Từ Nữ Chân Tới Mãn Châu | Nghiên Cứu Lịch Sử

4542154106_94fb1330ac_o

Biên dịch: Ngô Quốc Cường

Trớ trêu thay, những dân tộc đến từ vùng biên giới đông bắc – tưởng chừng ít tiềm tàng mối đe dọa nhất trong các vùng lãnh thổ phía bắc – cuối cùng lại đặt dấu chấm hết cho nhà Minh. Nhóm dân tộc chính ở vùng này là người Nữ Chân có tổ tiên từng chinh phục thành công miền bắc Trung Quốc và thành lập nên nhà Kim. Sau khi người Mông Cổ hủy diệt nhà Kim, một số người Nữ Chân tiếp tục định cư ở Trung Nguyên, trong khi đó, những người Nữ Chân kiên quyết bảo vệ bản sắc dân tộc thì vốn vẫn luôn sống ở đất tổ hoặc vừa trở về đất tổ từ Trung Nguyên. Đầu thời nhà Minh, người Nữ Chân đã phát triển thành ba nhóm tổ chức khác nhau. Người Nữ Chân sống ở cực bắc tại lưu vực Hắc Long Giang và Ô Tô Lý Giang, chủ yếu là thợ săn hoặc ngư dân, có lối sống khác hoàn toàn người Hán, nhà Minh gọi họ là Dã nhân Nữ Chân. Người Nữ Chân sống ở phía tây thì ưa chăn nuôi gia súc và sinh hoạt y hệt người Mông Cổ. Cuối cùng, người Nữ Chân ở phía nam, Kiến Châu Nữ Chân hoặc Mao Liên Nữ Chân, có lối sống tương tự người Hán, thường canh tác nông nghiệp định canh, về sau trở thành mối bận tâm lớn nhất của nhà Minh.

Những vùng lãnh thổ Nữ Chân kể trên từng nằm dưới sự kiểm soát của người Mông Cổ thời nhà Nguyên. Việc Hồng Vũ Đế trục xuất hoàng đế nhà Nguyên cuối cùng đã mở ra những triển vọng và cả những mối nguy mới cho người Nữ Chân. Trong vài thập kỷ sau khi nhà Minh thành lập, nhiều biệt đội Mông Cổ vẫn rong ruổi khắp đất Nữ Chân, và một nhóm thân Mông Cổ vẫn cai trị Cao Ly bên kia biên giới. Nạp Cáp Xuất, một tướng lĩnh Mông Cổ cai quản Liêu Đông từ năm 1362, tìm cách mở rộng căn cứ về phía nam tới đất Nữ Chân, trong khi Cao Ly cũng cố gắng giành quyền kiểm soát vài phần lãnh thổ Liêu Đông có người Triều Tiên sinh sống. Cao Ly lo ngại những thách thức chính quyền tiềm tàng từ chính những người Triều Tiên lưu vong biên giới.

Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu của Hồng Vũ Đế là Nạp Cáp Xuất. Từ căn cứ tại Kim Sơn, cách Thẩm Dương 70 dặm về phía bắc, Nạp Cáp Xuất đột kích các vệ sở mà nhà Minh vừa mới thành lập tại Liêu Đông, lực lượng của ông có lần giết được hơn 5.000 quân Minh. Vì quá tập trung bình định tàn dư nhà Nguyên, Hồng Vũ Đế không mấy quan tâm tới vùng đông bắc trong một khoảng thời gian dài. Trước những chiến thắng quân sự liên tiếp của Hồng Vũ Đế, ngày càng có nhiều người dưới trướng Nạp Cáp Xuất thần phục nhà Minh vào cuối những năm 1370 và đầu những năm 1380. Hồng Vũ Đế sau đó đã áp dụng nhiều chính sách táo bạo, kết nạp người Mông Cổ đầu hàng vào các thiên hộ sở ở Liêu Đông và thách thức quân đội của Nạp Cáp Xuất ở phía bắc và phía đông. Năm 1387, hoàng đế ra lệnh cho Phùng Thăng dẫn 20.000 quân tấn công Nạp Cáp Xuất. Để tránh một cuộc giao tranh quân sự, Phùng Thăng phái thuộc hạ tới chiêu hàng Nạp Cáp Xuất. Choáng ngợp trước lực lượng áp đảo của nhà Minh, Nạp Cáp Xuất đầu hàng và được người Hán khoan hồng. Hồng Vũ Đế phong Nạp Cáp Xuất làm Hải Tây Hầu, cũng phong tước và tặng quà cho thuộc hạ của ông ta. Ông biên chế quân đội của Nạp Cáp Xuất vào quân đội nhà Minh, dù không lâu trước đó, hai bên còn là kẻ thù. Triều đình không trừng phạt, bỏ tù hay xử tử hầu hết cựu thù. Chính sách này của triều đình gây ấn tượng mạnh với những nhóm người Mông Cổ và Nữ Chân chưa bình định và tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực ổn định vùng biên cương đông bắc của nhà Minh.

Người Triều Tiên cũng quyết tâm bảo vệ lợi ích của họ trên đất Nữ Chân. Lúc đầu, triều đình Cao Ly lo sợ trước lợi ích mà nhà Minh có được ở Liêu Đông, và luôn ủng hộ người Mông Cổ trong mọi trường hợp. Năm 1388, vua Cao Ly tổ chức một cuộc viễn chinh đẩy quân Minh khỏi Liêu Đông. Tuy nhiên, Lý Thành Quế – một viên tướng bất mãn với người Mông Cổ – đã lãnh đạo một nhóm chỉ huy Cao Ly quay đầu làm phản, lật đổ vua Cao Ly thân Mông Cổ. Đến năm 1392, nhà Triều Tiên do Lý Thành Quế sáng lập thay thế nhà Cao Ly. Triều đình mới tập trung bình định người Nữ Chân sống ở biên giới Triều Tiên đang ngày một đông đảo. Một chiến dịch tàn khốc của Dã nhân Nữ Chân đã buộc Tả Kiến Châu Nữ Chân phải chạy về phía nam từ khu vực sông Tùng Hoa đến Hội Ninh bên bờ sông Đồ Môn, một cứ điểm mà họ dùng để đột kích Triều Tiên. Tuy nhiên, trước lời hăm dọa và một vài đợt xuất kích của quân Triều Tiên, thủ lĩnh Tả Kiến Châu Nữ Chân là Mãnh Ca Thiếp Mộc Nhi đành chịu quy phục và cống nạp cho Triều Tiên. Ông tiếp tục công nhận trên danh nghĩa quyền tông chủ của Triều Tiên trong hơn một thập kỷ tiếp theo. Thủ lĩnh Kiến Châu Nữ Chân A Cáp Xuất, người vừa di cư từ phía bắc Mãn Châu đến biên giới Triều Tiên, cũng chịu cống nạp cho Triều Tiên. Triều đình nhà Minh theo dõi những thỏa thuận thành công giữa người Nữ Chân và Triều Tiên với nỗi lo âu ngày một gia tăng. Rõ ràng, họ chưa thể chiêu an người Nữ Chân bằng các chính sách khoản đãi, dù cho đã kiềm tỏa được sức mạnh của Nạp Cáp Xuất, mối đe dọa lợi ích lớn nhất dọc biên giới đông bắc.

Ban đầu, triều đình nhà Minh không và cũng không thể áp đặt quyền kiểm soát người Nữ Chân như nhà Nguyên từng làm, nhưng họ đã tạo ra một bộ quy tắc tổ chức mà sau này trở thành phương tiện chính cho mối quan hệ với các dân tộc dọc biên giới đông bắc. Triều đình không thể bắt chước người Mông Cổ đánh thuế người Nữ Chân. Ngoài ra, không như người Mông Cổ, triều đình nhà Minh không thiết lập dịch trạm ở Liêu Đông và phía bắc Mãn Châu để gửi công thư và cũng để thể hiện rõ hơn quyền kiểm soát khu vực: một dấu hiệu chỉ ra rằng nhà Minh chưa đạt được mức độ bá quyền như nhà Nguyên. Dù ở thế kém thuận lợi hơn, nhưng nhà Minh đã thiết lập một thể chế nghi thức hóa mối quan hệ và cung cấp đòn bẩy khi thương lượng với người Nữ Chân. Triều đình thành lập các vệ sở ở Liêu Đông thời Hồng Vũ Đế và ở Mãn Châu thời Vĩnh Lạc Đế. Tuy nhiên, việc thành lập vệ sở cũng không chứng tỏ được quyền cai trị của nhà Minh. Các thủ lĩnh Nữ Chân không thực sự phụng sự nhà Minh, họ tự thu thuế và nuôi quân đội cho riêng mình, không phải cho triều đình. Việc để nhà Minh thành lập vệ sở cũng không phải là bằng chứng cho thấy các thủ lĩnh Nữ Chân đang chuẩn bị cho một xã hội Hán hóa mạnh mẽ hơn. Các vệ sở chỉ đơn thuần là phương tiện thuận tiện để nhà Minh tái khẳng định quan hệ đối ngoại truyền thống. Nhà Minh đưa ra một quan điểm mang tính an ủi nhưng đầy mê muội rằng người Nữ Chân sẽ chấp nhận trật tự thế giới mà người Hán đặt ra, công nhận vị thế “chư hầu” trước triều đình nhà Minh, và nhận thức được rằng nền văn minh của người Hán quả thực thượng đẳng. Với sự “thấu hiểu” như vậy, triều đình bằng lòng chấp thuận quan hệ thương mại và cái gọi là quan hệ triều cống với người Nữ Chân.

Vẫn cần phải giải thích vì sao người Nữ Chân chấp nhận vị thế “chư hầu” không mấy chính xác, dù cho vị thế này hạ thấp phẩm giá của họ, ít nhất là về mặt nghi thức. Người Nữ Chân hẳn đã sử dụng sự phê chuẩn của nhà Minh như một phương tiện chính danh hóa. Các thủ lĩnh Nữ Chân tận dụng vinh quang và uy tín của nhà Minh để củng cố địa vị trong lòng người dân. Họ cũng có khả năng muốn dựa hơi người Hán để chống lại Triều Tiên và một vài kẻ thù khác. Hy vọng được nhà Minh viện trợ có thể là viễn vông, nhưng đôi khi, mối đe dọa kêu gọi nhà Minh giúp đỡ quân sự cũng đủ khiến những kẻ thù tiềm tàng phải dè chừng. Tuy nhiên, “cho dù những nguyên do trên có giá trị đến thế nào đi chăng nữa thì nguyên do quan trọng nhất vẫn là kinh tế. Người Nữ Chân yêu thích những món quà được ban tặng trong mỗi lần triều cống, và thèm thuồng những món hàng Trung Nguyên sẵn có giao thương. Họ tham gia hệ thống chính trị nhà Minh để mang về những sản phẩm hữu ích, nếu không muốn nói là thiết yếu, cho cộng đồng.”

Tóm lại, cuối thời Hồng Vũ Đế, những đường lối cốt yếu trong chính sách với người Nữ Chân đã được hình thành. Hầu hết cư dân Mãn Châu, ngoại trừ Dã nhân Nữ Chân, đều hòa thuận với nhà Minh. Tuy nhiên, một mối quan hệ phù hợp giữa nhà Minh với những người láng giềng phía đông bắc đã không được thiết lập. Hệ thống vệ sở hiếm khi vươn tới được Mãn Châu, và các quy định về triều cống và thương mại vẫn còn tương đối chưa hoàn thiện. Hơn nữa, các chuyên gia và tư vấn viên, cả người Nữ Chân lẫn người Hán, vẫn chưa xuất hiện trong triều đình nhà Minh.

Vĩnh Lạc Đế là người tiếp theo chịu trách nhiệm thiết lập khuôn khổ cho mối quan hệ nhà Minh – Nữ Chân. Ông cố kiềm chế không theo đuổi một chính sách hiếu chiến với người Nữ Chân như với người Mông Cổ. Thay vào đó, Vĩnh Lạc Đế nhờ cậy ngoại giao để đảm bảo mối quan hệ mà ông muốn. Ông không muốn phát động chiến tranh ở phía đông bắc trong lúc đang bận rộn với các chiến dịch quân sự ở Mông Cổ. Vĩnh Lạc Đế tìm kiếm hòa bình với người Nữ Chân và ngăn cản họ liên minh với Mông Cổ hoặc Triều Tiên để đe dọa biên cương nhà Minh. Một cách để chiến thắng người Nữ Chân là khởi xướng một chế độ triều cống và thương mại thường xuyên, đem lại lợi ích cho những người láng giềng đông bắc và cho cả chính nhà Minh, vốn cũng khát khao một số sản phẩm Nữ Chân nhất định. Cuối cùng, hoàng đế tách biệt Liêu Đông với những khu vực Nữ Chân khác xa hơn về phía bắc. Liêu Đông giờ là một phần của hệ thống hành chính nhà Minh, với việc thành lập tại đây một đô chỉ huy sứ ty cùng một bộ nghĩa vụ quân sự và tài chính tương ứng, tương tự bộ nghĩa vụ mà các tỉnh trung tâm Trung Quốc áp đặt và thi hành.

Vĩnh Lạc Đế không mong đợi các vệ sở và đô chỉ huy sứ ty mà ông thành lập trên lãnh thổ Nữ Chân sẽ lãnh các chức năng tương tự nhau. Ông phong quân hàm và tước vị cho các lãnh đạo vệ sở và đô chỉ huy sứ ty người Nữ Chân, không yêu cầu họ phục vụ các chiến dịch của nhà Minh. Họ cũng không cần phải đóng thuế. Dù được ban tặng ấn tín và quà cáp, họ chắc chắn không thuộc thẩm quyền của triều đình nhà Minh. Nói chung, hoàng đế chỉ xác nhận việc bổ nhiệm các lãnh đạo bản xứ và không có khả năng cũng như mong muốn khởi xướng một chính sách chia để trị. Nhà Minh không đủ sức mạnh quân sự hoặc chính trị để ngăn cản những vệ sở riêng lẻ trở nên quá mạnh. Vào đầu triều đại, các vệ sở Nữ Chân có dân số tương đối ít, điều này phản ánh nền kinh tế và hệ thống hành chính thô sơ của người Nữ Chân hơn là do chính sách của nhà Minh. Chính sách “lấy di trị di” không và không thể được áp dụng đúng nghĩa.

Vĩnh Lạc Đế để ý tới người Nữ Chân ở cả phía nam và phía đông bắc, dù ông thành công trong việc thương thuyết với những mục dân và nông dân sống gần nhà Minh hơn là với Dã nhân Nữ Chân. Chỉ trong vòng hai năm tại vị, Vĩnh Lạc Đế đã phái ít nhất 11 sứ đoàn thuyết phục người Nữ Chân thiết lập mối quan hệ đúng đắn với nhà Minh. Có thể khẳng định chắc chắn rằng nhà Minh dưới thời Vĩnh Lạc Đế theo đuổi một chính sách tích cực với người Nữ Chân cũng như những dân tộc Nội Á khác. Quan điểm cho rằng nhà Minh bài ngoại và tìm cách hạn chế quan hệ ngoại giao không đúng trong những năm Vĩnh Lạc.

Triều đình trước tiên thương lượng trực tiếp với Kiến Châu Nữ Chân, nhóm người mà hoàng đế có mối quan hệ thân thiết nhất. Cả nguồn Trung Quốc và Triều Tiên đều tuyên bố rằng con gái của A Cáp Xuất, thủ lĩnh Kiến Châu Nữ Chân, là thê thiếp của Vĩnh Lạc Đế. Do đó, việc hoàng đế phái sứ đoàn đầu tiên thương lượng với Kiến Châu Nữ Chân là lẽ tự nhiên, và cũng không có gì lạ khi vào tháng 12 năm 1403, A Cáp Xuất chấp nhận để nhà Minh thành lập vệ sở trong khu vực mà ông cai quản. Dù liên tục di cư dưới thời Vĩnh Lạc Đế, Kiến Châu Nữ Chân vẫn luôn duy trì quan hệ triều cống và ngoại giao với nhà Minh. Triều đình nhà Minh phong cho hai con trai của A Cáp Xuất làm chỉ huy sứ của hai trong số 179 vệ sở thời Vĩnh Lạc Đế. Con trai trưởng có tên chữ Hán là Lý Hiển Trung, lãnh đạo Kiến Châu vệ, trong khi người em là Mãnh Ca Bất Hoa lãnh đạo Mao Liên vệ. Triều đình cũng thành lập vệ sở cho Hải Tây Nữ Chân, nhóm người sống quanh khu vực hợp lưu giữa hai con sông Tùng Hoa và A Thập gần thị trấn Cáp Nhĩ Tân ngày nay. Mối quan hệ với Hải Tây Nữ Chân thậm chí còn đáng lưu tâm hơn, vì nhóm người này sống thiên định cư và cách xa nhà Minh hơn so với Kiến Châu Nữ Chân.

Lúc đầu, Tả Kiến Châu Nữ Chân tỏ thái độ rất cứng rắn khi hòa đàm với nhà Minh. Thủ lĩnh Tả Kiến Châu Nữ Chân là Mãnh Ca Thiếp Mộc Nhi đã sớm thần phục Lý Thành Quế từ lâu. Năm 1404, Mãnh Ca được mời đến kinh đô Triều Tiên, vua Triều Tiên phong cho Mãnh Ca một chức vị trong đội cận vệ hoàng gia và ban cho ông một thực ấp vạn hộ. Ông dường như đã là một thần dân Triều Tiên trung thành. Tuy nhiên, Vĩnh Lạc Đế không nhượng bộ và vẫn kiên trì thuyết phục Mãnh Ca phục tùng. Lúc đầu, Mãnh Ca từ chối lời đề nghị của hoàng đế và được Triều Tiên ủng hộ phản kháng nhiệt liệt. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi nhà Minh làm mất lòng Mãnh Ca vì không gọi đúng tước hiệu của ông. Cuối cùng, vào năm 1405, sứ thần nhà Minh là Vương Giao Hóa Để, với lời lẽ đủ tôn trọng, đã thuyết phục thành công Mãnh Ca “đồng cam cộng khổ” cùng người Hán. Mãnh Ca không tiết lộ với người trợ lý Triều Tiên ý đồ chuyển liên minh của mình cho tới khi bắt đầu hành trình đến triều đình nhà Minh. Hoàng đế ban tước vị và quà cáp cho Mãnh Ca, công nhận ông là chỉ huy sứ của Tả Kiến Châu vệ mới thành lập. Triều đình Triều Tiên tức giận vì Mãnh Ca hai mặt và phản bội liên minh, trả đũa bằng các thu hồi hết đặc quyền thương mại của Tả Kiến Châu Nữ Chân, từ chối mua muối, ngựa, bò và sắt. Xung đột với Triều Tiên buộc Mãnh Ca phải di cư từ vùng đông bắc giáp ranh Triều Tiên đến Phụng Châu, một địa điểm gần Trung Nguyên hơn, vào năm 1411. Cuối thời Vĩnh Lạc Đế, Mãnh Ca tìm cách duy trì sự cân bằng mong manh trong mối quan hệ với nhà Minh và Triều Tiên. Ông thu được nhiều lợi nhuận hơn khi buôn bán với nhà Minh nhưng vẫn e sợ trước các cuộc tấn công vũ trang từ Triều Tiên.

Triều đình Triều Tiên quan ngại trước những hành động mà họ cho là xâm phạm lãnh thổ của nhà Minh. Với một nhóm người nước ngoài trung thành với nhà Minh đang sống dọc theo biên giới đông bắc, Triều Tiên lo sợ rằng, giống như nhà Cao Ly tiền nhiệm, họ sẽ trở thành nạn nhân của một cuộc chinh phạt khác. Người Hán đã dụ dỗ người Nữ Chân trước đó từng phục vụ Triều Tiên quay sang trung thành với họ. Trong một bức thư gửi triều đình nhà Minh, người Triều Tiên khẳng định rằng họ có yêu sách chính đáng đối với lãnh thổ Nữ Chân, đồng thời chỉ ra rằng hai ngôi mộ vương tộc họ Lý cũng đang nằm tại đây. Họ làm mọi cách để níu kéo lòng trung thành của Mãnh Ca Thiếp Mộc Nhi nhưng không thành công. Hoàng đế nhà Minh nhấn mạnh việc Mãnh Ca có quan hệ huyết thống với hoàng hậu của ông và phủ nhận lời phản đối của Triều Tiên đối với định hướng chính trị mới của vị thủ lĩnh Nữ Chân. Ông chấp nhận một số yêu sách lãnh thổ của Triều Tiên, vốn dai dẳng từ thời nhà Liêu và nhà Kim, nhưng không từ bỏ khu vực đặt hai ngôi mộ vương tộc, ép người Triều Tiên phải di dời. Cuộc cạnh tranh giành lòng trung thành của người Nữ Chân giữa nhà Minh và Triều Tiên vẫn âm ỉ suốt thời nhà Minh.

Năm 1410, Vĩnh Lạc Đế cho thành lập một loạt vệ sở mới và loại trừ ảnh hưởng của Triều Tiên đối với người Nữ Chân. Ông đã thiết lập hòa bình thành công ở khu vực Nữ Chân tiếp giáp với ba con sông Đồ Môn, Hắc Long Giang và Ô Tô Lý Giang, chính quyền nhà Minh cũng đã tinh tường hơn về các nhóm người và thủ lĩnh Nữ Chân khác nhau. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để triều đình nhà Minh xếp hạng các bộ lạc Nữ Chân và ban thưởng cho họ theo thứ hạng. Cần phải nhấn mạnh một lần nữa rằng việc thành lập vệ sở không phải là một động thái kiểm soát chính trị khu vực.

Thậm chí, mức độ kiểm soát chính trị còn suy giảm hơn nữa khi Nô Nhi Can đô ty được thành lập. Năm 1403, Vĩnh Lạc Đế phái một sứ đoàn thuyết phục Dã nhân Nữ Chân quy phục nhưng nhận về hồi đáp đáng thất vọng. Một vài nhóm Dã nhân Nữ Chân từng yết kiến triều đình nhà Minh, mang theo chim ưng làm quà tặng, nhưng không hề có mối quan hệ tích cực nào được duy trì bền lâu. Năm 1409, hoàng đế ra lệnh cho Diệc Thất Cáp, một hoạn quan gốc Hải Tây Nữ Chân, dẫn quân tới cửa sông Hắc Long Giang để bình định Dã nhân Nữ Chân. Hai năm sau, Diệc Thất Cáp bắc tiến với 1.000 quân cùng 25 tàu chiến. Diệc Thất Cáp được các thủ lĩnh Nữ Chân đón tiếp thân tình và ông cũng tặng lại quà cho họ để đáp lễ. Các thủ lĩnh Nữ Chân đồng ý cho nhà Minh thành lập đô chỉ huy sứ ty và cử một sứ đoàn tháp tùng Diệc Thất Cáp hồi kinh. Năm 1413, Vĩnh Lạc Đế một lần nữa phái Diệc Thất Cáp tới gặp mặt các thủ lĩnh Nữ Chân và xây dựng Vĩnh Ninh Tự như một nỗ lực truyền bá Phật giáo trong cộng đồng người Nữ Chân định cư ít ỏi. Diệc Thất Cáp cho khắc một tấm bia ghi công xây chùa bằng cả chữ Hán, chữ Nữ Chân và chữ Mông Cổ. Những nỗ lực của Diệc Thất Cáp được đón nhận nồng nhiệt vì ông hiểu rõ phong tục cũng như quan điểm của người Nữ Chân. Diệc Thất Cáp cùng hoàng đế đã thuyết phục người Nữ Chân cho thành lập một dịch trạm ở Nô Nhi Can, nơi không chỉ hỗ trợ việc gửi công thư mà còn giúp thương nhân đi lại thuận tiện, cung cấp cho họ chỗ ở và trạm tiếp tế.

Các hoạt động của Diệc Thất Cáp và chính sách của Vĩnh Lạc Đế giúp họ hoàn thành một số mục tiêu nhưng không thể chuyển hóa thành quyền quản trị khu vực. Triều cống và giao thương từ Nô Nhi Can bắt đầu tràn vào Trung Nguyên; các thủ lĩnh Nữ Chân chấp nhận tước hiệu do triều đình nhà Minh sắc phong; Phật giáo phát dương giữa cộng đồng bản địa; thương mại và liên lạc đã thuận tiện hơn nhờ dịch trạm. Tuy nhiên, triều đình nhà Minh không thể chi phối vận mệnh chính trị của Dã nhân Nữ Chân. Triều đình nhà Minh chỉ đơn giản là cố duy trì sự hiện diện ở Mãn Châu. Sau khi Vĩnh Lạc Đế băng hà, mục tiêu này ngày càng khó thực hiện hơn. Hai năm 1426 và 1432, Tuyên Đức Đế phái Diệc Thất Cáp thám hiểm bằng thuyền đất Dã nhân Nữ Chân. Trong chuyến đi đầu tiên, Diệc Thất Cáp được lệnh xây dựng ụ tàu và nhà kho để tiếp tế cho quan chức và quân đội nhà Minh đóng tại Nô Nhi Can đô ty. Trong chuyến đi thứ hai, Diệc Thất Cáp ban ấn tín cho một nhà cai trị mới và tặng quà cho những người Nữ Chân hợp tác với nhà Minh. Ông cũng tu sửa Vĩnh Ninh Tự đã hư hại nghiêm trọng từ vài năm trước đó. Triều đình chấm dứt viếng thăm Dã nhân Nữ Chân ngay sau năm 1432. Các quan chức nhà Minh cho rằng hoạt động ngoại giao này quá tốn kém, từ bỏ xây dựng nhà kho và ụ tàu vì chi phí đắt đỏ và sự phản đối của người Nữ Chân. Thế nên, tới thập kỷ thứ tư của thế kỷ 15, triều đình nhà Minh đã để mất căn cứ vốn không mấy vững vàng trên đất Dã nhân Nữ Chân.

Tuy nhiên, nhà Minh đã thành công phần nào trong việc đẩy mạnh Hán hóa Kiến Châu Nữ Chân và Mao Liên Nữ Chân. Năm 1417, triều đình thành lập một cơ quan đăng ký Phật giáo ở Kiến Châu, cho thấy rằng Phật giáo đã thu hút được ít nhất một nhóm nhỏ người Nữ Chân. Triều đình khuyến khích người Nữ Chân thân thiện định cư bên trong hoặc sát gần biên giới nhà Minh và tạo cho họ hai cộng đồng An Lạc và Tự Tại. Để hỗ trợ người di cư và thúc giục họ ổn định cuộc sống, nhà Minh ban cấp áo bào, ngũ cốc, tiền giấy và vật liệu xây dựng. Khi người di cư ngày càng giống người Hán hơn, họ bắt đầu phục vụ triều đình. Họ không chỉ tiến cống cho hoàng đế và buôn bán với thương nhân người Hán mà còn làm thông ngôn, phiên dịch, thu thập tin tình báo và hộ tống các sứ đoàn. Một số còn được gia nhập Cẩm y vệ, đội cận vệ hoàng gia. Những kiến thức của họ về ngôn ngữ, phong tục và chính trị Nữ Chân là vô giá với nhà Minh, và họ luôn được triều đình trọng thưởng nhờ chuyên môn của mình.

Ngược lại, nhiều người Hán cũng tràn vào đất Nữ Chân, truyền bá sống động văn hóa Hán. Một số là thương nhân buôn bán bất hợp pháp với người Nữ Chân; số khác là nông dân hoặc binh lính sống dọc biên giới, bất mãn với nghĩa vụ quân sự và chế độ thuế khóa hà khắc của triều đình; ngoài ra còn có những người là con cháu của tù binh Hán trong các cuộc xung đột Minh – Nữ Chân thời kỳ đầu.

Không còn nghi ngờ gì nữa, người Hán xa xứ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của người Nữ Chân. Họ đã hướng dẫn và khuyến khích người Nữ Chân, đặc biệt là Hải Tây và Kiến Châu Nữ Chân, trở thành những nông dân lành nghề, dạy cho người Nữ Chân kỹ thuật canh tác và cách sử dụng nông cụ. Họ là những thợ thủ công tay nghề cao, đào tạo nên nhiều nghệ nhân Nữ Chân giỏi. Họ tư vấn cho những kẻ “man di” về công nghệ quân sự và nghề luyện sắt.

Nhiều người Hán làm việc chính thức với người Nữ Chân cũng có tác động và rốt cuộc gây nên những thay đổi trong văn hóa của các dân tộc đông bắc, điều rồi sẽ để lại những hệ lụy khôn lường cho chính Trung Nguyên. Ví dụ, các hoạn quan thường làm sứ giả cho người Nữ Chân hoặc là người đầu tiên chào đón du khách Nữ Chân đến nhà Minh, đôi khi, họ không phải là người Hán gốc và được coi như một hình mẫu Hán hóa. Lợi lộc hữu hình dường như được tích lũy dần cho những người thích nghi được với văn minh Hán. Các hoạn quan thường trở thành thân tín của hoàng đế và được giao nhiều trọng trách phạm vi rộng.

Tương tự như vậy, một số quan chức quân sự đối phó với người Nữ Chân ở biên giới cũng là những tấm gương Hán hóa mẫu mực. Điều quan trọng hơn trong việc tạo ra những thay đổi trong cộng đồng Nữ Chân là việc thành lập vệ sở. Vì nhiều thủ lĩnh Nữ Chân ban đầu khá yếu kém nên việc được chỉ định làm chỉ huy vệ sở và những món quà, ấn tín, quyền giao thương mà nhà Minh ban cấp đã củng cố địa vị cho họ. Phê chuẩn và hỗ trợ từ nhà Minh đem lại cho họ cơ hội làm trung gian giữa thần dân Nữ Chân với triều đình người Hán trong các mối quan hệ ngoại giao và thương mại. Thật trớ trêu khi các chính sách của nhà Minh đã vô tình giúp xã hội Nữ Chân được tổ chức ngày một tốt hơn.

Quan hệ kinh tế giữa nhà Minh và người Nữ Chân cũng thúc đẩy những thay đổi xã hội giữa lòng cư dân Mãn Châu đồng thời đem lại hàng hóa có giá trị cho người Hán. Các sứ đoàn triều cống Nữ Chân, với cáo sắc hoặc tín phù kim bài do triều đình cấp, đi theo một tuyến đường quy định từ Khai Nguyên và Phủ Thuận đến Sơn Hải Quan rồi vào Trung Nguyên. Vào thời Vĩnh Lạc Đế, đã có những khiếu nại về hành vi làm giả chứng chỉ thông quan, nhưng vấn đề không quá nghiêm trọng và được chính quyền giải quyết khá nửa vời. Trong thời gian tiếp kiến hoàng đế, các sứ thần Nữ Chân được ban tặng tiền giấy, vải sa tanh màu, vải lụa, áo bào, ủng và tất chân tùy theo cấp bậc và địa vị. Vì những món quà kiểu trên luôn sẵn có và chẳng đáng là bao với triều đình, mối quan hệ triều cống thực tế không phải là gánh nặng tài chính với nhà Minh, miễn là số lượng sứ thần có hạn mức hợp lý. Đến lượt mình, các sứ thần dâng cống ngựa mà họ lấy được từ người Mông Cổ hoặc người Triều Tiên, lạc đà, cũng có thể là từ người Mông Cổ, và lông thú. Họ còn mang theo những món kỳ trân dị bảo như chim ưng hay diều hâu, và a giao, một loại cao được cho là có tác dụng chữa tê liệt, hen suyễn, ho khan và nhiều chứng bệnh hô hấp, tuần hoàn khác. Tuy nhiên, nhìn chung, triều đình nhận được nguồn cung ít nhất cho một trong những mặt hàng thiết yếu từ mỗi sứ đoàn triều cống, một dấu hiệu cho thấy họ có lời từ kiểu giao dịch này. Nguy cơ hao tổn đáng kể ngân sách sẽ hiện hữu nếu số lượng đàn ông trong mỗi sứ đoàn Nữ Chân gia tăng khiến nhu cầu quà cáp gia tăng theo. Hơn nữa, trong những năm đói kém, nhà Minh còn phải cung cấp ngũ cốc cứu trợ người Nữ Chân ở phía bắc và phía đông cũng như người Hán sống ở Liêu Đông, đây cũng là một khoản chi phí tốn kém tiềm năng. Thời Vĩnh Lạc Đế, các chính sách đối đãi người Nữ Chân không gây ra khó khăn hay thâm hụt ngân sách rõ ràng.

Giao thương giữa người Nữ Chân với thương nhân và quan chức người Hán dường như sinh lời cho cả đôi bên. Tại kinh đô và hai chợ vùng biên Khai Nguyên và Quảng Ninh, thành lập vào năm 1406, người Nữ Chân đổi ngựa chiến lấy vải lụa và bông với tỷ giá hối đoái tùy thuộc vào chất lượng ngựa. Quan chức triều đình tuyển chọn ngựa rồi gửi tới 24 mục trường thiết lập ở Liêu Đông, thương nhân người Hán sau đó được phép buôn bán số ngựa còn lại. Miễn là chặn được thương nhân buôn lậu vải lụa và bông cho người Nữ Chân, triều đình nhà Mình sẽ luôn nhận được đủ số ngựa chiến cần thiết. Nhân sâm cũng là một món hàng giá trị khác mà người Hán mua của người Nữ Chân. Người Hán cho rằng loại rể cây này vô cùng có lợi cho sức khỏe, được ca tụng hết lời chứ không phải là thứ hàng xa xỉ tuy hiếm nhưng vô dụng. Mặt khác, người Nữ Chân cũng nhận về từ người Hán nhiều món hàng hữu dụng, nếu không muốn nói là thiết yếu, như đồ dệt may, ngũ cốc, đồ thủ công mỹ nghệ và chế thành phẩm bằng sắt. Tóm lại, đôi bên đều thu lợi từ thương mại.

Cái chết của Vĩnh Lạc Đế bắt đầu bóc trần mối quan hệ tưởng chừng ổn định và đôi bên cùng có lợi mà nhà Minh đã phát triển với người Nữ Chân. Trong khoảng thời gian ngắn, triều đình nhà Minh sớm bãi bỏ chính sách ngoại giao khuếch trương thời Vĩnh Lạc Đế, và sau thảm bại Thổ Mộc Bảo năm 1449, họ càng trở nên thận trọng hơn khi đối ngoại. Người Triều Tiên tìm cách tận dụng chính sách thu mình của nhà Minh để đóng một vai trò quan trọng hơn đối với người Nữ Chân.

Mối quan hệ tay ba giữa Triều Tiên, nhà Minh và Nữ Chân, mỗi bên có lợi ích khác nhau và đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau, kích động nhiều xung đột ngay sau khi Vĩnh Lạc Đế băng hà. Những đợt di cư không ngớt của người Nữ Chân là một dấu hiệu cho thấy mức độ thù địch và ganh đua đang ngày một gia tăng. Lý Mãn Trụ kế vị cha mình là Lý Hiển Trung làm thủ lĩnh Kiến Châu Nữ Chân, đã nhiều lần xin phép triều đình chuyển hẳn vào Trung Nguyên sống. Vua Triều Tiên gây áp lực với thần dân của Lý Mãn Trụ bằng cách cố gắng áp đặt các loại thuế má và sưu dịch. Lý Mãn Trụ, với quyền lực phụ thuộc vào khả năng thu thuế và huy động lao động cũng như sự công nhận từ nhà Minh, e sợ trước mối đe dọa từ người Triều Tiên và tìm kiếm sự bảo vệ từ triều đình người Hán. Có lẽ do ái ngại một nhóm Nữ Chân thống nhất quy mô lớn định cư dọc theo biên giới, nhà Minh từ chối yêu cầu của Lý Mãn Trụ và ép ông phải di chuyển đến một khu vực cách không xa lãnh thổ Triều Tiên. Những đợt đột kích và xâm lược làm gián đoạn quan hệ Nữ Chân – Triều Tiên cho tới khi quân Triều Tiên đánh tan lực lượng của Lý Mãn Trụ và buộc ông phải di cư vào năm 1434, thêm một lần nữa vào năm 1437. Cay đắng vì không được nhà Minh cứu viện, Lý Mãn Trụ cuối cùng đã liên minh với thủ lĩnh Ngõa Lạt là Dã Tiên, quay sang chống nhà Minh.

Tả Kiến Châu Nữ Chân cũng bị cuốn vào một cuộc tranh đấu với nhà Minh và Triều Tiên. Thủ lĩnh Tả Kiến Châu Nữ Chân, Mãnh Ca Thiếp Mộc Nhi, trước đó đã đoạn tuyệt với người Triều Tiên, vì vậy, khi một thủ lĩnh đối địch giết chết Mãnh Ca và con trai, người Triều Tiên không mảy may khó chịu. Trên thực tế, họ còn lập một ngay một đơn vị đồn trú ở Hội Ninh để tận dụng tai họa đột ngột này. Giờ đây, nhận ra bản thân yếu đuối thế nào khi mất đi thủ lĩnh, Tả Kiến Châu Nữ Chân tìm cách tị nạn ở Trung Nguyên, nhưng nhà Minh từ chối cho họ nhập cảnh. Phải tự cứu lấy mình, Tả Kiến Châu Nữ Chân chấp nhận để người anh em cùng cha khác mẹ của Mãnh Ca là Phạm Sát kế vị thủ lĩnh, gạt Đổng Sơn – con trai nhỏ của Mãnh Ca – sang một bên. Phạm Sát dẫn người của mình di cư một vài lần để tránh kẻ thù, nhất là người Triều Tiên. Tiếp đó, ông lại phải cạnh tranh với người cháu họ thêm vài năm. Năm 1442, để tránh một cuộc xung đột toàn diện, triều đình nhà Minh đứng ra hòa giải cho hai chú cháu. Họ công nhận Đồng Sơn là chỉ huy Tả Kiến Châu vệ còn Phạm Sát là chỉ huy Hữu Kiến Châu vệ. Quan hệ giữa nhà Minh, Tả Kiến Châu vệ, Hữu Kiến Châu vệ và Triều Tiên tạm thời êm đẹp, nhưng những xung đột tiềm tàng giữa họ vẫn còn đó và sẽ bùng phát với sự trỗi dậy của thủ lĩnh Ngõa Lạt Dã Tiên. 

Đối với những nhà hoạch định chính sách trong triều đình nhà Minh, mối liên hệ giữa các nhóm Nữ Chân khác nhau quả là một mớ hỗn độn rối rắm. Em gái Mãnh Ca kết hôn với thủ lĩnh Kiến Châu Nữ Chân, Lý Hiển Trung, và là mẹ của Lý Mãn Trụ. Con gái Lý Mãn Trụ lại kết hôn với Đồng Sơn, con trai Mãnh Ca. Em gái Lý Mãn Trụ thì được hứa hôn với Phạm Sát. Những cuộc hôn nhân này tạo ra cả quan hệ bất hòa lẫn liên minh giữa Kiến Châu vệ, Tả Kiến Châu vệ và Hữu Kiến Châu vệ, khiến nhà Minh rất khó phát triển một chính sách áp dụng thỏa đáng được cho tất cả các nhóm Nữ Chân. 

Quan hệ kinh tế giữa nhà Minh và người Nữ Chân cũng xấu đi trong thời gian này. Người Nữ Chân muốn đẩy mạnh giao thương và triều cống trong khi nhà Minh thì đang cố hạn chế giao thiệp. Người Nữ Chân phái rất nhiều sứ đoàn, hay đúng hơn là thương đoàn, tới diện kiến triều đình nhà Minh. Năm 1436, khoảng 50 sứ đoàn từ nhiều vệ sở Nữ Chân đã đặt chân đến Trung Nguyên. Một vài sứ đoàn có tận 3.000 đến 4.000 sứ thần và người hộ tống. Nhà Minh đã phải tốn rất nhiều tiền để lo nơi ăn chốn ở cho các sứ đoàn. Số lượng và chất lượng cống phẩm cũng giảm sút, các sứ thần thì thô lỗ, nghiện rượu và thậm chí còn đi ăn cướp. Theo lời kể của người Hán, sứ thần Nữ Chân cướp bóc và gây thương tích cho thường dân nhà Minh, mua hàng lậu, lạm dụng và đòi hỏi quá quắt nhân viên dịch trạm, buôn bán những món hàng xa xỉ nhưng chẳng mấy hữu dụng. Tóm lại, mối quan hệ triều cống và giao thương đôi bên cùng có lợi trước kia giờ đã trở thành một gánh nặng với nhà Minh. Triều đình phải đối mặt với những khoản chi tiêu khổng lồ khi đón tiếp các sứ đoàn Nữ Chân. Người Nữ Chân thì toàn cung cấp những mặt hàng kém giá trị, thường phớt lờ quy định và luật pháp nhà Minh. Thương nhân và quan chức người Hán càng làm vấn đề thêm tồi tệ khi đôi lúc còn lợi dụng người Nữ Chân:

Các tài liệu chữ Hán liên tục dẫn ra những trường hợp quan chức đòi tiền hối lộ – cũng không mấy khi thành công – rồi mới cho phép sứ thần vào Trung Nguyên. Chúng cũng buộc tội một số quan chức kích động người Nữ Chân bằng cách ăn bớt quà cáp tặng những kẻ “man di” và đột kích khu định cư của họ … Tài liệu chữ Hán cũng thừa nhận rằng vài món hàng Trung Quốc có khuyết điểm hoặc kém chất lượng …

Mối quan hệ kinh tế mà Vĩnh Lạc Đế mường tượng rõ ràng đã không thể tiếp tục duy trì sau cái chết của ông. 

Những đợt đột kích của Dã Tiên vào năm 1449 càng làm trầm trọng thêm những rạn nứt giữa người Nữ Chân với hai láng giềng là nhà Minh và Triều Tiên. Một số thủ lĩnh Nữ Chân, bao gồm Đồng Sơn và Lý Mãn Trụ, đã phản bội nhà Minh và liên tục tấn công các khu định cư ở Liêu Đông, trong khi người Hán đang bận rộn kháng chiến chống Ngõa Lạt. Triều đình ứng phó bằng cách sữa chữa và xây thêm vài đoạn Vạn lý Trường thành ở Liêu Đông, đình chỉ giao thương tại biên giới, giới hạn số lượng người Nữ Chân sống tại An Lạc, Tự Tại và nhiều địa điểm khác ở Trung Nguyên, hợp tác với vua Triều Tiên trong việc áp đặt chính sách với người Nữ Chân. Cáo buộc nhà Minh và Triều Tiên bội bạc, Kiến Châu Nữ Chân và Tả Kiến Châu Nữ Chân tổ chức đột kích phản công. Năm 1467, người Hán và người Triều Tiên có được một khoảng thời gian ngơi nghỉ, tránh được “khốn nhiễu Nữ Chân”. Năm 1466, nhà Minh bắt giết Đồng Sơn khi ông đích thân dẫn đầu một sứ đoàn phàn nàn về vấn đề quà cáp. Năm 1467, liên quân Minh – Triều đánh bại Kiến Châu Nữ Chân và giết chết Lý Mãn Trụ. Quan hệ giữa nhà Minh và người Nữ Chân lại càng rối ren hơn khi trong suốt những năm 1470, Tuần phủ Liêu Đông Trần Việt, người được đại hoạn quan Vương Chấn nâng đỡ, đã vô cớ tấn công các nhóm người Nữ Chân thân thiện và mượn danh triều đình để đòi đút lót. Hữu thị lang Binh bộ Mã Văn Thăng khi tuần sát Liêu Đông đã lên án hành động của Trần Việt. Thế nhưng, Vương Chấn và Trần Việt đã kịp vu oan cho Mã Văn Thăng tội kích động người Nữ Chân, khiến triều đình điều chuyển ông tới vùng biên cương khác.

Vương Chấn mất quyền lực vào đầu những năm 1480, và triều đình cũng phát triển một chính sách bớt thù địch hơn với người Nữ Chân. Nhận ra rằng Trần Việt, nhờ sự hỗ trợ từ Vương Chấn, thường xuyên ngược đãi người Nữ Chân, triều đình bãi bỏ các liên doanh quân sự chống Nữ Chân, mở lại chợ buôn ngựa vùng biên, và tái tiếp nhận nhiều sứ đoàn Nữ Chân. Quan chức triều đình thậm chí còn dung túng cho những hành vi lách luật triều cống và giao thương để các sứ đoàn Nữ Chân đến thường xuyên hơn, với đoàn tùy tùng lớn hơn, nhu cầu quà cáp lớn hơn, và đôi khi, chịu buôn bán phi pháp với thương nhân người Hán. Nhưng dù sao, một thời kỳ hòa bình cũng đã được mở ra vào cuối thế kỷ 15 và kéo dài đến tận giữa thế kỷ 16.

Trong khoảng thời gian tương đối yên ắng này, người Nữ Chân rõ ràng đã trải qua những biến chuyển mạnh mẽ. Cái chết của Đồng Sơn và Lý Mãn Trụ dường như trùng khớp với sự suy tàn của một lớp thủ lĩnh Nữ Chân cũ, những người thế tập vị trí lãnh đạo suốt từ cuối thời nhà Nguyên tới đầu thời nhà Minh. Không thể phủ nhận rằng người Nữ Chân đang bắt đầu tái cơ cấu lãnh đạo, dù khó mà tường minh được những thay đổi nội lực dẫn tới điều này. Một biến chuyển đáng chú ý khác là sự mở rộng quy mô của các nhóm Nữ Chân riêng lẻ. Đầu thế kỷ 15, mỗi vệ sở thường chỉ có vài trăm cư dân, nhưng chỉ một thế kỷ sau, các thủ lĩnh Nữ Chân đã thường cai trị hàng nghìn rồi hàng chục nghìn người. Họ dường như có được quyền lực nhờ công trạng của chính mình hơn là nhờ xuất thân. Việc người Nữ Chân có nhu cầu ngày một lớn với nông cụ từ nhà Minh cho thấy rằng họ đang có xu hướng định cư. Cuối cùng, người Nữ Chân đang ngày càng chuyển trọng tâm về phía nhà Minh, và ít chịu chi phối từ người Triều Tiên hơn.

Thời kỳ trăng mật giữa nhà Minh và người Nữ Chân kết thúc vào cuối thế kỷ 16, một phần, do những thay đổi trong xã hội Nữ Chân. Thậm chí, căng thẳng đã bùng phát từ trước đó khi người Hán, dưới thời Gia Tĩnh Đế (trị. 1522 – 66), tái áp đặt hạn chế triều cống và giao thương, thi hành các quy định sẵn có. Tuy nhiên, mãi tới những năm 1570, xung đột đầu tiên mới nổ ra. Chỉ huy Kiến Châu vệ là Vương Cảo tấn công người Hán vì không hài lòng trước những hạn chế thương mại của nhà Minh. Triều đình đã phải bổ nhiệm tướng Lý Thành Lương, một quân nhân gốc Triều Tiên, để bình định những kẻ “man di ngỗ ngược”. Nhờ sự hỗ trợ từ Giác Xương An và con trai ông là Tháp Khắc Thế – hai thủ lĩnh Nữ Chân vừa đoạn tuyệt với Vương Cảo – Lý Thành Lương đánh bại và đoạt mạng Vương Cảo vào năm 1574. Trong vòng một thập kỷ tiếp theo, Lý Thành Lương tiếp tục được kêu gọi đi trấn áp lực lượng Kiến Châu Nữ Chân của Vương Ngột Đường và Hải Tây Nữ Chân của Sính Ngưỡng Nô. Thế nhưng, chiến công ấn tượng và mang tính lịch sử nhất của Lý Thành Lương phải là chiến thắng trước A Đài, con trai Vương Cảo. Năm 1582, ông đánh bại A Đài và thiêu rụi pháo đài của vị thủ lĩnh Kiến Châu Nữ Chân. Đáng chú ý hơn, trận hỏa hoạn cũng cướp đi sinh mạng của Giác Vương An và giữa chiến loạn, quân Minh vô tình giết luôn Tháp Khắc Thế.

Hai cái chết bất đắc kỳ tử kể trên bỗng mang ý nghĩa đặc biệt khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích được xác định là cháu nội Giáp Vương An và là con trai Tháp Khắc Thế. Nỗ Nhĩ Cáp Xích, ông nội hoàng đế khai quốc nhà Thanh và là thủ lĩnh Mãn Châu đầu tiên, ngay lập tức yêu cầu đền mạng. Và Lý Thành Lương thực sự đã tặng quà cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích, người mà con trai và cháu trai ông ta rồi sẽ hủy diệt nhà Minh.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích đương nhiên không thỏa lòng với những món quà nhỏ bé từ Lý Thành Lương, vì ông đang nung náu ý định trở thành diễn viên chính trên sân khấu Đông Á. Để làm được điều đó, ông sớm nhận ra rằng mình cần phải thống nhất tất cả các nhóm người Nữ Chân. Người Nữ Chân đã có những bước tiến lớn khi thành lập được các cộng đồng nông nghiệp có thể duy trì đáng kể dân số, phát triển được một ngành công nghiệp sắt đủ để tự chủ nông cụ và vũ khí. Nỗ Nhĩ Cáp Xích áp đặt độc quyền nhân sâm, lông thú và ngọc trai, giành quyền kiểm soát các mỏ vàng và bạc, những nguồn tài lực giúp ông thống nhất người Nữ Chân, xây dựng quân đội và chèo kéo người Hán về dưới trướng mình. Người Hán đào tẩu rất có giá trị với Nỗ Nhĩ Cáp Xích vì họ cung cấp cho ông những kỹ năng hành chính và tài chính cẩn thiết để điều hành một chính thể Nữ Chân đang ngày một phình to. Để thành lập một chính quyền Nữ Chân thực thụ, Nỗ Nhĩ Cáp Xích viện tới sự hỗ trợ của những tri thức người Hán có năng lực hành chính. Thông qua các liên minh hôn nhân và nhiều cuộc chinh phạt – được thuận lợi hóa nhờ quyền kiểm soát Mãn Châu trù phú – Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã trở thành bá chủ khu vực vào đầu thế kỷ 17, và nhờ sự giúp đỡ của các cố vấn người Hán và người Mông Cổ, ông hoàn toàn quản lý được lãnh thổ rộng lớn của mình. Ông thành công tới mức tập hợp được cả những người ngoại tộc dưới ngọn cờ của mình, nhóm người mà ông lãnh đạo gọi chung là Mãn Châu, với người Nữ Chân là thành tố chính. Năm 1616, ông tự xưng hoàng đế nhà Hậu Kim, một cái tên dường như được chọn để liên kết chính quyền của ông với chính quyền nhà Kim của người Nữ Chân, từng cai trị miền bắc Trung Quốc vào thế kỷ 12 và 13.

Sự trỗi dậy của Nỗ Nhĩ Cáp Xích đúng ra thuộc về phần lịch sử nhà Thanh, nhưng nó cũng một lần nữa chứng minh sinh động tầm quan trọng của các dân tộc Nội Á đối với lịch sử Trung Quốc. Nhà Minh kế tục nhà Nguyên (1279 – 1368) – một triều đại Mông Cổ – và nhà Thanh thì kế tục nhà Minh. Trên thực tế, các dân tộc Nội Á đã cai trị Trung Quốc trong khoảng ba thế kỷ rưỡi, một điều không thường được nhấn mạnh đúng mức trong các bài nghiên cứu văn minh Trung Quốc và càng làm tăng thêm ý nghĩa cho mối quan hệ giữa nhà Minh với Nội Á. Nghiên cứu về tương tác giữa nhà Minh với những người láng giềng phía bắc thách thức một số giả định ngông cuồng rằng Trung Quốc thiếu hiểu biết và không linh hoạt trong ngoại giao. Đôi khi, triều đình, quan chức, hoạn quan và thương nhân thu lợi từ giao thương và triều cống Nội Á. Do đó, vì lý do thương mại và an ninh, họ luôn cần phải quan tâm tới những người láng giềng phía bắc và phía tây.  

Nguồn: Morris Rossabi (1978), “The Ming and Inner Asia”, The Cambridge History of China, 8: The Ming Dynasty, 1368 – 1644, Part 2. Nhà xuất bản Đại học Cambridge.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Thêm
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Người Nữ Chân