Từ Giáo Lý Tứ Diệu đế Nghĩ Về đại Dịch Corona | Giác Ngộ Online

GN - Bệnh tật là điều không ai có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có những căn bệnh riêng lẻ, chỉ tác động trực tiếp lên mỗi cá nhân và cũng có những dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả cộng đồng.

Dịch bệnh Corona, với tên gọi mới Covid-19 là một trường hợp như vậy, vì vừa ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cá nhân vừa có sự tác động liên quan đến cả nhân loại, không hạn cuộc quốc gia hay vùng lãnh thổ nào.

thumbnail-tamchan-24gioovuhan12_kvun.jpgDịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán khiến cả thế giới bàng hoàng, tạo sự phân hóa và kỳ thị gay gắt...

Từ khi dịch bệnh khởi phát tính đến hôm nay là đã hơn một tháng, với con số tử vong đã trên một ngàn nhân mạng và những trường hợp lây nhiễm đã lên đến hàng chục ngàn người. Đây quả là dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng mà đất nước Trung Quốc nói riêng và cả thế giới nói chung đang tập trung toàn lực để ngăn ngừa và đối phó. Tính nghiêm trọng của dịch bệnh thể hiện ở chỗ là chưa có vaccine phòng hộ cùng với mức độ rất dễ lây lan, nên đã tạo ra những hiệu ứng dây chuyền và tác động đến nhiều lãnh vực mà trong đó có cả Phật giáo.

Đứng trước thực trạng này, với cái nhìn của một người đang dò dẫm học Phật, người viết đã có những trầm tư về giáo lý Tứ diệu đế, về phương diện như là một phương pháp luận, trong tính liên hệ và đối phó với dịch bệnh Corona. Trong Phật giáo, Tứ diệu đế là nội dung giáo lý quan trọng do chính Đức Phật thuyết giảng, có tính khả dụng trong nhiều lãnh vực thực tiễn, nếu như người thực hành có đủ tuệ giác và nhân duyên.

Thứ nhất, nhận thức chân thực về khổ (Khổ đế)

Khổ là một thực tại không thể chối bỏ. Dẫu rằng, hình thức, mức độ, không gian, thời gian… ở mỗi giai đoạn lịch sử có khác nhau nhưng tính chất chung của Khổ đế là gây ra đau khổ, buồn lo và vô số hệ lụy kéo theo trong cuộc đời mà bất kỳ ai cũng không hề mong muốn. Đại dịch Corona là một thực tại như vậy.

Theo lời dạy của Đức Phật thì người học Phật cần phải nhìn thẳng, đối diện với thực tại này và nhất định không tìm cách né tránh. Thái độ nhìn thẳng, nhìn đúng bản chất của thực tại là một thái độ đúng trong mọi lãnh vực và cực kỳ quan trọng, cần thiết khi đối diện với đại dịch Corona. Mọi sự trốn tránh, giấu nhẹm thông tin liên quan đến dịch bệnh này từ mỗi cá nhân hay cộng đồng xã hội là một thái độ ứng xử thiếu vắng đạo đức. Cụ thể hơn, việc làm này không những gây tổn hại cho mình mà còn phương hại đến tha nhân, trái ngược với những tôn chỉ căn bản mà Đức Phật đã chỉ dạy.

Nói cách khác, che giấu dịch bệnh là một hành động tội lỗi. Ở đây, thái độ đúng mực của người học Phật nói riêng và bất cứ ai quan tâm đến đại dịch này là cần phải trang bị một nhận thức đầy đủ về mọi phương diện liên quan đến dịch bệnh. Đây là thái độ ứng xử đúng mực và cấp bách, liên quan đến sự an nguy của chính mình hay của cả cộng đồng nhân loại trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, nhận thức chân thực về nguyên nhân của khổ (Tập đế)

Nguyên nhân khổ đau của kiếp người không chỉ có một. Thực tại khổ đau của đời sống con người phát xuất từ nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân gần, có những nguyên nhân xa, có những nguyên nhân tiềm tàng, khó thấy và cũng có những nguyên nhân hiển lộ ngay trước mắt mọi người. Với Phật giáo, khổ đau lớn nhất của cuộc đời, của kiếp người là còn phải nổi trôi trong luân hồi sanh tử và nguyên nhân của nỗi khổ đó xuất phát từ tham ái. Bên cạnh nỗi khổ đau lớn đó còn có những khổ đau từ hiện thực, cụ thể của đời sống nhân sinh mà ở đây là đại dịch Corona. Nếu đại dịch này là một thực tại khổ đau như đã nói thì nguyên nhân của nó xuất phát từ đâu?

Tính đến hôm nay, giới khoa học đã chỉ ra có rất nhiều nguyên nhân góp phần tạo nên dịch bệnh. Có những nguyên nhân mang tính kế thừa, vì dịch bệnh Corona được gây ra bởi một chủng virus đã được nhận diện từ trước, nhưng có những biến cải mới, nên được giới chuyên môn gọi là chủng mới Corona.

Có những nguyên nhân mà giới khoa học đã chỉ ra, đó là sự xâm lấn, can dự thô bạo vào đời sống của một số giống loài động vật hoang dã. Đó là sự lây lan virus từ những vật chủ, như các loài dơi chẳng hạn, vốn sống trong hang động, trong núi rừng, trong những điều kiện đặc thù của riêng chúng. Sự hiện diện của những khu chợ động vật hoang dã không được kiểm soát, trong cộng đồng dân cư là một trong những nguyên nhân phát tán vô số mầm bệnh có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm, tai ương.

Có những nguyên nhân gần, mang tính trực tiếp, liên quan đến nhận thức, đến sự chủ quan của vài cá nhân và có cả sự thiếu sót của một bộ phận lãnh đạo xã hội ở những khu vực phát nguồn dịch bệnh, mà cụ thể là thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Trong tất cả, nguyên nhân cơ bản của đại dịch chính là virus Corona ở chủng mới với tên gọi vừa được định danh là Covid-19. Theo hệ quy chiếu của giáo lý Tứ diệu đế thì virus Corona chính là nguyên nhân cơ bản của khổ đau (Tập đế) mà nhân loại hiện đang gánh chịu. Nhận thức toàn diện, đầy đủ về chủng loại virus này và cơ cấu tác động của chúng là cơ sở để tạo ra vaccine để phòng bệnh, tiến đến ngăn ngừa và chấm dứt khổ đau.

Thứ ba, nhận thức chân thực khi khổ đau được chấm dứt (Diệt đế)

An lạc, hạnh phúc là điều mong mỏi của con người trong kiếp sống này. Có những thứ an lạc nhất thời và cũng có những an lạc mang tính lâu dài, miên viễn. Với kẻ lữ hành đói khát thì hạnh phúc đôi khi chỉ là một bữa cơm, một ngụm nước, một chỗ nghỉ ngơi. Với người nông phu thì hạnh phúc lớn nhất là mưa gió thuận thời, là mùa màng và hoa trái bội thu. Với một người tu thì hạnh phúc lớn nhất chính là sự thắng vượt lòng tham trước. Với một bậc Thánh thì hạnh phúc lớn nhất là thong dong và tự tại trong cõi tử sanh và tùy duyên hóa độ cứu đời. Có thể nói rằng, hạnh phúc đó là khi khổ đau vắng mặt. Tùy theo tính chất, mức độ mà thực tại này được định danh với nhiều tên gọi khác nhau.

Ở đây, với đại dịch Corona thì hạnh phúc lớn nhất là khi bị nhiễm bệnh mà được chữa khỏi. Trong biểu đồ dịch bệnh được các cơ quan có trách nhiệm cập nhật hàng ngày đã cho thấy, con số thoát khỏi căn bệnh này đang ngày một gia tăng. Nhận thức đầy đủ về điều này tạo nên một sự tự tín, một sự lạc quan vững chãi trong mỗi chúng ta. Ngoài ra, đối với những quốc gia, những vùng lãnh thổ, những cá nhân, những tập thể nằm ngoài vùng dịch bệnh, với sự an ninh sinh học được đảm bảo thì chúng ta phải nhận thức chân thực và đầy đủ về thực tại hạnh phúc mà mình đang có. Không bệnh lợi tối thượng, lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp cú (Dhp.204) nhằm chỉ cho trường hợp này.

Ở đây, nếu như tìm ra được những nguyên nhân gây ra nổi khổ, mà cụ thể là cơ cấu tác động của virus gây nên dịch bệnh Corona thì chúng ta hoàn toàn tin chắc rằng, nhân loại sẽ tìm lại an vui và nhất định sẽ đẩy lùi dịch bệnh. Sống cần phải lạc quan và sự lạc quan đó phải dựa trên những cơ sở lý luận đã được chứng minh, trải nghiệm trong thực tiễn đời sống.

Thứ tư, nhận thức chân thực về con đường diệt khổ (Đạo đế)

Đang ở trong lo lắng và khổ đau, biết được nguyên nhân gây ra khổ đau và hiểu rõ hạnh phúc khi khổ đau vắng mặt là những tiền đề giúp cho chúng ta vững tin đi theo con đường diệt khổ. Ở đây, tùy theo từng nỗi khổ mà phải biết lựa chọn cho mình những phương pháp diệt khổ khác nhau. Con đường diệt khổ mà Phật giáo đưa ra, theo suy nghĩ chủ quan của người viết, là con đường lý tưởng và khó có thể hoàn tất trong một kiếp người. Tuy nhiên, mỗi chúng ta có thể thực hành một phần con đường đó, là có thể nhận lấy kết quả an vui trong từng giai đoạn thực hành.

Không những thế, trong mỗi hoàn cảnh sống, mỗi giai đoạn lịch sử chúng ta phải đối diện những nỗi khổ đau khác nhau và lẽ tất nhiên con đường diệt khổ cũng hoàn toàn khác biệt. Cụ thể là, đối với những nỗi khổ đau, lo sợ, nghi ngờ, hoảng hốt do dịch bệnh Corona gây ra, mãi tới hôm nay nhân loại nói chung vẫn chưa tìm ra một con đường chính thức, chủ yếu, tối quan trọng để diệt trừ nỗi khổ này, nhưng với những ca nhiễm bệnh được chữa lành, đã cho thấy rằng, một phần của con đường đó đã được tìm thấy. Như vậy, vấn đề chủ yếu và tối quan trọng ở đây chính là, muốn thoát khỏi dịch bệnh (Khổ đế) thì cần phải thực hiện theo những khuyến nghị do các nhà khoa học có thẩm quyền đưa ra (Đạo đế).

Kể từ khi dịch bệnh khởi phát, dựa trên những thành tựu y khoa của thế giới và thực tế lâm sàng, các cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra những khuyến nghị có cơ sở khoa học như: bổ sung sức đề kháng, nâng cao sức khỏe tổng trạng, điều trị từng triệu chứng, khử trùng những yếu tố trung gian gây lây nhiễm, trang bị khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người… là những giải pháp căn cơ bước đầu, là những con đường tuy nhỏ, nhưng hứa hẹn mang đến sự vững chãi và an vui. Sự nhận thức đầy đủ và thực hành nghiêm túc về những giải pháp an toàn sinh học đầu tiên này, là cơ sở để ngăn ngừa dịch bệnh và cũng là cơ hội để các nhà khoa học có đủ thời gian tìm ra vaccine tối ưu, để khống chế hoàn toàn và dập tắt dịch bệnh.

Một con muỗi đập cánh ở Cancun, Mexico thì ở Philippines có gió mùa. Tôi chưa thể nhớ ra nhà văn nào đã viết như thế nhưng câu văn đó trùng khớp một phần với lời dạy của Đức Phật từ hàng ngàn năm trước: Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh. Cụ thể hơn, nhận thức đầy đủ về lý thuyết duyên khởi giúp chúng ta sống có trách nhiệm, có hiểu biết, có thương yêu, biết được rằng hành động của mỗi cá nhân sẽ tác động ra sao đối với cộng đồng và ngược lại. Bởi lẽ, thực tế biến động của dịch bệnh Corona hôm nay đã chỉ ra rằng, sự an lạc đúng nghĩa của mỗi cá nhân là cơ sở hạnh phúc của cả cộng đồng và xa hơn là cả toàn nhân loại.

Từ khóa » Thuyết Tứ Diệu đế