Tự Hào Truyền Thống 75 Năm Xây Dựng, Chiến đấu Và Trưởng Thành ...

Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ, gồm có 3 cấp: Nha Công an Việt Nam, Sở Công an kỳ và Ty Công an tỉnh. Ở các Sở Công an kỳ, Ty Công an tỉnh có Phòng và Ban trật tự làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng, kiểm soát giấy tờ... Đây là mốc rất quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng Công an Nhân dân. Vì thế, ngày 21/02 hằng năm được lấy là ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tổ chức tiền thân của CSGT đã làm nhiệm vụ chỉ đường, kiểm tra xe vận tải, hướng dẫn, kiểm soát giao thông, kiểm tra giúp đỡ người qua lại ở các tuyến đường giao thông quan trọng, các khu vực giáp ranh giữa ta và địch, các cơ quan, kho tàng, bến bãi..; phối hợp bảo vệ đồng bào đi sơ tán, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân; bảo vệ sửa chữa, làm mới cầu đường, bảo vệ giao thông vận chuyển hàng hoá, lương thực, vũ khí, đạn dược; phát hiện những đối tượng lợi dụng phương tiện để hoạt động cho địch. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh cách mạng dân tộc thực hiện mục tiêu thống nhất nước nhà. Lực lượng CSGT được thành lập, tham gia tiếp quản Thủ đô và các tỉnh, thành phố, thị xã miền Bắc, đảm bảo TTATGT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, các mục tiêu giao thông vận tải như đường sá, cầu, cống, bến phà, nhà ga, phương tiện giao thông là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, hòng cắt đứt chi viện về sức người, sức của của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Có thể nói không một con đường, cây cầu, bến phà nào còn nguyên vẹn bởi bom đạn của giặc Mỹ. Nhưng với khẩu hiệu “Mặt đường, sông nước là chiến trường”, “Phương tiện giao thông là vũ khí” và quyết tâm sắt đá “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa ta đi”, “ Địch lại phá, ta lại sửa ta đi” và “Địch phá ta cứ đi”,... chính tại những vị trí ác liệt và nóng bỏng này, lực lượng CSGT vẫn ngày đêm bám trụ kiên cường trên từng tuyến đường, cây cầu, bến phà và những trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá để hướng dẫn, chỉ huy, điều hòa giao thông, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt, an toàn, cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và Nhân dân; phối hợp cùng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân cầu, đường và Nhân dân sửa đường, bắc cầu, phá bom nổ chậm, mở đường, thông tuyến cho xe, tàu, thuyền qua lại an toàn, góp phần vào công cuộc đấu tranh và giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, thống nhất, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT không kém phần khó khăn, phức tạp và quyết liệt. Ty Công an đường sắt, Cục Cảnh sát bảo vệ giao thông và Công an các tỉnh, thành phố phía Bắc đã cử nhiều lượt cán bộ chiến sỹ CSGT tăng cường cho các địa phương miền Nam tiếp quản, ổn định và giữ gìn TTATGT; triển khai công tác đăng ký phương tiện; bảo vệ việc xây dựng, khôi phục và khai thông tuyến đường sắt thống nhất; tuần tra kiểm soát bảo đảm TTATGT trên các tuyến quốc lộ và giao thông đô thị. Lực lượng CSGT phối hợp mở nhiều đợt tấn công, truy quét tội phạm hình sự trên các tuyến giao thông, tăng cường công tác bảo vệ nội bộ đã góp phần bóc gỡ nhiều mạng lưới tình báo, gián điệp hoạt động trong ngành đường sắt và trên tuyến đường sắt, đập tan âm mưu phá hoại của bọn phản động tại khách sạn ga Hàng Cỏ, triệt phá nhiều băng, ổ nhóm, bắt giữ hàng nghìn tên tội phạm.

Trong thời kỳ “đổi mới”, lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục chứng tỏ là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế.

Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém, bất cập; phương tiện giao thông vận tải có bước phát triển đột phá về số lượng, chủng loại; tốc độ đô thị hóa nhanh;… tạo ra những phức tạp mới về TTATGT. Trên cơ sở nắm chắc tình hình TTATGT, lực lượng CSGT  đã trực tiếp tham mưu cho Bộ Công an, lãnh đạo Công an các cấp chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành nghiên cứu xây dựng, báo cáo với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý, nghiên cứu đề xuất thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho Nhân dân và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, nổi bật như: Nghị định số 36/CP, số 39/CP và số 40/CP của Chính phủ, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt và Luật Giao thông đường thủy nội địa, Chỉ thị 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Chỉ thị 18/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021”; Nghị quyết 14/2002 của Quốc hội khoá XI; các Nghị quyết số 13/CP, số 32/CP và Nghị quyết số 88/CP của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế sự gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, lực lượng CSGT vừa thực hiện tốt chức năng tham mưu, đồng thời là lực lượng nòng cốt triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, đã góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết của Chính phủ đề ra là kiềm chế và giảm tai nạn, ùn tắc giao thông trên phạm vi cả nước, cơ bản ngăn chặn được tệ đua xe trái phép, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT có chuyển biến căn bản, tai nạn giao thông đã được kiềm chế, nhiều năm gần đây tai nạn giao thông năm sau đều giảm nhiều so với năm trước.

Năm 2020 trong điều kiện lực lượng CSGT vừa triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa tham gia cứu nạn, cứu hộ khắc phục hậu quả tại nhiều địa phương, vừa chủ động, tích cực tham mưu với Bộ, trực tiếp triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực của lực lượng CSGT, góp phần tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong năm 2020, toàn quốc xảy ra 14.977 vụ TNGT, làm chết 6857 người, bị thương 11.161 người, giảm sâu cả 3 tiêu chí: giảm 2.678 vụ (-15,17%), giảm 772 người chết (-10,12%), giảm 2.484 người bị thương (-18,2%) so với năm 2019. Đây là năm đầu tiên trong 10 năm qua, số người chết vì TNGT dưới 7.000 người; ùn tắc giao thông được kiềm chế, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt được nhiều kết quả, góp phần xứng đáng vào công cuộc giữ gìn an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Lãnh đạo chỉ huy các cấp trong lực lượng Cảnh sát giao thông đã triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động; tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ, quy trình công tác, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ Nhân dân trong cán bộ chiến sỹ Cảnh sát giao thông.

Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông đã được đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhiều trang thiết bị hiện đại, góp phần quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua.

 Trong công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng đã có hàng chục ngàn lượt cán bộ chiến sỹ nêu gương “người tốt, việc tốt”; có những đồng chí Cảnh sát giao thông đã anh dũng hy sinh, hàng chục đồng chí bị thương, nhiều đồng chí đã mưu trí dũng cảm kiên quyết tấn công tội phạm.

Với những thành tích xuất sắc qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, toàn lực lượng Cảnh sát giao thông có 16 tập thể, 12 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân”, toàn lực lượng được tặng thưởng 53 Huân chương chiến công và hàng nghìn huân, huy chương khác, hàng chục nghìn lượt tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành khen thưởng. Riêng Cục Cảnh sát giao thông đã vinh dự 8 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương (Huân chương Quân công hạng Ba năm 1985, Huân chương Lao động hạng nhì năm 2004, Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2005, Huân chương Chiến công hạng Ba năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2008, Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất năm 2011, Huân chương Quân công hạng Nhì năm 2014, Huân chương Chiến công hạng Nhất năm 2016). Năm 2019 và 2020, Thủ tướng Chính phủ hai lần có Thư khen lực lượng CSGT vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đây là những phần thưởng ghi nhận những thành tích đã đạt được trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, nhằm động viên khích lệ cán bộ, chiến sỹ phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trong suốt 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền mà trực tiếp, thường xuyên là Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp uỷ, lãnh đạo Công an các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các lực lượng trong và ngoài ngành; sự đùm bọc giúp đỡ to lớn của Nhân dân, lực lượng Cảnh sát giao thông đã khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng chủ công, nòng cốt trên mặt trận bảo đảm trật tự, an toàn giao thông qua từng giai đoạn cách mạng.

Năm 2021, là năm đầu quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 – 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 và thực thi nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến công tác Công an được Quốc hội khóa XIV thông qua có hiệu lực từ năm 2021, tạo ra nhiều thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông. Tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội được dự kiến tiếp tục diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng.

Tự hào về những chiến công, thành tích qua 75 năm chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát giao thông nghiêm túc quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác Công an năm 2021 và triển khai phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” năm 2021 với một số nội dung chính sau:

1. Thực hiện có hiệu quả nội dung phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” năm 2021 do Bộ Công an phát động, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 04 ngày 19/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” trong tình hình mới; cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an Nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”; gắn phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” năm 2021 với kế hoạch tổ chức phong trào thi đua đặc biệt chào mừng các ngày Lễ lớn của đất nước; hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát giao thông (21/02/1946- 21/02/2021), thực hiện có hiệu quả khẩu hiệu hành động của Bộ Công an “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, thực hiện năm An toàn giao thông Quốc gia với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn toàn giao thông”.

2. Tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII; thực hiện có hiệu quả Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021”; các Chỉ thị của Chính phủ về công tác bảo đảm TTATGT; Chỉ thị số 01/CT-BCA ngày 09/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng Công an Nhân dân trong tình hình mới”.

3. Tiếp tục đề nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo đảm TTATGT, trọng tâm là tham mưu Bộ Công an báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội khóa XV; xây dựng các Nghị định quy định về công tác bảo đảm TTATGT thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an, các Thông tư nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông;

4. Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch cao điểm, kế hoạch chuyên đề bảo đảm TTATGT, trấn áp tội phạm trên các tuyến giao thông; chủ động tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, dẫn đoàn phục vụ các hội nghị, sự kiện chính trị, văn hoá lớn, quan trọng của đất nước năm 2021, trọng tâm là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;..

5. Thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phối hợp thực hiện dịch vụ hành chính công; không ngừng đổi mới, sáng tạo, cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác; Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông như: Xây dựng hệ thống giám sát; hoàn thiện, liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu về TTATGT; hoàn thiện các trung tâm chỉ huy giao thông ở Trung ương và địa phương, giảm đến mức thấp nhất lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường cao tốc, đường quốc lộ; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông nói chung và công tác xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông nói riêng; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.

6. Làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động của người, phương tiện và TTATGT trên tuyến, nhất là nguyên nhân, thời gian, tuyến, địa bàn xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng để xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát cho phù hợp; tập trung xử lý vi phạm theo các chuyên đề và xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, bố trí khép kín địa bàn và khung giờ thường xuyên xảy ra TNGT; phân công, phân cấp tuyến được giao nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm gắn với công tác điều tra, giải quyết TNGT. Chủ động tổ chức lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, kiến nghị các bất hợp lý, các “điểm đen” về tai nạn giao thông trong tổ chức giao thông, thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông. Phối hợp quản lý hành lang an toàn giao thông, giao thông công cộng, giao thông tĩnh.

7. Tăng cường, đổi mới hoạt động phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông về bảo đảm TTATGT, tạo những sự kiện, chương trình có điểm nhấn, chủ đề trọng tâm để thu hút đông đảo người tham gia. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài ngành Công an trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với những biện pháp, hình thức cách làm sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng; kịp thời phát hiện, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong cách người Công an Nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ; tuyên truyền về tình hình, kết quả công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT, gương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sỹ CSGT.

8. Tiếp tục thực hiện các đề án, dự án đầu tư cho lực lượng Cảnh sát giao thông, chú trọng các dự án công nghệ thông tin. Tham mưu cho Bộ trình Chính phủ Đề án đầu tư, lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều khiển giao thông và xử lý vi phạm TTATGT trên cả nước và đề xuất Bộ đầu tư xây dựng hệ thống giám sát xử lý vi phạm trên các tuyến cao tốc. Đảm bảo các điều kiện về hậu cần, kỹ thuật phục vụ bảo vệ các sự kiện, hội nghị quan trọng của đất nước. Tổ chức mua sắm, cấp phát trang thiết bị, phương tiện chuyên ngành của lực lượng Cảnh sát giao thông cho Cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương để phục vụ công tác.

9. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng. Xây dựng, thực hiện các tiêu chí về cán bộ, chiến sỹ CSGT có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, sức khỏe, tác phong chính quy trong công tác, chiến đấu và sinh hoạt; các quy định về quy tắc văn hóa ứng xử, về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa của CBCS Công an Nhân dân. Thực hiện "3 xây", "3 chống" đó là: "Xây dựng tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xây dựng đạo đức trong sáng; lối sống văn hóa, tư thế, lễ tiết, tác phong chính quy; thái độ nghiêm túc, dứt khoát trong khi làm nhiệm vụ. Xây dựng quan điểm quần chúng Nhân dân đúng mực". "Chống tiêu cực, chống bao che, dung túng cho chủ phương tiện và người vi phạm. Chống hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu Nhân dân. Chống vô ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm quy chế, quy trình công tác, lối sống buông thả, thực dụng, tác phong không đúng mực và lười học tập". Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện Đề án “Tiếp tục kiện toàn tổ chức và đổi mới trang phục của lực lượng Cảnh sát giao thông”; đề xuất hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cục và các đơn vị thuộc Cục đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Rà soát, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, luân chuyển, điều động, tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Bộ. Thực hiện tốt chính sách cán bộ, động viên cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, chiến đấu, giữ gìn đoàn kết nội bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; không ngừng nâng cao tinh thần, hiệu quả làm việc của mỗi cán bộ, chiến sỹ.

Với niềm tự hào 75 năm truyền thống của mình, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS.Nguyễn Văn Trung,

Cục trưởng Cục CSGT

Từ khóa » Thành Lập Lực Lượng Csgt