Từ “gọi Toilet” đến Nhà Vệ Sinh Không Cần Nước - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Chỉ cần gọi, toilet sẽ có mặt |
“Gọi toilet” như gọi Uber được không?
Thật may là chúng ta đang sống trong thời đại mà cái gì cũng có thể gọi qua điện thoại thông minh như đặt xe từ Uber. Hãng giấy vệ sinh Charmin (Mỹ) vừa biến ý tưởng đó thành hiện thực ở thành phố New York cách đây không lâu.
Dịch vụ có tên là Van-Go, “trực tiếp chuyển ngay một nhà vệ sinh hoàn toàn riêng tư và siêu sạch” đến ngay vị trí khách hàng đang đứng chỉ bằng vài thao tác trên smartphone.
“Chúng tôi muốn mang đến trải nghiệm phòng tắm tốt nhất cho khách hàng, không chỉ ngay tại nhà bạn với giấy vệ sinh của chúng tôi mà còn theo những cách không ngờ khác” - phó giám đốc thương hiệu của Charmin, Janette Yauch, giải thích.
Tên dịch vụ ghép từ chữ “van” (xe tải) và “go” (đi vệ sinh), nghĩa là “đi giải trên xe tải” như cách Yauch hóm hỉnh chơi chữ. Van-Go thực ra chỉ là chương trình thiết kế riêng nhằm quảng bá cho sản phẩm mới của Charmin và chỉ kéo dài trong hai ngày 21 và 22-6 tại một số khu phố ở New York.
Tác giả Brett Williams của trang Mashable đã thử dùng dịch vụ “gọi toilet qua smartphone” của Charmin và kể lại trải nghiệm thú vị này trong bài viết “Đã có Uber của toilet - Tương lai của toilet là đây chứ đâu” ngày 21-6.
Williams hào hứng mô tả cách gọi toilet dễ dàng, nội thất của “toilet trên xe tải” và dịch vụ hoàn hảo. “Một khi bạn có thể yêu cầu cả một phòng vệ sinh cá nhân được “giao” đến tận nhà chỉ bằng cách gọi qua smartphone, bạn sẽ chẳng bao giờ muốn trở lại cuộc sống cũ nữa” - Williams viết và bày tỏ hi vọng dịch vụ này sẽ sớm thành hiện thực trong tương lai chứ không chỉ dừng lại ở mức một chương trình quảng cáo.
Một tấm phim làm bằng chất liệu phân hủy sinh học sẽ bung ra, gói trọn mọi thứ và chạy xuống khoang chứa bên dưới |
Toilet không cần nước
Nếu bồn cầu xả bằng nước không có gì lạ với hầu hết chúng ta, vẫn còn nhiều nơi không có đủ nước để lắp đặt hệ thống như vậy.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, 2,4 tỉ người hiện không được tiếp cận nhà vệ sinh cơ bản nhất và 1 tỉ người thậm chí không có không gian riêng để đi vệ sinh, họ phải “đi đồng” theo nghĩa đen hoặc sử dụng các nhà vệ sinh tạm bợ xây biệt lập với nhà chính.
Những toilet kém chuẩn này chỉ có hố chôn chất thải, không kết nối với hệ thống nước xả hay xử lý nào... Không có nước dẫn đến không có nhà vệ sinh sạch, vậy nếu nghĩ ngược lại: nếu toilet không cần nước thì có thể giải quyết được vấn đề?
Đó chính là lối tiếp cận của Loowatt, một công ty khởi nghiệp có trụ sở ở London, cho giải pháp “toilet không cần nước” của mình.
Toilet không cần nước của Loowatt được trang bị với một bồn cầu đặc biệt - trông cũng giống như bồn cầu thông thường nhưng không có bể nước.
Khi người dùng gạt cần xả, thay vì có nước chảy, một tấm phim làm bằng chất liệu phân hủy sinh học sẽ bung ra, gói trọn mọi thứ và chạy xuống khoang chứa bên dưới. Sau một hoặc hai tuần sẽ có người đến thu các túi chất thải đó mang về trung tâm của Loowatt, nơi chúng sẽ được xử lý để tạo ra biogas dùng để phát điện hoặc nấu nướng.
Thiết kế này là “một mũi tên trúng hai đích” - vừa giải quyết vệ sinh vừa sản sinh được năng lượng, cũng lý giải tên gọi của công ty: Loo (nhà vệ sinh) và Watt (đơn vị điện năng).
Loowatt khẳng định cơ chế “gói chất thải” này, dù không dùng đến một giọt nước, được xử lý với công nghệ đặc biệt, “khử mọi mùi hôi và cung cấp trải nghiệm quá sự mong đợi của những người vốn đã quen dùng toilet có xả nước”.
Trong bài viết giới thiệu “toilet không cần nước” ngày 20-6, tạp chí khoa học Mosaic cho biết Loowatt hiện chỉ mới được thử nghiệm ở thủ đô Antananarivo (Madagascar), nơi đa số người dân vẫn phải “chạy ra đồng hoặc dùng chung toilet tạm bợ khi có nhu cầu”.
Năm 2011, Loowatt đã giành được tài trợ từ chương trình “Tái phát minh toilet” của Quỹ Bill & Melinda Gates. Quỹ này cũng đồng ý tài trợ một dự án “toilet không nước” khác của Viện Water Science thuộc Đại học Cranfield (Anh).
Giải pháp của nhóm này là bồn cầu sử dụng công nghệ nano với cơ chế phân tách chất thải thành hai khu riêng biệt rắn và lỏng, sau đó xử lý sinh học để nước được tái sử dụng trong sinh hoạt, còn phần rắn dùng cho nhà máy nhiệt điện.
Theo Mosaic, nhu cầu “tái phát minh nhà vệ sinh” vẫn đang tiếp diễn trên toàn thế giới, với đủ lối tiếp cận, từ dùng năng lượng mặt trời đến phản ứng điện hóa học để phân tách “sản phẩm” của việc đi vệ sinh. Một số khác lại tập trung cải tiến bồn cầu xả nước hiện tại để có thể tái sử dụng nước.
Dù là theo lối tiếp cận nào cũng đang có một cuộc cách mạng trong nhà vệ sinh, điều đặc biệt cần thiết cho những người hiện phải đi vệ sinh một cách kém vệ sinh và không an toàn.■
Từ khóa » Toilet Không Cần Nước
-
Lạ Lùng Bồn Cầu Không Cần Nước
-
Lọ Lem đi Nặng: Toilet Không Cần Xả Nước Giá 76 Triệu, đốt Chất Bài ...
-
Bồn Cầu Công Nghệ Nano Không Cần Nước Hoạt động Ra Sao?
-
Toilet Không Cần Xả Nước - VnExpress
-
Nhà Vệ Sinh Không Cần Nước - Tuổi Trẻ Online
-
Xem Cách Bồn Cầu Không Dùng Nước Hoạt động - Genk
-
Nhà Vệ Sinh Không Dùng Nước
-
Độc Lạ Bồn Cầu Không Cần Dùng Nước
-
Bồn Cầu Không Cần… Dội Nước - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Bồn Cầu Không Có Nước? 2 Cách Sửa Hiệu Quả Hiện Nay
-
Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý Bồn Cầu Toilet Không Có Nước 100%
-
Lý Do Bồn Cầu Xả Nước Không Xoáy Và Cách Xử Lý đơn Giản
-
Bồn Cầu Dội Nước Không Trôi - Cách Giải Cứu Hiệu Quả Nhất