Tụ Máu: Những điều Cần Biết - Tuổi Trẻ Online

Tụ máu: Những điều cần biết - Ảnh 1.

Tụ máu dưới móng. Ảnh: medicalnewstoday.comTụ máu dưới móng. Ảnh: medicalnewstoday.com

Tụ máu là một vấn đề phổ biến xảy ra khi một trong các mạch máu lớn trong cơ thể bị tổn thương. Hầu hết mọi người đều bị tụ máu ít nhất một lần trong đời. Bên ngoài, tụ máu trông tương tự các vết bầm tím, nhưng các vết bầm được hình thành do tổn thương các mạch máu nhỏ, thay vì các mạch máu lớn.

Phần lớn các khối tụ máu thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên cũng có các khối tụ máu ám chỉ các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Bất cứ ai bị thương do tai nạn hoặc bị chấn thương ở vùng đầu, hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra các dấu hiệu tụ máu trong.

Tụ máu là gì?

Thuật ngữ khối tụ máu là để chỉ một ổ máu tụ lại bên ngoài các mạch máu lớn, thường là hệ quả của các chấn thương. Chấn thương làm vỡ các thành mạch, khiến cho máu tràn ra các vùng mô xung quanh.

Các khối tụ máu có thể hình thành tại bất cứ mạch máu nào, bao gồm tĩnh mạch, động mạch, và cả các mao mạch. Cũng vì vậy, bản chất của các khối tụ máu có thể khác nhau tùy vào vị trí của chúng.

Tụ máu cũng có điểm tương tự như xuất huyết. Tuy nhiên, xuất huyết là khi máu vẫn còn đang chảy, còn tụ máu là khi máu đã vón cục bên ngoài mạch máu.

Các loại tụ máu

Các loại tụ máu phụ thuộc vào vị trí chúng xuất hiện trong cơ thể. Hơn nữa, vị trí các khối tụ máu xuất hiện cũng có thể giúp xác định mức độ nguy hiểm của chúng.

- Tụ máu ở tai: Khối tụ máu ở tai xuất hiện ở giữa lớp sụn và da trên lớp sụn đó. Khối tụ máu này xuất hiện phổ biến sau các chấn thương vùng đầu, thường thấy ở các vận động viên đô vật, võ sĩ,...

- Tụ máu dưới móng: Đây là khối tụ máu xuất hiện dưới móng tay hoặc móng chân, thường thấy trong các chấn thương nhẹ, ví dụ như khi bị rơi vật nặng vào chân.

- Tụ máu dưới da đầu: Khối tụ máu này thường xuất hiện như một cục u ở trên đầu. Tuy nhiên, khối tụ máu này xuất hiện do tổn thương vùng cơ và da bên ngoài nên không ảnh hưởng đến não.

- Tụ máu ở vách ngăn mũi: Khối tụ máu này là hệ quả của mũi bị gãy và có thể sẽ gây ra một vài vấn đề về xoang nếu không được điều trị.

- Tụ máu dưới da: Đây là khối tụ máu xuất hiện ngay bên dưới da và thường là ở các mạch máu gần với bề mặt da.

- Tụ máu sau phúc mạc: Khối tụ máu này xuất hiện trong khoang bụng nhưng không ở trong một nội tạng nào.

- Tụ máu ở lá lách: Là các khối tụ máu xuất hiện bên trong lá lách.

- Tụ máu ở gan: Là các khối tụ máu xuất hiện bên trong gan.

- Tụ máu ngoài màng cứng cột sống: Khối tụ máu xuất hiện giữa lớp màng bao quanh tủy sống và các đốt sống.

- Tụ máu ngoài màng cứng nội sọ: Đây là khối tụ máu xuất hiện giữa xương sọ và lớp màng cứng của não.

- Tụ máu dưới màng cứng: Xuất hiện giữa não bộ và lớp màng cứng bao quanh não.

Nguyên nhân gây tụ máu

Chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất gây tụ máu. Bất cứ tổn thương nào lên thành mạch đều có khả năng gây vỡ thành mạch và chảy máu. Lượng máu này sẽ tụ lại một chỗ và tạo thành một khối máu tụ.

Các chấn thương gây ra tụ máu cũng không nhất thiết phải là các chấn thương nặng. Ví dụ như, một người có thể bị tụ máu dưới móng chân đơn giản chỉ vì bị vấp hay kẹp ngón chân.

Các chấn thương nghiêm trọng hơn như chấn thương do tai nạn giao thông, ngã từ một độ cao nhất định, hoặc phình động mạch có thể gây ra các khối tụ máu nghiêm trọng.

Hơn nữa, các thủ thuật ngoại khoa, bao gồm cả nha khoa hay thẩm mỹ cũng có thể gây ra các khối tụ máu do các thủ thuật này đều có thể gây tổn thương các mô cùng hệ thống mạch máu lân cận.

Một vài loại thuốc chống đông máu cũng có thể làm tăng nguy cơ gây tụ máu. Những người thường xuyên uống aspirin, warfarin, hoặc dipyridamole (Persantine) có khả năng gặp các vấn đề về chảy máu nhiều hơn, bao gồm cả tụ máu.

Tuy nhiên, tụ máu cũng có thể xuất hiện mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Triệu chứng

Đối với những khối tụ máu gần bề mặt thì các triệu chứng có thể bao gồm:

- Đổi màu.

- Sưng, viêm.

- Đau khi ấn vào.

- Đỏ.

- Vùng da quanh khối tụ máu ấm hơn so với các vùng da khác.

- Đau.

Những khối tụ máu ở sâu bên dưới thường khó phát hiện hơn, thường thấy ở những người gặp tai nạn hoặc gặp những chấn thương nặng. Trong những trường hợp ấy, người bệnh nên thường xuyên đi kiểm tra để phát hiện những khối tụ máu ở sâu bên trong.

Hơn nữa, những khối tụ máu trong hộp sọ có thể đặc biệt nghiêm trọng. Cho dù đã đi kiểm tra sau khi bị chấn thương thì vẫn nên chú ý đến các triệu chứng sau:

- Đau đầu nghiêm trọng và ngày càng nặng thêm.

- Đồng tử không đều;.

- Khó khăn khi cử động chân tay.

- Mất thính giác.

- Khó nuốt.

- Buồn ngủ.

- Mất ý thức.

Những triệu chứng có thể không xuất hiện ngay lập tức, nhưng thường sẽ xuất hiện sau một vài ngày. Một nghiên cứu năm 2014 đã ghi nhận rằng các triệu chứng của tụ máu dưới màng cứng thường xuất hiện trong vòng 72 giờ sau chấn thương.

Phân biệt bầm tím với tụ máu

Dấu hiệu đổi màu và đau ở vùng bị tổn thương thường làm mọi người tin rằng bầm tím với tụ máu là một.

Tuy nhiên, bầm tím xảy ra khi những mạch máu nhỏ bị vỡ, tạo nên những vùng da tím, xanh, hoặc sậm màu. Vết bầm sẽ đổi màu theo thời gian vết thương lành, màu vết bầm sẽ sáng hơn hoặc chuyển màu vàng trước khi mất hẳn. Thông thường, các vết bầm đều không nghiêm trọng.

Ngược lại, khối tụ máu hình thành khi máu chảy từ các mạch máu lớn hơn. Vết máu tụ nhìn trên da có thể có màu xanh đậm hoặc đen, nhưng cũng có thể gây tấy đỏ vùng bị tổn thương. Nếu khối tụ máu được hình thành từ các chấn thương nghiêm trọng thì sẽ cần điều trị y tế.

Hầu hết các vết bầm tím đều sẽ tự lành mà không cần chữa trị. Hiếm có các vết bầm tím nghiêm trọng nhưng chúng có thể gây tổn thương đến các mô sâu hơn hoặc các nội tạng, và cần được điều trị để phòng ngừa nhiễm trùng.

Nhiều người dễ bị bầm tím hơn những người khác, bao gồm những người bị thiếu máu, thiếu vitamin và những người sử dụng thuốc chống đông máu.

Phương pháp điều trị

Trong một vài trường hợp, các khối tụ máu không yêu cầu phải được chữa trị do cơ thể sẽ hấp thụ lại máu từ khối máu tụ theo thời gian.

Để kiểm soát khối máu tụ dưới da, móng, hay dưới các mô mềm khác, tránh động vào vùng bị tổn thương và chườm đá để giảm sưng đau.

Bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau nếu cảm thấy đau ở vùng bị thương. Tuy nhiên, thường thì các bác sĩ sẽ khuyên nên tránh sử dụng một vài loại thuốc giảm đau nhất định, ví dụ như aspirin, do chúng có tác dụng chống đông máu và làm cho khối tụ máu tệ hơn.

Cũng có lúc cần làm thủ thuật để hút các khối máu tụ. Điều đó càng cần thiết khi khối tụ máu đang gây áp lục lên cột sống, não, hoặc các cơ quan nội tạng khác. Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể chỉ định hút các khối máu tụ để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Các thủ thuật ngoại khoa có thể không cần thiết trong mọi trường hợp, kể cả với những ca có máu tụ trong hộp sọ.

Ở các trường hợp hiếm gặp, khối tụ máu sẽ tiếp tục phát triển do máu vẫn liên tục chảy ra từ các mạch máu bị tổn thương. Hệ quả là một khối tụ máu bao gồm cả máu mới và máu cũ cần phải được loại bỏ hoàn toàn.

Biến chứng

Trong nhiều trường hợp, những khối tụ máu có thể gây ra các biến chứng.

Ví dụ, một khối máu tụ trong não có thể sẽ khó phát hiện nếu không làm một vài xét nghiệm nhất định. Vì vậy, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, hay nói nhịu kéo dài không dứt.

Cũng vì vậy, những người gặp phải chấn thương ở vùng đầu hoặc các chấn thương nghiêm trọng nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ

Tụ máu dưới móng hay dưới da có thể gây đau. Tuy nhiên chúng thường sẽ không gây ra các biến chứng.

Nếu một khối máu tụ đặc biệt gây đau đớn thì tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Các bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cách băng bó hoặc nẹp phần bị tụ máu để tránh chạm vào gây đau đớn. Việc đi kiểm tra là đặc biệt cần thiết nếu có dấu hiệu của viêm nhiễm tại nơi tụ máu như đổi màu, sưng và nóng.

Bất cứ ai đã từng bị chấn thương vùng đầu đều nên đi kiểm tra thường xuyên để có thể phát hiện kịp thời các triệu chứng của tụ máu. Khi đi kiểm tra, các bác sĩ có thể chỉ định chụp chiếu nếu có nghi ngờ tụ máu trong hộp sọ.

Tương tự, những người đã từng gặp tai nạn nghiêm trọng như tai nạn giao thông hoặc ngã từ độ cao cũng nên thường xuyên đi kiểm tra. Sau khi tình trạng viêm từ chấn thương ban đầu đã suy giảm, bác sĩ có thể kiểm tra rà soát các điểm bẩm tím và tụ máu có nguy cơ ảnh hưởng đến các mô và nội tạng.

Các khối tụ máu có thể trông đáng sợ khi nhìn từ bên ngoài, nhưng nếu được điều trị đúng cách có thể giúp không để lại những tổn thương vĩnh viễn.

Với những trường hợp tụ máu nhẹ như tụ máu ở tai, ở móng, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà.

Còn với những trường hợp tụ máu do tai nạn, đặc biệt với tai nạn ở vùng đầu, hoặc khối tụ máu xuất hiện tình trạng viêm nhiễm thì cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Với các chẩn đoán và điều trị đúng cách, các khối tụ máu có thể được loại bỏ mà không gây ra biến chứng.

Từ khóa » Móng Tay Tự Nhiên Bị Bầm