Từ Ký ức đau Thương... - Sự Kiện Nhân Chứng

Nghi lễ truyền thống bắn pháo hoa chào mừng sự kiện thành lập TP Thủ Đức vừa qua cũng diễn ra tại đây.

Nhiều tư liệu, hình ảnh tố cáo tội ác man rợ của thực dân Pháp thảm sát hơn 700 đồng bào, chiến sĩ cách mạng vùng bưng 6 xã thuộc huyện Thủ Đức trong khoảng hai năm 1946-1947 được lưu giữ tại khu đền. Bất cứ ai đến thăm viếng đền đều ngậm ngùi, trào dâng xúc động khi thấy hình tượng các bà mẹ ôm thi thể con được xây dựng ngay trước chính điện. Ông Phan Xuân Thi, nguyên Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi quận 9 kể: Chưa đầy hai năm, biết bao bà mẹ ở vùng đất này đã mất con, mất chồng bởi sự tàn ác của bọn lính Pháp đóng tại bót Dây Thép đầu làng. Chúng giết hại vô tội vạ bằng những thủ đoạn dã man, chặt đầu, mổ bụng, thiêu sống... những người dân vô tội, rồi vứt xác xuống suối Cái, chỗ chân cầu Bến Nọc. Tượng đài được dựng lên như một chứng tích khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc, nhắc nhớ người dân và du khách về một giai đoạn lịch sử không thể nào quên.

leftcenterrightdel
Tuổi trẻ TP Thủ Đức tham quan, giáo dục truyền thống tại Đền tưởng niệm Bến Nọc. 

Theo lời kể của ông Thi và tư liệu lịch sử được lưu giữ trong đền, bót Dây Thép do thực dân Pháp xây dựng với mục đích ban đầu là trạm thu phát thông tin. Do phong trào yêu nước ở Nam Bộ bùng nổ mạnh mẽ, nhất là vùng Tăng Nhơn Phú (thuộc huyện Thủ Đức lúc bấy giờ) nên quân Pháp lo sợ, tăng cường lực lượng, biến bót Dây Thép thành nơi kiểm soát vùng bưng 6 xã ở Thủ Đức; giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng và người dân bị nghi ngờ che giấu cán bộ. Tháng 4-1946, thực dân Pháp đưa tên quan hai ác ôn Pirolet về bót Dây Thép chỉ huy đại đội lính lê dương đàn áp phong trào cách mạng. Kể từ đây, người dân vùng Tăng Nhơn Phú chìm trong chuỗi ngày đau thương, tang tóc. Mỗi buổi sáng, lính lê dương chia thành từng nhóm vào làng lùng sục, cướp bóc, hãm hiếp. Nhiều người trốn sau cánh cửa hoặc bồ lúa cũng bị chúng lôi ra, cột dính chùm đưa về bót, dùng mọi cực hình tra trấn. Chúng chiêu dụ, dọa nạt và sau cùng gán cho họ là “chính trị phạm”. Theo lệnh của Pirolet, bọn lính mang các nạn nhân đến cầu Bến Nọc gần đó bắn chết rồi ném xác xuống suối Cái.

Khi hầm nhốt người quá đông, chúng dùng thòng lọng tròng vào cổ lôi bớt một số người lên. Nạn nhân lập tức bị trói lại, xếp thành hàng để một kẻ trùm mặt nhận diện. Nếu tên này gật đầu thì nạn nhân lập tức bị đẩy ngã sấp xuống tấm ván gỗ và bị chặt đầu bêu trước bót Dây Thép...

Dù bị quân Pháp khủng bố, đàn áp, kìm kẹp gắt gao, nhân dân và lực lượng cách mạng ở Thủ Đức nói chung và vùng Tăng Nhơn Phú nói riêng vẫn bí mật thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Các điểm đình, chùa, nhà cửa kiên cố đã được nhân dân cùng du kích tổ chức tháo dỡ, san bằng. Hằng đêm, từng đoàn dân công đi phá đường, cầu cống, đắp ụ đất trên đường giao thông để cản trở bước tiến của quân Pháp. Phát hiện ý đồ kháng chiến của ta, bọn lính bót Dây Thép tăng cường truy lùng, bắt cán bộ và những người yêu nước bất kể ngày đêm. Mỗi ngày, chúng đem một vài cán bộ cách mạng bị bắt đi chặt đầu. Chúng tuyên bố, cứ một sĩ quan Pháp bị giết, chúng sẽ sát hại 20 người dân; một lính Pháp bị giết thì 10 người dân phải đền mạng; một tấm ván trên cầu Bến Nọc bị phá thì sẽ có 3 người dân vô tội bị giết... Nếu du kích tấn công vào bót thì chúng sẽ đưa tất cả nạn nhân bị giam cầm ra xử tử. Điển hình như cuộc mít tinh của Thanh niên Tiền phong tại Tăng Nhơn Phú hồi tháng 9-1946, tên Pirolet đã ra lệnh đưa tất cả tù nhân từ dưới hầm lên, rồi chọn 24 thanh niên khỏe mạnh, cột cổ người này nối với người kia, dùng kẽm gai xuyên lòng bàn tay 24 nạn nhân, lôi đến cổng đình trong xã rồi xả súng sát hại trước sự chứng kiến của đông đảo người dân...

Cuối năm 1947, trước khi tên quan hai Pirolet và một số lính lê dương chuyển đi khu vực khác, chúng tập trung tất cả những người còn bị giam trong hầm đưa đi bắn từng đợt 7, 8 người tại cầu Bến Nọc, không để ai sống sót. Với những thủ đoạn tàn khốc, trong vòng chưa đầy hai năm đóng tại bót Dây Thép, Pirolet đã ra lệnh thảm sát tổng cộng hơn 700 người, trong đó phần lớn là nông dân hiền lành, vô tội. Máu của chiến sĩ, đồng bào nhuộm đỏ dòng suối Cái, hun đúc tinh thần cách mạng càng thêm sôi sục.

Từ năm 1948, được sự chỉ huy, phối hợp của Huyện đội  Thủ Đức, lực lượng du kích xã Tăng Nhơn Phú liên tục tổ chức đánh bót Dây Thép, thu được nhiều súng đạn, gây cho địch những thiệt hại nặng nề, cho đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Để ghi nhớ những đau thương, mất mát và vinh danh sự hy sinh cao cả của đồng bào, chiến sĩ năm xưa, năm 2009, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Đền tưởng niệm Bến Nọc; đồng thời xây sửa lại cầu Bến Nọc thuận tiện cho giao thông tại địa phương. Bót Dây Thép cũng được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử quốc gia ngày 18-1-1993.

Bài và ảnh: KHẮC HIẾU

Từ khóa » Di Tích Bến Nọc