Tự Hào Những Chiến Sĩ Hải Quân Nơi đầu Sóng Ngọn Gió

Cục Phòng thủ bờ biển, lực lượng tiền thân của Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập vào ngày 7-5-1955. Từ đó, ngày 7-5 hàng năm được xem là Ngày truyền thống Quân chủng Hải quân. Đến nay, qua 67 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân anh hùng đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, lập nên nhiều chiến công vang dội.

Nhân chuyến thăm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 cùng Đoàn công tác số 5, Quân chủng Hải quân, phóng viên Báo Hậu Giang đã có cơ hội ghi lại nhiều hình ảnh chân thực, xúc động, đáng khâm phục và tự hào về những người lính đảo ở nơi đây.

Nghi thức chào cờ trên đảo Trường Sa. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, 10 lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam đã được vang lên, thể hiện ý chí, quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa nói riêng và Quân chủng Hải quân nói chung.

Trải qua 67 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân chủng Hải quân đã được tôi luyện, ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, đóng góp vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc và đổi mới đất nước. Trong tháng Tư lịch sử năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đến ngày 29-4-1975, quân ta làm chủ đảo Trường Sa, quần đảo Trường Sa hoàn toàn được giải phóng.

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong 67 năm qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đã hy sinh thân mình, mãi mãi nằm lại giữa trùng khơi. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ xứng đáng được tạc thành những tượng đài để thế hệ sau mãi mãi ghi công và tưởng nhớ. Vừa qua, trong chuyến công tác, trên tàu Kiểm ngư 490 (KN490) được neo đậu tại khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin, Đoàn công tác số 5 tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa.

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đã không ngần ngại, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bất kể ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa luôn túc trực, canh gác, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân chủng Hải quân luôn siết chặt tay súng, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa còn là điểm tựa quan trọng của người dân khi ở xa đất liền. (Trong ảnh, một chiến sĩ quân y tại đảo Núi Le A đang thăm khám sức khỏe cho ngư dân).

Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các cán bộ, chiến sĩ tại đảo Trường Sa còn mang những lời ca, tiếng hát để phục vụ người dân, tạo không khí vui tươi, gần gũi trên đảo.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các anh lính đảo lại tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống vật chất trên đảo. (Trong ảnh, một chiến sĩ trên đảo Cô Lin đang chăm sóc cho những luống rau được trồng trong nhà kín).

Nơi đảo xa, tình đồng chí, đồng đội giữa các anh lính đảo càng được thắt chặt. Không chỉ đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ, họ còn gần gũi, gắn bó với nhau ở đời sống thường ngày.

Một “chiến sĩ nhí” tại đảo Trường Sa. Những đứa trẻ lớn lên trên đảo mai sau có thể là thế hệ tiếp nối của Quân chủng Hải quân, với tình yêu biển đảo quê hương đã thấm nhuần trong máu thịt.

Rất nghiêm túc, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ, nhưng các anh lính đảo cũng rất vui vẻ, yêu đời và đam mê văn nghệ, thể thao,... khi có đoàn công tác ra đảo, những buổi giao lưu văn hóa văn nghệ giúp tình quân dân càng thêm thắt chặt. Lời ca, tiếng hát và tình cảm từ đất liền là nguồn động lực to lớn, là hậu phương vững chắc cho các cán bộ, chiến sĩ tại nơi hải đảo xa xôi, để Trường Sa đó tuy xa mà gần, để câu hát luôn vang vọng: Không xa đâu Trường Sa ơi!

ĐANG THƯ

Từ khóa » Hình ảnh Người Lính Biển đảo