Từ Qua Với Bậu Như Trắng Xế Chiều - CAND

  • Tài chơi chữ, đối, lái của nhà thơ Văn Lợi
  • Chơi chữ kiểu quan nhân
  • Tiếng Việt phong ba bão táp

Với y, có thể chỉ “tào lao bí đao” nhưng với nhiều người lại khác. Chẳng hạn, doanh nghiệp nọ được khen/ bị chê náo nhiệt, ầm ĩ chỉ vì vợ chồng bất đồng trong việc chia tài sản, kinh doanh.

Dấy lên chuyện này, còn một phần do người chồng có dăm năm tu tập trên non cao núi thẳm, nghe đâu tịnh khẩu. Khi “hạ san”, chỉ khoái tự xưng “qua” khi trò chuyện với người khác.

Không bàn về nội tình của cuộc hôn nhân bẽ bàng, kinh doanh chia uyên, nghĩa tình rẽ thúy ấy. Chỉ ngạc nhiên, không ít người lạ lẫm với từ “qua”.

Trên tờ Báo Tuổi trẻ vừa phát hành, có người giải thích một cách quả quyết: “Nhiều người lầm tưởng “qua” là một từ mới nhưng thật ra đây là một từ địa phương Nam Bộ giàu sắc thái biểu cảm, đã hình thành từ thời người dân nước Việt đi xuống phương Nam mở cõi”.

Có thật đó “là một từ địa phương Nam Bộ”?

Hãy nhắc về lịch sử một chút: Năm 1602, Nguyễn Hoàng đi chơi núi Hải Vân, thấy núi non hiểm trở, nói rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận, Quảng”. Rồi vượt qua núi, xem xét tình thế, sai lập dinh trấn, xây kho tàng chứa lương thực, vũ khí rồi sai con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên (sau là Chúa Sãi) trấn giữ.

Vì lẽ đó, năm 2002, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của dinh trấn Quảng Nam” - kỷ niệm 400 năm dinh trấn này ra đời.

Ban đầu dinh trấn được dựng ở Cần Húc (huyện Duy Xuyên), ít lâu sau dời sang Thanh Chiêm, rồi năm 1833, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở Quảng Nam qua làng La Qua (Điện Bàn). Ca dao địa phương có câu: “Tỉnh thành đóng tại La Qua/ Hội An tòa sứ vốn là việc quan”.

Và La Qua đã đi vào câu đối với sự chơi chữ qua đồng âm: “Con gái La Qua, qua hôn, qua hít, qua vít, qua véo, qua chọc, qua ghẹo, qua biểu em đừng có la qua” (la: la mắng; qua: tôi). Có câu đối lại cũng sát sàn sạt về chữ nghĩa, ý tứ: “Đàn bà Phước Chỉ, chỉ xấu, chỉ xa, chỉ lười, chỉ nhác, chỉ bài, chỉ bạc, chỉ có chồng là may phước chỉ” (chỉ: chị ấy).

Không riêng gì Quảng Nam, vượt qua đèo Hải Vân ngược ra Bắc, nếu dừng chân tại Quảng Bình, ta còn nghe câu hát huê tình: “Răng chừ đá nổi lắc lư/ Lạch Ròn kia cạn, qua mới từ nghĩa em”. Sổ tay lời ăn tiếng nói Quảng Bình (NXB Lao Động - 2011) của Nguyễn Tú đã ghi nhận, giải thích: “Tôi, từ tự xưng một cách lễ độ âu yếm”.

Trước đó, từ năm 1931, các học giả người Bắc thuộc Hội Khai trí Tiến Đức khi biên soạn Việt Nam từ điển đã giải thích rành mạch: “Ta, chúng ta”. Hoàn toàn trùng hợp với Đại Nam quấc âm tự vị ở trong Nam, từ năm 1895 đã giải thích.

Do đó, không gì ngạc nhiên khi từ Quảng Nam đi xuôi về phương Nam, ta cũng còn nghe: “Xa xôi chưa kịp nói năng/ Từ qua với bậu như trăng xế chiều”. Sổ tay các từ phương ngữ Phú Yên của Trần Sĩ Huệ giải thích: “Tiếng người lớn (chú, thầy, anh…) xưng khi nói với người nhỏ tuổi hơn”.

Với các dẫn chứng này, rõ ràng, qua không chỉ “là một từ địa phương Nam Bộ”.

Mà một khi đã tự xưng qua với nghĩa là tôi, tay doanh nhân ấy gọi người đang đối thoại là “người anh em/ anh em thiện lành”. Thật ra, phải là bậu/ em bậu thò mới… đúng catalogue! Từ xa xưa qua thường đi chung với bậu.

Có những câu ca dao huê tình thật hay, bay bướm: “Bậu với qua gá nghĩa chung tình/ Dầu ăn cơm quán, ngủ đình cũng cam”; “Bậu buồn, qua dễ chẳng buồn/ Cá dưới sông biếng lội, chim trên nguồn biếng bay”.

Lẩn thẩn với chữ nghĩa, có cái thú của nó. Là một cách nhẩn nha tìm về ý nghĩa của tiếng Việt. Ai cũng biết, xới từ xứ mà ra. “Bỏ xới” là “bỏ xứ”, bỏ quê nhà, quê cha đất tổ đi đến một nơi khác.

Từ đó, có ý kiến cho rằng “xừ” trong “bỏ xừ” cũng là một cách đọc trại của “xứ” - và lập luận: “Như thế, nói: “Bỏ xừ rồi, phải bán xới thôi” là đã vô tình dùng điệp ngữ để tăng độ hùng hổ của ý định”.

Cách lý giải này, có đúng không? Hoàn toàn không. Xừ là do mượn từ tiếng Pháp. Mượn như thế nào? Tầm nguyên từ điển Việt Nam của nhà ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ cho biết, xừ (sieur): ông, người. Và còn hướng dẫn xem thêm từ “mông-xừ (monsieur): mon = của tôi; sieur = ông, tiếng xưng hô trong xã giao đối với người đàn ông, qua lời nói hoặc thư từ”.

Cách gọi này, trong ngữ cảnh nào đó, còn thể hiện sự tinh nghịch, hài hước, thân mật lẫn trêu chọc. Chẳng hạn, nhà thơ Tú Mỡ trêu hai ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh: “Nước Nam có hai người tài/ Thứ nhất xừ Vĩnh, thứ hai xừ Quỳnh”.

Tuy nhiên, không chỉ có thế. Khi cụ Vương Hồng Sển viết: “Cãi thầy, ôm gà ra đá thì chỉ có món “thua bỏ xừ”: mười độ mất tiền đủ mười” (Phong lưu cũ mới - NXB TP HCM tái bản năm 1991, tr.143) - rõ ràng, xừ đã lái qua nghĩa khác, cũng tựa như một người thảng thốt: “Bỏ xừ! Tháng này sếp lại nợ lương”.

Câu này, có thể thay thế bằng “Bỏ mẹ/ tía/ cha/ bu… Tháng này sếp lại nợ lương”. Rõ ràng, xừ không còn nghĩa như ban đầu vay mượn tiếng Pháp, nó đã biến hóa khôn lường. Thế mới là sự lắt léo của tiếng Việt.

Dùng chữ để...chữa bệnh

Với người cầm bút, điều đáng quý nhất còn là sự yêu mến tiếng mẹ đẻ mà họ sử dụng mỗi ngày. Mà chữ nghĩa ấy, mỗi thời lại hiểu khác đi, có thể không còn giống nghĩa ban đầu nữa. Cũng có thể ban đầu họ hiểu không đúng nhưng sau lại hiểu đúng.

Chẳng hạn, hai từ “nhựt trình” khi du nhập vào Việt Nam với sự ra đời của Gia Định báo cùng vai trò của Trương Vĩnh Ký. “Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra/ Chép làm một bổn để mà xem chơi” - đây là hai câu mở đầu trong bổn thơ Thầy thông Chánh lưu hành tại Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.

Chưa hết, ngay cả người miền Trung, cụ thể ở Phú Yên trước năm 1945. khi hô bài chòi cũng mở đầu: ““Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra/ Bà con lẳng lặng nghe mà tôi hô”.

Về hiện tượng này, khi biên khảo Đất trời Phú Yên (NXB Hội Nhà văn, 2018), nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ lý giải hoàn toàn có lý: “Lúc ấy, các hiệu buôn trong Nam có in những tập thơ mỏng với mục đích quảng cáo hàng hóa như Tống Trân Cúc Hoa, Chàng nhái kiến tiên v.v…

Người dân thôn quê Phú Yên coi đây cũng là một thứ “nhựt trình” tương tự tờ nhật báo, hoặc báo chí nói chung. Và người ta cũng chỉ biết có một người làm nhựt trình nổi tiếng là ông Trương Vĩnh Ký, nên tưởng “nhựt trình” nào cũng của Trương Vĩnh Ký cả.

Những câu bài chòi dùng trong tập thơ này để hô, tức là hô theo “Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra”, hô theo sách vở. Những câu tự sáng tác cũng bắt đầu như vậy, mượn cái nhãn “nhựt trình Vĩnh Ký”, ngụ ý rằng đây cũng là “nói có sách, mách có chứng”, nói những điều đáng tin cậy” (tr. 360).

Chưa hết, tờ tuần báo Nam Kỳ phát hành từ năm 1899, có ghi rành rành: “Nhựt trình Nam Kỳ in ra mỗi ngày thứ 5 trong tuần lễ”. Ngộ chưa?

Ở đời có nhiều điều ngộ lắm, tài thánh gì có thể biết hết. Chẳng hạn, tháng 11-1999, Đại hội đồng UNESCO đã quyết định công bố ngày 21-2 hằng năm là Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất ngày này tại trụ sở UNESCO, câu: "Trong dãy ngân hà các ngôn ngữ, mỗi từ là một vì sao" đã được dịch ra 84 thứ tiếng. Câu cực hay này, không thấy trong từ điển mở vi.wikipedia. Này, có phải thời Trung cổ, người ta dùng chữ để… chữa bệnh?

Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (NXB Đà Nẵng - 1997) ghi nhận: "Định thức ABRACADABRA khá thông dụng trong suốt thời Trung cổ. Người ta quan niệm, chỉ cần đeo ở cổ một lá bùa chữ sắp xếp theo hình tam giác như dưới đây, là có thể giải trừ nhiều bệnh tật - kể cả bệnh sốt rét:

ABRACADABRA ABRACADABR ABRACADAB ABRACADA ABRACAD ABRACA ABRAC ABRA ABR AB A

Từ này phát sinh từ một thành ngữ tiếng Do Thái cổ: "Abreg ad brôbra" có nghĩa là: "Hãy đánh sét đến chết". Trong tiếng Do Thái cổ, nó có 9 chữ cái.

Sự bố trí chữ A ở cạnh trái của hình tam giác có ý nghĩa phương thuật, do sự lặp lại 9 lần chữ cái này. Cần phải xem xét cái hình này theo ba chiều: khi ấy nó sẽ biểu thị cho một cái phễu, mà ở đó những chữ cái màu nhiệm chạy chéo từ miệng phễu xuống dưới cổ thắt lại, tạo thành những tuyến lực của một nơi nước xoáy mãnh liệt; thật bất hạnh cho những sức mạnh nào bị cuốn vào đấy: chúng sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi thế gian này và chìm xuống vực thẳm, mà từ nơi ấy không một cái gì có thể trở lại dương thế.

Định thức ABRACADABRA, theo tinh thần ấy, ứng với những mối âu lo khiến con người phải sáng chế ra các thứ bùa yểm, bùa chú, bùa hộ mệnh”.

Mà những chuyện lý thú này, thời chưa có Internet, phải mày mò, cắm đầu vào từng trang sách, ghi ghi chép chép. Nay, đã khác. Xét ở một góc độ nào đó, ông Google khiến cho người ta cảm thấy khó viết hơn. Viết làm gì nữa, khi mà thông tin gì cần tìm hiểu cũng đầy ắp, chỉ cần một cú click chuột là xong. Nghĩ cũng nản. Nhìn lại những gì đã một thời mày mò, tìm hiểu để viết - rồi so với thông tin đã có trên Internet cũng nản nốt.

Ngày kia trao đổi chuyện này với chị bạn đồng nghiệp đã về hưu. Chị kể, đại khái, với những gì đã viết suốt năm tháng thanh xuân, chị đều giữ lại. Ngày kia, sau một cuộc cãi vã với vợ, ông chồng tình cờ đọc lại và nhận xét: “Trời, những chuyện này, trên Internet có đầy. So ra, thời đó, cô viết như hạch”. Xin lỗi, không viết đầy đủ.

Nhận xét ấy, kể ra ác quá đi chứ. “Thế chị trả đũa ra làm sao?”. Chị tủm tỉm cười: “Lúc đó, cáu quá chị mới bảo: Suốt hơn hai mươi năm trời, tôi đã nuôi bố con ông bằng nhuận bút từ cái như hạch ấy đấy!”.

Đáo để thật.

Từ khóa » Giải Thích Từ Bán Xới