Từ Khỉ Núi đến Khỉ Chùa

Trong bản đồ quân sự ở miền Trung Việt Nam của người Mỹ, núi Sơn Chà Đà Nẵng (tức Sơn Trà) được đặt tên là monkey mountain - núi khỉ!

Gia sản quý giá vô song

Thật ra, từ thế kỷ XVII, khi viết “Hải ngoại ký sự”, nhà sư Thích Đại Sán trên đường từ Huế vào Hội An để lên tàu về lại Trung Hoa từng mô tả về dãy núi Sơn Trà: “Chợp ngủ chừng nửa giờ, đã thấy phương Đông sáng bạch. Khoác áo choàng ngồi dậy, thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã vào vũng (vịnh Đà Nẵng) ở trong vòng núi bao quanh. Dọc bờ biển, đá lèn lởm chởm, trên cây vượn trắng nhảy nhót từng bầy, trái đồi hoa núi, xanh đỏ sum sê. Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít. Hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió tại đây...”.

Trên dãy Sơn Trà mà người ta ví như lá phổi của TP Đà Nẵng bây giờ đã có một tượng lớn bằng đá mô phỏng chú khỉ đang nghếch đầu trên một dốc đứng nhìn xuống con đường ngày càng đông du khách lai vãng, như một biểu tượng. Năm nay, lần đầu tiên tôi lại thấy trong tấm thiệp chúc Tết của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có in tấm ảnh về một gia đình “nữ hoàng các loài linh trưởng” trên núi này - loài voọc ngũ sắc, còn gọi là voọc chà vá chân nâu.

Tượng khỉ ở Sơn Trà (Đà Nẵng) Tượng khỉ ở Sơn Trà (Đà Nẵng)

Nghe rằng trước đó, để chọn một biểu tượng cho du lịch và bảo tồn thiên nhiên, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Green Việt cũng đề xuất lấy hình ảnh voọc ngũ sắc. Tết năm nay, ảnh loài linh trưởng này còn được in màu trên các phong bao lì xì. Chợt nghĩ, có lẽ hình ảnh này sẽ rất hấp dẫn với khách nhàn du vì ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học cũng như vẻ đẹp của loài voọc ngũ sắc.

Thật ra, như lời nhiều người lớn tuổi kể lại, hồi miền Trung còn thuộc Pháp, những người lên suối Đá ở Sơn Trà bắt cá, các loài khỉ vàng, voọc ngũ sắc còn rất dạn dĩ và rất đông. Chúng xuống “bắt hôi” cá mà chẳng sợ sệt gì. Hồi lính Mỹ đóng đồn trên Sơn Trà, nghe kể có nhiều lúc khỉ trong rừng ra ăn cắp cả đồ ăn, phá phách đồ đạc của họ.

Nạn săn bắt khỉ để nấu cao trong nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất đã làm giảm đáng kể các cá thể quý hiếm. May là Đà Nẵng đã kịp ngăn chặn tình trạng này...

 Tượng khỉ ở chùa Cầu (Quảng Nam)

Tượng khỉ ở chùa Cầu (Quảng Nam)

Trong làn sương mờ đục những ngày đầu năm, đi quanh trên bán đảo - núi Sơn Trà với vài người bạn trong ngành du lịch và lâm sinh, tôi được kể rằng trên Sơn Trà hiện nay, ngoài khỉ vàng ra thì chỉ còn khoảng 400 con voọc ngũ sắc. Chúng sống từng gia đình, gồm một chàng và vài ba nàng cùng một số con theo chế độ phụ hệ. Mỗi “hộ” có từ 7 đến 10 thành viên và sinh hoạt rất nền nếp.

Để gặp được các gia đình voọc ngũ sắc, không gì bằng là phải biết giờ đi ăn của chúng: sáng từ khoảng 7 đến 10 giờ, chiều từ 15 đến 17 giờ, tại những vị trí có nhiều cây chò, sung, dẻ. Một bạn nghiên cứu lâm sinh cho rằng các gia đình voọc chà vá đi ăn thường rất đáng nghiên cứu. Voọc cha - voọc chồng ăn trước, ăn nhanh và xơi... những thức ngon rồi phóc lên những cây cao trông chừng, cảnh giác ra bốn phía để vợ con ở dưới từ tốn ăn sau. Các nàng trông cũng mảnh mai thục nữ, ăn uống và chăm sóc con cái lúc nào cũng tỉ mỉ, ân cần chẳng khác chi người ta vậy!

Núi Sơn Trà án ngữ phía cửa biển Đà Nẵng có độ cao gần 700 m, tương đương núi Hải Vân, như một bức bình phong bảo vệ thành phố biển này. Đây còn là khu bảo tồn thiên nhiên, một rừng già nhiệt đới ngay trong lòng thành phố. Quan trọng nữa, đây lại là nơi lưu giữ duy nhất loài linh trưởng được coi như “nữ hoàng” có tên trong sách đỏ. Đó chính là một gia sản quý giá vô song.

Mang tính tâm linh

Trong sách “Hải ngoại ký sự”, Thích Đại Sán có kể năm 1719, nhân chuyến tuần du phương Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu đến Hội An đã thấy có cầu, thuyền buôn tụ họp đông đúc nên đặt tên là “Lai Viễn kiều”. Thật ra, chùa Cầu được thương nhân Nhật xây dựng vào năm 1593.

“Đại Nam nhất thống chí” thời Tự Đức (1847-1883) mô tả: “Cầu ở xã Cẩm Phô về phía Tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía Nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên...”. Bác sĩ Albert Sallet đầu thế kỷ XX tường trình: “Các truyền thuyết còn kể lại rằng một người Nhật tên là Thanh đã xây dựng cây cầu này trên những cột bằng đá với bộ sườn siêu cấu trúc và một mái bằng ngói”. Giữa thế kỷ XVII, người Minh Hương xin chúa Nguyễn tu sửa và xây thêm ngôi chùa nối liền bên hông cầu thờ Bắc Đế, Quan Công và Phật Quan Âm...

Có truyền thuyết cho rằng những người Nhật đầu tiên sinh sống ở Hội An thường xuyên nhìn thấy trên mặt sông Hoài xuất hiện sống lưng của con cù - tiếng Nhật là Mamazu, một thủy quái có đầu ở Ấn Độ mà đuôi ở tận nước Nhật. Khi con cù quẫy đuôi thì nước Nhật bị động đất, núi lửa phun trào và cả vùng Hội An lụt lội, nên cho xây cầu và đặt các tượng khỉ, chó làm phép yểm để giữ bình yên.

Các học giả của Trường Đại học Showa nghiên cứu ở Hội An đã xác nhận rằng những tượng thờ trên cầu không phải là các con thú bất kỳ mà là những vật linh theo tín ngưỡng vật tổ của người Nhật (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương). Đặc điểm đáng chú ý là 2 tượng khỉ và tượng chó bằng đá được đặt lần lượt ở đầu phía Tây và phía Đông chùa Cầu được dân gian gọi là “thần khỉ” và “thần chó” như một biểu tượng trấn yểm để cầu may mắn.

Cũng có thuyết cho rằng cầu xây dựng từ năm Thân (khỉ) và hoàn tất vào năm Tuất (chó). Có nhiều giai thoại về 2 linh vật này nhưng ai đến Hội An, nhất là vào dịp Tết và những ngày sóc vọng, đều dừng lại bên mâm ngũ quả, bình hoa được người phố cổ đặt cúng trước các tượng, để thắp hương cầu nguyện, mong điều may mắn cho mình. Khỉ chùa Cầu vì vậy mang tính tâm linh của cả du khách và người Hội An.

Mắng khỉ mà người đau…

Dưới mắt một nhà thơ sinh ra ở Hội An, đi xa rồi về lại, vẫn thấy một “khỉ chùa Cầu” luôn tươi tắn chứ không trơ gan cùng tuế nguyệt. Trai gái Hội An lỡ miệng mắng nhau là “khỉ chùa Cầu” cứ ân hận mãi. Bởi vậy, Chế Lan Viên đã rất ấn tượng khi viết về Hội An: “Anh là khỉ chùa Cầu”/ Mắng xong anh, em khóc/ Hương chùa hay hương tóc/ Mắng khỉ mà người đau…(Hội An).

Kỳ tới: Khỉ ơi là khỉ!

Từ khóa » Núi Khỉ đỏ ở đâu