinh thì không còn khả năng diễn đạt. Một số người cao tuổi, thể lực suy giảm, trí lực cũng giảm theo thì khả năng diễn đạt cũng kém đi.

Đối với những người làm công tác viết lách, nói năng thì việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thường gắn với rèn luyện cả nếp suy nghĩ (tư duy). Suy nghĩ thiếu mạch lạc, rõ ràng thì diễn đạt cũng không thể nào trong sáng được. Khi rèn luyện kỹ năng diễn đạt cũng chính là rèn luyện cách thể hiện sự suy nghĩ sao cho rành mạch, rõ ràng. Đặc điểm của ngôn ngữ (nói hay viết) là bao giờ cũng diễn ra một cách thứ tự trước sau, không bao giờ chồng chéo lên nhau (không ai có thể phát âm liền một lúc hai từ). Thể hiện dòng suy nghĩ cũng vậy, phải có ý trước, ý sau, sắp xếp dòng suy nghĩ này thành văn tự hay lời nói (tức là diễn đạt) phải làm sao truyền đến cho người đọc hay người nghe đúng với ý mình định nói (hay viết). Nếu diễn đạt lộn xộn, tuỳ tiện, cẩu thả thì khó truyền đạt được đúng ý mình định nói (hay viết) hoặc làm cho người nghe (hay đọc) khó chịu.

Rất tiếc, trong đội ngũ nhà báo hiện nay có người nói (hay viết) mà lại không hiểu chính bản thân mình định nói gì. Điều này dễ nhận thấy khi nhà báo dùng từ sai. Có lần tôi nghe Đài truyền hình Việt Nam dùng hai từ là “vấn nạn” và “bất cập”, tôi liền gọi điện hỏi ngay người phụ trách chương trình vừa phát sóng về ý nghĩa của hai từ đó thì chính người này cũng không biết nghĩa hai từ đó là gì. Nghe thật hài hước nhưng lại là chuyện có thật 100%. Đây là hiện tượng nói mà không nghĩ. Mình nói mà còn không hiểu mình định nói gì thì làm sao truyền đạt cho người khác?

Trong phạm trù ngôn ngữ thì “từ” là vấn đề đơn giản (nói một cách tương đối), vậy mà nhà báo là những người sử dụng ngôn ngữ làm công cụ chính còn dùng sai từ thì khi đặt câu, nhất là những câu phức hợp còn sai đến đâu. Tiếng Việt có khả năng diễn đạt đầy đủ và chính xác mọi ý tưởng phức tạp trong bất kỳ lĩnh vực nào, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Nhưng nếu không rèn luyện cách diễn đạt thì khó có thể trình bày mọi vấn đề một cách khúc chiết, mạch lạc. Có khi cùng một vấn đề, cùng một nội dung, nhưng có người diễn đạt thì rõ ràng, hấp dẫn nhưng có người diễn đạt lại rối rắm, tẻ nhạt. Đó là do khả năng diễn đạt hay khả năng sử dụng ngôn ngữ của từng người, cũng có thể nói là do cách tư duy của từng người (rồi sắp xếp dòng tư duy ấy thành ngôn ngữ).

Mối quan hệ giữa diễn đạt và tư duy là vấn đề trừu tượng và rất phức tạp, vì cái nọ biểu hiện cái kia, gắn bó với nhau rất mật thiết. Người ta chỉ có thể tư duy trên cơ sở ngôn ngữ, hay nhờ có ngôn ngữ mới có thể tư duy. Người ta chỉ có thể nhận biết tư duy (ý nghĩ) của người khác qua ngôn ngữ (cách diễn đạt) của họ. Như vậy cũng có nghĩa muốn biểu thị đúng ý nghĩ của mình thì phải rèn luyện cách diễn đạt, dùng từ cho chính xác, đặt câu cho chuẩn. Rèn luyện cách diễn đạt cũng chính là rèn luyện tư duy.

Sau đây chúng tôi xin nêu một vài dẫn chứng về dùng từ sai dẫn đến ý nghĩa sai:

- “Vân Dung tình cờ làm quen với chồng cô trong một lần tới xưởng sản xuất quần bò của anh... và tình nguyện làm dâu chàng trai buôn bán quần bò...” (Trang 13 báo An ninh thế giới cuối tháng số 31, tháng 2.2004).

“Làm dâu chàng trai buôn bán quần bò” tức là lấy con trai anh ta. Còn lấy anh ta thì là “làm vợ” chứ. Muốn diễn đạt ý “làm vợ” mà dùng từ sai để người đọc hiểu là “làm dâu”.

- “Hội chứng khó đọc ở con người, thiên tài hay bệnh lý” là tít của bài báo ở trang 10 tuần báo Khuyến học & dân trí số 7 (ra ngày 12.2.2004)

“Khó đọc” là một biểu hiện của tình trạng thiểu năng trí tuệ thì đâu phải là “thiên tài” mà là “thiên tật” tức tật bẩm sinh.

Nhưng có một trường hợp theo chúng tôi là sai điển hình trong việc dùng từ, là câu của hai tiến sĩ đăng trên báo Tiền phong: “Nên chăng kéo dài tuổi nghỉ hưu cho cán bộ khoa học?”.

Chúng tôi đã trao đổi với biên tập viên báo Tiền phong về trường hợp này nhưng biên tập viên quý báo vẫn khẳng định viết như thế là đúng. Chỉ có thể kéo dài tuổi công tác chứ làm sao kéo dài tuổi nghỉ hưu được. Hôm nay “nghỉ hưu” thì mai chết do một nguyên nhân nào đó. Vậy thì trách nhiệm kéo dài “tuổi nghỉ hưu” là trách nhiệm của ngành y tế. Trong trường hợp trên thì phải viết: “Nên chăng kéo dài tuổi công tác cho cán bộ khoa học”. Hoặc muốn dùng từ “nghỉ hưu” thì phải viết: “Nên chăng lùi tuổi nghỉ hưu cho cán bộ khoa học”. Cũng có thể viết: “Nên chăng để độ tuổi nghỉ hưu trên 60 cho những cán bộ khoa học”.

Rõ ràng là có sự nhầm lẫn về khái niệm (trong tư duy) nên mới dẫn đến tình trạng dùng từ sai.

Trường hợp đặt câu sai (diễn đạt thiếu trong sáng) thì còn rất nhiều. Xin nêu thí dụ sau:

- “Có nên phát động một cuộc vận động trở về dân tộc không, mà trước hết là nói ngọng...” (Trang 23, tạp chí Nhà báo thủ đô số ra tháng 8.2004).

Viết như trên thì người đọc sẽ hiểu như sau: “nói ngọng” là trở về với dân tộc, dân tộc ta vốn dĩ nói ngọng.

Có lẽ ý tác giả muốn viết: “Có nên phát động một cuộc giữ gìn nét đẹp ngôn ngữ của dân tộc không, mà trước hết là khắc phục tật nói ngọng...”

- “Hai ngày sau khi nhậm chức, Tân hoa xã chỉ trích Nixon...”(Cột 3 trang 7 báo Nhân đạo và đời sống số 10 ra từ ngày 1 - 7.3.2004).

Đặt câu như trên thì có nghĩa là Tân hoa xã nhậm chức. Nhưng thực ra thì Nixon nhậm chức.

Có lẽ ý tác giả muốn viết: “Hai ngày sau khi nhậm chức, Nixon đã bị Tân hoa xã chỉ trích”.

- “Mọc sừng” - khẩu ngữ dành cho những đức “lang quân” có quan hệ tình cảm như vợ chồng với người thứ ba.” (cột 2 trang 37 tạp chí Gia đình hạnh phúc lứa đôi số 35/2003 ra ngày 27.10 - 10.11).

Câu trên diễn đạt không thoát ý, “đức lang quân có quan hệ tình cảm như vợ chồng với người thứ ba” hay vợ “đức lang quân” có quan hệ tình cảm...?

Nên viết là: “Mọc sừng” - khẩu ngữ dành cho những ông chồng có vợ đi quan hệ như vợ chồng với người đàn ông khác”.

Dòng tư duy lộn xộn, thiếu lôgíc nên đã dẫn đến tình trạng diễn đạt thiếu trong sáng ở trên.

Không rèn luyện cách diễn đạt bằng cách viết thường xuyên thì cùn bút. Không vận dụng tư duy thường xuyên thì khả năng tư duy teo đi. Có thể nói tóm tắt bài viết này như sau: nếu diễn đạt ý tuỳ tiện, thiếu chính xác, lộn xộn lâu ngày thành thói quen thì nếp tư duy bị thoái hoá, tức là không còn khả năng diễn đạt trong sáng, mạch lạc được nữa. Có thể rèn luyện cách diễn đạt bằng cách tự mình sửa văn cho mình và tập sửa văn cho người khác, bên cạnh đó cần bổ sung thường xuyên vốn từ ngữ để không thiếu từ khi diễn đạt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng diễn đạt luẩn quẩn, tối nghĩa, lúng túng. Trong đó có hai nguyên nhân sau: thứ nhất là do thiếu vốn từ và nguyên nhân tiếp theo là do căn bệnh cẩu thả, tuỳ tiện hoặc có khi là cầu kỳ. Tập cách tư duy trong sáng, mạch lạc thì thể hiện ra cách diễn đạt cũng trong sáng, mạch lạc, dễ hiểu.

___________________________

Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 1 (tháng 1+2)/2005

Trần Dĩ Hạ

 

 

 

Từ khóa » Không Mạch Lạc Là Gì