Từ Ghi Chép Về Vương Thúy Kiều Trong Minh Sứ Đến Truyện Kiều ...

“Kim Vân Kiều truyện”, hựu danh “Song kì mộng”,  “Song hợp hoan”   (Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc còn có tên là Song ki mộng, Song hợp hoan)

“Kim Vân Kiều truyện”, hựu danh “Song kì mộng”, “Song hợp hoan”(Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc còn có tên là Song ki mộng, Song hợp hoan)

Nguyễn Cẩm Xuyên

Truyện Kiều của Nguyễn Du chiếm địa vị cao nhất trong văn học nước ta. Kiều không chỉ phổ biến rộng trong giới bình dân mà cả ở hàng trí thức, quí tộc, vua chúa… vẫn thích. Tương truyền vua Tự Đức mê đọc Kiều đến nỗi sách mòn đứt chỉ khâu, phải đóng gáy lại đến 3 lần. 

Từ thực tế ấy, rõ ràng không có tác phẩm nào được chú ý nhiều đến vậy. Hơn thế nữa, truyện còn gây nên những tranh cãi kịch liệt xuất phát từ những quan điểm mâu thuẫn nhau. Khi mới được phổ biến, nhiều nhà Nho vẫn bài bác: 

Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều. 

“kể” ở đây là đọc, là ngâm lên cho người khác cùng nghe, cùng thưởng thức. Tam tòng, tứ đức cứng nhắc của đạo Nho đã khiến người ta dị ứng với những chuyện tình vượt ra ngoài vòng lễ giáo âu cũng là điều dễ hiểu; ấy vậy mà Kiều vẫn có sức sống mạnh mẽ. Người ta không chỉ đọc mà còn đố Kiều,lẩy Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều…; cứ thế trải qua hơn trăm năm, đếnđầu thế kỉ XX thì nhóm tân học Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… khen ngợi Truyện Kiều đến tột cùng. Trên Nam Phong tạp chí, học giả Phạm Quỳnh đã từng viết: “… trước truyện Kiều không có sách gì hay bằng truyện Kiều, mà sau truyện Kiều cũng không có sách gì hay hơn truyệnKiều nữa…”. Ngày 8 tháng 12 năm 1924, trong lễ giỗ Nguyễn Du tại Hà Nội, Phạm Quỳnh – lúc này đang là chủ bút báo Nam Phong – trước hơn hai nghìn người đã hùng hồn tuyên bố “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Kể từ đó người tham gia tranh luận nhiều vô kể. Có người đồng ý, có kẻ nặng lời chỉ trích. 

Truyện Kiều ở nước ta nổi tiếng là vậy mà nhân vật, cốt truyện lại là của sử sách Trung Hoa. Việc này cũng dễ hiểu bởi nước ta thâm nhập văn hóa Trung Hoa đã lâu đời. Các nhà Nho nước ta học chữ Hán, đọc sách Tàu thì thơ văn sáng tác chịu ảnh hưởng sách vở Trung Hoa là điều không tránh được. Nguyễn Du cũng không ở vào biệt lệ; vậy nhưng tuy mượn cốt truyện của Tàu mà các vật liệu khác tạo nên tác phẩm lại là thuần Việt: từ tính cách, ngôn ngữ nhân vật, các tình tiết truyện đến từng suy nghĩ, thái độ, cách ứng xử của các nhân vật…đều mang màu sắc đặc trưng của người Việt. Đọc Truyện Kiều: nhân vật trong truyện là những con người thuần Việt Nam không lẫn vào đâu được, khác xa tính cách nhân vật trong các truyện về Vương Thúy Kiều từ Minh cho đến Thanh của Trung Hoa. 

TỪ MINH SỬ ĐẾN “VƯƠNG THÚY KIỀU TRUYỆN” 

Vương Thúy Kiều là người thật ở đời Minh về sau trở thành nhân vật trung tâm của nhiều tiểu thuyết và một số vở kịch, tuồng như Tứ Thanh Viên của Từ Văn Trường(1) Hổ phách thỉ của Diệp Trĩ Phỉ, Song Thúy viên của Hạ Bỉnh Hoành… rồi trở thành nhân vật chính trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Mấy mươi năm trước, nói đến nguồn gốc Truyện Kiều, nhiều sách – kể cả một số sách giáo khoa trong nhà trường ở cả hai miền Nam Bắc – thường chỉ nhắc đến Kim Vân Kiều truyện  của Thanh Tâm tài nhân mà bỏ qua nhiều tác phẩm khác đời Minh đã viết về cuộc đời Vương Thúy Kiều. 

Trước tiên, cần nói đến bộ sách Trù Hải Đồ Biên do quan Tổng đốc đời Minh là Hồ Tôn Hiến soạn gồm 13 quyển; ở quyển 9 có bài Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt(2) (ghi chép ngọn ngành việc đánh dẹp Từ Hải) kể lại chuyện quân Minh đánh nhau với quân Oa (3) vào năm Bính Thìn (1556) đời Gia Tĩnh. Lúc này Từ Hải, một tướng cướp biển, mang hơn 1 vạn quân từ sào huyệt ở Sạ Phố xuống Hàng Châu càn quét các vùng Tô Châu, Hồ Châu, uy hiếp Kim Lăng. Thế giặc mạnh, Hồ Tôn Hiến phải dùng mưu dụ hàng rồi trở ngược lại đánh bằng hỏa công. Từ Hải thua trận nhảy xuống sông. Quân Hồ Tôn Hiến bắt được 2 thị nữ, một người tên Vương Thuý Kiều, một người tên Lục Châu, vốn xuất thân từ ca kỹ. Hai thị nữ khóc và chỉ chỗ Hải trầm mình; quân sĩ vớt Từ Hải lên chém lấy thủ cấp mang về…

Về sau lại có thêm nhiều tác phẩm nữa kể chuyện Vương Thúy Kiều là Hồ Thiếu Bảo bình Oa chiến công của Chu Tiếp, Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài, Lý Thúy Kiều truyện của Đới Sĩ Lâm, Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa của Mộng Giác Đạo Nhân (4) và Vương Thúy Kiều truyện  của Hồ Khoáng. Trong truyện, Từ Hải đã được miêu tả là một anh hùng bên cạnh phu nhân là Vương Thúy Kiều. Các  truyện càng về sau càng hư cấu thêm nhiều nhân vật, nhiều tình tiết, biến chuyện có thật của lịch sử thành tiểu thuyết kì tình; riêng truyện của Mộng Giác Đạo Nhân và Dư Hoài (5) đã là tiểu thuyết luận đề, tập trung vào chủ đề tư tưởng rất hợp khẩu vị của giới bình dân: người phụ nữ rất đỗi tầm thường trong xã hội mà lại trung nghĩa, khí tiết hơn hẳn các bậc trượng phu, hơn cả những đại nhân, quan lại như Hồ Tôn Hiến. Mở đầu truyện, mặc dù Mộng Giác Đạo Nhân đã nêu gương Muội Hỉ, Đát Kỉ, Bao Tự, Trương Lệ Hoa, Dương Quý Phi… làm “hoang khí chính sự, chí táng quốc gia” trước khi kể chuyện Vương Thúy Kiều nhưng tựu trung lại tô điểm cho nhân vật này nhiều hào quang khiến hình ảnh người phụ nữ trong xã hội được đề cao: Vương Thúy Kiều không chỉ đẹp về hình vóc mà còn đẹp cả về tư cách, phẩm hạnh, là người trung hiếu vẹn toàn lại rất nghĩa khí: sẵn sàng liều mình khi ân nhân tử nạn. 

TỪ TIỂU THUYẾT MINH-THANH ĐẾN TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU 

Trong tất cả các sách viết về Vương Thúy Kiều của Trung Hoa thì Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa của Mộng Giác Đạo Nhân và Vương Thúy Kiều truyện  của Dư Hoài là đã bắt đầu đậm chất tiểu thuyết và đã kể về cuộc đời Kiều khá tỉ mỉ: 

 

 Kim Vân Kiều quảng tập truyện; Liễu Văn Đường tàng bản; Khải Định năm thứ 9 (1924)

Đầu truyện có khắc bài thơ của Phạm Quý Thích (Lương Đường Phạm tiên sinh soạn thi nhất thủ)

(Trích từ Bộ sưu tập số hóa  tại Thư viện Quốc gia Việt Nam) 

Vương Thúy Kiều là người Lâm Tri, thuở nhỏ bị bán vào kĩ viện, lấy họ Mã, thường gọi là Mã Kiều nhi. Tuy còn nhỏ nhưng đẹp và thông minh, lại hát hay, đàn giỏi, thổi sáo cũng hay nên được nhiều người mến chuộng; vậy nhưng tính tình nhã đạm, không thích trang sức và cũng không thích nghề chiều chuộng khách nên giả mẫu lấy thế làm giận, thường chửi đánh. May có được một chàng thiếu niên giàu có chuộc ra, thuê nhà cho ở, đổi tên là Vương Thúy Kiều. Về sau lại gặp La Long Văn, một hào phú có cảm tình thường chu cấp, đi lại với Kiều và nuôi thêm cho một hầu gái là Lục Châu. Lúc này có một tướng cướp là Từ Hải, gặp lúc quẫn bách lẻn trốn vào ở nhờ nhà Thúy Kiều. 

Từ Hải nguyên là Minh Sơn Hòa Thượng, tu tại chùa Hổ Bào ở Hàng Châu. Long Văn gặp Từ Hải, đánh giá Hải là tráng sĩ nên cùng giao tiếp, lại đem cho Lục Châu làm hầu gái. Sống cùng La Long Văn một thời gian, Từ Hải từ biệt lên đường quyết lập chí dựng cơ đồ, chiêu tập bọn thảo khấu quay về xâm chiếm Giang Nam, vây đánh Tuần phủ Nguyễn Ngạc. Thật bất ngờ, trong một trận đánh, quân sĩ lại bắt được Thúy Kiều và Lục Châu. Mừng lắm, Từ Hải lập Thúy Kiều làm phu nhân, thường cùng cho dự bàn quân cơ. Lúc này thế lực Từ Hải đã mạnh; triều đình phải cử Tổng đốc Hồ Tôn Hiến ở Triết Giang đánh dẹp. Hồ Tôn Hiến nhiều mưu lược, thấy thế lực của Từ mạnh bèn cho Hoa lão nhân đến dụ hàng. Từ Hải nổi giận bắt trói Hoa lão nhân. May cho Hoa là lúc này tuy Kiều hết sức được yêu chiều nhưng vẫn canh cánh nỗi nhớ cố hương, mong sớm được đoàn viên bèn bàn với Từ tha chết cho Hoa. Hoa trở về báo với Tôn Hiến là thế giặc đang mạnh, chưa thể đánh nhưng xem ra Vương phu nhân có vẻ có ngoại tâm, ta có thể nhân đây mà thắng giặc. Tôn Hiến có biết La Long Văn là ân nhân cũ của Từ Hải và Thúy Kiều bèn dùng Văn để dụ hàng. Long Văn đến dinh, được Từ Hải ân cần tiếp đãi lại cho gọi phu nhân cùng Lục Châu ra chào. Trở về, Long Văn bàn với Hồ Tôn Hiến dùng kế đem châu báu lo lót Thúy Kiều, vận động Từ quy hàng. Đúng như ý nguyện, Kiều ra sức khuyên Từ Hải quy phục triều đình. Nghe lời Thúy Kiều, Từ Hải ước hàng cùng Tôn Hiến, không phòng bị gì. Tôn Hiến dùng hỏa công đánh giặc tan tác. Từ Hải nhảy xuống sông bị quan quân vớt lên chém đầu. Trong tiệc khao binh, Tôn Hiến bắt Thúy Kiều hát và chuốc rượu. Lúc quá chén, Tôn Hiến cũng giở trò đùa cợt. Hôm sau tỉnh rượu, sợ mất thể diện trọng thần, Tôn Hiến đem Thúy Kiều gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận. Lúc sang sông, Kiều khóc lớn rồi đâm đầu xuống nước tự trầm. 

Truyện của Dư Hoài tuy đã khá gần với Truyện Kiều nước ta song chưa xây dựng đoạn Kim Kiều tái hợp. Kiều chết trên sông Tiền Đường là hết chuyện. Cuộc đời Kiều chưa chứng minh cho tư tưởng Thiên mệnh và Nhân quả.Phải đợi đến đời Thanh, KIM VÂN KIỀU TRUYỆN của Thanh Tâm tài nhânmới thực sự có cốt truyện gần giống với truyện Kiều của ta. 

Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu cho rằng Truyện Kiều nước ta đã xuất phát từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Học giả Phạm Quỳnh cũng có ý kiến tương tự: “…Nguyên bộ tiểu thuyết Tàu mà cụ phỏng theo để đặt ra truyện Kiều đề là “Thanh Tâm tài nhân lục”, không biết rõ tác giả là ai, soạn vào đời nào, nhưng truyện với lời văn cũng tầm thường, ngoài mấy bài từ điệu có vẻ thanh tao lưu loát, không có đặc sắc gì. Nhưng bộ tiểu thuyết ấy cũng không phải là truyện đặt ra cả, có lẽ căn cứ ở sự thực mà kết cấu ra…” 

Vậy là lúc này Phạm Quỳnh chưa thể xác định được Thanh Tâm tài nhân là ai và Kim Vân Kiều truyện viết khi nào, riêng Dương Quảng Hàm thì cho rằng:“Tuy là không biết tác giả tên thực là gì và sống về đời nào nhưng các việc kể trong tiểu thuyết đều thuộc về đời Gia tĩnh nhà Minh tức là tự năm 1522 đến năm 1566, mà sách ấy lại do Kim Thánh thán sống tự năm 1627 đến năm 1662 phê bình, vậy theo đấy ta có thể biết được rằng sách ấy làm vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVI hoặc đầu thế kỷ thứ XVII”. Đến nay vẫn tồn tại nhiều giả thuyết về Thanh Tâm tài nhân, chưa ai khẳng định được đích xác. 

Như vậy qua khoảng thời gian dài, một câu chuyện có thật trong lịch sử Trung Hoa đã trở thành một tiểu thuyết kì tình sau khi trải qua cả một quá trình sửa đổi thêm thắt nhiều tình tiết, nhân vật. Từ một con hát nơi kĩ viện, thường bị giả mẫu chửi đánh vì không chịu chiều đãi khách, Mã Kiều nhi đã thành một tiểu thư xuất thân nơi khuê các, có cuộc tình đầy hoa mộng với văn nhân Kim Trọng – một nhân vật không hề có trong đời thực của Vương Thúy Kiều; rồicuộc đoàn viên sau 15 năm lưu lạc đến đời Thanh được thêm vào là nhằm phục vụ chủ đề “ở hiền gặp lành”, một chủ đề quen thuộc trong văn chương Đông Á… Có lẽ tất cả những cải biên này là sự phối hợp giữa những chuyện kể dân gian với sức tưởng tượng phong phú của nhà văn đời Minh-Thanh qua hơn 200 năm… rồi sau khi đến Việt Nam, nhân vật Vương Thúy Kiều lại được khoác lên một diện mạo hoàn toàn mới: sau khi lược bớt một số đoạn, thay đổi nhiều tình tiết, truyện đã trở nên ý vị hơn, đậm tình người hơn, tính cách nhân vật trở nên nhất quán hơn, cách ứng xử cân phân hơn, nhân hậu hơn… 

——————–

CHÚ THÍCH:

(1)     Từ Văn Trường (Từ Vị), một nhà văn đời Minh, có nhiều bút danh: Thiện Tri, Thanh đằng, Điền Thủy Nguyệt, là mặc khách của Hồ Tôn Hiến.

(2)     TRÙ HẢI ĐỒ BIÊN 籌海圖編 là bộ sách do Hồ Tôn Hiến soạn, gồm họa đồ vẽ các vùng biển thường bị quân hải khấu Nhật xâm phạm và các kế hoạch trù định nhằm giữ gìn an ninh vùng biển. Bài Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt 纪剿徐海本末 chép ở quyển 9 của bộ sách này là do Phó sứ Mao Khôn, thuộc cấp theo lệnh Hồ Tôn Hiến ghi chép, đã kể lại khá tỉ mỉ cuộc đánh dẹp Từ Hải. (Hồ Tôn Hiến – Trù Hải Đồ Biên, Cảnh Ấn Văn Uyên Các, Tứ Khố Toàn Thư, sách thứ 343. Đài Bắc, Đài Loan; Thương Vụ ấn thư quán, 1983)

(3)     Oa 倭 : lùn. Người Nhật bản xưa thấp bé nên người Trung Hoa gọi làOa nhân 倭 人(người lùn), nước Nhật là Oa quốc 倭国 , cướp biển từ Nhật sang gọi là Oa khấu 倭寇 (giặc lùn). Chữ Oa vẫn hay bị đọc nhầm là Nụy

(4)     Đây là hồi thứ 7 của tập truyện 三刻拍案惊奇Tam Khắc Phách Án Kinh Kì đời Minh của 梦觉道人 Mộng Giác Đạo Nhân.  .

(5)     Dư Hoài 余怀(1617—?)tự là Đạm Tâm, học giả, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đất Giang Nam đời Minh mạt-Thanh sơ. 

KIẾN THỨC NGÀY NAY SỐ 750 – ngày 10/ 6/ 2011

Nguồn 

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Thêm
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Tiểu Sử Về Thúy Kiều