Từ Lý Luận Triết Học Của C.Mác Về Tư Bản, Phê Phán Những Quan ...

Phạm trù tư bản được C.Mác đề cập đến trong một số tác phẩm mang tính triết học cao như (Bản thảo kinh tế triết học 1844, Tuyên ngôn đảng cộng sản, Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850,...) và tập trung nhất ở trong Bộ Tư bản. Tư bản là phạm trù giao thoa giữa tiếp cận kinh tế và tiếp cận xã hội học, tiếp cận chính trị học và triết học, nó cung cấp những lý giải phong phú, thuyết phục về hình thái kinh tế - xã hội TBCN.

1. Phạm trù “tư bản” từ hướng tiếp cận triết học của C.Mác

Lịch sử vận động của CNTB là những chặng đường đầy xương máu, với những bóc lột, bất công, bất bình đẳng song hành với sự sáng tạo, sự phát triển đầy ngoạn mục về lực lượng sản xuất (LLSX), sự biến đổi lớn lao về quan hệ sản xuất (QHSX), quan hệ xã hội, cơ cấu giai cấp, kiến trúc thượng tầng... Đó là kết quả của những sáng tạo không ngừng và đấu tranh không mệt mỏi của giai cấp vô sản (GCVS) vừa phát triển CNTB vừa chống giai cấp tư sản (GCTS) và nhà nước tư bản. Đó là quá trình mà GCTS đã nỗ lực thay đổi, khơi dậy những nguồn lực trong lòng xã hội để phát triển CNTB. Những hiện tượng điển hình, mang tính đặc trưng của CNTB thời C.Mác cho đến hiện nay về cơ bản vẫn diễn tiến như trên. Do vậy, phân tích CNTB phụ thuộc vào việc chọn mẫu điển hình làm đại diện cho cả hệ thống CNTB và qua đó chúng ta có thể hiểu được bản chất của cả hệ thống TBCN. C.Mác và Ph.Ăngghen đều chọn nước Anh là mẫu điển hình cho CNTB vì ở nước Anh có đầy đủ những nhân tố cơ bản nhất của một hình thái kinh tế - xã hội TBCN. Theo Ph.Ăngghen, C.Mác phân tích CNTB như nhà tự nhiên chứng minh tự nhiên, nghĩa là ông phân tích CNTB theo tinh thần khoa học và bằng các phương pháp tương hợp với khoa học tự nhiên. Từ thực tế và từ quan điểm nghiên cứu, C.Mác lựa chọn nước Anh vì khi ấy nước Anh là điển hình của PTSX TBCN, những nước phát triển hơn chỉ cho nước kém phát triển hơn nhìn thấy tương lai của mình: “Trong tất cả các lĩnh vực khác thì cũng giống như các nước khác ở lục địa Tây Âu, chúng ta (nước Đức) đau khổ không những vì sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà còn đau khổ vì nó phát triển chưa đầy đủ. Ngoài những tai họa của thời hiện nay ra, chúng ta còn phải chịu đựng cả một loạt những tai họa kế thừa do chỗ các phương thức sản xuất cổ xưa, lỗi thời vẫn tiếp tục sống dai dẳng với những quan hệ chính trị và xã hội trái mùa do chúng đẻ ra. Chúng ta đau khổ không những vì những người đang sống, mà còn vì những người đã chết nữa. Le mort saisit le vif! (người chết nắm lấy người sống!)”(1). Nghiên cứu nước Anh còn là vì ở đó có những mô hình thực tiễn của những nhà lý luận hàng đầu của GCTS và nhà nước tư sản như T.Hobes, J. Locke, Ricardo, Adam Smith... và ông có thể nghiên cứu cả các thuộc địa của Anh để tìm kiếm những cách thức mà PTSX TBCN được lan tỏa ra khỏi nước Anh. C.Mác đã đi từ những tiền đề hiển nhiên trong sự tồn tại và biến đổi của xã hội để chứng minh một cách khoa học về yếu tố quyết định của sản xuất và tái sản xuất của cải vật chất đối với sự vận động và biến đổi của cả xã hội. Lấy một sản phẩm được sản xuất ra bởi một nền sản xuất xã hội, người ta thấy được nó được sản xuất ra bởi một công cụ lao động nhất định, tương ứng với nó là một kiểu phân công và hiệp tác trong lao động và trao đổi sản phẩm của sản xuất. Mở rộng hơn phân tích sự vận động biến đổi của sản phẩm đó trong hệ thống các thiết chế xã hội, mỗi sản phẩn được sản xuất ra trong hệ thống các thiết chế được nảy sinh từ QHSX mà C.Mác gọi đó là hệ thống kiến trúc thượng tầng (KTTT). Với những nét đại thể này, nước Anh hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về mẫu đại diện cho hình thái kinh tế - xã hội TBCN trong phân tích về mặt triết học.

 Theo C.Mác, tư bản không phải là tiền, không phải là những doanh nghiệp, xí nghiệp tư bản như chúng ta thấy trong đời sống kinh tế mà là phạm trù phải nhận thức bằng tư duy trừu tượng. Các sản phẩm được sản xuất ra theo PTSX TBCN, sự phân biệt giữa nó với sản phẩm được sản xuất ra trong hình thái kinh tế - xã hội tiền TBCN ở chỗ người ta sản xuất ra là để bán. Lượng hàng hóa khổng lồ mà PTSX TBCN sản xuất ra đều mang mục đích này. Trừu tượng đống hàng hóa đó thông qua sự trao đổi, thông qua hệ thống các quan hệ xã hội trong quá trình sản xuất ra sản phẩm, thấy được mối liên hệ giữa quá trình sản xuất ra sản phẩm đó với nhà nước, pháp luật, văn hóa, chính trị... của xã hội TBCN. Quá trình đó là sự kết hợp giữa người sở hữu TLSX (GCTS) đang có nhu cầu mua sức lao động phù hợp với TLSX và những người bị tước bỏ các phương tiện sản xuất và bán sức lao động (GCVS) phù hợp với TLSX cho nhà tư sản. Sự đặc biệt của GCTS được C.Mác nhận ra là trong số tất cả các giai cấp và tầng lớp trong lòng chế độ phong kiến, chỉ có GCTS mới phát hiện ra đặc tính của máy móc công nghiệp là cái có thể giúp cho GCTS kết hợp việc mua và bán sức lao động để tạo thành tư bản. Từ phạm trù tư bản, C.Mác tìm thấy điểm xuất phát để phân tích mổ xẻ toàn bộ CNTB: nó là hình thái bóc lột đặc thù (bóc lột giá trị thặng dư) thông qua những quan hệ phụ thuộc trực tiếp vào việc không có TLSX. Bản chất của tư bản được xem xét thông qua mối quan hệ tư bản với lao động. C.Mác chỉ ra mối quan hệ này ở một số nét đại thể như sau:

Thứ nhất, với công thức chung của tư bản là c+v+m, tư bản trước tiên là hệ thống các quyền của chủ các công xưởng/nhà máy đối với quá trình sản xuất và sản phẩm. Cơ sở của quyền đó là tư sản nắm quyền quyết định đối với quá trình phân chia giá trị thặng dư - là kết quả của hoạt động hiện thực hóa tư bản ứng trước trong sản xuất thành tư bản đã lớn lên trong đó có giá trị thặng dư: “Vậy, t­ư bản là quyền chỉ huy lao động và sản phẩm của lao động. Nhà tư bản có đư­ợc quyền đó không phải nhờ những phẩm chất của con người hắn, mà chỉ có được với tư­ cách là người sở hữu tư­ bản”(2) và động lực của nhà tư bản chính là làm gia tăng giá trị thăng dư thông qua hoạt động sản xuất tạo sản phẩm: “là làm thế nào để với một t­ư bản ứng tr­ước tối thiểu, sản xuất ra một giá trị thặng d­ư hay sản phẩm thặng d­ư tối đa; và trong chừng mực mà kết quả ấy không đạt được bằng lao động quá sức của những ngư­ời công nhân, thì đó là một khuynh hư­ớng của t­ư bản thể hiện ra cái nguyện vọng muốn sản xuất ra một sản phẩm nhất định với những chi phí ít nhất về sức lực và tư­ liệu, tức là một khuynh hư­ớng kinh tế của t­ư bản dạy cho loài người biết chi phí sức lực của mình một cách tiết kiệm và đạt tới mục đích sản xuất với một chi phí ít nhất của sản xuất”(3). C.Mác cũng khẳng định một cách dứt khoát về động lực sản xuất giá trị thăng dư của nhà tư bản thông qua hoạt động lao động của người công nhân (người sản xuất ra sản phẩm hàng hóa): “mục đích trực tiếp của nền sản xuất tư­ bản chủ nghĩa không phải là sản xuất ra hàng hóa, mà là sản xuất ra giá trị thặng d­ư hay lợi nhuận (d­ưới hình thái phát triển của nó); không phải là sản phẩm mà là sản phẩm thặng dư­. Trên quan điểm ấy, bản thân lao động chỉ có tính chất sản xuất trong chừng mực nó tạo ra lợi nhuận hay sản phẩm thặng d­ư cho t­ư bản. Ng­ười công nhân không tạo ra nó, thì lao động của họ không có tính chất sản xuất. Do đó, tư­ bản chỉ quan tâm tới khối l­ượng lao động sản xuất đã sử dụng trong chừng mực mà nhờ nó, hoặc là tỷ lệ với nó, khối lư­ợng thặng dư­ tăng lên. Cái mà chúng ta gọi là thời gian lao động cần thiết chỉ là cần thiết trong chừng mực ấy. Nếu lao động không đem lại kết quả đó, thì nó trở nên thừa và phải đư­ợc chấm dứt”(4). Do vậy, người có quyền sở hữu với tư bản đương nhiên không là người làm ra giá trị thặng dư nhưng là người luôn chiếm đoạt nó: “Mối quan hệ giữa lao động và tư bản là mối quan bị bóc lột và đi bóc lột. Sự bóc lột của tư bản đối với lao động ngày càng được củng cố dưới nhiều hình thức tinh vi ngay cả khi khối lượng công nhân bị bóc lột không thay đổi, và chỉ có thời gian và cường độ của ngày lao động là tăng lên, thì tổng số t­ư bản đã thay đổi, tổng số t­ư bản đư­ợc sử dụng đó vẫn phải tăng lên, mặc dù chỉ là để sử dụng vẫn một khối l­ượng lao động nh­ư trong điều kiện bóc lột cũ”(5).

Thứ hai, chỉ có thông qua hoạt động lao động của người lao động (người hoạt động sản xuất ra sản phẩm hàng hóa) thì tư bản mới có thể tạo ra được giá trị thặng dư.  PTSX TBCN đã tìm thấy động lực để phát triển khi thống nhất được động cơ gia tăng giá trị thặng dư với hoạt động hiện thực hóa đầy sáng tạo của con người trong hoạt động sản xuất vật chất. C.Mác đã chỉ ra lao động và ngôn ngữ, là những nhân tố chứa đựng cái bản chất, cái quy định và khuynh hướng vận động biến đổi của xã hội loài người. Con người và xã hội con người tồn tại, vận động và biến đổi thì bắt buộc phải bắt đầu từ nỗ lực hoạt động của từng con người. Hoạt động của con người luôn là hoạt động hiện thực hóa: con người hiện thực hóa chính mình thông qua sản phẩm do con người làm ra. Ngược lại, chính sản phẩm con người tạo ra lại quay trở lại tác động vào con người để con người hoàn chỉnh, phát triển chính mình. C.Mác đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, hoạt động hiện thực hóa chính mình trong lĩnh vực sản xuất của cải vật chất là căn bản nhất, quyết định nhất đến sự vận động và biến đổi của xã hội. Vì vậy, C.Mác cho rằng kinh tế chính trị học mới chỉ nhìn thấy mặt kinh tế của lao động mà chưa thấy bản chất xã hội của nó. Lao động trong CNTB không chỉ đơn thuần là hàng hóa - điểm khác biệt về mặt bản chất của PTSX TBCN so với các PTSX khác, mà hơn thế nữa, theo C.Mác, lao động là sự kết tinh của mối quan hệ giữa con người với người được cấu trúc hóa một cách bất công, bất bình đẳng trong xã hội TBCN. Từ quan điểm duy vật lịch sử, C.Mác nhìn thấy hiện tượng lao động như là hoạt động xã hội hóa của con người, là hoạt động có cấu trúc bao gồm nhiều thành phần, yếu tố cấu thành. Trong đó có thành phần, yếu tố có thể cảm tính được và các yếu tố trừu tượng, con người phải sử dụng tư duy trừu tượng để nhận thức sự tồn tại của nó: “Quá trình lao động, như chúng ta đã hình dung nó trong những yếu tố giản đơn và trừu tượng của nó, là hoạt động có mục đích nhằm tạo ra những giá trị sử dụng, là sự chiếm đoạt những cái có sẵn trong tự nhiên để thỏa mãn những nhu cầu của con người, là điều kiện chung của sự trao đổi chất giữa con người với tự nhiên, là điều kiện vĩnh cửu của đời sống con người, và vì vậy quá trình lao động ấy không phụ thuộc vào bất kỳ một hình thái nào của đời sống đó, mà ngược lại, nó là chung cho tất cả mọi hình thái xã hội của đời sống đó một cách giống như nhau”(6). Từ nhận thức rằng lao động là hình thức để con người thể hiện tồn tại người của mình đã dẫn C.Mác nhấn mạnh khía cạnh kinh tế trong vấn đề bản chất, nguyên nhân, động lực của sự phát triển xã hội. Khi tham gia vào bất cứ hoạt động nào, con người đều huy động tất cả những cái gì thuộc về mình tham gia vào hoạt động đó. Những nhân tố làm cản trở khả năng huy động toàn bộ năng lực của con người, sai lạc mục đích hoạt động của con người đều là nhân tố làm “tha hóa” con người. Và ở đây, Mác đã nhận thấy chính sở hữu tư nhân là nhân tố làm “tha hóa” hoạt động lao động và từ đó nó làm tha hóa bản chất của con người theo cả hai quá trình nêu trên: tha hóa bản chất con người trong quá trình con người vật hóa để thay đổi thế giới và tha hóa bản chất của con người trong các quan hệ xã hội. Trong phân tích từ góc độ triết học, C.Mác nhìn thấy sở hữu tư nhân một mặt, là sản phẩm của lao động bị tha hóa đồng thời là phương tiện để lao động của con người thực hiện sự tha hóa thông qua lao động, không có công cụ lao động thì bản chất của con người cũng không được thực hiện. Khác với Hegel, C.Mác đã nhận thấy sở hữu tư nhân chính là tư bản, nó chính là nhân tố tách rời giữa sản phẩm với người lao động, và đồng thời là một trong hai điều kiện cần thiết của khuynh hướng bái vật giáo hàng hóa trong quá trình tích luỹ tư bản. “Bản thảo kinh tế triết học 1844”, C.Mác đã thể hiện tư tưởng đó khi cho rằng, sở hữu tư nhân do lao động bị tha hóa sinh ra; nhưng đến lượt mình, nó lại là nguyên nhân làm cho lao động bị tha hóa phát triển. Khi đạt trình độ cao nhất với sở hữu tư nhân TBCN thì lao động bị tha hóa lại tạo tiền đề để tự phủ định bằng cách thủ tiêu sở hữu tư nhân tư bản. Sự tha hóa con người do lao động bị tha hóa trong hình thức sở hữu tư nhân chỉ có thể được khắc phục với những tiền đề nhất định mà trình độ phát triển cao của sức sản xuất được các ông gọi là “tiền đề thực tiễn tuyệt đối cần thiết” vì nếu không có tiền đề đó thì “tất cả sẽ chỉ là sự nghèo nàn sẽ trở thành phổ biến; mà với sự thiếu thốn tột độ thì ắt sẽ bắt đầu trở lại một cuộc đấu tranh để lại dành những cái cần thiết, thế là người ta lại không tránh khỏi rơi vào cũng sự ti tiện trước đây”(7).

Thứ ba, trong hệ thống các quan hệ xã hội trong quá trình sản xuất vật chất dưới CNTB, C.Mác cho rằng, mối quan hệ giữa lao động và tư bản đã làm lu mờ và gắn chặt tất cả các mối liên hệ xã hội trực tiếp giữa những con người với nhau. Lao động trong nền sản xuất xã hội hóa biến đổi dưới tác động của các yếu tố xã hội và ngược lại mọi sự biến đổi lao động đều kéo theo sự biến đổi trong xã hội. Trong những nhân tố làm gia tăng tính xã hội hóa,  tiến bộ kỹ thuật là làm giảm nhẹ sức lao động giản đơn và xu hướng tất yếu của con người là phát triển một loại hình lao động mới thông qua việc tạo ra tư liệu sản xuất: “Nh­ư vậy, sự khác nhau giữa sức sản xuất của hơi nư­ớc và sức sản xuất ruộng đất chỉ là ở chỗ sức sản xuất thứ nhất đem lại cho lao động không đ­ược trả công lại cho nhà tư­ bản, còn sức sản xuất thứ hai - cho kẻ sở hữu ruộng đất ruộng đất, bằng cách c­ướp đoạt lao động không đ­ược trả công của công nhân, không phải trực tiếp từ tay ng­ười công nhân, mà từ tay nhà tư­ bản. Vì thế, nhà t­ư bản mơ ­ước “xóa bỏ quyền sở hữu” đối với yếu tố tự nhiên này”(8). Trong mối quan hệ này, mục đích của nhà tư sản hướng đến là bóc lột, và chiếm đoạt giá trị thặng dư. C.Mác viết, “Nếu trong việc sử dụng trực tiếp lao động sống, tư­ bản có xu hư­ớng thu hẹp lao động đó lại thành lao động cần thiết và luôn rút ngắn lao động cần thiết để chế tạo ra một sản phẩm, bằng cách lợi dụng sức sản xuất xã hội của lao động, tức là có xu hư­ớng hết sức tiết kiệm lao động sống đư­ợc trực tiếp sử dụng, thì t­ư bản cũng lại có xu hướng sử dụng lao động đã bị giảm xuống đến mức tối thiểu cần thiết ấy với những điều kiện hết sức tiết kiệm, nghĩa là làm cho giá trị của t­ư bản bất biến đ­ược sử dụng hạ xuống mức thấp nhất”(9). Nhìn vào đống hàng hóa khổng lồ được làm ra từ lao động trong CNTB thì: “Mọi của cải đều đã trở thành của cải công nghiệp, của cải của lao động, và công nghiệp không phải là gì khác mà là lao động hoàn bị, còn chế độ công x­ưởng là bản chất đầy đủ của công nghiệp, nghĩa là của lao động, cũng hệt như­ tư­ bản công nghiệp là hình thức khách quan hoàn bị của chế độ tư­ hữu”(10).  C.Mác tiếp tục nhấn mạnh, thực chất mối quan hệ giữa tư bản và lao động là ngày càng gắn chặt số phận của người công nhân vào những ông chủ tư bản. “Quan hệ tư­ bản chủ nghĩa giả định phải tách ng­ười lao động ra khỏi quyền sở hữu những điều kiện thực hiện lao động. Một khi nền sản xuất t­ư bản chủ nghĩa đã đứng vững trên cơ sở của chính nó rồi thì chẳng những nó duy trì sự tách rời đó mà còn tái sản xuất ra sự tách rời đó với quy mô ngày càng tăng. Nh­ư vậy, quá trình tạo ra quan hệ tư­ bản chủ nghĩa không thể là cái gì khác ngoài quá trình tách rời ng­ười lao động khỏi quyền sở hữu điều kiện lao động của họ, quá trình một mặt biến t­ư liệu sản xuất và t­ư liệu sinh hoạt của xã hội thành tư­ bản, và mặt khác, biến những ng­ười sản xuất trực tiếp thành những ng­ười công nhân làm thuê. Do đó, cái gọi là tích luỹ ban đầu chẳng qua chỉ là một lịch sử tách rời ngư­ời sản xuất ra khỏi t­ư liệu sản xuất. Nó là “ban đầu” vì nó tạo thành tiền sử của tư­ bản và của phư­ơng thức sản xuất phù hợp với t­ư bản”(11).

2. Phê phán quan điểm không đúng về tư bản từ góc độ triết học

Thứ nhất, cần phải bác bỏ quan điểm cho rằng công thức chung của tư bản (c+v+m) là diễn đạt quá đơn giản về tư bản và PTSX TBCN. Ở đây, C.Mác đã chỉ ra ba khía cạnh ( c,v,m) của tư bản với tư cách là bản chất của PTSX TBCN và các cách thức mà tư bản vận động thông qua sản xuất để tạo ra lượng giá trị thặng dư - cơ sở để thúc đẩy sản xuất và xã hội phát triển. Với công thức chung của tư bản, C.Mác đã chỉ ra động lực rất đúng đắn thúc đẩy CNTB phát triển nhưng đồng thời cũng chứng minh một cách dứt khoát những mâu thuẫn và xung đột nó phải trải qua vì nó diễn ra trong bối cảnh của nền sản xuất xã hội hóa ngày càng cao. Dù có biến đổi, thì hiện nay những thành viên hội đồng quản trị các hãng, các tập đoàn vẫn là những người quyết định quá trình sản xuất và sản phẩm của sản xuất, quyết định việc phân phối giá trị thặng dư. Trong lập luận của mình, C.Mác đã chỉ ra sự thống nhất, sự ràng buộc và gắn kết giữa ba nhân tố (c, v, m) trong một chỉnh thể chung là tư bản và vấn đề trung tâm của tư bản chính là giá trị tăng thêm thông qua việc con người phải hao phí sức lao động trong sản xuất để sản xuất ra sản phẩm bán được trên thị trường. Dựa trên cơ sở của sự gắn kết này, GCTS chiếm hữu sức lao động của người lao động dựa trên quyền của họ với TLSX. Cả nhân tố c,v,m đều gắn chặt với phạm trù sức lao động mà phạm trù này buộc phải hiểu nó ở cấp độ là một phạm trù của triết học, có tính khái quát hóa và trừu tượng hóa. Sức lao động cụ thể, cảm tính là lượng của sức lao động mà con người khái quát hóa và trừu tượng hóa thông qua cảm tính được như kỹ năng, kỹ xảo, thậm chí là một phần của nhận thức như trình độ nhận thức, trình độ tri thức. Sức lao động trừu tượng là phần sức lao động con người bỏ ra nhưng không có thể lượng hóa được, buộc phải dùng tư duy trừu tượng để nhận thức như sáng tạo, đạo đức, nhân cách, kỷ luật, văn hóa, truyền thống... Đó là những nhân tố xã hội đã được lượng hóa vào giá trị thông qua quá trình xã hội hóa trong sản xuất. PTSX TBCN tạo thành bước ngoặt trọng sự phát triển của lịch sử xã hội con người ở chỗ nó đã biết phát huy sức mạnh của kiểu công cụ lao động mới để phát huy tối đa sức lao động của con người: kể cả sức lao động chúng ta cụ thể cảm tính được và sức lao động trừu tượng. C.Mác lập luận rằng tư bản được tạo nên từ sự tích lũy+ sức lao động, cho nên khi nói tư bản tạo nên giá trị, cho đến cùng cũng là kết tinh của sức lao động. Chính nhờ có sự tích lũy này, tư bản đã tạo nên được những bước tiến khổng lồ trong sự phát triển của nhân loại. Mỗi khi ta sử dụng tư bản trong sản xuất, ta chỉ khấu hao lượng lao động hữu hình, lao động dưới dạng cụ thể vốn đã có sẵn trong tư bản. Sức lao động được tích luỹ vào tư bản, và cái lao động được tư bản trả lương cũng chỉ là hình thức ít ỏi bên ngoài của sức lao động mà người lao động đã bỏ ra. Về mặt logic, và đứng ngay trên quan điểm triết học biện chứng của C.Mác, giá trị thăng dư chính là lý thuyết C.Mác làm hiện hình cái phần sức lao động mà người lao động đã thực hiện để sản xuất ra hàng hóa mà giai cấp tư sản đã không trả lương.

 Thứ hai, phê phán quan điểm cho rằng C.Mác xuất phát từ tinh thần chống CNTB, ghét sự giàu có của GCTS để xây dựng học thuyết chống lại nó. Trên thực tế, C.Mác đã xây dựng một học thuyết thực sự khoa học, dựa trên tinh thần khoa học để phân tích CNTB. C.Mác đã chọn nước Anh để phân tích và về cơ bản, những đặc trưng mà C.Mác rút ra về mô hình CNTB thông qua nước Anh cho đến hiện nay vẫn đúng với những gì đang diễn ra trong CNTB. Hiện nay, PTSX TBCN vẫn là cách thức để loài người sản xuất ra phẩm hàng hóa khổng lồ và thậm chí là những hàng hóa mới nhất, hiện đại và tiên tiến nhất. Hiện nay, ngay cả những sản phẩm hàng hóa vô hình, sản phẩm trí tuệ cũng đều là sản phẩm của hoạt động hiện thực hóa của con người, đều là sản phẩm hoạt động của con người. Đối với sản phẩm hàng hóa vô hình như sản phẩm trí tuệ theo phương thức suy luận của C.Mác nó cũng được bắt đầu bằng TLSX đặc biệt, những TLSX vô hình, đó là trí tuệ mà đặc trưng của nó tương tự như với máy móc công nghiệp, với phương thức hiệp tác, phân công lao động rất đặc biệt chưa từng có trong xã hội trước đây. Sự đặc biệt của CNTB thể hiện ở việc nó sản xuất ra một lượng hàng hóa khổng lồ, đó là những sản phẩm thể hiện năng lực hiện thực hóa của con người. Hiện nay, những sản phẩm hàng hóa mới nhất, hàng hóa hiện đại nhất đều được sản xuất ra đầu tiên ở những nước TBCN cũng không phải là quá khó hiểu nếu như nhìn nhận từ góc độ triết học Mác. Ở đây, GCTS không hẳn đã là người đã phát minh ra TLSX kiểu mới nhưng là những người sở hữu TLSX kiểu mới, biết tổ chức, phân công sản xuất, biết phân phối, phân chia lợi ích hợp lý để sản xuất ra sản phẩm, hiện thực hóa năng lực sáng tạo của con người vào sản xuất hàng hóa phục vụ con người.

Thứ ba, phê phán những nhận thức không đúng về giai cấp công nhân với tư cách là người vận hành TLSX để sản xuất ra hàng hóa. Về giai cấp vô sản với tư cách là người trực tiếp sử dụng công cụ lao động để sản xuất ra hàng hóa, C.Mác chỉ ra, gia nhập vào các mắt khâu của hiệp tác lao động trong CNTB, người công nhân mang cả phẩm chất, nhân cách được tích tụ trong PTSX cũ cũng như những giới hạn cá nhân trong sử dụng công cụ lao động mới để tập trung phát triển được những tiềm lực mang tính loài (tính chất chung của giai cấp công nhân) của mình. Bằng phương pháp suy luận khoa học, C.Mác dự đoán: theo đà phát triển của công cụ lao động, những sản phẩm được sản xuất ra trong nền sản xuất xã hội sẽ trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động mà phụ thuộc vào trình độ của công cụ lao động. Cả ba cuộc cách mạng công nghiệp đã qua và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đều bao hàm quá trình ứng dụng khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào chế tạo công cụ lao động, và càng ngày các công cụ lao động mới lại kết tinh nhiều hơn những nhân tố trừu tượng khác như văn hóa, nhân cách của con người. Lao động biểu hiện là máy móc công nghiệp hay hệ thống robot trên thực tế vẫn như là những bàn tay nối dài của con người, kết tinh cả khoa học, văn hóa, nhân cách của người lao động. Hệ thống máy móc tự động sẽ từng bước thay thế hầu hết lao động trực tiếp, thay thế con người bằng xương, bằng thịt nhưng nó vẫn là bàn tay hữu cơ, nối dài của con người. Có chăng, bàn tay hữu cơ này có thêm những nhân tố mới chính là những nhà khoa học với đặc trưng là sản phẩm của họ chính là những tri thức khoa học. Dù là sản xuất tự động thông qua hệ thống các robot thông minh thì quá trình hợp tác trong sản xuất giữa người - người vẫn tồn tại. Khi khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì bản thân khoa học tự biến thành bàn tay nối dài của con người, nó vẫn còn chứa quan hệ người - người trong quá trình sản xuất ra tri thức.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7.2020

(1), (6), (11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.19-20, 275-276, 977.

(2), (10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.43, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 90, 162.

(3), (4), (8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.26, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 804, 763, 55-56.

(5), (9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.25, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.338, 140.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.49.

TS Phạm Anh Hùng

Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Từ khóa » Chủ Nghĩa Tư Bản Là Gì Yahoo