Tử Thủ An Lộc Mùa Hè Năm 1972

Tử Thủ An Lộc Mùa Hè Năm 1972 

Lâm Vĩnh Thế 

Mùa Hè 1972 chứng kiến một cuộc Tổng Tấn Công dữ dội của các lực lượng Cộng sản (CS) tại Miền Nam với 3 mặt trận:

1) Quảng Trị ở ngay phía Nam Khu Phi Quân Sự tại Vùng I;

2) Kontum trên Cao Nguyên Trung Phần thuộc Vùng II; và,

3) Bình Long thuộc Vùng III.  Bài viết này chỉ trình bày cuộc tử thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) tại An Lộc, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Long.

Các đơn vị tham chiến của hai bên

Về phía CS, có sự tham dự của các đơn vị sau đây:

  • 3 Công Trường (tức là sư đoàn) 5, 7 và 9; mỗi công trường gồm có 3 trung đoàn: Công Trường 5 với 3 Trung Đoàn E6, 174 và 275; Công Trường 7 với 3 Trung Đoàn 141, 165, và 209; Công Trường 9 với 3 Trung Đoàn 271, 272, và 95C
  • 2 Trung Đoàn độc lập 101 và 205
  • Sư Đoàn pháo binh 69 gồm 2 trung đoàn 42 và 208
  • Trung Đoàn phòng không 271
  • Trung Đoàn thiết giáp 203
  • Trung Đoàn vũ khí đặc biệt 202
  • Toán đặc công 429

Về phía QLVNCH, có sự tham dự của các đơn vị sau đây:

  • Sư đoàn 5 Bộ Binh (sau đây sẽ viết tắt Bộ Binh = BB) gồm 2 Trung Đoàn 7, 8 (Trung Đoàn 9 đã bị xóa sổ sau trận Lộc Ninh)
  • Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 BB
  • Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, gồm 3 Tiểu Đoàn 31, 36, và 52
  • Các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân của Tiểu Khu Bình Long
  • Về sau có thêm sự tăng viện của: Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù (gồm 3 Tiểu Đoàn 5, 6, và 8), Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, toàn bộ Sư Đoàn 21 BB, và Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 BB

Sơ lược về Vùng III, Tỉnh Bình Long và Thị Trấn An Lộc

Vùng III Chiến Thuật có lãnh thổ bao gồm 11 tỉnh của Miền Đông Nam Phần thuộc trách nhiệm phòng thủ của Quân Đoàn III với 3 Sư Đoàn BB được phân bố như sau:

  • Sư Đoàn 5 BB: với Bộ Tư Lệnh đặt tại Lai Khê, chịu trách nhiệm 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long
  • Sư Đoàn 18 BB: với Bộ Tư Lệnh đặt tại Xuân Lộc, chịu trách nhiệm 5 tỉnh Biên Hòa, Bình Tuy, Gia Định, Long Khánh, Phước Tuy, và Đặc Khu Vũng Tàu
  • Sư Đoàn 25 BB với Bộ Tư Lệnh đặt tại Đồng Dù (Củ Chi), chịu trách nhiệm 3 tỉnh Hậu Nghĩa, Long An, và Tây Ninh

Tại thời điểm tháng 4-1972, Tư Lệnh Quân Đoàn III là Trung Tướng Nguyễn Văn Minh.1 Tướng Minh được bổ nhiệm vào chức vụ này trước đó hơn 1 năm vào ngày 23-2-1971 sau khi Trung Tướng (truy thăng Đại Tướng) Đỗ Cao Trí bị tử nạn trực thăng.

Tu thu An Loc 01

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III

Sư Đoàn 5 BB, chịu trách nhiệm tỉnh Bình Long, dưới quyền Tư Lệnh của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng,2 với Tư Lệnh Phó là Đại Tá Lê Nguyên Vỹ,3 gồm có 3 Trung Đoàn là:

  • Trung Đoàn 7, với Trung Đoàn Trưởng là Trung Tá Lý Đức Quân, có Bộ Chỉ Huy đóng tại Phú Giáo
  • Trung Đoàn 8, với Trung Đoàn Trưởng là Đại Tá Mạch Văn Trường,4 có Bộ Chỉ Huy đóng tại Dầu Tiếng
  • Trung Đoàn 9, với Trung Đoàn Trưởng là Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, có Bộ Chỉ Huy đóng tại Lộc Ninh

Tu thu An Loc 02

Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB

 Tu thu An Loc 03

Bản đồ Tỉnh Bình Long

 Tu thu An Loc 04

Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB – Trong thời gian Trận An Lộc, ông là Đại Tá Tư Lệnh Phó, Sư Đoàn 5 BB 

Tỉnh Bình Long là một tỉnh nằm về góc Tây Bắc của Vùng III Chiến Thuật, với dân số khoảng 60.000, phía Bắc và Tây Bắc giáp với Campuchia, phía Đông giáp với Tỉnh Phước Long, phía Nam giáp với Tỉnh Bình Dương, và phía Tậy Nam giáp với Tỉnh Tây Ninh.  Bình Long gồm có 3 quận: phía Bắc là quận Lộc Ninh, ở giữa là quận An Lộc, và phía Nam là quận Chơn Thành.  Thị trấn An Lộc, nằm trong quận An Lộc, là tỉnh lỵ của Tỉnh Bình Long, với dân số vào khoảng 15.000, cách Sài Gòn ở phía Nam vào khoảng 100 KM.  Trục giao thông chính của Bình Long là Quốc Lộ 13, chạy theo hướng Bắc Nam, từ biên giới Campuchia, xuyên qua các thị trấn Lộc Ninh, An Lộc, Tân Khai, Cầu Tàu Ô, Chơn Thành, và Lai Khê (thuôc tỉnh Bình Dương) để về Sài Gòn.  Chung quanh thị trấn An Lộc phần lớn là các đồn điền cao su chiếm một tổng diện tích khoảng 75.000 mẫu.  Tình Trưởng Bình Long vào thời gian trận An Lộc là Đại Tá Trần Văn Nhựt,5 một sĩ quan gốc Thủy Quân Lục Chiến, với nhiều kinh nghiệm chiến trường.  Về sau, Đại Tá Nhựt vinh thăng Chuẩn Tướng, và được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 2 BB.

Tu thu An Loc 05

Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 BB –  Trong thời gian Trận An Lộc, ông là Đại Tá, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long 

Sau khi được tin tình báo về các hoạt động mới nhứt của các sư đoàn 5, 7, và 9 của CS cho thấy phe CS có ý đồ mở một cuộc tấn công với quy mô lớn vào tỉnh Bình Long, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng (vừa được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thăng cấp từ Đại Tá lên Chuẩn Tướng vào ngày 9-3-1972), Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB của QLVNCH đã quyết định di chuyển bản doanh của Sư Đoàn 5 BB từ Phú Lợi lên Lai Khê ở phía Bắc tỉnh Bình Dương gần ranh giới phía Nam của tỉnh Bình Long, đồng thời cho đặt Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 5 BB ngay tại An Lộc dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5 BB là Đại Tá Lê Nguyên Vỹ.

Các đơn vị chính và tăng phái của Sư Đoàn 5 BB được bố trí như sau: 6

“- Trung Đoàn 7 Bộ Binh tại Phú Giáo do Trung Tá Lý Đức Quân chỉ huy, hoạt động dọc theo hành lang sông Bé ngăn chặn đường xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt vào chiến khu D.

– Trung Ðoàn 8 Bộ Binh tại Dầu Tiếng (Quận Trị Tâm) do Ðại Tá Mạch Văn Trường chỉ huy hoạt động ngăn chặn các đoàn xâm nhập Cộng Sản Bắc Việt từ biên giới Việt Miên theo hành lang sông Sài Gòn tiến vào Bình Dương.

– Trung Ðoàn 9 Bộ Binh (trừ 1 Tiểu Ðoàn) do Ðại Tá Nguyễn Công Vĩnh chỉ huy, được tăng phái Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh (trừ 1 Chi Ðoàn) do Trung Tá Kỵ Binh Nguyễn Đức Dương chỉ huy, và Tiểu Ðoàn 74 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng, hợp thành Chiến Ðoàn 9 Bộ Binh, trú đóng tại Quận Lộc Ninh tổ chức phòng thủ ngăn chặn địch từ Snoul (đất Miên) tiến đánh Việt Nam theo đường tiến sát Quốc Lộ 13.

– Trung Đoàn 52 Bộ Binh (trừ 1: gồm Tiểu Ðoàn 2/52 và Tiểu Ðoàn 1/48) do Sư Ðoàn 18 Bộ Binh tăng phái và 1 Pháo Ðội hỗn hợp (105 ly và 155 ly) do Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh chỉ huy thiết lập căn cứ hoả lực tại Cầu Cần Lê (cách An Lộc 15 cây số, trên Quốc Lộ 13) để yểm trợ hoả lực cho An Lộc, Lộc Ninh và Căn Cứ Tống Lê Chân.

– Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đóng tại Lai Khê. Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Ðoàn 5 Hành Quân đặt tại Tỉnh Lỵ Bình Long do Ðại Tá Tư Lệnh Phó Lê Nguyên Vỹ chỉ huy.”

Tu thu An Loc 06

Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB – Trong thời gian Trận An Lộc, ông là Đại Tá, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8, Sư Đoàn 5 BB

 

Lý do An Lộc được chọn làm mục tiêu của trận đánh

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao An Lộc, tỉnh lỵ của Tỉnh Bình Long, một tỉnh nhỏ, dân số ít và không có tiềm năng lớn về kinh tế lại dã được phe CS chọn làm một trong 3 mục tiêu chính cho cuộc Tổng Tấn Công mùa Hè 1972.   Câu trả lời là: Hòa Đàm Paris, bắt đầu họp từ năm 1968 giữa các phe liên hệ sắp đi đến giai đoạn phải kết thức.  Phe CS đã thành lập Chánh Phủ Cách Mạng Lậm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) để đại diện cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại bàn hội nghị. Chánh Phủ này cần phải có một thủ đô, và họ đã chọn An Lộc làm thủ đô, đồng thời từ đó có thể dễ dàng tiến đánh vào Sài Gòn.7 Do đó phe CS đã huy động một lực lượng rất lớn, quyết chiếm cho được An Lộc.  Và cũng vì vậy, QLVNCH, bằng mọi giá, phải giữ cho được An Lộc.

Sau đây là Bảng ước tính quân số của các đơn vị phe CS đã tham chiến trong thời gian trận tấn công vào An Lộc, tổng cộng vào khoảng trên 35.000 quân:

Tu thu An Loc 07

Nguồn: The Battle of An Loc / James H. Willbanks, tr. 33

Các trận đánh mở màn

Thật ra, trước khi Trận An Lộc bắt đầu vào đầu tháng 4-1972, tin tình báo được cung cấp cho MACV của Hoa Kỳ (MACV = Military Assistance Command – Vietnam = Bộ Tư Lênh Viện Trợ Quân Sư – Việt Nam) và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH cũng như Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III (và từ đó chuyển đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB) đều cho rằng Tỉnh Tây Ninh sẽ là nơi mà phe CS muốn chiếm làm thủ đô cho CPCMLTCHMNVN.

Ớ cấp vùng chiến thuật, Thiếu Tướng James F. Hollingsworth, Cố Vấn Trưởng Hoa Kỳ tại Vùng III, chỉ huy TRAC (Third Regional Assistance Command = Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự của Vùng III), trực tiếp cố vấn cho Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Vùng III.  Đại Tá William H. Miller là Cố Vần Trưởng Hoa Kỳ bên cạnh Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB.  Vào đầu tháng 2-1972, tình báo Hoa Kỳ nói chung và TRAC nói riêng đều nghĩ và tin rằng Tây Ninh sẽ là mục tiêu của một cuộc tấn công lớn của phe CS tại Vùng III.8

Vì thế, trước khi mở màn trận An Lộc, “ngày 02 tháng 04 năm 1972, hai Trung Ðoàn Cộng Sản có chiến xa và trọng pháo yểm trợ từ phần đất Miên xâm nhập đánh phá liên tục vào các căn cứ Lạc Long (cách Tây Ninh 35 cây số về phía Tây Bắc) và căn cứ Thiện Ngôn khiến quân trú phòng thuộc Sư Ðoàn 25 Bộ Binh phải lui quân.  Họ tung tin sẽ đánh chiếm Tây Ninh làm thủ phủ cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, khiến Quân Khu III phải điều toàn bộ Sư Ðoàn 25 Bộ Binh phòng thủ giữ Tây Ninh và Sư Ðoàn này mặc nhiên bị cầm chân tại đây.” 9

Chỉ sau khi phe CS mở cuộc tân công Lộc Ninh với quy mô lớn thì các cấp chỉ huy của QLVNCH và MACV, TRAC mới thay đổi cách nhận định về ý đồ của Cộng quân là quyết chiếm cho được An Lộc.

Sáng sớm ngày 5-4-1972, các đơn vị pháo của Công Trường 5 CS đồng loạt pháo kích dữ dội các vị trí phòng thủ của Trung Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 BB của QLVNCH cũng như trụ sở quận lỵ của quận Lộc Ninh.   Tiếp theo trận pháo mở màn, 2 Trung Đoàn 174 và 275 của Công Trường 5 cùng với 25 chiến xa tiến vào Lộc Ninh từ phía Tây, tập trung tấn công vào bộ chỉ huy của Trung Đoàn 9 BB tại đầu phía nam của phi trường.  Các lực lượng của Trung Đoàn 9 BB đã chống trả mãnh liệt các đợt tấn công của CS, bắn cháy được 1 chiến xa địch; có lúc các pháo thủ của lực lượng phòng thủ Lộc Ninh đã hạ nóng súng của các khẩu pháo 105 ly và trực xạ vào các lực lượng bộ binh của địch xông ra từ các vườn cao su.

Trong lúc trận chiến đang xảy ra ác liệt tại Lộc Ninh thì tại Bộ Tư Lệnh Vùng III tại Biên Hòa, cả 2 tướng Minh và Hollingsworth đều đã thấy rõ là mục tiêu của cuộc tổng tấn công này là Bình Long rồi, hoàn toàn không còn nghĩ và tin rằng Tây Ninh là mục tiêu nữa.  Lập tức, việc yểm trợ bằng không quân được thực hiện ngay.  Các phi cơ của Hoa Kỳ, gồm các phản lực cơ A-37 của Phi Đoàn Đặc Vụ 8 (8th Special Operations Squadron) từ Biên Hòa, các phi cơ khu trục phản lực của Hải Quân Hoa Kỳ từ Hàng Không Mẫu Hạm Constellation, các phản lực cơ F-4 và oanh kích AC-130 từ Thái Lan, cũng như các phi cơ khu trục A-1 và phản lực F5 của Không Quân VNCH được điều động đến yểm trợ liên tục cho các đơn vị QLVNCH đang chống trả cuộc tấn công dữ dội của các đơn vị CS tại mặt trận Lộc Ninh.  Việc yểm trợ mặt trận Lộc Ninh còn được thực hiện bằng các phi vụ trực thăng Cobra của Trung Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Không Vận (9th Cavalry, 1st Cavalry Division – CSBV gọi là Sư Đoàn Anh Cả Đỏ).10

Chuẩn Tướng Hưng và Đại Tá Cố Vấn Miller cũng lập tức lên trực thăng rời Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB tại Lai Khê bay lên phía Bắc.  Khi đến gần Chơn Thành thì họ đã liên lạc được với các cố vấn Hoa Kỳ tại mặt trận Lộc Ninh.  Các vị cố vấn này báo cáo là các đơn vị của Chiến Đoàn 9 tại Lộc Ninh, mặc dù đã được các phi tuần khu trục và trực thăng của không quân Hoa Kỳ và VNCH tích cực yễm trợ, đã bị thương vong rất nhiều do pháo binh và chiến xa của Cộng quân, và tình hình rất là nghiêm trọng.  Đơn vị thiết giáp phòng thủ ở phía Bắc Lộc Ninh đã hàng địch, các đơn vị Biệt Động Quân và Tiểu Đoàn 2 của Trung Đoàn 9 đã mở đường máu rút về Lộc Ninh.  Trong thời gian này, các đơn vị thuộc Chiến Đoàn 9 phòng thủ Lộc Ninh, với sự yểm trợ tối đa của không quân Mỹ-Việt, đã chống trả mãnh liệt các đợt tấn công của các đơn vị bộ binh của Công Trường 5 CS.

Tướng Hưng ra lệnh cho Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh điều động Trung Đoàn 52 (do Sư Đoàn 18 tăng phái, đóng tại cầu Cần Lê ở phía Bắc An Lộc) lên cứu viện cho Lộc Ninh.  Trung Tá truyền lệnh ngay cho Tiểu Đoàn 2, là đơn vị đang đóng quân ở pía Bắc, tiến lên tiếp viện cho Lộc Ninh, nhưng đơn vị này bị địch phục kích tại một địa điểm gần giao lộ giữa Liên Tỉnh Lộ 17 và Quốc Lộ 13.  Vì lúc đó tất cả các hoạt động không yểm đều tập trung tại Lộc Ninh, Tiểu Đoàn 2 đã không được không yểm và sau cùng phải rút về địa điểm xuất phát.  Ngày hôm sau, 6-4-972, Bộ Chỉ Huy của Trung Đoàn 52 cũng bị địch tấn công, pháo kích, và bao vây.  Để bảo toàn đơn vị này cần thiết cho việc phòng thủ An Lộc trong những ngày sắp tới, Tướng Hưng ra lệnh cho Trung Tá Thịnh rút bỏ căn cứ hỏa lực tại cầu Cần Lê, đưa Trung Đoàn 52 về An Lộc.  Tất cả các đơn vị nặng, cơ giới và pháo binh bỏ lại hết, chỉ có bộ binh mở đường máu, băng rừng; khi về đến An Lộc chỉ còn lại khoảng 600 quân nhân trên tổng số hơn 1000 của Trung Đoàn.11, 12

Sau nhiều đợt tấn công, và mặc dù bị thiệt hại rất nặng nề do sự chống trả rất mãnh liệt của các đơn vị phòng thủ Lộc Ninh cũng như do các phi vụ yểm trợ của Không Quân Mỹ-Việt, kể cả các phi vụ của phi cơ cường kích Mỹ AC-130, và sức tàn phá khủng khiếp của bom CBU-55 (CBU = Cluster Bomb Unit = Bom chùm), sau cùng, các lưc lượng của Công Trường 5 CS cũng phá được các tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 9 BB và tràn ngập Lộc Ninh.  Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 9 BB, và Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh bị địch bắt làm tù binh.13 Tất cả 7 cố vấn Mỹ được ghi nhận là mất tích (MIA = Missing In Action); thật ra, trừ Trung Tá Richard S. Schott bị thương nặng đã hy sinh bằng cách tự sát để cho các thuộc hạ dễ dàng đào thoát, trước sau, tất cả đều bị bắt làm tù binh, gồm có Thiếu Tá Albert E. Carlson, Thiếu Tá Thomas Davidson, Đại Úy Mark A. Smith, Đại Úy George Wanat, Trung Sĩ Howard B. Lull, và Trung Sĩ Kenneth Wallingford.  Về phía QLVNCH, hơn một ngàn quân nhân cũng đã bị bắt làm tù binh tại Lộc Ninh; chỉ có khoảng độ 50 quân nhân vượt thoát được về đến An Lộc.14 Trung Đoàn 9 của Sư Đoàn 5 BB coi như đã bị xóa sổ.

 

Các trận tấn công của Cộng quân tại An Lộc

Các chuẩn bị của QLVNCH để phòng thủ An Lộc

Như đã trình bày bên trên, khi trận Lộc Ninh nổ ra, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Vùng III, đã thấy ngay ý đồ thật của phe CS tại Vùng III là đánh chiếm Bình Long, chứ không phải là đánh chiếm Tây Ninh.  Ông lập tức ra lệnh cho trực thăng vận lên An Lộc ngay đơn vị trừ bị cuối cùng còn lại của Quân Đoàn III là Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân (BĐQ) 15 vào ngày 5-4-1972.  Ngày hôm sau, 6-4-1972, trong khi trận Lộc Ninh còn đang diễn ra ác liệt, Tướng Minh đã về Sài Gòn dự một phiên họp quan trọng tại Dinh Độc Lập.  Hiện diện tại phiên họp này gồm có: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Thiệu, và tất cả 4 tướng Tư Lệnh Vùng.  Tướng Minh đã trình bày quan điểm của ông về tình hình nghiêm trọng tại Vùng III, nếu An Lộc bị địch chiếm làm thủ đô cho CPCMLTCHMNVN thì ảnh hưởng chính trị vô cùng bất lợi cho VNCH, do đó cần phải giữ An Lộc bằng mọi giá, và, vì quân trừ bị của Vùng III không còn nữa, ông đề nghị tìm mọi cách tăng viện cho Vùng III.  Tổng Thống Thiệu và Trung Tướng Quang đều ủng hộ quan điểm này.  Vì các đơn vị tổng trừ bị quan trọng là Sư Đoàn Dù và Sư Đoàn TQLC đã được tăng viện cho Vùng I và Vùng II hết rồi, sau cùng phiên họp quyết định tăng phái cho Vùng III Lữ Đoàn 1 Dù đang phụ trách phòng thủ Sài Gòn, Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù, và 1 sư đoàn của Vùng IV.  Khi được hỏi ý kiến, Trung Tướng Trưởng đề nghị sử dụng Sư Đoàn 21 vì 2 lý do: 1) Sư Đoàn 21 có nhiều kinh nghiệm về tác chiến cơ động; 2) Sư Đoàn 21 vốn trước đây đã từng do Tướng Minh chỉ huy.  Sau khi thảo luận, các tướng đồng ý với đề nghị của Tướng Trưởng.16 Sau đó, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã gửi điện văn ra lệnh cho các sĩ quan cao cấp của QLVNCH tại An Lộc là phải giữ An Lộc “bằng mọi giá.”

Về phía Sư Đoàn 5 BB, Tướng Hưng ra lệnh cho Trung Tá Lý Đức Quân lập tức rút Trung Đoàn 7 BB đang đóng quân tại Phú Giáo để bảo vệ hành lang sông Bé về phòng thủ An Lộc.  Ông cũng quyết định chuyển Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn, đã di chuyển từ Phú Lợi lên Lai Khê, nay chuyển lên đặt ngay tại An Lộc.  Ngày 7-4-1972, trước khi bay vào An Lộc, ông đáp xuống Dầu Tiếng, họp với Đại Tá Mạch Văn Trường, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8, và thông báo cho Đại Tá Trường về tình hình nghiêm trọng cần phải chống giữ An Lộc bằng mọi giá, về quyết định của ông đưa Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 lên An Lộc, và cho biết Sư Đoàn 5 không còn khả năng yểm trợ Trung Đoàn 8 nữa, nhưng yêu cầu Đại Tá Trường cố gắng giữ vững vị trí đang đóng quân để tiếp tục án ngữ hành lang sông Sài Gòn.  Ông cũng cho Đại Tá Trường biết là kể từ giờ phút đó, Trung Đoàn 8 BB của Đại Tá Trường sẽ thực thuộc Quân Đoàn III.  Sau khi tiển Tướng Hưng lên trực thăng để bay vào An Lộc, Đại Tá Trường lập tức họp các đơn vị trưởng của Trung Đoàn 8 BB để thông báo các quyết định quan trọng của Tướng Hưng và ra lệnh cho các đơn vị kiểm tra lại ngay quân số và trang bị, đặc biệt chú trọng đến các súng cộng đồng như đại bác 57 không giật và súng cối 81 ly.  Trong một cuộc tuần tiểu, lục soát một căn cứ cũ của Sư Đoàn I BB của Hoa Kỳ (đã được rút về Mỹ), Tiểu Đoàn I của Trung Đoàn 8 BB may mắn tìm được một hầm đạn đủ loại và 2000 súng M-72 LAW (Light Antitank Weapon = Vũ khí nhẹ chống chiến xa) còn nguyên vẹn trong bao giấy dầu.  Số súng chống chiến xa này lập tức được phân phối cho tất cả các đơn vị của toàn Trung Đoàn.  Ba ngày sau, 10-4-1972, Tướng Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III, gọi Đại Tá Trường về Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn III tại Biên Hòa và, sau khi thông báo cho Đại Tá Trường về tình hình nghiêm trọng tại An Lộc, cho biết quyết định của ông là giao trả Trung Đoàn 8 lại cho Sư Đoàn 5 BB, và sẽ cho trực thăng vận Trung Đoàn 8 từ Dầu tiếng về An Lộc ngay ngày hôm sau, 11-4-1972.17

Như vậy, trước khi cuộc tấn công vào An Lộc lần đầu tiên nổ ra vào ngày 14-4-1972, lực lượng phòng thủ An Lộc gồm có các đơn vị được bố trí như sau:

  • Trung Đoàn 8 BB giữ phía Bắc
  • Liên Đoàn 3 BĐQ giữ phía Đông
  • Trung Đoàn 7 BB giữ phía Tây
  • Trung Đoàn 52 BB và các đơn vị địa phương của Tiểu Khu Bình Long giữ phía Nam

Lúc đó, các lực lượng mà phiên họp ngày 6-4-1972 tại Dinh Độc Lập đã quyết định tăng viện cho An Lộc, gồm Lữ Đoàn 1 Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, và Sư Đoàn 21 BB, vẫn chưa đến được An Lộc.

Các chuẩn bị của Cộng quân để tấn công An Lộc

Về phía các đơn vị CS, sau khi chiếm xong Lộc Ninh, mục tiêu của họ bây giờ là tiến đánh An Lộc, thị trấn tỉnh lỵ của Tỉnh Bình Long.  Để chuẩn bị cho trận tấn công sắp tới vào An Lộc họ phải thực hiện 2 chuyện: 1) bao vây An Lộc; và 2) cắt các đường tiếp tế và tiếp viện cho An Lộc.

Các đơn vị của Công Trường 5 CS được lệnh tiến về phía Nam để bao vây mặt Bắc của An Lộc.  Phi trường của tỉnh Binh Long ở phía Bắc An Lộc và phi trường tại Quản Lợi (cách An Lộc 5 km về phía Đông Bắc), hai đường hàng không cần thiết cho việc liên lạc và tiếp tế cho An Lộc, bị pháo kích liên tục.  Trung Đoàn 7 BB, từ Phú Giáo rút về, đã giao cho một tiểu đoàn nhiệm vụ phòng thủ phi trường Quản Lợi.  Đêm 8-4-1972, một số đơn vị của Công Trường Bình Long CS đã tấn công và tràn ngập phi trường này.  Tiểu đoàn của Trung Đoàn 7 bị thiệt hại rất nặng đã phải rút lui về An Lộc.  Sau khi chiếm được Quản Lợi, các đơn vị pháo của Cộng quân đã chiếm gữ được những cao điểm thuận lợi cho việc điều chỉnh tọa độ pháo kích vào các mục tiêu trong thị trấn An Lộc trong thời gian sắp tới.

Về phía Nam, các đơn vị của Công Trường 7 CS đã cắt đứt hoàn toàn Quốc Lộ 13 từ Chơn Thành lên.  Ngày 7-4-1972, Lữ Đoàn 1 Dù được lệnh di chuyển từ Lai Khê lên Chơn Thành, với nhiệm vụ giải tỏa Quốc Lộ 13.  Khi qua khỏi Chơn Thành độ 6 km, còn cách An Lộc độ 15 km, Lữ Đoàn 1 Dù đã bị các chốt của một trung đoàn thuộc Sư Đoàn 7 CS chận đứng lại tại một địa điểm gần cầu Tàu Ô, không cách nào tiến lên được nữa.

An Lộc đã hoàn toàn bị bao vây, tất cả các đường bộ và hàng không dùng để liên lạc và tiếp tế, tiếp viện cho An Lộc đã hoàn toàn bị địch cắt đứt hết.  Từ sau ngày 7-4 cho đến ngày 12-4, mọi tiếp tế và tản thương cho An Lộc đều phải thực hiện bằng các phi vụ trực thăng và phi cơ C-123 của Không Quân VNCH.  Trận tấn công của Cộng quân vào An Lộc nhất định sẽ xảy ra trong một thời gian ngắn sắp tới.

Đợt tấn công đầu tiên:  13-15/4/1972

Tu thu An Loc 08

Bản đồ phòng thủ của QLVNCH tại An Lộc

Nguồn: Tài liệu trực tuyến Trận đánh An Lộc, Bình Long, ngày 13 tháng 4, 1972, … tại địa chỉ INTERNET sau đây:  https://kientruc5sj.wordpress.com/2014/08/18/tran-danh-an-loc-binh-long-ngay-13-thang-tu-1972-tran-bo-chien-cung-chien-xa-tien-cong-lan-dau-tien-cua-vc-vao-thi-xa-an-loc-bai-thu-5-by-duongtiden/

Đêm 12-4, để chuẩn bị cho cuộc tấn công của bộ binh và chiến xa vào sáng ngày hôm sau, Cộng quân đã pháo kích khoảng 6000 quả đủ loại vào các vị trí phòng thủ trong thị trấn An Lộc.  Đúng 6 giờ sáng ngày Thứ Năm 13-4-1972, các đơn vị bộ binh và chiến xa của Cộng quân bắt đầu tiến vào thị trấn.  Đây là một trận đánh lớn đầu tiên mà phía Cộng quân đã sử dụng một số lượng lớn chiến xa.  Chính vì vậy, cả 2 phe đều chưa có kinh nghiệm nhiều về đối phó và sử dụng chiến xa.  Về phía QLVNCH, binh sĩ phòng thủ An Lộc, lúc đầu, rất hoảng sợ khi thấy chiến xa xuất hiện vì vũ khí cá nhân và cộng đồng của họ hoàn toàn vô dụng.  Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi một binh sĩ địa phương quân dùng súng M-72 bắn cháy được chiếc xe tăng T-54 đầu tiên, và tin nầy nhanh chóng loan truyền đi trong hàng ngũ quân phòng thủ An Lộc, thì tất cả mọi người không còn sợ xe tăng của địch nữa.  Về phía Cộng quân, vì chưa có kinh nghiệm hợp đồng tác chiến giữa bộ binh và chiến xa, chiến xa thường tiến quá nhanh nên rơi vào thế không còn bộ binh tùng thiết để được che chở nữa, và trở thành những miếng mồi ngon cho quân phòng thủ An Lộc.  Do đó, nội trong ngày đầu tiên của trận tấn công vào An Lộc, Cộng Quân đã bị thiệt hai nặng với 15 xe tăng T-54 bị bắn cháy trong các đường phố của An Lộ, trong số này 12 chiếc là do các binh sĩ của Trung Đoàn 8 BB dung súng M-72 bắn cháy và 3 chiếc là do thực thăng Cobra của Hoa Kỳ tiêu diệt.  Sau đó, Tướng Hưng đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị tại An Lộc phải thành lập các “Tổ diệt tăng” trang bị M-72 chọn trong số các binh sĩ lanh lẹ và biết rõ địa thế trong khu vực phòng thủ của mình.

Trận đánh sáng ngày 13-4 với mũi tấn công chính diễn ra ở phía Bắc An Lộc.  Một đoàn chiến xa T-54 mấy chục chiếc sắp hàng một tiến từ phía Bắc xuống phía Nam trên Quốc Lộ 13, hai bên đường là các toán bộ binh của Sư Đoàn 5 CS dàn hàng ngang, với khí thế cực kỳ đe dọa, coi như họ đã hoàn toàn làm chủ tình hình, đã chiếm được thượng phong.  Họ không bao giờ ngờ họ đang đi vào chổ chết.

Những người lính Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long cũng như các binh sĩ của các tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 8 BB đang phòng thủ ở phía Bắc An Lộc đã chuẩn bị từ mấy ngày qua để chống trả cuộc tấn công mà họ đã biết chắc sẽ xảy ra.  Các cổ đại bác 105 ly của Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh (Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Hoàng Trung Liêm) thuộc Trung Đoàn 8 BB đã thiếp lập xong các tọa độ hỏa tập cho các điểm dọc theo Quốc Lộ 13 đi vào An Lộc.   Bích kích pháo 81 ly của các đơn vị của Trung Đoàn cũng đã được chuẩn bị với các tọa độ đó.

Khi bộ binh và chiến xa của địch đã tiến vào đúng các vị trí tọa độ đó, các đại bác 105 ly và bích kích pháo 81 ly của các đơn vị phòng thủ phía Bắc An Lộc đã đồng loạt khai hỏa dữ dội.  Binh sĩ bộ binh địch hoảng sợ, bỏ chạy lán loạn, một xe tăng T-54 trúng pháo nổ tung, quay ngang làm cản đường khiến các chiến xa ở phía sau phải trở lui.  Khoảng 15 chiếc ở phía trước không thể trở lui được đành phải liều tiếp tục tiến vào trong thị xã An Lộc, và lần lược trước sau đều bị các chiến sĩ phòng thủ An Lộc bắn cháy hết bằng súng M-72, như trong tấm ảnh bên dưới đây:

Tu thu An Loc 09

Xe tăng T-54 bị bắn cháy trong Thị Xã An Lộc

Nguồn: Sách America’s Last Vietnam Battle, tr. 392.

Sau khi chỉnh đốn lại hàng ngũ, vào khoảng 10 giờ sáng, Cộng quân mở đợt tấn công thứ nhì cũng vẫn bằng chiến xa và bộ binh vào An Lộc từ hướng Tây Bắc.  Lần này, mặc dù cũng có bị mất 1 xe tăng T-54 bị bắn cháy, Cộng quân đã đạt được một kết quả khả quan hơn, và vào lúc 11:30 họ đã chiếm được phi trường Bình Long và một phần phía Bắc của An Lộc.  Vào khoảng giữa trưa, An Lộc đã bi chia cắt làm đôi: phía Bắc đã lọt vào tay Cộng quân, phía Nam vẫn còn nằm trong tay các đơn vị phòng thủ, và, dĩ nhiên, phần giữa của thị trấn tiếp tục là địa bàn giao tranh ác liệt giữa hai phe, giành nhau từng ngôi nhà, từng khu phố.18

Suốt ngày 13-4 và cả 2 ngày sau, cuộc giao tranh gần như liên tục giữa hai phe tấn công và phòng thủ.  Phe tấn công, tuy quân số đông hơn rất nhiều, đã không thể làm chủ được trận địa vì 2 lý do chính sau đây:

  • Sự chống trả mãnh liệt và rất hiệu quả của tất cả các đơn vị phòng thủ trong thị trấn, từ các binh sĩ Nghĩa Quân và Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long cho đến các binh sĩ thuộc 2 Trung Đoàn 7 và 8 của Sư Đoàn 5 BB, Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 BB và các binh sĩ thiện chiến của Liên Đoàn 3 BĐQ, nhứt là sau khi Chuần Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 và cũng là Tư Lệnh Mặt Trận, tuyên bố ÔNG NHẤT QUYẾT TỬ THỦ AN LỘC VÀ SẼ NHẤT ĐỊNH CHẾT Ở ĐÓ NẾU THÀNH PHỐ NẦY BỊ CỘNG SẢN CHIẾM’’ 19
  • Sự yểm trợ phi pháo vô cùng hữu hiệu của Không Quân Hoa Kỳ và VNCH. Về phía Không Quân VNCH, các phi đoàn 221, 223, và 231 sử dụng trực thăng Huey UH-1, Phi Đoàn 237 sử dụng trực thăng Chinook CH-47, và Phi Đội tải thương 259E của Không Đoàn 43, đã tích cực tham gia vào việc đổ quân, chuyển vận, tiếp tế và tải thương hàng ngày cho mặt trận An Lộc.  Về mặt yểm trợ chiến thuật cho các đơn vị bộ binh đang giao tranh với địch, các Phi Đoàn quan sát 112 và 124, các Phi Đoàn khu trục A-1 Skyraider 514 và 518 của Không Đoàn 23, và Phi Đoàn 522 phản lực F-5 Freedom Fighter của Không Đoàn 63 (tất cả đều thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa), đã thực hiện các phi vụ oanh kích các đơn vị địch ngay trong lúc giao tranh tại mặt trận An Lộc.  Tất cả các phi vụ yểm trợ cho mặt trận An Lộc này đều đã được thực hiện trong điều kiện vô cùng nguy hiểm vì hệ thống pháo phòng không dày đặc của địch.  Một số trực thăng Chinook CH-47 đã bị thiệt hại tại mặt trận An Lộc, như lời tường thuật sau đây của một phi công thuộc Phi Đoàn 237:

“Tình hình chiến sự mỗi lúc một gia tăng và mãnh liệt nhất là trận An Lộc, mùa Hè 72. Mỗi sáng, chúng tôi tất cả các trực thăng thuộc KÐ43CT đều sang standby tại Lai Khê chờ lệnh, UH-1 vào trước với các binh sĩ tinh nhuệ Nhảy Dù, Chinook vào sau với các khẩu trọng pháo 105 ly ờ Ðồi Gió, Tàu Ô, Tân Khai, bay cao, bay thấp đều bị bắn bằng đủ loại đạn, nhưng chúng tôi vẫn thi hành các phi vụ được giao phó. Hai Chinook đã tổn thất tại Tân Khai và Tàu Ô là PHÐ của Th/Tá Nguyễn Hữu Nhàn + Th/Úy Ðặng Thiên Hiền, cơ phi Ch/Úy Kim, áp tải, xạ thủ đều hy sinh, Ð/Úy Trọng + Th/Úy Thanh bị bắt và được trao trả năm 73 nhưng cơ phi, xạ thủ và áp tải hy sinh.

Một Chinook của Tr/Úy Lê Quang Tiên và Ðặng Ðức Cường bị bắn cháy trên không, phải đáp khẩn cấp xuống phi trường An Lộc và được gunship bốc cứu. Phi cơ của Tr/Úy Son và tôi bị trúng một viên 12,7ly thủng bình xăng trái nhưng vô sự vì không phải đạn lửa và nhiều phi cơ khác bị đạn nhưng không đáng kể.” 20

Về phía Không Quân Hoa Kỳ, sự yểm trợ cho mặt trận An Lộc có thể nói là chưa từng có và với hiệu quả rất cao bằng đủ loại phi cơ và với số lượng phi vụ rất lớn.  Oanh tạc cơ chiến lược B-52, xuất phát từ các căn cứ Không Quân Mỹ U Tapao (52 chiếc) tại Thái Lan và Andersen (31 chiếc) trên đảo Guam, hàng ngày thực hiện các phi vụ “trải thảm” trên các khu vực tập trung quân của địch chung quanh An Lộc.  Mỗi phi vụ B-52 luôn luôn gồm 3 chiếc, mỗi chiếc có thể mang một số lượng bom lên đến 70.000 cân Anh (pound), tổng cộng vào khoảng 100 tấn bom.  Khi một phi tuần gồm 3 chiếc B-52 “trải thảm” thì một khu vực có chiều ngang nữa dặm Anh (mile) và chiều dài 2 dặm Anh sẽ bị hoàn toàn hủy diệt.21 Một điều cần được ghi nhận thêm là tính cách bất ngờ và kinh hoàng của việc B-52 “trải thảm” vì B-52 bay rất cao (30.000 feet = 10.000 m = 10 km) nên địch quân hoàn toàn không nghe, không thấy; khi đã nghe bom nổ thì không còn đường nào chạy thoát được nữa hết, chỉ có nằm chịu trận, phó mặc cho số mạng mà thôi.  Phía Cộng sản cũng công nhận mức độ tàn phá của phi cơ B-52 như sau:

“Không quân Hoa Kỳ đã dùng B-52 để ném bom rải thảm dọn đường, ném bom tạo bãi đáp đổ quân cho các cuộc hành quân của kỵ binh bay, đánh vào các khu nghi ngờ tập trung quân và vào các khu hậu cần kho tàng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam và đã gây ra các huỷ diệt rất lớn, gây cảm giác rất ghê sợ, hãi hùng trong hàng ngũ đối phương và những người đã từng trải qua các trận bom B-52.” 22

Ngoài phi cơ B-52, Không Lực Hoa Kỳ cũng sử dụng nhiều loại phi cơ khác để yểm trợ cho mặt trận An Lộc như sau:

  • Phi cơ phản lực khu trục A-37 Dragonfly,
  • Phi cơ yểm trợ hỏa lực (gunship) AC-119 Stinger
  • Phi cơ yểm trợ hỏa lực (gunship) AC-130 Spectre
  • Phi cơ trực thăng tấn công Cobra

Các loại phi cơ này đã đóng một vai trò yểm trợ chiến thuật vô cùng hiệu quả cho mặt trận An Lộc.  Chính các trực thăng Cobra, trong ngày đầu tiên của đợt tấn công này, đã bắn cháy 3 chiếc tăng T-54 bằng hỏa tiển HEAT (High-Exlosie Antitank).

Sang ngày 15-4, Cộng quân cố gắng tái diễn một cuộc tấn công “tiền pháo hậu xung” với bộ binh và chiến xa vào An Lộc một lần nữa nhưng kết quả cũng như trong hai ngày trước, đã bị chặn đứng bởi sức chống trả mãnh liệt của quân phòng thủ với sự yểm trợ áp đảo của không quân Việt-Mỹ.  Mức độ giao tranh trong thị trấn giảm dần và đến tối thì ngưng hẳn, kết thúc đợt tấn công đầu tiên giữa tháng 4-1972.  Cộng quân đã chiếm được phần phía Bắc của thị trấn An Lộc, và QLVNCH vẫn còn giữ được phần phía Nam của thị trấn.

Để đạt được thế trận tạm thời nầy, Cộng quân đã bị thiệt hại rất nặng về quân số và vũ khí.  Riêng về lực lượng chiến xa, quân phòng thủ An Lộc đã bắn cháy được tất cả là 23 xe tăng, phần lớn là T-54 của Liên Xô.   Về phía QLVNCH, toàn bộ đại pháo 105 ly trong thị trấn đã bị phá hủy.

Tăng viện cho An Lộc trong vòng vây

Con đường Nguyễn Trung Trực, một trong các con đường chính ở phía Bắc của thị trấn An Lộc, chạy từ Đông sang Tây, là ranh giới giữa 2 lực lượng tấn công và phòng thủ.  Từ các vị trí đóng quân ở hai phía Bắc Nam con đường đó, binh sĩ hai bên có thể nhìn thấy và theo dõi hoạt động của đối phương trong một tình thế hết sức căng thăng.  Quân phòng thủ biết chắc chắn đối phương sẽ lại tấn công, chỉ không biết chắc ngày giờ nào mà thôi.  Phần cấp chỉ huy của hai phe thì đây là thời gian để chuẩn bị cho cuộc giao tranh kế tiếp.

Về phía Cộng quân, họ phê bình kiểm điểm diễn tiến và thành quả của cuộc tấn công 3 ngày vừa qua.  Họ ghi nhận tác động với hiệu quả cao của việc không quân Việt-Mỹ yểm trợ chiến trường An Lộc, nhất là việc oanh kích vào các địa điểm tập trung quân trước cuộc tấn công.  Họ cũng thấy rõ khuyết điểm lớn trong kế hoạch tấn công đợt một này là việc thiếu phối hợp chặt chẽ giữa bộ binh và thiết giáp.  Và trên hết, họ tập hợp lại lực lượng cho đợt tấn công kế tiếp.23

Về phía QLVNCH, đây cũng là thời gian chấn chỉnh lại đội hình, sửa sang lại các công sự phòng thủ, và, dĩ nhiên, mang viện quân vào An Lộc để tăng cường lực lượng phòng thủ.

Ngay từ đầu tháng 4-1972, khi trận Lộc Ninh nổ ra, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Vùng III, sau phiên họp khẩn tại Dinh Độc Lập, đã ra lệnh cho Lữ Đoàn 1 Dù, đang phụ trách bảo vệ thủ đô Sài Gòn, với Lữ Đoàn Trưởng là Đại Tá Lê Quang Lưỡng24 (về sau thăng lên Chuẩn Tướng và là Tư Lệnh cuối cùng của Sư Đoàn Dù), gồm 3 Tiểu Đoàn 5, 6, và 8, lập tức di chuyển lên Lai Khê.  Ngày 7-4-1972, Lữ Đoàn 1 Dù bắt đầu cuộc hành quân từ Lai Khê lên Chơn Thành, dọc theo Quốc Lộ 13, với mục tiêu là nhổ các chốt của Công Trường 7 CS từ Chơn Thành lên An Lộc.  Khi qua khỏi Chơn Thành độ 6 km về hướng Bắc, còn cách An Lộc khoảng 15 km, thì lực lượng Dù bị chặn đứng lại tại Suối Tàu Ô bởi cả một trung đoàn của Công Trường 7 với công sự hầm hố phòng thủ kiên cố đã được chuẩn bị sẳn.

Tu thu An Loc 10

Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Sư Đoàn Dù – Trong thời gian Trận An Lộc, ông là Đại Tá, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Dù

Ngày 14-4-1972, Trung Tướng Minh, sau cuộc họp tại Lai Khê với Trung Tướng Dư Quôc Đống, Tư Lệnh Sư Đoàn Dù, và Đại Tá Lưỡng, quyết định cho Lữ Đoàn 1 Dù vào tăng viện cho An Lộc.  Đại Tá Lưỡng bay lên An Lộc ngay để họp bàn với Tướng Hưng về phương án đưa Lữ Đoàn 1 Dù vào An Lộc.  Phương án của ông đề nghị được Tướng Hưng chấp thuận và cho thi hành ngay.  Sau đó, Đại Tá Lưỡng đã bàn chi tiết kế hoạch đổ quân này với Thiếu Tá Nguyễn Văn Ức, Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 221 trực thăng, của Không Đoàn 43 Chiến Thuật, thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân.25, 26 Cuộc đổ quân toàn bộ Lữ Đoàn 1 Dù hoàn thành tốt đẹp trong 2 ngày 14 và 15-4 như tường thuật sau đây:

“Sau cuộc họp, Ðại Tá Lưỡng bay quan sát vị trí trận địa để chọn bãi đổ quân.  Sau năm vòng bay, vị sĩ quan Lữ Đoàn Trưởng quyết định đổ quân xuống ấp Srok Ton Cui, cách An Lộc 4 cây số về phía Ðông.  Theo kế hoạch, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù sẽ xuống trước để khai quang bãi đáp. Rồi ngày hôm sau, 15 tháng 04/1972, hai Tiểu Ðoàn 5 và 8 cùng Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù sẽ được trực thăng vận xuống khu vực này.  Sau khi đã hoàn tất cuộc đổ quân, hai Tiểu Ðoàn 5 và 8 sẽ chia làm hai cánh tiến quân vào An Lộc.” 27

Sau khi Lữ Đoàn 1 Dù đã vào được An Lộc xong thì đến phiên Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, với Liên Đoàn Trưởng là Trung Tá Phan Văn Huấn (về sau thăng cấp Đại Tá), cũng được Tướng Minh cho trực thăng vận vào tăng Viện cho mặt trận An Lộc.  Cuộc hành quân trực thăng vận này diễn ra ngày 16-4-1972, cũng do Phi Đoàn 221 trực thăng thực hiện, với diễn tiến như sau:

“Đến ngày 16 tháng 04 năm 1972, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, được tăng viện cho An Lộc, và khởi phát cuộc phản công tái chiếm lại ½ lãnh thổ phía Bắc An Lộc.

Từng đoàn trực thăng HU1D cất cánh từ căn cứ Lai Khê vào trưa ngày 16 tháng 04 năm 1972 đưa 550 Biệt Cách Nhảy Dù đến chiến trường An Lộc một cách an toàn.

Bãi đổ quân được chọn trên một khoảng ruộng trống, về phía Tây, Tỉnh lộ 245, cách Đồi Gíó 1 cây số về phía Đông Bắc.

Hợp đoàn trực thăng từng đợt 30 chiếc HU1D cho mỗi đợt đổ quân, có 4 trực thăng võ trang hộ tống bao vùng. Đợt đầu thả Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn, do Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy và 4 toán trinh sát của Liên Đoàn 81 Biệt Cách, do Trung Úy Lê Văn Lợi chỉ huy, cùng Đại Đội 1 do Đại Úy Nguyễn Ích Đoàn chỉ huy và Đại Đội 2 do Đại Úy Nguyễn Sơn chỉ huy; Chuyến thứ nhì gồm có Liên Đoàn Phó, Thiếu Tá Nguyễn văn Lân, cùng Đại Đội 3 do Đại Úy Phạm Châu Tài (có biệt danh là Hổ Xám) chỉ huy, và Đại Đội 4 do Đại Úy Đào Minh Hùng chỉ huy.

Sau khi được an toàn nhảy xuống trận địa, kiểm điểm quân đầy đủ, Trung Tá Huấn liền cho lệnh các đơn vị di chuyển đến chiếm cứ Ấp Srok Gòn, cận kề bên bãi đổ quân, bố trí xong xuôi, Trung Tá Huấn mở tần số truyến tin, liên lạc được với Tướng Hưng (Bộ Chỉ Huy Mặt Trận) và Đại Tá Lưỡng (Lực Lượng Dù) ở phía Nam để được hướng dẫn lộ trình an toàn cũng như tránh ngộ nhận giữa quân bạn trước khi tiến quân vào thành phố.” 28

Tu thu An Loc 11

Với các tăng viện này, quân số phòng thủ An Lộc tăng lên thêm được gần 3.000 quân, và quan trọng nhứt là giúp cho lực lượng phòng thủ tại đây lên tinh thần rất nhiều vì cả 2 đơn vị vừa được tăng viện đều là những đơn vị thiện chiến nhứt của QLVNCH.   Ngoài ra, Lữ Đoàn 1 Dù còn tạo ra được 2 điều rất quan trọng cho An Lộc: 1) Thiết lập được một bải đổ quân (LZ = Landing Zone) an toàn không những giúp cho việc tải thương mà còn tạo điều kiện tốt cho việc tiếp tế lương thực, đạn dược, và đổ quân tiếp viện; và, 2) Mang được vào cho mặt trận An Lộc 6 khẩu đại pháo 105 rất cần thiết để yểm trợ cho các đơn vị phòng thủ vì vào thời điểm đó tất cả các khầu pháo của quân phòng thủ An Lộc đã bị thiêu hủy hết rồi.  Các đơn vị của QLVNCH đã sẳn sàng chờ đợi đợt tấn công mới của Cộng quân.  Họ không phải chờ lâu.

Đợt tấn công thứ nhì: 19-22/4/1972

Cũng giống như tất cả moi cuộc tấn công của Cộng quân từ trước, luôn luôn áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung,” đêm 18-4 rạng sáng 19-4, các đơn vị pháo của Công Trường 9 đã rót hàng ngàn quả đại pháo và hỏa tiển vào các vị trí của quân phòng thủ An Lộc, và cuộc tấn công bằng chiến xa và bộ binh bắt đầu ngay vào sáng sớm ngày 19-4.

Có mấy điều cần ghi nhận về đợt tấn công này.  Điều thứ nhứt là, vì đã chiếm được nữa phía Bắc của thị trấn trong đợt một, phe Cộng sản nghĩ và tin chắc là với đợt tấn công lần thứ nhì nầy họ sẽ nuốt trọn An Lộc.  Vì vậy, đài phát thanh Hà Nội đã công bố là An Lộc đã được hoàn toàn “giải phóng” và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) sẽ chính thức ra mắt tại An Lộc vào ngày 20-4-1972.29 Điều thứ nhì là đợt tấn công này, tuy cũng xảy ra tại nhiều địa điểm trong thị trấn An Lộc, nhưng rõ ràng là tập trung vào các địa điểm đóng quân của lực lượng mới tăng viện cho An Lộc là Lữ Đoàn 1 Dù, với mục tiêu là diệt cho được đơn vị thiện chiến này để làm mất tinh thần của quân phòng thủ An Lộc.

Trung Đoàn 275 của Công Trường 5 và Trung Đoàn 141 của Công Trường 7, với sự hỗ trợ của 6 chiến xa, đã đồng loạt tấn công vào các vị trí đóng quân của Lữ Đoàn 1 Dù tại Đồi Gió, Đồi 169 và ấp Srok Ton Cui.  Đơn vị chịu áp lực nặng nề nhứt của Lữ Đoàn 1 Dù là Tiểu Đoàn 6 tại Đồi Gió với Tiểu Đoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Văn Đĩnh.  Đồi Gió cũng chính là căn cứ hỏa lực với 6 khẩu đại bác 105 ly của Lữ Đoàn 1 Dù.

“Trước áp lực quá nặng của địch quân, Ðại Tá Lưỡng cho phép Trung Tá Nguyễn Văn Ðĩnh, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 6 Nhày Dù, được toàn quyền quyết định về kế hoạch triệt thoái.

Trung Tá Ðĩnh cùng với hai Ðại Ðội 60 và 62 di chuyển theo ngọn đồi xuống ấp Srok Ton Cui, nơi đóng quân của Ðại Ðội 61. Trong khi đó, hai Ðại Ðội 63 và 64 còn lại do Thiếu Tá Phạm Kim Bằng chỉ huy vẫn tiếp tục án ngữ cao địa. Cánh quân do Trung Tá Ðĩnh chỉ huy bị Cộng quân chặn đánh. Những binh sĩ Nhảy Dù này đổi hướng và triệt thoái về hướng Nam. Sau đó, họ được trực thăng của Không Quân Việt Nam bốc về Lai Khê. Cánh quân còn lại của Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù và Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn rút vào An Lộc. Riêng pháo đội đại bác 105 ly với 6 khẩu được lệnh phá huỷ tất cả súng trước khi rút lui.” 30

Mặc dù đạt được một phần mục tiêu là triệt tiêu được căn cứ hỏa lực của Lữ Đoàn 1 Dù với 6 khẩu 105 ly và buộc Tiểu Đoàn 6 phải rút khỏi Đồi Gió, nhưng Cộng quân đã không tiêu diệt được Lữ Đoàn 1 Dù.  Lữ Đoàn 1 Dù đã bảo toàn được lực lương và di chuyển an toàn vào bên trong An Lộc.  Ngoài ra, trong cuộc giao tranh tại khu vực này, toàn bộ 6 chiến xa của Cộng quân đã bị lực lượng Dù bắn cháy hết.

Trong thời gian này, các cuộc tấn công của các đơn vị của Công Trường 9, tại các địa điểm khác bên trong An Lộc, đều bị các lực lượng phòng thủ đẩy lui.  Phần phía Nam của thị trấn An Lộc vẫn hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của các đơn vị phòng thủ.  Ngày 20-4 qua đi.  Mục tiêu của đợt tấn công lần thứ nhì này của Cộng Quân, chiếm An Lộc để làm thủ đô cho CPCMLTCHMNVN, đã thất bại.  Ngày 21-4, Cộng quân còn cố gắng tấn công một lần nữa từ phía Nam nhưng cũng hoàn toàn thất bại do sự chống trả mãnh liệt của 2 Tiểu Đoàn 5 và 8 của Lữ Đoàn 1 Dù.  Đợt tấn công An Lộc lần thứ nhì này kết thúc vào tối ngày 22-4-1972.

Địa ngục trần gian tại An Lộc

An Lộc, trong suốt thời gian bị Cộng quân bao vây, đã được một ký giả Mỹ mô tả như là một địa ngục trần gian trong bài báo của tờ báo quân dội, Pacific Stars and Stripes, số ra ngày 1-5-1972, với tựa đề như sau: “An Lộc: a battlefield in Hell.” 31  An Lộc, với một diện tích khoảng 4 km vuông, đã phải gánh chịu mỗi ngày trên một ngàn quả đạn dủ loại, từ dại bác 105 ly, 155 ly, bích kích pháo, và hỏa tiển 122 ly.  Đó là không kể có những ngày, luôn luôn xảy ra trước những đợt tấn công dữ dội của chiến xa và bộ binh, mức độ pháo kích lên đến 5 hay 6 ngàn quả, và đặc biệt, vào ngày 11-5-1972, An Lộc phải chịu một trận mưa pháo trên 8.000 quả,32 được các phóng viên chiến trường quốc tế mô tả là khốc liệt nhứt trong toàn bộ cuộc chiến tranh Đông Dương.

Với mức độ pháo kích như vậy, cộng thêm vào các trận đánh ác liệt ngay trong thị trấn, có chiến xa tham dự bên phe tấn công và có đủ loại phi cơ yểm trợ bên phe phòng thủ, gần như không có một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, nếu không bị sụp đổ tan nát thì cũng bị thiệt hại rất nặng nề, như trong bức ảnh bên dưới đây:

Tu thu An Loc 12

Trung tâm thị trấn An Lộc sau đợt tấn công đầu tiên

Vì họ đã chiếm được những vị trí cao điểm chung quang thị trấn, như phi trường Quản Lợi, đồi Đồng Long ở phía Bắc, Đồi Gió và Đồi 169 ở phía Đông Nam, pháo binh của Cộng Quân đã pháo vào thị trấn rất chính xác.  Một sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ có mặt tại An Lộc đã cho rằng khả năng sống sót nếu ở ngoài trời trong vòng 5 phút là vào khoảng 50%.33 Trong điều kiện chiến trường như vậy, tất cả mọi người trong thị trấn An Lộc, cả quân lẩn dân, đều phải sống trong hầm, đủ loại hầm, từ các hầm thật kiên cố như hầm của các bộ chỉ huy trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn, cho đến các hầm thật sơ sài của thường dân.  Mặc dù vậy, số thương vong của thường dân và binh sĩ do pháo kích cũng không phải là nhỏ.  Xác chết, kể cả xác súc vật, ngỗn ngang khắp nơi, tay chân bị đứt lìa do các mãnh pháo chặt đứt văng tứ tung, một số nằm vương vải ngay cả trên các cành cây còn chưa bị gảy đổ trong thị trấn.  Một phần khá lớn những xác chết này không được chôn cất nên, sau một thời gian, đã xình thúi, gây ô nhiểm không khí rất khủng khiếp.

Trước khi xảy ra trận đánh, An Lộc có một dân số khoảng 15.000.  Sau khi Lộc Ninh thất thủ, với cư dân của Lộc Ninh thoát chạy được về phía Nam, người ta ước lượng dân số của An Lộc, trong thời gian bị bao vây, có thể lên gần 20.000.  Dĩ nhiên, người dân cũng biết rằng An Lộc sẽ là mục tiêu tấn công kế tiếp của Cộng quân, nhưng họ không thể thoát ra khỏi An Lộc được vì Quốc Lộ 13 đã bị cắt đứt rồi.  Trong thời gian hai bên giao tranh, các vị lãnh đạo Công Giáo và Phật Giáo đã có mấy lần tìm cách đưa giáo dân rời khỏi An Lộc nhưng lần nào cũng vậy, Cộng quân đều pháo kích vào đoàn người di tản, gây thương vong rất lớn.  Ta hảy nghe một sĩ quan của Liên Đoàn 3 BĐQ tả lại cảnh tượng kinh hoàng này:

“Có một ngày vào buổi sáng, khi ngớt pháo, tôi vừa chui lên nóc trung tâm hành quân để quan sát chung quanh thì thình lình… tôi nghe tiếng loa phóng thanh phát lên yêu cầu hai bên ngưng chiến.  Loa phóng thanh được phát ra từ một đoàn người rất đông và rất dài, dẫn đầu bởi các nhà sư và các cha Công Giáo với cờ trắng trên tay phất qua phất lại. Lúc đó, Thiếu Tá Lạc, tiểu đoàn trưởng 36 BÐQ vừa gặp Trung Tá LÐT xong, nghe la hét cũng đến gần tôi trên nấp hầm trung tâm hành quân để quan sát.

Ðoàn người đi trên con đường trước mặt và hướng đông BCH/LÐ tiến về hướng Nam định rẽ qua QL.13 để di tản về hướng Nam. Khi đoàn người đi về hướng gần phòng tuyến tiểu khu thì bổng nghe tiếng pháo nổ ầm ầm hướng đó.  Quan sát kỹ thì tôi thấy đích thị địch đã không ngưng pháo, mà còn cố tình pháo thẳng vào đoàn người di tản trên.  Ðoàn người trúng đạn pháo kêu la thảm thiết, tiếng khóc của trẻ con vang dội đến khu tôi đang đứng.

Thiếu Tá Lạc thấy cảnh tượng kinh hoàng vì Việt Cộng quá dã man đối với người dân.  Ông nói cả Cha, Thầy, lẫn đàn bà con nít bọn chúng vẫn không tha thì quả thật là man rợi.  Lần pháo này dường như chúng có điềm chỉ nên đạn pháo rót chính xác vào đoàn ngươi làm thân xác họ văng tung tóe, tay chân văng máng trên các cành cây ven đường bởi dân chúng trên đường không có gì tránh né.  Một số họ chỉ chạy nằm sát gần những gốc cây lớn mà thôi.  Sau đợt pháo đó, dân chúng và cả Cha lẫn Thầy đều tan hàng trở về chốn cũ của mình.” 34

Người dân An Lộc cũng như người tỵ nạn từ Lộc Ninh chạy về không còn cách nào khác, đành phải tìm mọi cách sống còn cùng với các binh sĩ phòng thủ trong địa ngục trần gian này.

Vì đường giao thông và tiếp tế chính cho An Lộc là Quốc Lộ 13 đã bị cắt đứt ở phía Nam, và các phi trường cũng đã lọt vào tay địch, An Lộc chỉ còn được tiếp tế bằng cách thả dù.  Tuy nhiên, vì hệ thống phóng không dày đặc của địch, việc tiếp tế bằng cách thả dù do các phi cơ vận tải đã gặp rất nhiều khó khăn, phải thả các kiện hàng tiếp tế từ cao độ 5.000 bộ hay có khi còn cao hơn nữa.  Trong đợt tấn công đầu tiên, sau khi thực hiện tất cả 27 phi vụ trong vòng 48 giờ, chỉ có 34 trong số 135 tấn tiếp tế lọt được vào tay quân phòng thủ mà thôi.35 Tình trạng thiếu thốn lương thực và mọi thứ là một thực trạng kéo dài suốt thời gian mấy tháng của trận đánh.  Dân và quân An Lộc cùng sống chung với nhau trong hầm và cùng chia xẻ với nhau từng miếng ăn thức uống.  Chưa bao giờ, trong suốt thời gian 20 năm của cuộc chiến, tình quân dân cá nước thắm thiết như vậy.  Việc chửa trị thương tích cho thường dân và chiến sĩ mỗi ngày mỗi thêm khó khăn vì không những bệnh viện của Tiểu Khu Bình Long đã bị pháo kích phá hủy hoàn toàn mà ngay cả thuốc men, vật dụng, y cụ cũng đều khan hiếm.  Các bác sĩ phải sử dụng đến cả các sợi nylon rút ra từ bao cát, sau đó cho đun nước sôi khử trùng, để làm chỉ khâu may các vết thương sau khi giải phẩu.  Lâu lâu, lợi dụng lúc địch quân ngưng pháo kích, quân phòng thủ phải sử dụng các bulldozer để đào các hố to để chôn tập thể (từ 300 đến 500 xác) các xác chết của cả binh sĩ và thường dân.

“Kiểm tra tình trạng quân số và thương binh thì từ ngày 13-04-72 bắt đầu cuộc chiến đến nay, tổn thất thương vong các tiểu đoàn gần phần nửa.  Số người tử thương thì đã giải quyết chôn tại chỗ.  Số bị thương thì tồn đọng rất nhiều vì ngày nào cũng có nhiều thương binh nhưng không tản thương được.  Vì thế, quân y tạm thời giải quyết như sau: số người bị thương nhẹ còn đi đứng được thì sau khi băng bó xong cho trở về đơn vị, địch vào cầm súng bắn nữa.  Do đó có người bị thương 2 hoặc 3 lần hoặc nhiều lần.  Có người lần trước bị thương nhẹ, lần sau bị thương nặng.  Cũng có những thương binh nhẹ sau đó lại tử thương!  Còn những thương binh nặng để nằm đó chờ tản thương sống thoi thóp rồi có người mòn mỏi chềt dần.  Ðại Ðội 52 Quân Y báo cáo khu vực Trung Ðoàn 8 có cả ngàn quân nhân và thường dân bị thương nặng chờ tản thương nằm chật cả một dẫy phố Ðại Lộ Hoàng Hôn.  Những người còn lành mạnh thì rất mệt mỏi và gầy ốm vì phải chiến đấu hết ngày này sang ngày khác, không thì giờ nghỉ ngơi, thiếu ngủ, thiếu ăn, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng, sinh mạng không biết sẽ chết lúc nào.  Lại nữa mùi hôi thối từ xác chết rất khó thở, ruồi lằn sinh sản nhanh kinh khủng!  Nước không đủ uống, lấy đâu mà tắm giặt, dơ bẩn, khó chịu, nhưng họ cũng phải ráng chịu, phấn đấu sống để mà chiến đấu, để bảo vệ quê hương và dân tộc không lọt vào tay Cộng Sản.” 36

Đợt tấn công lần thứ ba: 11-15/5/1972

Sau khoảng hơn 2 tuần lễ chấn chỉnh hàng ngũ, bổ sung quân số, và tái trang bị, tiếp tế, Cộng quân lại tung ra một đợt tấn công nữa vào sáng ngày 11-5-1972.  Một ngày trước đó, về phía cố vấn Mỹ có một thay đổi quan trọng: Đại Tá Miller, Cố Vấn Trưởng bên cạnh Tướng Hưng, hết nhiệm kỳ phục vụ tại Việt Nam và được thay thế bởi Đại Tá Walter Ulmer, một sĩ quan tốt nghiệp Trường Võ Bị West Point nổi tiếng, có kinh nghiệm và đã từng phục vụ 2 nhiệm kỳ một năm tại Việt Nam.  Việc thay đổi này có ảnh hưởng tốt cho mối quan hệ với Tướng Hưng vì, khác với Đại Tá Miller, Đại Tá Ulmer là một người bình tỉnh hơn, tế nhị hơn, và thông cảm hơn.

Đúng 4:30 sáng ngày 11-5-1972, trận pháo kích dữ dội vào An Lộc suốt từ 1 giờ sáng đột ngột chấm dứt: quân phòng thủ biết ngay là cuộc tấn công bằng bộ binh sắp sửa bắt đầu.  Và đúng như vậy, các đơn vị bộ binh của Công Trường 5 khởi sự tấn công từ phía Bắc, trong khi bộ binh của Công Trường 9 tấn công từ phía Tây, với sự yểm trợ của 40 chiến xa.37 Cuộc giao tranh lại tái diễn với hình thức và cường độ như hai lần trước.  Một chuyện mới trong đợt tấn công này là Cộng quân bắt đầu sử dụng hỏa tiển tầm nhiêt địa không SA-7 Strela do Liên Xô chế tạo để chống lại các phi cơ yểm trợ chiến thuật của Không Quân Việt-Mỹ, đặc biệt là nhắm bắn hạ các trực thăng gunship Cobra.

Ở phía Bắc, Trung Đoàn 8 BB và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù bị áp lực rất nặng từ các đơn vị của Công Trường 5, nhưng họ vẫn bám trận địa, chống trả dữ dội.  Về phía Tây, Trung Đoàn 7 BB cũng bị các đơn vị của Trung Đoàn 272 của Công Trường 9 tấn công dữ dội.  Lực lượng phòng thủ bắn cháy được 2 chiến xa, nhưng bộ binh địch vẫn tràn tới, tiến gần đến Bộ Chỉ Huy của Sư Đoàn 5 BB của Tướng Hưng   Tiểu Đoàn 3 của Trung Đoàn 7 BB phải rút lui để bảo toàn lực lượng.  Tình hình An Lộc lúc đó thật là nguy ngập.  Tướng Hưng ra lệnh cho Tiểu Đoàn 5 Dù từ phía Nam tiến lên để giải vây cho Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5.  Trong cuộc điện đàm ngay lúc đó với Đại Tá Trường, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 BB ở phía Bắc, Tướng Hưng đã nói như sau:

“Nếu địch tràn ngập Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 trước khi tiểu đoàn Dù tới thì tôi sẽ tự sát chớ không để cho địch bắt.  Vậy khi tôi chết rồi thì anh dắt Trung Ðoàn 8 đi theo Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù rút về Chơn Thành.” 38

Thật vô cùng may mắn, ngay lúc đó, lực lượng tấn công đã phạm một sai lầm lớn. Các đơn vị của Trung Đoàn 272, Công Trường 9, thay vì tràn xuống phía Đông Nam, họ lại đã tiến lên phía Đông Bắc, tấn công, tràn ngập, và chiếm được trụ sở của Ty Công Chánh tỉnh Bình Long.39 Sau đó, nhờ Tiểu Đoàn 5 Dù từ phía Nam lên, một tiểu đoàn BĐQ từ phía Đông sang, và Đại Đội 8 Trinh Sát của Trung Đoàn 8 BB từ phía Bắc xuống, Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 đã được an toàn.

Trong thời gian này, dưới sự điều động của tân Cố Vấn Trưởng Đại Tá Ulmer, các phi vụ yểm trợ chiến thuật cho An Lộc đã được gia tăng lên rất nhiều.  Nội trong ngày 11-5, đã có tất cả 297 phi vụ yểm trợ chiến thuật được thực hiện trên không phận An Lộc.  Sau đó, trong 4 ngày kế tiếp, mỗi ngày đều có khoảng 260 phi vụ yểm trợ cho An Lộc.  Về máy bay chiến lược B-52, nội trong 24 giờ của ngày 11-5 đã có tất cả 30 phi vụ, trong đó bao gồm cả 5 phi vụ B-52 mà Tướng Hollingsworth đã “vay mượn” từ Vùng II.  Lần này, các phi vụ B-52 đã “trải thảm” một cách chính xác ngoài sức tưởng tượng, có khi chỉ cách các lực lượng phòng thủ chừng vài trăm mét mà thôi.  Một trong các phi vụ B-52 này đã kịp thời giải nguy cho Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù ờ phía Đông Bắc khi Liên Đoàn sắp bị một trung đoàn của Công Trường 5 tràn ngập: B-52 đả “trải thảm” lên trung đoàn này chỉ cách vị trí của Liên Đoàn 81 có khoảng 500 m (600 yards).  Trung đoàn này của Công Trường 5 CS coi như đã bị xóa sổ.40

Đến chiều ngày 11-5 thì có thể xem như đợt tấn công vào An Lộc lần thứ ba này của Cộng Quân đã hoàn toàn thất bại: họ đã không thể chiếm được An Lộc.  Phần lớn số 40 chiến xa của họ đã bị tiêu hủy bên trong thị trấn, với một số vẫn còn nguyên, nhưng các binh sĩ thiết giáp đã bỏ chạy thoát thân.  Các đơn vị bộ binh đã bị các đơn vị phòng thủ và các phi vụ yểm trợ chiến thuật đánh tan tác.  Số tàn binh hoảng sợ cực điểm trước các trận bom của không quân Việt-Mỹ đã hoàn toàn mất tinh thần, bỏ hàng ngũ, chạy tán loạn vào các khu rừng cao su chung quanh thành phố, và một số lại làm mồi cho các phi vụ “trải thảm” của máy bay B-52.  Những ngày sau đó, Cộng quân vẫn còn tiếp tục mở những cuộc tấn công vào An Lộc nữa nhưng họ đã hoàn toàn mất đà rồi.  Tối ngày 15-5, toàn bộ các lực lượng tấn công còn lại của Cộng quân rút hết ra khỏi An Lộc.

Đợt tấn công lần thứ ba này đã hoàn toàn bị bẻ gảy, nhưng trận chiến vẫn chưa tàn vì Cộng quân vẫn còn bám trụ tại những phần đất họ đã chiếm được chung quanh thị trấn An Lộc.

QLVNCH phản công và phá vòng vây An Lộc

Về phía Bắc, ngày 10-6, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, mặc dù có tỷ lệ thương vong khá cao, đã tiến hành việc lục soát và tiêu diệt tất cả các ổ kháng cự của Cộng quân trong các khu phố đã bị họ chiếm giữ trước đây.  Hai ngày sau, khi đã kiểm soát xong và làm chủ được tình hình tại đây, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù bắt đầu thực hiện việc tái chiếm đồi Đồng Long, cách An Lộc khoảng nửa cây số về phía Bắc, mà Cộng quân đã chiếm giữ từ hai tháng nay.  Ta hảy nghe một người trong cuộc, Đại Úy Lê Đắc Lực của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, kể lại như sau:

“Đích thân Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn đã điều động Đại Đội 2 và Đại Đội 3 chia làm hai cánh, Đại Đội 3 do Đại Úy Phạm Châu Tài chỉ huy, sẽ tiến quân từ hướng Đông và Đại Đội 2 do Đại Úy Nguyễn Sơn chỉ huy, phối hợp cùng hai Toán Thám Sát do Thiếu Úy Lê Văn Lợi chỉ huy, sẽ tiến quân từ hướng Nam, tất cả lợi dụng vào nửa đêm trời tối, âm thầm, kín đáo bò sát lên đỉnh đồi, nằm ém quân tại chỗ, đợi cho đến khi trời vừa hừng sáng, sau khẩu lệnh xung phong của Đại Úy Sơn, tất cả đã đồng loạt nổ súng xối xả, tấn công vào các pháo tháp, hầm trú ẩn của địch quân, bọn địch dù đông, công sự phòng thủ vững chắc, nhưng quá bất ngờ, không kịp trở tay trước lối đánh thần tốc, táo bạo của Biệt Cách Dù, nên một số đã bị sát hại, số còn lại vừa định thần đã phản ứng chống trả, nhưng không ngăn cản được quyết tâm tái chiếm đồi Đồng Long của các Chiến sĩ Biệt Cách Dù, cuối cùng chúng cũng đã bị tiêu diệt, hay đã phải buông súng đầu hàng.

Hai Toán Thám Sát đã không chậm trễ, khai triển đội hình công hãm và thanh toán cứ điểm cuối cùng của địch trên chóp đỉnh, bốn tên địch quân ngoan cố cầm cự trong tuyệt vọng, để rồi phải phơi thây thảm khốc. Thiếu Úy Lợi và các Toán viên đã mừng rơi nước mắt, cùng cầm Quốc Kỳ Việt Nam Cọng Hòa cắm xuống ngay trên đỉnh Đồi Đồng Long.” 41

Với việc tái chiếm đồi Đồng Long, thị trấn An Lộc có thể xem như đã được giải tỏa.  Ngày 16-6-1972, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III, đã bay lên An Lộc và thăng cấp Đại Tá tại mặt trận cho Trung Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.42 

Tu thu An Loc 13 

Nghĩa trang tạm do chính các chiến sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đích thân thực hiện cho    các đồng đội đã ngả xuống trong thời gian trận đánh còn đang diễn ra ác liệt.

(Nguồn: Tàn cơn binh lửa (10): An Lộc Địa của Lê Đắc Lực)

Tu thu An Loc 14

Nghĩa trang xây lại sau trận đánh cho các tử sĩ của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù tại An Lộc

(Nguồn: cùng một nguồn với ảnh trên)

Chính tại đây, trên bia chung của nghĩa trang, đã ghi lại hai câu thơ của cô giáo Nguyễn Thị Pha của Thị trấn An Lộc đã đi vào lịch sử của Miền Nam:

An Lộc địa sử ghi chiến tích

Biệt Cách Dủ vị quốc vong thân

Về phía Nam, việc giải tỏa Quốc Lộ 13 từ Chơn Thành lên An Lộc gặp khó khăn hơn rất nhiều vì các chốt chặn của Công Trường 7 cắt đứt nhiều đoạn giữa Lai Khê – Chơn Thành, và giữa Chơn Thành – Tân Khai, như có thể thấy trong tấm ảnh bên dưới đây:

 Tu thu An Loc 15

Bản đồ Quốc Lộ 13 với các “chốt” của Công Trường 7 giữa Lai Khê và Tân Khai           

Sau buổi họp ngày 6-4-1972 tại Dinh Độc Lập, Sư Đoàn 21 BB, với Tư Lệnh là Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, 43 được lệnh di chuyển ngay từ Vùng IV lên tăng viện cho Vùng III.  Toàn bộ Sư Đoàn đã có mặt tại Lai Khê từ ngày 12-4 và phân ra đóng quân như sau: 1) Trung Đoàn 31 ở khu vực Ấp Suối Tre; 2) Trung Đoàn 32 ở phía Nam Chơn Thành; 3) Trung Đoàn 33 ở phía Bắc Lai Khê; và 4) Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh ngay tại Lai Khê.

Với quyết tâm khóa chặt Quốc Lộ 13 từ Lai Khê lên An Lộc, ngăn chận không cho Sư Đoàn 21 BB tiến lên tăng viện và giải vây cho An Lộc, các đơn vị của 2 Trung Đoàn 165 và 209, thuộc Công Trường 7 (từ giữa tháng 5-1972 có thêm một số đơn vị của Công Trường 9 tăng viện) đã đặt rất nhiều chốt chặn khiến cho Sư Đoàn 21 BB đã gặp rất nhiều khó khăn, phải đánh nhiều trận lớn dọc theo Quốc Lộ 13 trong 3 tháng 4-5-6/1972 (xem bản đồ bên trên).  Cả 2 bên đều bị thiệt hại nặng với số thương vong rất cao: 1) về phía Sư Đoàn 21 BB, tính đến ngày 26-5-1972, trên quân số 12.000, số thương vong đã đạt đến khoảng 50%, trong đó có 1 sĩ quan cao cấp là Đại Tá Trương Hữu Đức (truy thăng Chuẩn Tướng), Chiến Đoàn Trưởng, Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 52, tử trận tại Chơn Thành vì trúng đạn của Cộng quân khi đang bay trực thăng chỉ huy ; 2) về phía Cộng quân, nhiều đại đội (quân số thường khoảng 150-200) của Trung Đoàn 209 chỉ còn 10 người.44   Từ giữa tháng 5-1972, với tình hình Sư Đoàn 21 gặp khó khăn lớn trên Quốc Lộ 13, Trung Đoàn 15, thuộc Sư Đoàn 9 BB (Trung Đoàn Trưởng là Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn 45), được lệnh di chuyển từ Vùng IV lên tăng viện cho Sư Đoàn 21.

Tân Khai là một xã cách An Lộc về phía Đông Nam độ 9 km với địa thế trống trải không thuận lợi cho việc đặt các chốt chặn nên Cộng quân không đóng quân ở đó.  Nhận ra lợi điểm này, ngày 15-5, Trung Tướng Minh cho thành lập một Chiến Đoàn Đặc Nhiệm (Task Force) dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Cẩn, gồm Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh, 1 tiểu đoàn bộ binh lấy từ Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 BB, và Pháo Đội C gồm 3 khẩu 105 ly lấy từ Tiểu Đoàn 93 Pháo Binh.  Chiến Đoàn này đi vòng, bỏ qua chốt chặn của Cộng quân tại Suối Tàu Ô, tiến lên chiếm Tân Khai.  Cùng lúc một tiểu đoàn thứ hai, cũng của Trung Đoàn 15, Sư Đoàn 9, được trực thăng vận lên một địa điểm cách Tân Khai khoảng 1,5 km về phía Đông, lục soát, bảo vệ an ninh để chuẩn bị cho các đợt chuyển quân kế tiếp lên Tân Khai.  Các ngày kế tiếp, các đơn vị còn lại của Trung Đoàn 15 được trực thăng vận lên Tân Khai, cùng lúc với các trực thăng Chinook của Không Quân VNCH và trực thăng Sikorsky của Hoa Kỳ mang các cổ đại bác 105 ly và 155 ly để thiết lập căn cứ hỏa lực Long Phi tại Tân Khai với nhiệm vụ yểm trợ cho An Lộc.  Đến ngày 18-5, Trung Đoàn 15 đã hoàn toàn kiểm soát được khu vực chung quanh căn cứ hỏa lực Long Phi tại Tân Khai

Nhận ra sơ hở để mất Tân Khai, Cộng quân lập tức phản công.  Sáng ngày 20-5, Trung Đoàn 141 của Công Trường 7, có chiến xa yểm trợ, lập tức tấn công căn cứ hỏa lực Tân Khai.  Cuộc giao tranh tại Tân Khai kéo dài cả mấy tuần lễ và mang lại thương vong rất cao cho cả 2 phe.

Sáng ngày 4-6-1972, Tiểu Đoàn 6 Dù, sau khi đã bổ sung quân số và tái trang bị, được trực thăng vận lên Tân Khai, cùng với các tiểu đoàn của Trung Đoàn 15, chia làm 2 cánh, hành quân giải tỏa Quốc Lộ 13 từ Tân Khai lên An Lộc.  Sau 4 ngày chiến đấu ác liệt, Tiểu Đoàn 6 Dù đã nhổ xong được hết tất cả các chốt của Công Trường 7, và:

“đúng 17 giờ 15 ngày 8 tháng 6, Đại Úy Ngô Xuân Vinh, Đại Đội Trưởng Đại Đội 62, đứng lên mặt đường nhựa, ngã ba vào xã Thanh Bình (đồn điển Xa Cam), bắt tay với Đại Úy Trương Ngọc Ni, Đại Đội Trưởng 81 Nhảy Dù, đơn vị cực Nam của An Lộc, để đánh dấu một chiến thắng quan trọng ngày giải tỏa AN LỘC.” 46

Việc liên kết được giữa hai tiểu đoàn Dù, cũng như giữa các đơn vị của Trung Đoàn 15 với các đơn vị phòng thủ phía Nam của An Lộc, khởi đầu cho việc giải tỏa hoàn toàn An Lộc.  Vòng đai phòng thủ An Lộc được mở rộng, các phi vụ trực thăng đã có thể đáp an toàn để thực hiên các công tác tải thương, tiếp tế, thay quân cho An Lộc.  Ngày 13-6, Trung Đoàn 48 thuộc Sư Đoàn 18 BB được trực thăng vận từ Lai Khê lên An Lộc để bắt đầu thay thế cho các đơn vị đã bị thiệt hại quá nặng và quá mệt mõi, gần như kiệt sức, của Sư Đoàn 5 BB.  Ngày 17-6, các đơn vị của Trung Đoàn 48 đã hành quân, tiến chiếm các ngọn đồi ở phía Nam An Lộc và, từ các vị trí cao điểm thuận lợi này, đã hướng dẫn cho các phị tuần không quân Mỹ-Việt oanh kích các vị trí còn sót lại của Cộng quân ở phía Bắc và phía Tây của thị trấn.  Nhờ vậy Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân đã chiếm lại được toàn bộ phía Bắc của An Lộc, và Trung Đoàn 7 của Sư Đoàn 5 cũng đã chiếm lại được phần phía Tây của An Lộc mà Cộng quân đã chiếm giữ từ ngày 11-5.47 Mặc dù vẫn còn những vụ pháo kích lẻ tẻ của Cộng quân vào thị trấn, với An Lộc đã trở thành bình địa, nhưng toàn bộ thị trấn đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của các đơn vị QLVNCH.

Tu thu An Loc 16

Không ảnh cho thấy Thị trấn An Lộc đã trở thành bình địa

Ngày 18-6, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III, sau khi cùng với Cố Vấn Trưởng là Thiếu Tướng Hollingsworth bay lên An Lộc trước đó 2 ngày, đã tuyên bố là cuộc bao vây An Lộc của Cộng quân đã bị bẻ gảy hoàn toàn.  Ngày 24-6, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và Lữ Đoàn 1 Dù được lệnh rời khỏi An Lộc để ra Vùng I tăng viện cho mặt trận Quảng Trị.

Ngày 7-7-1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đích thân bay vào An Lộc, thăm viếng, ủy lạo, gắn huy chương và thăng cấp tại mặt trận cho một số các vị chỉ huy lực lượng phòng thủ An Lộc.  Đồng thời, ông cũng ra quyết định, lần đầu tiên trong lịch sử của QLVNCH, thăng lên một cấp cho tất cả mọi quân nhân đã có mặt tại đây trong thời gian cuộc tử thủ diễn ra.

Tu thu An Loc 17

Ảnh chụp ngày 7-7-1972 khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm An Lộc

Từ trái qua phải: Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III, Đại Tá Bùi Đức Điềm, Phụ Tá Hành Quân Sư Đoàn 5 BB, Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, và Đại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long.

 

Thay Lời Kết   

Trận An Lộc, diễn ra trong 3 tháng 4-5-6 năm /1972 với cường độ ác liệt chưa từng có trước đó, đã kết thúc với chiến thắng anh dũng, oai hùng, và rất đáng được ca ngợi của các đơn vị của QLVNCH đã tử thủ tại đó.  Cả 2 phe lâm chiến đều phải trả một giá rất đắt với tỷ lệ thương vong rất cao và thiệt hại về chiến cụ rất lớn.  Điều đau thương nhứt của trận đánh này là thiệt hại về nhân mạng và tài sản vô cùng lớn lao của người dân địa phương bị kẹt lại tại An Lộc trong suốt thời gian của trận chiến, thể hiện qua câu chuyện nhỏ rất thương tâm và kinh hoàng sau đây của hai bé gái đã sống sót qua suốt thời gian của trận đánh:

“Để chuẩn bị cho cuộc tấn công tái chiếm Đồi Đồng Long, trong lúc khai triển đội hình khi đến gần chân đồi với đầy dẫy cây rừng hoang dại, các Chiến Sĩ Đại Đội 2 Biệt Cách Dù đã phát hiện một căn hầm, nằm khuất lấp dưới những tấm ván gỗ và những cỏ cây xác xơ vì bom đạn.  Các Binh sĩ áp sát đến miệng hầm, họ nghe vài ba tiếng động sột soạt nhỏ phát ra từ bên trong. Rất thận trọng, họ chưa vội nổ súng hay tung lựu đạn mà chỉ phát lời kêu gọi đầu hàng, đồng thời cấp báo ngay về Bộ Chỉ Huy Hành Quân, Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn ra lệnh Đại Úy Sơn cho Binh sĩ quan sát kỹ càng, có thể là địch quân mà cũng có thể là đồng bào, nhưng bất kể họ là ai, với hơn hai tháng chiến trận xảy ra nơi đây, không lương thực, nước uống, thì đâu còn sức đề kháng để chống cự, phải tìm mọi cách đưa họ ra khỏi căn hầm đó.  Và thật không thể tưởng tượng được, chỉ vài ba phút sau đó, có hai em bé gái khoảng chừng 6, 7 tuổi bò ra, trên người chỉ còn những mảnh vải rách nát, tả tơi che thân, đất bùn, ghét bẩn bám đen xì trên thân thể khô cằn, còm cỏi, chỉ còn da bọc xương, hai mắt sâu hoắm trên một khuôn mặt hốc hác, ngây dại, thờ thẩn, giọng nói khàn đục, thiểu não, nhìn hai bé chẳng khác gì hai bộ xương biết đi, thật quá đổi thương tâm, đau lòng, không ai có thể cầm được nước mắt.

Trung Tá Chỉ Huy Trưởng đã mang hai bé về Bộ Chỉ Huy Hành Quân và giao cho Ban Quân Y của Bác Sĩ Nguyễn Thành Châu khám nghiệm, chữa trị, chăm sóc cho đến khi hai bé tạm bình phục và hai bé đã kể lại mọi sự việc như sau: “Hai cháu tên là Hà Thị Loan và Hà Thị Nở, con của Trung Sĩ Hà Văn Hiến, phục vụ tại Tiểu Khu. Khi Việt cọng tấn công, pháo kích vào An Lộc, Mẹ cỏng em trai 4 tuổi và đắt hai cháu chạy giặc, thì bất ngờ Mẹ bị trúng đạn pháo chết ngay tại chổ, em trai bị thương nặng ở chân.  Chúng cháu liền cỏng em trai chạy xuống ẩn trú trong một cái hầm kế cận chân đồi Đồng Long, trong đêm hôm đó em trai cháu chết, qúa khó khăn để chôn cất, nên chúng cháu để xác em trai nằm bên cạnh cho đến thối rửa chỉ còn bộ xương.  Chúng cháu trốn ở đó suốt hơn hai tháng, lúc đầu may nhờ có một số cơm gạo sấy của ai bỏ lại đã ăn dần, về sau ăn sống luôn mấy con gà con lạc mẹ đang trốn chung trong hầm.  Cạn kiệt lương thực, đói qúa ban đêm khi không còn nghe tiếng đạn pháo kích, thì mò ra khỏi hầm kiếm rau cỏ mà ăn.  May nhờ đến ngày hôm nay được các bác tìm thấy mà cứu sống các cháu.” 48

 

Ghi Chú:

  1. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy. Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  San Jose, Calif.: Hương Quê, 2011.  175-176.  Trung Tướng Nguyển Văn Minh, sinh tháng 2-1929 tại Sài Gòn, tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy Khóa 4 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt vào ngày 1-12-1951.  Ông có biệt danh là “Minh đờn” vì lúc chưa nhập ngữ ông thường đi đờn cho các vũ trường ở Sài Gòn.  (QLVNCH có tất cả 4 vị Tướng mang tên Minh với biệt danh như sau: 1) Đại Tướng Dương Văn Minh là Minh Cồ vì to con; 2) Trung Tướng Trần Văn Minh là Minh Nhỏ; 3) Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân, là Minh Đù, vì hay chưởi thề; và 4) Trung Tướng Nguyễn Văn Minh là Minh Đờn).  Trong thời gian Đệ Nhứt Cộng Hòa, ông thường đãm nhận các chức vụ hành chánh như Quận Trưởng Đức Hòa (1956?-1958), Tỉnh Tưởng An Giang (1959-1963).  Ngày 21-3-1965, đang mang cấp bậc Đại Tá, ông được bổ nhiệm Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh; ngày 1-11 cùng năm ông vinh thăng Chuẩn Tướng.  Năm 1968, lúc đang mang cấp bậc Thiếu Tướng, ông được bổ nhiệm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô.  Ngày 23-2-1971, ông được bổ nhiệm Tư Lệnh Vùng III, thay Tướng Đỗ Cao Trí tử nạn trực thăng.  Nói chung, các chức vụ ông được bổ nhiệm phần lớn là vì chính trị.  Ông không phải là một tướng có nhiều kinh nghiệm chiến trường.
  2. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy. sđd, tr. 384-388. Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng sinh ngày 27-3-1933 tại Hóc Môn, tỉnh Gia Định, tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy, Khóa 5 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào ngày 1-2-1955.  Khác với Tướng Nguyễn Văn Minh, ông là một sĩ quan tác chiến, từng nắm giữ các chức vụ Trung Đội Trưởng, Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Trường, Trung Đoàn Trưởng, và nhiều lần thăng cấp đặc cách tại mặt trận.  Ngày 14-6-1971, đang mang cấp bậc Đại Tá, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB.  Và ngày 9-3-1972, nhân dịp lễ kỷ niệm thứ 17 ngày thành lập Sư Đoàn 5 BB, ông được vinh thăng Chuẩn Tướng do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (cũng là một cựu Tư Lệnh của Sư Đoàn 5 BB) đích thân gắn cấp bậc Chuẩn Tướng cho ông.  Ngày 30-4-1975, với cương vị Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV, ông tuẩn tiết bằng súng lục vào lúc 20 giờ 45 tại tư dinh ở Cần Thơ.
  3. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy. sđd, tr. 463-465. Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, sinh ngày 22-8-1933 tại Sơn Tây, tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy, Khóa 2 Lê Lợi, Trường Võ Bị Địa Phương Huế ngày 1-10-1951.  Khởi nghiệp từ Binh chũng Nhảy Dù, sau chuyển sang Bộ Binh và lần lượt giữ các chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng, rồi Trung Đoàn Trưởng của Trung Đoàn 8 thuộc Sư Đoàn 5 BB.  Từ giữa năm 1971, ông là Đại Tá Tư Lệnh Phó của Sư Đoàn 5 BB.  Ngày 7-11-1973, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB.  Ngày 1-11-1974, ông vinh thăng Chuẩn Tướng.  Trưa ngày 30-4-1975, ông dùng súng lục tuẩn tiết tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB.
  4. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy, sđd, tr. 454-456. Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, sinh tháng 3-1936 tại Bạc Liêu, tốt nghiệp Khóa 12 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt với cấp bậc Thiếu Úy ngày 2-12-1956.  Ngày 1-3-1972, với chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8, Sư Đoàn 5 BB, ông vinh thăng Đại Tá.  Tháng 11-1974, ông được bổ nhiệm Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB.  Ngày 26-4-1975, ông vinh thăng Chuẩn Tướng.  Sau 1975, ông bị học tập cải tạo 17 năm ở Miền Bắc.  Hiện dịnh cư tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.
  5. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy, sđd, 417-419. Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, sinh ngày 17-12-1935 tại Sài Gòn, tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy, Khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt ngày 1-6-1954.  Ông đã từng giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), Tư Lệnh Phó kiêm Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn TQLC, và Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 48, Sư Đoàn 18 BB trước khi được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long vào tháng 1-1970.  Ngày 7-7-1972, sau chiến thắng An Lộc, ông thăng Đại Tá thực thụ.  Ngày 27-8-1972, ông đươc cử làm Tư Lệnh Sư Đoàn 2 BB, và ngày 1-11-1972 ông vinh thăng cấp Chuẩn Tướng.  Sau năm 1975, ông định cư tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.
  6. Trận An Lộc 93 ngày đêm tử chiến. Phần 3: hồi ký của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường.  Tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.saigonhdradio.com/index.php?option=com_content&view=article&id=823:trn-an-lc-93-ngay-em-t-chin-phn-th-3&catid=88:an-lc-s&Itemid=118
  7. Willbanks, James H. The Battle of An Loc.  Bloomington: Indiana University Press, 2005.  17.  Tác giả ghi như sau: “A subset of Giap’s strategy called for a Communist Provisional Revolutionary Government to be established in An Loc as a precursor for the assault on Saigon.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Một phần của chiến lược của ông Giáp là kêu gọi thành lập một Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Sản tại An Lộc như một bước đầu đề tiến đánh Sài Gòn.”)
  8. Andradé, Dale. America’s last Vietnam battle: halting Hanoi’s 1972 Easter Offensive.  Lawrence: University Press of Kansas, 2001.  344, tác giả viết như sau: “Beginning in February 1972, U.S. intelligence stressed that Tay Ninh was the most likely target of a North Vietnamese offensive on the region.”  Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Vào đầu tháng 2-1972, tình báo Hoa Kỳ nhấn mạnh là Tây Ninh sẽ là mục tiêu của một cuộc tấn của quân Bắc Việt trong vùng.”)
  9. Trận An Lộc 93 ngày đêm tử chiến, Phần 3: hồi ký của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, tài liệu trực tuyến đã dẫn bên trên.
  10. Willbanks, James H., sđd, tr. 44-45.
  11. Willbanks, James H., sđd, tr. 55-61.
  12. Trận An Lộc 93 ngày đêm tử chiến, Phần 3: hồi ký của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, tài liệu trực tuyến đã dẫn bên trên.
  13. Trận An Lộc 93 ngày đêm tử chiến. Phần 3: hồi ký của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, tài liệu trực tuyến đã dẫn bên trên.  Sách của hai tác giả Mỹ đã trích dẫn đều ghi rằng Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh đã ra hàng địch.  Điều này chắc chắn đã dựa vào lời kể lại của các cố vấn Mỹ sống sót sau trận Lộc Ninh (họ đã bị bắt làm tù binh và được trao trả lại cho Hoa Kỳ sau khi Hiệp Định Paris được ký kết vào ngày 27-1-1973).  Nhưng điều này khó tin vì các lý do sau đây: 1) Đại Tá Vĩnh cũng đã được trao trả cho VNCH sau Hiệp Định Paris; 2) Sau khi An Ninh Quân Đội của QLVNCH điều tra rõ sự việc, ông đã được phục hồi cấp bậc cũ và được bổ nhiệm làm Quân Vụ Trưởng Quân Vụ Thị Trấn tại Sài Gòn cho đến ngày 30-4-1975: 3) Sau năm 1975, ông bị đi cải tạo cho đến năm 1988 mới được thả về; 4) Ông sang Hoa Kỳ theo diện HO năm 1993, sống tại Nam California cho đến khi qua đời vào ngày 23-2-2017, hưởng thọ 90 tuổi.  Xin xem thêm hai tài liệu trực tuyến sau đây:  http://nguyentin.tripod.com/dt_nguyencongvinh.htm và  https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/tuong-nho-co-dai-ta-nguyen-cong-vinh/
  14. Willbanks, James H., sđd, tr. 54.
  15. Nguyễn Quốc Khuê. Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân với trận chiến An Lộc – Bình Long, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/ccb-t4-lien-doan-3-biet-dong-quan-voi-tran-chien-loc-binh-long/   Liên Đoàn 3 BĐQ do Trung Tá Nguyễn Văn Biết làm Liên Đoàn Trưởng, gồm có 3 tiểu đoàn: 1) Tiểu Đoàn 31 do Thiếu Tá Trương Khánh làm Tiểu Đoàn Trưởng; 2) Tiểu Đoàn 36 do Thiếu Tá Tống Viết Lạc làm Tiểu Đoàn Trưởng; và 3) Tiểu Đoàn 52 do Thiếu Tá Lê Quý Dậu làm Tiểu Đoàn Trưởng.
  16. Ngô Quang Trưởng. The Easter Offensive of 1972.  Washington, D.C.: US Army Center of Military History, 1980.  116-117.
  17. Trận An Lộc 93 ngày đêm tử chiến, Phần 3: hồi ký của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, tài liệu trực tuyến đã dẫn bên trên.
  18. Willbanks, sđd, tr. 79.
  19. Nguyễn Văn Dưỡng. Tướng Lê Văn Hưng tuyên bố “tử thủ An Lộc,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://dongsongcu.wordpress.com/2017/09/06/tuong-le-van-hung-tuyen-bo-tủ-thủ-an-lọc/
  20. Vũ Văn Bảo. QLVNCH: Phi Đoàn 237 CH-47A Chinook,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://chauxuannguyen.org/2016/03/18/qlvnch-phi-doan-237-ch-47a-chinook-vu-van-bao/
  21. Nguyễn Văn Dưỡng. Inside An Lộc: the battle to save Saigon, April – May 1972 / Van Nguyen Duong with Nghia M. Vo.  Jefferson, N.C.: McFarland, 2016.  98-99.  Trong thời gian trận An Lộc, tác giả là Thiếu Tá, Trưởng Ban 2 (Tình báo) của Sư Đoàn 5 BB.  Ông thăng cấp lên Trung Tá khi trận An Lộc chấm dứt.  Ông cũng là bạn đồng khóa 5 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức với Tướng Hưng.
  22. Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”: những điều chưa biết về “pháo đài chiến lược” B-52 của Không Quân Mỹ, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://thethaovanhoa.vn/the-gioi/nhung-dieu-chua-biet-ve-phao-dai-chien-luoc-b52-cua-khong-quan-my-n20121218112605556.htm
  23. Andradé, Dale, sđd, tr. 396-397.
  24. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy, sđd, tr. 404-407. Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, sinh tháng 8-1932 tại tỉnh Bình Dương, tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy Khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào tháng 7-1954.  Tình nguyện vào Binh chũng Nhảy Dù, và lần lượt nắm giữ các chức vụ chỉ huy từ Trung Đội Trưởng, Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, và Lữ Đoàn Trưởng, trước khi thăng lên cấp Chuẩn Tướng và làm Tư Lệnh Sư Đoàn Dù vào ngày 1-11-1972.  Sau năm 1975, ông định cư tại thành phố Bakerfield, tiểu bang California, Hoa Kỳ.  Ông mất ngày 21-9-2005 tại nơi định cư, hưởng thọ 73 tuổi.
  25. Nguyễn Văn Dưỡng, Inside An Lộc, sđd, tr. 107-111.
  26. Nguyễn Văn Ức. Phi Đoàn 221 trực thăng, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://hung-viet.org/a21141/phi-doan-221-truc-thang  Thiếu Tá Nguyễn Văn Ức về sau thăng cấp lên Trung Tá và được bổ nhiệm vào chức vụ Không Đoàn Phó Không Đoàn 64 Chiến Thuật, thuộc Sư Đoàn 4 Không Quân ở Cần Thơ.
  27. Vương Hồng Anh. Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù ở Bình Long 1972, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://ongvove.wordpress.com/2012/03/05/l%E1%BB%AF-doan-1-nh%E1%BA%A3y-du-%E1%BB%9F-binh-long-1972/
  28. Đại Tá Phan Văn Huấn / Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://conhungnguoianh.blogspot.ca/2012/03/ai-ta-phan-van-huan-lien-oan-81-biet.html
  29. Ngô Quang Trưởng, sđd, tr. 123.
  30. Vương Hồng Anh, tài liệu đã dẫn.
  31. Willbanks, sđd, tr. 99.
  32. Trận An Lộc 93 ngày đêm tử chiến, Phần 3: hồi ký của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, tài liệu trực tuyến đã dẫn bên trên.
  33. Willbanks, sđd, tr. 98.
  34. Nguyễn Quốc Khuê. Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân với trận chiến An Lộc – Bình Long, tài liệu trực tuyến đã dẫn bên trên,
  35. Willbanks, sđd, tr. 104.
  36. Trận An Lộc 93 ngày đêm tử chiến, Phần 3: hồi ký của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, tài liệu trực tuyến đã dẫn bên trên.
  37. Andradé, Dale, sđd, tr. 432.
  38. Trận An Lộc 93 ngày đêm tử chiến, Phần 3: hồi ký của Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, tài liệu trực tuyến đã dẫn bên trên.
  39. Andradé, Dale, sđd, tr. 432.
  40. Andradé, Dale, sđd, tr. 434.
  41. Lê Đắc Lực. Tàn cơn binh lửa (10): An Lộc Địa, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vantuyen.net/2014/11/10/le-dac-luc-tan-con-binh-lua-10-an-loc-dia/
  42. Phạm Châu Tài. Trận An Lộc 93 ngày đêm tử chiến.  Kỳ 15: An Lộc, chiến trường đi không hẹn, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://saigonhdradio.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1211:trn-an-lc-93-ngay-em-t-chin-k-15&catid=88:an-lc-s&Itemid=118
  43. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy, sđd, tr. 181-182. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, sinh tháng 10-1932 tại Gia Định, tốt nghiệp Khóa 5 Trường Võ Bị Liên Quân Đà lạt với cấp bậc Thiếu Úy vào ngày 24-4-1952.  Ông thăng cấp Thiếu Tá ngày 1-1-1955 và làm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 21 BB.  Ông thăng cấp Đại Tá tháng 2-1966, và ngày 16-3-1968 ông được cử làm Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB. Ông thăng cấp Chuẩn Tướng ngày 16-9-1969 và cấp Thiếu Tướng ngày 16-9-1970.  Ngày 3-5-1972, ông bàn giao Sư Đoàn 21 BB cho Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Dù và ngày hôm sau, 4-5-1972, ông được cử làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV thay thế Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đi làm Tư Lệnh Quân Đoàn I.  Ngày 1-3-1974, ông vinh thăng Trung Tướng.  Ngày 1-11-1974, ông bàn giao chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn IV cho Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam và đi làm Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức.  Cuối tháng 3-1975, ông được cử làm Tư Lệnh Phó kiêm Tư Lệnh Tiền Phương cho Quân Đoàn III tại Phan Rang.  Ông bị Cộng quân bắt làm tù binh tại đây vào tối ngày 16-4-1975 cùng với Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân.  Ông bị giam trong trại cải tạo cho đến 1988 mới được thả về, và đã đi định cư tại Hoa Kỳ, theo diện HO, từ 1992.
  44. Willbanks, sđd, tr. 134.
  45. Hồ Ngọc Cẩn (đại tá), tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_Ng%E1%BB%8Dc_C%E1%BA%A9n_(%C4%91%E1%BA%A1i_t%C3%A1)#Qu%C3%A2n_l%E1%BB%B1c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn là một trong số rất hiếm những sĩ quan cao cấp của QLVNCH đã từng là Binh Nhì thăng dần lên đến cấp Đại Tá.  Chức vụ cuối cùng là Tỉnh Trưởng Chương Thiện.  Sau ngày 30-4-1975, ông vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi bị quân CS bắt được.  Ông bị CS xử bắn vào ngày 14-8-1975 tại sân vận động Cần Thơ.  Lúc đó ông mới được 37 tuổi.
  46. Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://nhaydu.com/index_83hg_files/main_files/TieuSu-TDND/TS-TD6ND.pdf
  47. Willbanks, sđd, tr. 142.
  48. Lê Đắc Lực. Tàn cơn binh lửa (10): An Lộc Địa, tài liệu trực tuyến đã dẫn.

 

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Từ khóa » Hình ảnh An Lộc 1972