Tự Học Làm Bánh Căn Bản - Dụng Cụ Làm Bánh (phần 3)

Tiếp theo (và hi vọng.. hết) về dụng cụ làm bánh (Link các phần trước: Phần 1 – Phần 2)

Dụng cụ làm bánh thì có rất nhiều, và cũng như các thứ đồ gia dụng khác, càng ngày lại càng có thêm nhiều sản phẩm mới để phục vụ cho “công cuộc nhào trộn & nướng” thuận tiện hơn. Với các bạn đang trong giai đoạn học làm bánh thì mình nghĩ các dụng cụ giới thiệu trong Phần 1 & 2 là tương đối đủ dùng rồi (thật ra mình cũng chỉ có từng ấy thứ thôi :) ). Phần cuối này mình giới thiệu thêm một số dụng cụ khác, đa phần đều nằm trong nhóm “có thì rất tốt, nhưng không có cũng không sao” nhé ;)

1. Các loại khuôn

Khác với các loại khuôn giới thiệu trong phần 2 – là những khuôn bánh cần thiết & cơ bản, và có tính ứng dụng cao, có thể dùng để làm nhiều loại bánh – các khuôn trong mục này không hẳn là không cần thiết, nhưng phần lớn đều là khuôn chuyên dùng cho một loại bánh nhất định, mình giới thiệu thêm để cả nhà tiện tham khảo.

1.1. Khuôn petit fours:

Petit fours là tên gọi chung cho các loại bánh có kích thước nhỏ (ở bên này mình thấy kiểu đồ tráng miệng là Petit fours có vẻ rất phổ biến, mà thường là rất đẹp, mình thích ^^). Khuôn Petit fours là khuôn để làm các loại bánh này (một vài loại quen thuộc là financiers, mini tarlets..)

Bánh & Khuôn Petit fours

1.2. Khuôn Madeleine:

Khuôn dành cho các loại bánh sponge cỡ nhỏ với hình dạng đặc trưng giống vỏ sò, rất thơm vị bơ với một số hương vị quen thuộc như hạnh nhân, cam hay chanh. Khuôn Madeleine thường có dạng khay liền với 8 – 12 khuôn sò nhỏ, chất liệu bằng kim loại hoặc Silicone. Mình có 1 khay Silicone, dùng rất thích vì không phải chống dính như khuôn kim loại :)

1.3. Khuôn Brioche:

Khuôn chuyên dụng cho bánh mỳ Brioche (một loại bánh mỳ của Pháp). Nếu nhìn qua sẽ thấy khuôn Brioche khá giống với khuôn Cupcake rời, nhưng khuôn Brioche thì thường có đáy hẹp và miệng rộng hơn, lòng khuôn cũng sâu hơn. Mặc dù vậy, các khuôn Brioche cỡ nhỏ vẫn có thể sử dụng để làm Muffins hoặc Cupcakes.

1.4. Khuôn Baguette: để làm bánh mỳ Baguette

2. Dụng cụ trang trí bánh

2.1. Túi bắt bông kem và bộ đui bắt bông kem

Có nhiều loại túi bắt bông kem, chẳng hạn như túi bằng vải, có thể giặt sạch và sử dụng lại, hoặc túi nilon sử dụng một lần. Mình tìm được link này hướng dẫn cách cho kem vào túi, thấy cũng ổn, bạn nào cần thì tham khảo nhé.

Về các loại đui bắt kem và đui nào cho ra hình gì thì các bạn có thể tìm qua Google với từ khóa “wilton tip chart” sẽ thấy có rất nhiều bảng về các loại đui, chẳng hạn như hình ở dưới:

Tên tiếng Việt của các loại đui thì mình cũng không biết. bản thân mình đi mua thì dựa vào hình dáng đui là chính thôi. Để trang trí thông thường thì mình nghĩ không nhất thiết phải mua nhiều đui, có một vài loại để bắt các hình cơ bản như là sò, sao, hoa, lá, cánh hoa hồng chắc là tương đối ổn rồi. Mỗi loại có 2-3 cái để nếu cần bắt nhiều màu thì không phải thay hoặc rửa đui.

2.2. Bàn xoay & dao chà láng:

Bàn xoay giúp công việc trét kem & trang trí bánh của bạn thuận tiện hơn. Dao chà láng thì không chỉ giúp chà láng kem phủ dễ hơn mà còn có thể dùng để tạo các vân, sóng tự nhiên trên mặt bánh

2.3. Đế bánh:

3. Dụng cụ tạo hình bánh quy (cookie)

3.1. Khuôn cắt bánh quy (Cookie cutters)

Các khuôn cắt bánh quy với đủ mọi hình thù ngộ nghĩnh sẽ giúp bạn có những chiếc bánh quy xinh xắn. Khuôn cắt bánh quy được làm từ nhiều chất liệu, khi chọn thì các bạn nên chọn các chất liệu cứng cáp, cạnh đủ sắc bén để cắt bột và cao tối thiểu 1,5-2cm.

3.2. Cookie press:

Cũng là một công cụ giúp tạo hình bánh quy, bột được ấn vào “máy” và dùng các loại mẫu khuôn khác nhau để “bắn” ra những chiếc bánh quy có hình thù khác nhau. Bánh làm từ cookie press khá là đẹp, mình cũng thích nhưng giá mua 1 bộ cookie press tốt thì chẳng rẻ tí nào nên vẫn đang xếp vào nhóm “wish list”.

4. Dụng cụ cắt, nạo vét bột

4.1. Bench Scraper: Vét bột mỳ

Thường là một lưỡi dao sắc hình vuông hoặc chữ nhật, có 1 cạnh bọc gỗ hoặc nhựa để cầm. Tuy không phải là dụng cụ bắt buộc cần phải có nhưng cá nhân mình nghĩ Bench Scraper khá là hữu dụng, có thể dùng cho rất nhiều việc trong làm bánh, chẳng hạn như giúp “róc” bột mỳ dính trên mặt bàn trong khi nhồi bột bánh mỳ, cắt các loại bột bánh mỳ sau khi nhồi, cắt bột bánh quy (cắt hình bánh quy tròn từ một cây bột hình trụ chẳng hạn), giúp di chuyển các khối bột mỳ sau khi nhồi (và cắt)…

4.2. Dough/ Bowl Scraper

Cũng là một dụng cụ để vét bột (scraper), nhưng khác với Bench Scraper, Dough Scraper thường là một miếng nhựa hay plastic nhỏ vừa, có một cạnh thẳng, phần còn lại hình vòng cung, rất hữu dụng khi cần vét sạch âu trộn bột, hay gạt bột mỳ dính trên cây cán bột.

4.3. Cake leveler:

Giúp cắt bánh ga tô thành nhiều lớp để trét kem, làm bánh nhiều tầng (nhưng mà với mình thì cái này không có tác dụng mấy)

4.4. Pizza cutter:

Ngoài việc dùng để cắt pizza thì dụng cụ này cũng có thể dùng để cắt một số loại bột bánh mỳ hay bar cookies

4.5. Dao lưỡi răng cưa: dùng để cắt bánh mỳ hoặc xẻ một số loại bánh ga-tô, giúp mặt cắt mịn màng hơn.

5. Các dụng cụ khác

5.1. Chổi quét bột, bơ:

Có một chiếc chổi như thế này sẽ rất tiện lợi khi bạn cần quét trứng hoặc bơ lên bánh mỳ trước khi nướng, hoặc phết dầu ăn/ bơ lên khuôn, hay phủi bột khô thừa trên mặt các khối bột bánh mỳ sau khi nhồi.

5.2. Kitchen torch (đèn khò): giúp “đốt” các lớp Caramel trên mặt Creme Brulee

5.3. Dụng cụ múc kem:

Ngoài việc giúp bạn có các viên kem tròn xinh xắn thì múc kem (loại cỡ nhỏ hoặc vừa) còn giúp bạn đong lượng bột và chia bột vào các khuôn dễ dàng khi làm muffin hay cupcake, hoặc để múc các viên bột khi làm các loại bánh quy không cần nặn hình (như chocolate chip cookie chẳng hạn).

5.4. Food processor:

Cá nhân mình nghĩ rằng đây là một loại máy tiện lợi và rất nên có trong nhà bếp. Food processor sẽ giúp bạn không mất công băm chặt các loại rau củ thành miếng nhỏ (khi cần xào hay nấu canh, súp…, đặc biệt là thái nhỏ các loại hạt để cho vào bánh), và có thể dùng để trộn bột cho một số loại bánh, xay hoa quả…

5.5. Metal spatula:

Spatula bằng kim loại, có lưỡi dẹt, mỏng và phẳng, dùng để chuyển bánh quy sau khi nướng xong từ khay lên rack để nguội.

Chắc là … tạm hết rùi đấy. Thật ra là vẫn còn nhiều lắm nữa nhưng mà cũng không thể liệt kê hết được, những thứ cơ bản mình nghĩ chắc chỉ vậy là tương đối đủ rùi. Hi vọng mấy bài viết này sẽ phần nào giúp các bạn dễ cân nhắc và lựa chọn khi mua đồ dùng và dụng cụ làm bánh. Về dụng cụ mình tạm dừng ở đây nhé. Bài tiếp theo sẽ về phân loại các loại bột dùng trong làm bánh :)

Sách học làm bánh của Linh Trang

Những bài có thể bạn quan tâm:

Từ khóa » Cách Dùng Các Loại đui Bắt Kem