Tư Tưởng Của V.I.LêNin Về Cương Lĩnh Chính Trị

Mỗi bản Cương lĩnh (cũng như nhiều tác phẩm lý luận khác) đều là sản phẩm nhận thức của một thời kỳ lịch sử cụ thể; so với ngày nay có thể có những điểm đã bị thực tiễn vượt qua. Ðiều quan trọng là Ðảng ta đã nhận ra, thẳng thắn tự phê bình và nghiêm túc sửa chữa, khắc phục có kết quả, thường xuyên tổng kết thực tiễn, kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm đã có, phát triển những di sản tư tưởng lý luận đã tích luỹ được; đồng thời tiếp thu, bổ sung những giá trị và nhận thức mới, để không ngừng hoàn thiện quan điểm, đường lối chính trị của Đảng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng.

Cương lĩnh chính trị là cơ sở để xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác của Đảng qua từng thời kỳ cách mạng. Chính sự đúng đắn của cương lĩnh sẽ định hướng cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, động viên, khích lệ giai cấp công nhân trước những bước ngoặt khó khăn, dự báo những khó khăn thách thức để có sự chuẩn bị làm tăng bản lĩnh của người cộng sản. Chính điều đó làm cho cương lĩnh trở thành cơ sở tư tưởng, lập trường chính trị, bản lĩnh cách mạng để đoàn kết những người cộng sản đấu tranh cho mục tiêu đã đề ra. Hơn thế nữa, cương lĩnh còn là cơ sở để vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân đi theo Đảng làm cách mạng. Cương lĩnh như lời hiệu triệu: “Đảng cộng sản quốc tế vạch ra cho những người lao động và bị bóc lột khác thấy rõ hoàn cảnh không có lối thoát của họ trong xã hội tư bản và sự cần thiết phải làm cách mạng xã hội để tự giải phóng mình khỏi ách tư bản. Đảng của giai cấp công nhân, tức đảng cộng sản, kêu gọi tất cả mọi tầng lớp nhân dân lao động và bị bóc lột tác thành quan điểm của giai cấp vô sản, hãy gia nhập hàng ngũ của đảng”. Những quan điểm nêu trong cương lĩnh rất chặt chẽ, lôgic, khúc chiết, ngắn gọn nhưng đã vạch rõ đường đi nước bước cho một giai cấp thực hiện sứ mệnh cao cả là giải phóng con người thoát khỏi những áp bức, bất cộng. Chúng ta có thể khẳng định rằng: cương lĩnh đã trở thành cái không thể thiếu được trong quá trình hoạt động cách mạng và là yêu cầu khách quan đối với sự tồn tại và phát triển của đảng cộng sản. Chính vì vậy trong quá trình xây dựng đảng, Lênin rất chú tâm đến việc xây dựng cương lĩnh của Đảng.

Theo Lênin, cương lĩnh của Đảng cộng sản phải gắn với thực tiễn cuộc sống, chỉ rõ mục đích, trách nhiệm của Đảng ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Lênin khẳng định: “Cương lĩnh của chúng ta, nếu muốn được chính xác, thì phải nói được đúng tình hình thực tế”. Lênin cũng nhắc nhở ở thời kỳ quá độ thì yếu tố thực tế càng phải được chú ý vì chúng ta sẽ không tránh khỏi được cái thực tế phức tạp ấy, cái thực tế do nhiều thành phần không thuần nhất cấu tạo ra đó, ta không thể vứt nó đi được, dù cho nó chẳng đẹp đẽ gì chăng nữa.

Cương lĩnh của Đảng trong từng giai đoạn phải dựa trên cơ sở nội dung của nghị quyết đại hội để đưa ra và thông qua đại hội thường kỳ. Bên cạnh đó cương lĩnh phải được xây dựng trên cơ sở khoa học. Nó phải giải thích cho quần chúng rõ cách mạng cộng sản xảy ra như thế nào, tại sao nó nhất định xảy ra, ý nghĩa của nó, thực chất và sức mạnh của nó ra sao, nó phải giải quyết cái gì. Lênin khẳng định cương lĩnh phải có lý luận cách mạng và khoa học soi đường nền tảng lý luận xácxít. Nó giúp cho người cộng sản có tầm nhìn chiến lược, một nhận thức đúng đắn để hướng cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành thắng lợi. Gắn với thực tiễn như trở thành một phương châm, đồng thời cường lĩnh mới ra đời cũng phải gắn kết với cương lĩnh cũ trên cơ sở cải tiến, bổ sung, Lênin chỉ đạo: “Từ nay cương lĩnh của chúng ta sẽ được thảo ra, ít dựa vào sách vở mà dựa nhiều vào thực tiễn, xuất phát từ kinh nghiệm của chính quyền xô viết. Vì thế tôi cho rằng điều có lợi cho chúng ta là phải kêu gọi giai cấp vô sản quốc tế, không phải bằng những lời hiệu triệu thiết tha, những lời cổ động trong các cuộc mít tinh hoặc những tiếng la hét, mà là bằng một bản cương lĩnh cụ thể và chính xác của đảng ta”.

Đối với một cương lĩnh ngoài việc chú trọng cơ sở xuất phát, Lênin còn quan tâm nội dung, cách thức diễn đạt của cương lĩnh. Với Lênin, cương lĩnh không chỉ là lời tuyên bố ngắn gọn, rõ ràng, chính xác mà nội dung phải sâu sắc, xác định nhiệm vụ rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm. Trong điều kiện đảng cầm quyền, cương lĩnh xác định: “Trọng tâm là phải nhận định chính xác về những cải tạo kinh tế và những công cuộc cải tạo khác mà Chính quyền xô viết chúng ta đã bắt đầu tiến hành, và kèm theo đó phải có một đoạn trình bày cụ thể những nhiệm vụ cụ thể trước mắt mà Chính quyền xô viết tự đề ra cho mình, những nhiệm vụ này sinh ra do những biện pháp thực tế mà chúng ta thi hành để tước đoạt những kẻ đi tước đoạt”. Song song với những nội dung nhấn mạnh trong cương lĩnh, Lênin còn đưa ra lời cảnh báo nếu đòi đưa vào cương lĩnh của chúng ta những điều mà chúng ta chưa đạt tới, là tỏ ra ngông cuồng, là muốn thoát ly cái thực tế khó chịu đang chứng minh cho chúng ta thấy rằng khi cộng hòa xã hội chủ nghĩa ra đời tại nước khác, thì cơn đau đẻ chắc chắn là còn dữ dội hơn ở nước ta. Ngoài ra, Lênin còn quan tâm việc xây dựng cương lĩnh của Đảng cần mang tính quốc tế. Ông cho rằng muốn cho nó có tính quốc tế, cương lĩnh của chúng ta cấn phải chú trọng đến những yếu tố giai cấp đặc thù về kinh tế đối với tất cả các nước. Nhìn chung, theo Lênin, xây dựng cương lĩnh là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng Cộng sản. Trong tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền xô viết”, Lênin chỉ ra: “Nhiệm vụ thứ nhất của bất kỳ chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”. Cương lĩnh và Đảng Cộng sản có mối quan hệ hữu cơ, một đảng cách mạng chân chính bao giờ cũng đề ra một cương lĩnh khoa học, đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Từ ý nghĩa đó, Lênin đã rất nghiêm túc trong xây dựng cương lĩnh của đảng, đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, cơ hội để bảo vệ cượng lĩnh – kim chỉ nam cho hoạt động của cách mạng, là ngọn đước soi đường cho cách mạng đi đến thành công.

Từ ngày thành lập đến nay, dưới những hình thức và tên gọi khác nhau, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã năm lần ban hành cương lĩnh hoặc những văn bản có tính cương lĩnh:

(1) Chánh cương vắn tắt của Ðảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng (tháng 2-1930) thảo luận, thông qua

(2) Luận cương chánh trị của Ðảng Cộng sản Ðông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10-1930) thảo luận, thông qua

(3) Chính cương Ðảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo và được Ðại hội II của Ðảng (tháng 2-1951) thảo luận, thông qua

(4) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991)

(5) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển 2011)

Điểm lại những nội dung chủ yếu trong các bản Cương lĩnh chính trị của Ðảng từ năm 1930 đến nay, chúng ta nhận thấy: Mỗi bản Cương lĩnh tuy có yêu cầu cụ thể, phản ánh tình hình và phục vụ nhiệm vụ của cách mạng ở mỗi giai đoạn khác nhau, nhưng nhìn tổng thể, các bản Cương lĩnh đều thể hiện rõ ràng, nhất quán quan điểm cơ bản, tư tưởng xuyên suốt của Ðảng ta về mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, phương hướng và phương pháp của cách mạng Việt Nam. Ðó là phải đấu tranh giành lại và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc; xây dựng đất nước ngày càng dân chủ, giàu mạnh; xã hội ngày càng công bằng, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; sánh vai với các nước trong cộng đồng quốc tế.

Trần Như Chung

Tài liệu tham khảo

  1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva. 1979, t.2;
  2. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva. 1979, t.11;
  3. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva. 1979, t.36;
  4. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva. 1979, t.38;
  5. Lê Mậu Hãn: Các cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2009;
  6. GS.TS Nguyễn Phú Trọng: Cương lĩnh chính trị ngọn cờ tư tưởng lý luận chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2010.

Từ khóa » Khái Niệm Cương Lĩnh Chính Trị Là Gì