Tu Gieo Duyên - Chùa Hoằng Pháp

Tôn giáo hay còn gọi là đạo, xét trên một cách thức nào đó được xem là một phương cách để giúp con người sống và tồn tại với sức mạnh siêu nhiên, từ đó làm lợi ích cho vạn vật và con người.

Tu gieo duyên

Đôi khi đồng nghĩa với tín ngưỡng, thường được định nghĩa là niềm tin vào những gì siêu nhiên, thiêng liêng hay thần thánh, cũng như những đạo lý, lễ nghi, tục lệ và tổ chức liên quan đến niềm tin đó. Trong nghĩa tổng quát nhất, có quan điểm đã định nghĩa tôn giáo là kết quả của tất cả các câu trả lời để giải thích nguồn gốc, quan hệ giữa nhân loại và vũ trụ; những câu hỏi về mục đích, ý nghĩa cuối cùng của sự tồn tại. Chính vì thế tôn giáo ra đời để đáp ứng thỏa mãn nhu cầu khát ngưỡng tâm linh của con người. Nhưng những vị giáo chủ khai sáng ra mỗi tôn giáo lại đưa ra những giáo lý để mê hoặc lòng người nhằm mục đích gia tăng tín đồ. Việc làm này đã hệ lụy hướng mọi người đến chỗ cuồng tín, mê tín mà không đem đến con đường an vui, hạnh phúc. Và một khi đời sống vật chất của con người nâng cao, khoa học kỹ thuật phát triển thì những giáo lý này sẽ bị lỗi thời, không phù hợp và không thể đáp ứng hết nhu cầu tâm linh trên hành trình tìm về với tự thân của mỗi người. Duy chỉ có một tôn giáo, dù trải qua gần 2.600 năm lịch sử nhưng vẫn đứng vững như một tượng đài bất di bất dịch. Những giáo lý trong tôn giáo ấy luôn hướng mọi người đến hạnh phúc, an vui, giác ngộ và giải thoát. Tôn giáo ấy chính là đạo Phật do đức Thích Ca Mâu Ni khai sáng.

Đạo Phật được xem là một tôn giáo làm nền tảng chuẩn mực đạo đức của xã hội. Giáo lý đạo Phật luôn đem đến hạnh phúc, an lạc cho con người ngay trong đời sống hiện tại và vị lai. Vì vậy, có rất nhiều thành phần trong xã hội muốn một lần đến để tắm mình trong dòng sữa pháp trong lành và có được phút giây chiêm nghiệm hành theo những lời Phật dạy. Ngày nay, với tấm lòng từ bi vô lượng chư Tăng đã mở bày phương tiện để mọi người cùng biết đến Phật pháp, cùng nhau tu học với hình thức “tu gieo duyên” dành cho những ai muốn trải nghiệm lời dạy của đức Thế Tôn.

Có nhiều hình thức tu gieo duyên khác nhau, tuỳ theo tông phái hay quốc độ mà hình thức cũng khác biệt. Hình thức tu gieo duyên của Phật giáo Nguyên Thuỷ là một chàng trai khi tuổi còn là vị thành niên sẽ vào chùa xuất gia tu học. Hành trì nghiêm mật giới luật và học những giáo lý căn bản của đạo Phật. Chàng trai này vào chùa tu học có thời gian khoảng 4 năm nhằm đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Sau khi mãn thời hạn trên, nếu không còn duyên chàng trai ấy có thể hoàn tục và được xem là người có tư cách đạo đức tốt, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Những người này khi hoàn tục, đa phần có lối sống lành mạnh và được xã hội yêu quý. Tuy nhiên, cũng có phần đông do ảnh hưởng của giáo lý vi diệu của đức Thế Tôn mà người này tiếp tục theo đuổi con đường xuất trần thượng sĩ.

Theo truyền thống Bắc Tông tu gieo duyên nhằm mục đích kết tạo duyên lành cho người thiện nam tín nữ đến với con đường xuất gia học đạo cho kiếp sau. Theo trường phái này thì không chỉ dành riêng cho người thiện nam mà có thể áp dụng cho cả nam lẫn nữ, người trẻ cũng như người già. Hình thức tu gieo duyên này là người thiện nam tín nữ ấy sẽ đến chùa xuất gia với một vị thầy. Sau đó, vị này có thể ở trong ngôi chùa tu học như một vị tu sĩ thật thụ trong thời khoảng thời gian 1 ngày, 3 ngày, một tuần hoặc có thể nhiều hơn. Họ cũng được thọ giới nhưng tuỳ theo là thọ 10 giới Sa-di hay 250 giới Tỳ-kheo. Khi đã xuất gia gieo duyên, được ở chùa tu học oai nghi, giới luật thì khi trở lại đời sống tại gia bình thường, họ phải sống tốt hơn những người khác. Nếu những người này trở về nhà mà lại sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, thì người đời sẽ chê bai: “Ông này trước đây thấy cũng đi tu, cũng cạo tóc, mang y,… mà sao khi về nhà lại tệ như thế?”. Vì vậy, sau khi xuất gia gieo duyên về, họ phải thể hiện là người có đạo đức hơn mới ảnh hưởng tốt đến người xung quanh. Dù đi tu một thời gian nhưng khi hoàn tục họ hiền lành, dễ thương hơn lúc trước thì ai cũng quý mến. Điều đó khuyến khích cho họ sau này cũng phát tâm đi tu, còn ngược lại những người này tệ hơn cả những người đời thì họ sẽ phê phán và đánh mất lòng tin vào Tam Bảo.

Một số trường hợp khác do hết duyên với con đường xuất gia học Phật thì họ trở về với cuộc sống thế tục. Tuy nhiên, không biết tự bao giờ đã hình thành lối tư tưởng cạn cợt, họ nghĩ rằng: “Khi một người hoàn tục có nghĩa là người ấy hết giá trị sử dụng. Con người ấy xem như vô dụng không có lợi ích cho xã hội”. Tuy nhiên, chúng ta hãy suy nghĩ lại nếu người ấy đã có được vốn kiến thức Phật pháp luôn biết áp dụng trong đời sống và hành trì theo năm tiêu chuẩn đạo đức. Vậy, tại sao chúng ta không cho họ cơ hội làm lại cuộc đời. Để họ sống có ích cho bản thân và cống hiến cho xã hội, cho đạo pháp thay vì miệt thị, khinh dễ, xem thường họ. Đã không thể giúp họ vượt qua mặc cảm ấy thì cũng đừng nên có những suy nghĩ như trên, vì vô hình trung có thể đưa họ đến sự tự kỷ, chán nản bản thân dẫn đến những việc làm sai trái. Thử hỏi chúng ta làm như vậy có đúng với tinh thần học Phật hay chưa?

Chúng ta nhìn lại lịch sử, vào thời thực dân Pháp đô hộ ba nước Đông Dương, chúng dùng tôn giáo để đặt nền tảng thống trị. Chúng truyền Thiên Chúa giáo vào 3 nước Đông Dương, nhưng duy chỉ có Việt Nam bị ảnh hưởng và một thành phần không nhỏ đã cải đạo theo Thiên Chúa giáo. Trong khi đó đất nước Lào và Cam-pu-chia lại không bị. Có phải chăng do hình thức tu gieo duyên của nước bạn mà Thiên Chúa giáo không thâm nhập vào được? Vì người đàn ông là trụ cột trong gia đình, lại có được thời gian tu tập trong chùa. Tiếp đến là thế hệ những đứa con trai cũng được vào chùa tu tập. Cứ như thế cho nên tạo được một chuỗi mắc xích liên kết từ đời này sang đời khác, nên Thiên Chúa giáo không thể nào du nhập qua nền văn hóa thấm nhuần tư tưởng đạo Phật. Riêng ở Việt Nam, chúng ta chỉ sau một thời gian bị đô hộ của thực dân Pháp và sự bành trướng của Thiên Chúa giáo đã có chỗ đứng trong xã hội. Đây là bài toán mà để mỗi chúng ta phải suy ngẫm: “Vì đâu một đất nước trong quá khứ đạo Phật được xem là quốc giáo, lại dễ dàng thay đổi đi truyền thống của tổ tiên bao đời để chạy theo thời cuộc, thịnh suy của đất nước!”

Tuỳ vào quan điểm của mỗi tông phái mỗi quốc gia mà có cái nhìn về hình thức tu gieo duyên khác nhau. Tuy nhiên, ở góc độ nào thì chúng ta cũng không nên xem thường người hết duyên tu Phật pháp, mà hãy quý trọng và xem họ như một người Phật tử thuần thành. Một người đã thấm nhuần tư tưởng Phật pháp, họ sẽ có cơ hội đóng góp sức mình cho công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Nếu không thể giúp cho hạt giống Bồ-đề của họ tiếp tục thăng hoa, thì cũng đừng nên làm cho nó khô héo, úa tàn. Bởi trong chúng ta đều có sẵn tự tính chân như, chỉ khác là thành quả của sự giác ngộ sẽ đến nhanh hay chậm là do sự tu tập và hành trì của mỗi người. Ngày sẽ tắt với những ai còn si mê trong cõi mộng, đêm sáng mãi với người tỉnh thức. Rồi một ngày nào đó, họ sẽ được trở về với chánh đạo, lại được khoác lên mình tấm y giải thoát… như con phượng hoàng tự vùng lên trong đám tro tàn của chính nó.

Thích Tâm Quyền

Facebook Google Tweet

Từ khóa » Tu Gieo Duyên Là Gì