Tư Thế Làm Việc Của Dân Văn Phòng Gây Lệch Khớp Xương Chậu

Phát hiện lệch khớp xương chậu trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, anh Trần Đức Huy (32 tuổi, Hà Nội) đã được điều trị kịp thời để nắn chỉnh khung hình xương chậu trở lại như bình thường.

Định kỳ mỗi năm một lần, anh Trần Đức Huy thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát. Khác hẳn với kết quả mọi năm, anh Huy được chẩn đoán bị lệch khớp xương chậu. "Tôi không cảm nhận được sự thay đổi của cơ thể, cho đến khi bác sĩ thông báo kết quả lệch khớp xương chậu cùng hình chụp chân thấp chân cao", anh Huy cho biết.

Bác sĩ Đinh Văn Hào, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh cho biết, lệch xương chậu xảy ra khi ngồi một chỗ quá lâu, sai tư thế và vận động quá ít trong ngày. Nếu không phát hiện, điều trị sớm, bệnh sẽ gây hệ lụy chân thấp chân cao, ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ở mức độ nặng hơn, bệnh còn tác động đến hoạt động tim, phổi và sự phát triển của khung xương chậu. Đối với phụ nữ, lệch xương chậu còn ảnh hưởng đến việc sinh nở.

Anh Huy cho biết, trước khi phát hiện bệnh, anh thường có thói quen ngủ gục trên bàn trong giờ nghỉ trưa, ngồi ngả người về sau khi mỏi. Cùng với đó là thói quen ngồi làm việc lâu, ít vận động.

"Thông thường người bệnh rất khó để nhận ra mình đang gặp vấn đề về xương chậu vì mức độ lệch không quá rõ. Bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh nhân tình cờ đi khám sức khỏe", bác sĩ Đinh Văn Hào nói thêm.

Phương pháp MWM điều trị lệch xương chậu

Theo bác sĩ Hào, với những ca bệnh bị lệch khớp xương chậu, bệnh nhân cần tiến hành trị liệu sớm để tránh biến chứng. Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh đang sử dụng phương pháp Mobilization with movement (MWM) để nắn chỉnh khớp chậu.

"Đây là liệu pháp chăm sóc sức khỏe không xâm lấn, an toàn và không gây biến chứng. Bản chất phương pháp này là nắn chỉnh theo vận động sinh lý của khớp, tập trung vào kệ thần kinh, cơ - xương, giúp làm mềm cơ bắp, lưu thông máu trở lại để điều trị gốc lẫn ngọn tình trạng xương chậu lệch, bất đối xứng", bác sĩ Hào cho hay.

Bác sĩ này chia sẻ, tình trạng lệch khớp chậu của bệnh nhân Huy vẫn ở mức độ nhẹ nên việc trị liệu không gặp nhiều khó khăn. Sau 10 phút trị liệu bằng phương pháp MWM, bệnh nhân đã có thể đi lại bình thường và xuất viện ngay.

Bệnh nhân Trần Đức Huy được tiến hành trị liệu bằng phương pháp MWM nắn khớp xương chậu tại Bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh.

Bệnh nhân Trần Đức Huy được tiến hành trị liệu bằng phương pháp MWM nắn khớp xương chậu tại bệnh viện.

Phương pháp NWM do nhà vật lý trị liệu người Brian Mulligan (New Zealand) phát triển, được sử dụng trong điều trị các loại chấn thương như đau cổ, đau lưng, đau chi trên và chi dưới. NWM gồm các kỹ thuật trượt mỏm khớp theo sinh lý (NAGS), trượt mỏm khớp bền vững theo sinh lý (SNAGS) và di động khớp cùng cử động (MWM) để điều trị đau cơ xương khớp.

Ngoài ra, MWM có thể được thực hiện với các bài tập tại nhà để cải thiện phạm vi chuyển động, giúp giảm đau xương khớp. Kỹ thuật này cũng giúp giảm viêm mô mềm như viêm quanh khớp vai, khuỷu tay người chơi tennis (Tennis elbow)... tạo cảm giác thư giãn và cải thiện chức năng.

Bác sĩ Hào cho biết, phương pháp NWM đã phổ biến ở các nước châu Âu từ năm 1985, là kỹ thuật nắn chỉnh theo vận động sinh lý của khớp nên dễ dàng áp dụng khi bệnh nhân có sai lệch. Sau khi nắn chỉnh, khung chậu sẽ được đưa về trạng thái sinh lý, giúp cân bằng lại trục cột sống, đưa về dáng đi cân đối cho bệnh nhân.

Hình ảnh trước (hình bên trái) và sau (bên phải) điều trị của nhiều bệnh nhân Trần Đức Huy.

Hình ảnh trước (hình bên trái) và sau (bên phải) điều trị của nhiều bệnh nhân Trần Đức Huy.

Tránh những thói quen gây lệch khung xương chậu

Để phòng tránh lệch khung xương chậu, bác sĩ Đinh Văn Hào khuyến cáo, mọi người nên giữ thói quen ngồi học tập, làm việc đúng tư thế như giữ lưng thẳng, tạo với phần đùi góc 90 độ; mắt luôn nhìn thẳng để hạn chế tình trạng cổ thường xuyên phải cúi xuống, gây mỏi cổ; hai chân và đùi tạo ở tư thế góc 90 độ.

Cụ thể, 6 tư thế ngồi làm việc mà bác sĩ Hào khuyến cáo mọi người cần tránh để bảo vệ sức khỏe xương khớp, hạn chế tình trạng lệch khớp xương chậu gồm: ngủ gục trên bàn, ngồi làm việc lâu, ngồi vắt chéo chân, ngồi trượt mông ngả người về sau, ngồi co một chân lên, ngồi kiểu chữ W.

Đây là những thói quen xấu khiến trọng lực hai bên xương chậu không đều nhau, tạo áp lực lên các tĩnh mạch ở chân, khiến khung xương chậu bị lệch, cột sống có xu hướng cong lại gây lệch trọng tâm cơ thể, làm cho người bệnh bước đi không cân đối, mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt hàng ngày.

"Lệch khung xương chậu không phải bệnh nguy hiểm đến tính mạng, có thể khắc phục nếu người bệnh phát hiện sớm để điều trị, điều chỉnh thói quen khi ngồi làm việc. Mỗi người nên khám sức khoẻ định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bất thường của cơ thể, kịp thời điều trị để bảo toàn sức khỏe", bác sĩ Hào nhấn mạnh.

Hà Thanh (Ảnh: BV Hồng Ngọc Phúc Trường Minh)

Từ khóa » Khắc Phục Lệch Hông