Từ Láy Là Gì? Từ Ghép Là Gì? Cách Phân Biệt Từ Ghép Và Từ Láy

Từ láy là gì? Từ ghép là gì? Mặc dù kiến thức này chúng ta đều đã được học ở chương trình Tiểu học nhưng đến nay, vẫn còn nhiều bạn chưa phân biệt được từ láy và từ ghép. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin giải đáp thắc mắc: Từ láy là gì? Từ ghép là gì? Cũng như cách phân biệt chúng.

Từ láy là gì? Từ ghép là gì?

tu-lay-la-gi-tu-ghep-la-gi
Từ láy và từ ghép vẫn còn nhiều người nhầm lẫn và chưa phân biệt được

Từ láy là gì?

Từ láy là từ được tạo thành từ hai tiếng trở lên, các tiếng có cấu tạo giống nhau hoặc tương tự nhau về vần tiếng đứng trước hoặc tiếng đứng sau.

tu-lay-la-gi-tu-ghep-la-gi
Từ láy là gì?

Trong các tiếng của một từ láy sẽ có 1 tiếng có nghĩa hoặc tất cả các tiếng khi tách ra đều không có nghĩa, nhưng khi ghép chúng lại với nhau sẽ tạo nên một từ có nghĩa.

Có mấy loại từ láy?

Từ láy là các từ có thể giống nhau về vần hoặc âm, hay cũng có thể giống nhau cả về vần lẫn âm, vì thế từ láy được chia làm ba loại: từ láy toàn bộ, từ láy bộ phận và từ láy đặc biệt.

tu-lay-la-gi-tu-ghep-la-gi
Có mấy loại từ láy

Từ láy toàn bộ

Là những từ có các tiếng lặp lại hoàn toàn, giống nhau về âm và vần. Ví dụ như: ào ào, ầm ầm, xa xa, luôn luôn, xanh xanh,...

Bên cạnh đó, một số từ láy sẽ có tiếng thay đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối để mang đến cho âm thanh sự hài hòa khi viết hoặc nói. Chẳng hạn như: lanh lảnh, ngoan ngoãn, thoang thoảng, thăm thẳm,...

Từ láy bộ phận

Từ láy bộ phận được chia thành 2 loại, gồm từ láy âm và từ láy vần:

  • Từ láy âm: là những từ có hai âm tiết đầu tiên được lặp lại, giống nhau. Ví dụ như: thỉnh thoảng, lung linh, lấp lánh, thấp thỏm, xinh xắn, ngơ ngác,...
  • Từ láy vần: là những giống nhau, lặp lại về vần. Ví dụ như: chênh vênh, bồi hồi, cheo leo, linh tinh, liêu xiêu, càu nhàu, bứt rứt,...

Từ láy đặc biệt

Một số từ có phụ âm đầu đều là "k" nhưng được viết bằng 3 chữ cái khác nhau là k, c, q thì vẫn có thể kết hợp để tạo thành từ láy. Chẳng hạn như: cong queo, cũ kỹ, cập kềnh,... là những từ láy.

Ngoài ra, có một số từ không có phụ âm đầu vẫn có thể kết hợp thành từ láy. Chẳng hạn như những từ: ầm ĩ, êm ả, inh ỏi,... cũng là những từ láy.

Tác dụng của từ láy

  • Từ láy được sử dụng để tạo nên sắc thái biểu cảm và âm điệu cho câu từ. Ngoài ra, từ láy cũng thể hiện tâm trạng, cảm xúc của người viết hay người nói.
  • Không những thế, từ láy còn được dùng để nhấn mạnh, miêu tả hình dạng, tâm lý, tâm trạng, tinh thần, tình trạng,... của người và các sự vật hiện tượng.
  • Trong văn học, từ láy được sử dụng như một biện pháp nghệ thuật nhằm biểu đạt và thể hiện tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật, đồng thời thể hiện chính xác ý đồ của tác giả.

Ví dụ của từ láy

Một số từ láy thông dụng như: xinh xắn, lung linh, long lanh, xanh xanh, ầm ĩ, thoang thoảng, mênh mông, róc rách, ríu rít, khanh khách, lao xao, thì thào, bong bóng, líu lo, lâm râm, ào ào, cũ kỹ, ầm ầm, linh tinh,...

Từ ghép là gì?

tu-lay-la-gi-tu-ghep-la-gi
Từ ghép là gì?

Từ ghép là từ có từ hay tiếng trở lên, là từ phức được tạo ra bằng cách ghép các từ có quan hệ với nhau về nghĩa. Từ ghép không bắt buộc phải chung nhau về vần.

Có mấy loại từ ghép?

Từ ghép được chia thành hai loại là từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.

Từ ghép chính phụ

Từ ghép chính phụ là từ được ghép bởi từ chính và từ phụ, chúng hỗ trợ và bổ sung ý nghĩa cho nhau. Từ chính thông thường sẽ đứng phía trước, từ phụ đứng phía sau và sẽ bổ nghĩa cho từ chính, do đó nghĩa từ phụ cũng sẽ hẹp hơn nghĩa của từ chính khá nhiều.

Ví dụ như: xe đạp, vàng hoe, bút máy, ông ngoại, tàu hỏa, sân bay, hoa hồng,...

Từ ghép đẳng lập

Không giống từ ghép chính phụ, từ ghép đẳng lập sẽ không phân biệt từ nào là từ chính, từ nào là từ phụ. Nghĩa của những từ phụ cũng không hẹp như từ ghép chính phụ mà lại có nghĩa rộng hơn.

Ví dụ như: nhà cửa, ba mẹ, vợ chồng, quần áo, sách vở, cây cỏ, bàn ghế,...

Tác dụng của từ ghép

Từ ghép giúp cho người viết, người nói diễn đạt được đầy đủ ý nghĩa câu từ trong lời văn hay lời nói của mình, tránh trường hợp bị người khác hiểu sai nghĩa.

Từ ghép cũng sẽ giúp cho người đọc, người nghe hiểu được trọn vẹn những ý nghĩa mà người viết, người nói muốn truyền tải một cách chuẩn xác mà không cần phải suy đoán.

Ví dụ của từ ghép

Sau đây là một số từ ghép thông dụng thường được sử dụng: ba mẹ, ông bà, quần áo, xe cộ, bút máy, sách vở, xe máy, mát mẻ, sân bay, cây cỏ, bàn ghế, giày dép, tàu hỏa, xanh um, đỏ lòe,...

Cách phân biệt từ ghép và từ láy

tu-lay-la-gi-tu-ghep-la-gi
Cách phân biệt từ ghép và từ láy

Khi đã hiểu rõ về các khái niệm: Từ láy là gì? Từ ghép là gì?, tiếp theo bạn cần phải phân biệt được từ nào là từ láy, từ nào là từ ghép. Nếu vẫn chưa nắm được các cách phân biệt từ ghép và từ láy, bạn có thể tham khảo thực hiện theo các cách sau đây:

Cách 1: Tách từng từ đơn và đặt câu để kiểm tra đó là từ ghép hay từ láy

Bạn cần phải hiểu rõ một điều rất quan trọng đó là cả hai từ đơn trong từ ghép nếu tách riêng ra sẽ đều có nghĩa. Ngược lại với từ ghép, hai từ đơn trong từ láy nếu tách ra sẽ chỉ có một từ có nghĩa hoặc cả hai từ đều không có nghĩa.

Vì vậy, bạn cần phải tách riêng từng từ đơn và đặt câu cho các từ đơn đó, nếu cả hai từ đơn đều có nghĩa thì đó là từ ghép, còn nếu chỉ có một từ đơn có nghĩa hoặc cả hai từ đơn đều không có nghĩa thì xác định đó chính là từ láy.

Ví dụ 1: Từ "hoa lá" là từ ghép, vì khi tách hai từ đơn là hoa và lá thì cả hai khi đứng một mình đều có nghĩa, và mình có thể đặt câu với cả hai từ đơn này.

Giải thích ý nghĩa của hai từ đơn "hoa" và "":

Hoa: là bộ phận chứa cơ quan sinh sản, đặc trưng của thực vật có hoa, là một chồi rút ngắn mang những lá biến đổi làm chức năng sinh sản của cây. Về mặt cấu trúc thực vật học, hoa là một dạng cành đặc biệt. Hoa có thể tạo điều kiện thụ phấn chéo hoặc cho phép tự thụ phấn. Hoa tạo ra quả và hạt.

Lá: là một cơ quan của thực vật có mạch và là phần phụ thuộc ở bên chính của thân cây. Lá và thân cây hợp lại tạo nên chồi cây. Lá thực hiện các chức năng quang hợp, trao đổi khí và hô hấp.

Đặt câu với hai từ đơn "hoa" và "":

Hoa: Những bông hoa đang khoe sắc dưới ánh nắng Mặt Trời.

Lá: Lá lúa có phiến dài và mỏng,mọc bao quanh thân, mặt lá nhám, gân lá chạy song song.

Ví dụ 2: Từ "thơm tho" là một từ láy vì khi tách hai từ đơn là "thơm" và "tho" thì chỉ duy nhất từ đơn "thơm" có nghĩa. Từ đơn "tho" không có nghĩa khi đi một mình và có tác dụng bổ nghĩa khi đi chung với từ đơn "thơm" . Từ đơn "thơm" có nghĩa là:

  • Có mùi hương dễ chịu, thoải mái.
  • Tiếng tăm tốt, được người đời nhắc tới, ca ngợi.
  • Quả thơm, cây thơm, quả dứa.

Cách 2: Thay đổi vị trí các từ đơn với nhau

Khi thay đổi vị trí của các từ đơn:

Từ ghép: nghĩa của từ vẫn không thay đổi khi đã thay đổi vị trí của các từ đơn.

Từ láy: các từ đơn của từ láy không thể thay đổi trật tự, khi thay đổi trật tự các từ đơn thì sẽ tạo thành từ không có nghĩa (trừ trường hợp từ láy toàn bộ).

Ví dụ

  • Từ "quần áo" là từ ghép vì khi thay đổi vị trí các từ đơn sẽ tạo thành từ "áo quần", nghĩa của từ vẫn không thay đổi dù đã thay đổi vị trí từ đơn. Từ "quần áo" hay "áo quần" đều có nghĩa là đồ dùng để mặc, chẳng hạn như: quần, áo,...
  • Từ "xinh xắn" là một từ láy vì khi ta thay đổi vị trí các từ đơn sẽ tạo thành từ "xắn xinh" là một từ không có nghĩa.

Cách 3: Mối liên quan về âm giữa các tiếng trong từ ghép và từ láy

Một sự khác biệt dễ nhận biết giữa từ láy và từ ghép đó là mối liên quan về âm của các từ đơn cấu thành từ. Bạn có thể dựa vào đặc điểm này để có thể phân biệt giữa từ ghép và từ láy một cách nhanh chóng và dễ dàng như sau:

Từ ghép: Giữa các tiếng tạo thành từ ghép thường không có liên quan về âm.

Từ láy: Các tiếng tạo thành thường có sự giống nhau về âm, có thể giống nhau về phụ âm đầu, phần vần hoặc giống nhau toàn bộ (từ láy toàn bộ).

Ví dụ:

Từ ghép: quần áo, mùa vụ, giáo viên, ba mẹ, xe cộ, bút máy, bàn ghế,... là các từ ghép vì các tiếng hoàn toàn không có mối quan hệ về âm vần.

Từ láy: các từ láy như từ "lung linh" giống nhau về phụ âm đầu, từ "lẩm bẩm" giống nhau về phần vần, từ "ào ào" có các tiếng giống nhau toàn bộ.

Cách 4: Dựa vào nguồn gốc của từ để xác định từ ghép hay từ láy

Từ láy là nét độc đáo của phương thức láy (láy âm, láy vần, láy toàn bộ), một phương thức tạo từ của riêng Tiếng Việt. Do đó chúng phải là những từ thuần Việt. Các từ Hán- Việt không phải là từ láy cho dù chúng có sự trùng lặp nào đó về ngữ âm.

Chẳng hạn các từ như: ngôn ngữ, nhục nhã, tâm tính, tinh tú, tham lam, náo nức, hội họa, lý lịch, báo cáo, mĩ mãn, nhũng nhiễu, nhã nhặn, vĩnh viễn, lẫm liệt, linh tinh,... là từ ghép vì chúng là từ Hán - Việt.

Còn các từ: sần sùi, sùng sục, bấp bênh, chênh vênh, chông chênh, cuồn cuộn,... là từ láy vì chúng là những từ thuần Việt.

Những từ láy không thể là từ Hán - Việt, nên những từ Hán - Việt đều là từ ghép. Chẳng hạn như từ "tử tế", khi phân tích các từ đơn, ta thấy "tử" là một từ Hán - Việt nên cho dù có láy âm đầu nhưng vẫn được xếp vào dạng từ ghép. Từ "tử" là từ Hán - Việt có các nghĩa như sau:

  • Từ là cái chết theo ý nghĩa thông thường.
  • Tử có nghĩa là con, cả con trai và con gái đều được gọi là tử.
  • Tử cũng có nghĩa là thế hệ sau, thế hệ con cháu.
  • Tử còn có nghĩa là chim thú còn nhỏ.

Cách 5: Từ giả định là từ ghép

Một số từ láy giả định tuy có những đặc điểm giống như từ láy nhưng các từ đơn tạo thành từ đều có nghĩa nên được xếp vào dạng từ ghép thay vì từ láy.

Chẳng hạn các từ như: chùa chiền, gậy gộc,... đều láy phụ âm đầu giống như từ láy, nhưng khi tách các từ đơn để tìm nghĩa thì cả hai từ đơn đều mang nghĩa, nên được xếp vào dạng từ ghép.

Cách 6: Xem xét quy luật hài thanh

Nếu các từ đơn trong từ phức có thanh điệu không cùng âm vực thì từ phức ấy là từ ghép, còn các từ láy sẽ theo các quy luật hài thanh sau:

  • Âm vực cao gồm các thanh: ngang (không dấu), hỏi, sắc.
  • Âm vực thấp gồm các thanh: huyền, ngã, nặng.

Các từ sau đây là từ ghép vì hai từ đơn của từ không cùng âm vực với nhau:

  • Âm vực cao - thấp: sõng soài, dúi dụi, thớ lợ, ân cần, nháo nhào, khít khịt, mít mịt, phứa phựa, tí tị, ú ụ, chói lọi, cuống cuồng,...
  • Âm vực thấp - cao: lạng lách, đìu hiu, tạp nham, gọn lỏn, cộc lốc, trọc lóc, trật lất,...

Còn các từ sau là từ láy vì hai từ đơn của từ nằm cùng một âm vực với nhau: bồn chồn, bịn rịn, cuồn cuộn, mênh mông, quần quật, chênh vênh, cheo leo,...

Bên cạnh việc phân biệt từ láy và từ ghép, bạn cũng cần phải phân biệt được từ láy và từ đơn đa âm tiết. Cần chú ý: “Nếu hai hoặc nhiều tiếng không có nghĩa, có quan hệ âm vần nhưng tạo thành một từ chỉ sự vật thì từ đó là từ đơn đa âm tiết.”

  • “Tivi” là từ láy hay từ đơn đa âm tiết? Từ “ti” và “vi” khi tách riêng đều không mang nghĩa, giữa hai chữ lặp lại vần “i” nên rất giống các dấu hiệu của một từ láy. Tuy nhiên, tivi là danh từ chỉ sự vật, đây là từ đơn đa âm tiết. Thực chất “tivi” là từ mượn nước ngoài để chỉ một hệ thống điện tử viễn thông.
  • Chúng ta cũng có thể dựa vào một số đặc điểm hình thức viết đặc trưng như có dấu “-” nối giữa các từ thì từ đó là từ mượn nước ngoài – từ đơn đa âm tiết chứ không phải từ láy, vì từ láy là từ thuần Việt. Chẳng hạn như: rada, bia, kem, cà phê, phim, sô pha, nhạc rốc,...

Tiếng Việt vốn dĩ có vốn từ đa dạng và phong phú, vì vậy trong thời gian ngắn có thể bạn sẽ khó để phân biệt chính xác giữa từ láy và từ ghép. Nhưng khi tiếp xúc thường xuyên chẳng hạn như đọc nhiều bài thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn thì vốn từ cũng như khả năng phân biệt của bạn sẽ được nâng cao nhiều.

Với những phân tích trên, hy vọng bạn đã có thêm thông tin và có thể phân biệt được từ ghép và từ láy, từ đó giải đáp được thắc mắc: Từ láy là gì? Từ ghép là gì?

Từ khóa » Tiêu Biểu Có Phải Từ Láy Không