Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Công Tác Phòng, Chống Tham Nhũng, Lãng Phí
Có thể bạn quan tâm
Chính vì vậy mà chỉ sau hơn một tháng giành được chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám (năm 1945), Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Sao cho được lòng dân” đăng trên Báo Cứu quốc để nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tránh xa các tệ nạn này, nâng cao đạo đức cách mạng, xứng đáng là những người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Các tệ nạn đã nêu trên được Hồ Chí Minh diễn đạt cụ thể là “quan liêu, tham ô, lãng phí”. Hồ Chí Minh đã không sử dụng từ “tham nhũng” mà là “tham ô”. Nhưng về thực chất, tham ô chỉ là một cách diễn đạt dễ hiểu, phổ biến của tham nhũng. Theo Hồ Chí Minh, người mắc tội tham ô được nhìn nhận như loại người đã lạm dụng “cái ô” quyền lực (quyền hạn) được trao - các cán bộ, đảng viên có chức, quyền (chức trách) - để nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân, những người dưới quyền hòng đòi ăn “của đút”, ăn “hối lộ”.
Giữa các tệ nạn này thì tệ quan liêu được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tệ tham ô, lãng phí. Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. Giữa tham ô và lãng phí thì tệ lãng phí có khi lại còn tai hại hơn. Người nêu rõ: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ.
Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí được Hồ Chí Minh nhìn nhận là các loại “giặc” làm hại nhân dân. Người đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”; rằng: “tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân cho nước”. Các tệ nạn này đều là “kẻ thù của nhân dân…. Kẻ thù khá nguy hiểm” và được đẻ ra từ chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù nguy hiểm nhất trong quá trình xây dựng xã hội mới, tiến bộ vì con người.
Chủ nghĩa cá nhân - căn nguyên đẻ ra các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí - chính là do quyền lực được trao của cán bộ, đảng viên có chức trách trong bộ máy nhà nước đã bị tha hóa lại không được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, cùng với các biện pháp loại trừ chúng từ “ngọn” - tức không phải từ căn nguyên (gốc rễ) dẫn tới sự tha hóa đó, Hồ Chí Minh cũng đã luôn trăn trở tìm kiếm các cách thức, phương pháp kiểm soát sự tha hóa đó bằng việc loại trừ chúng từ “gốc” nhằm đạt được hiệu quả hơn trong phòng, chống tệ nạn đó. Theo Người, có một số phương pháp chủ yếu mang tính khả thi để phòng, chống các tệ nạn này như sau:
Thứ nhất, phải dùng “phép luật của nhân dân” để thực hiện phòng, chống các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí.
Vai trò to lớn của pháp luật trong việc phòng, chống các tệ nạn này đã được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”. Theo Người, việc sử dụng pháp luật trong việc phòng, chống các tệ nạn này rất cần phải được coi trọng, được thực thi một cách kịp thời. Có luật pháp rõ ràng, đầy đủ và thực hiện nghiêm minh là cơ sở quan trọng để có thể loại trừ các tệ nạn do chính những người có quyền lực trong bộ máy công quyền gây ra.
Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, nếu không có pháp luật nghiêm minh, việc chống tham ô, lãng phí sẽ rất kém, bởi vì “đảng viên thường xem pháp luật, chính quyền..v..v.. là việc trong nhà”. Người đã thẳng thắn phê bình các khiếm khuyết khi xử lý các vụ việc về quan liêu, tham nhũng, lãng phí không nghiêm theo pháp luật như sau: “Có cán bộ đảng viên lợi dụng quyền thế của Đảng và Nhà nước làm những việc trái với chính sách và pháp luật, xâm phạm đến lợi ích vật chất và quyền tự do dân chủ của nhân dân, nhưng cũng chưa bị xử lý kịp thời….Như vậy là kỷ luật chưa nghiêm”.
Thứ hai, sử dụng phương thức bầu cử dân chủ để thực hiện phòng, chống các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí.
Phòng, chống các tệ nạn này không chỉ cần phải có luật pháp rõ ràng, đầy đủ, thực hiện nghiêm minh mà còn cần phải có cách thức bầu cử đảm bảo dân chủ. Hồ Chí Minh đã coi các công việc tổ chức bầu cử một cách dân chủ là rất quan trọng để tạo ra cơ chế kiểm soát sự tha hóa quyền lực của những người được bầu ra.
Bầu cử theo một quy trình dân chủ kết hợp với luật pháp rõ ràng, nghiêm minh sẽ làm cho những người được bầu ra luôn phải bị giám sát, kiểm soát; họ buộc phải biết nhìn nhận mình, biết chịu trách nhiệm về cương vị đã được nhân dân trao cho. Bầu cử dân chủ có thể được coi là cách thức để bảo đảm thực chất cho nhân dân vừa là “ông chủ nắm chính quyền”, lại vừa có thể kiểm soát được sự tha hóa quyền lực của những người có “chức trách” mà chính họ đã “ủy thác” ra.
Về phương thức bầu cử dân chủ, Hồ Chí Minh đã đưa ra quy trình bãi miễn đại biểu dân cử; đưa ra một số cách thức bầu cử cụ thể trong từng tổ chức của hệ thống chính trị. Chẳng hạn, như trong các cơ quan của bộ máy nhà nước, thì người Chủ tịch Ủy ban hành chính có thể được nhân dân bầu ra trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đại biểu Hội đồng nhân dân; còn trong Đảng, theo Người, việc kiểm soát quyền lực người có chức vụ thể hiện ở việc quần chúng đảng viên “cử hoặc không cử đồng chí nọ hoặc đồng chí kia vào cơ quan lãnh đạo”; đối với các tổ chức quần chúng.
Người cũng đã nêu cụ thể: “Ở quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các ủy ban, các hội đồng..v..v.; đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo”.
Cùng với thực hiện các quy trình bãi miễn đối với những đại biểu dân cử, việc bầu cử bảo đảm dân chủ nói chung có vai trò rất lớn để phòng, chống các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí phát sinh từ loại giặc nội xâm mà sinh thời, Hồ Chí Minh đã cho là rất nguy hiểm. Người đã từng nêu rõ: “Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức mạnh như một viên đạn”.
Thứ ba, sử dụng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và cơ chế kiểm soát quyền lực được trao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người có chức trách trong các tổ chức của hệ thống chính trị nói riêng để thực hiện phòng, chống quan liêu, tham ô, lãng phí.
Theo Hồ Chí Minh, cơ chế kiểm soát như vậy được thực hiện theo hai cách chủ yếu như sau:
Một là, kiểm soát quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức trách từ bên trong nhà nước, tức thiết lập nên tổ chức bộ máy nhà nước hợp lý, khoa học, có thể kiểm soát nội bộ giữa các cơ quan, cá nhân có quyền lực trong bộ máy đó. Đây có thể được coi là cách thức kiểm soát bằng việc xây dựng thể chế nhà nước theo hướng nhà nước pháp quyền, mà ngay từ những năm đi tìm đường cứu nước, Người đã đề nghị với nhà cầm quyền nước Pháp trong Bản Yêu sách của người dân An Nam về vấn đề này. Điều đó còn được thể hiện khá rõ trong bản Hiến pháp năm 1946, khi trong cơ cấu quyền lực của bộ máy nhà nước bao gồm các cơ quan có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tương đối độc lập về mặt tổ chức, thể hiện sự phân quyền theo chiều ngang khá rõ. Trong bộ máy nhà nước này, Đảng được coi là lực lượng “cầm quyền”. Đảng cầm quyền thông qua sự lãnh đạo, quản lý (chỉ đạo, điều hành) trực tiếp của đội ngũ đảng viên giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước.
Đội ngũ đảng viên đó đều phải do nhân dân bầu ra trực tiếp hoặc gián tiếp. Đảng cầm quyền như vậy cũng tức là nhân dân cầm quyền, bởi nhân dân “là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”. Do vậy, việc áp dụng thể chế “Đảng cầm quyền” ở nước ta cũng chính là một phương pháp để có thể kiểm soát được quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước khỏi bị tha hóa.
Ngoài ra, Người còn thiết lập ra một số ban Thanh tra, Tòa án thể hiện tính độc lập như “Ban Thanh tra đặc biệt”, “Tòa án đặc biệt”. Chẳng hạn, Sắc lệnh số 261/SL ngày 28-3-1956 về việc thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, trong đó đã quy định rõ nhiệm vụ của Ban này là “thanh tra việc thực hiện kế hoạch nhà nước, việc sử dụng, bảo quản tài sản nhà nước, chống phá hoại, tham ô và lãng phí”.
Hai là, kiểm soát quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức trách từ bên ngoài nhà nước, tức kiểm soát từ nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp hay gián tiếp như bầu cử, bãi miễn, phê bình, giám sát, bằng các phương tiện truyền thông. Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ: “… chỉ có chế độ của chúng ta mới thật sự phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân, mở rộng dân chủ để nhân dân thật sự tham gia quản lý nhà nước”.
Thứ tư, sử dụng phương pháp “khéo léo” để kiểm soát sự tha hóa quyền lực của những người có chức trách trong hệ thống chính trị thực hiện phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Đây có thể được coi là phương pháp tổng hợp các phương pháp khác nhau, nhưng kết hợp với phương pháp khéo léo, tức sử dụng nghệ thuật lãnh đạo, quản lý trong phòng, chống các tệ nạn này. Hồ Chí Minh đã đúc kết rằng: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Khéo kiểm soát, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Khéo léo trong kiểm tra, kiểm soát tức là thực hiện các công việc này phải dựa trên cơ sở khoa học, có cơ chế chặt chẽ, phương pháp kiểm tra linh hoạt, đa dạng về hình thức như: kiểm tra, giám sát, phê bình và tự phê bình; kết hợp giữa tính giáo dục và răn đe nghiêm khắc, giữa kiểm tra từ dưới lên, từ trên xuống; kiểm tra thường xuyên, định kỳ, bất thường; kiểm tra trực tiếp, gián tiếp, đi đến tận nơi..v..v.
Theo Hồ Chí Minh, sử dụng phương pháp khéo léo để phòng chống các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí được thể hiện rõ nhất trong “khéo” lãnh đạo, quản ý đối với công tác này. Điều đó có nghĩa là, những người lãnh đạo - quản lý (gọi chung là người có chức trách) cần phải biết dám vượt qua những sai lầm, tư duy giáo điều, bỏ đi cái “nếp cũ” và áp dụng những phương pháp “mới” trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Chẳng hạn, như phòng, chống các tệ nạn này bằng cách thực hiện đổi mới thể chế, tăng cường sự minh bạch, hay đảm bảo tôn trọng “sự thật” trong quá trình lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước. Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ: "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ"; hơn nữa: "Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được".
Hiện nay, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở nước ta là vấn đề nổi cộm và “nóng” nhất, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Việc thực hiện phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí theo các phương pháp của Hồ Chí Minh như được phân tích ở trên là có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo đó, để phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí đạt được hiệu quả, rất cần phải đổi mới phương pháp theo hướng loại trừ được căn nguyên từ gốc rễ sinh ra các tệ nạn này. Điều đó đồng nghĩa với việc phải tiếp tục có sự đổi mới thể chế chính trị, xã hội. Thể chế chính trị, xã hội có nhiều bất cập được coi là căn nguyên gốc rễ dẫn đến các tệ nạn này. Ở nước ta hiện nay, thể chế chính trị, xã hội đang được đổi mới cùng với đổi mới về kinh tế.
Thể chế chính trị, xã hội hiện vẫn còn không ít những bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường theo hướng hiện đại. Do vậy, theo chúng tôi, tiếp tục đổi mới thể chế chính trị, xã hội theo hướng tập trung xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và xã hội dân sự cần phải được coi là giải pháp thực hiện từ gốc để đạt được hiệu quả cao trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự khi được xây dựng hoàn chỉnh, thì có thể ví nước ta như một người có thể chế kinh tế thị trường hiện đại đang được hoàn thiện với hai (đôi) “chân” chắc khỏe, cân xứng kết hợp hài hòa giữa “công hữu” và “tư hữu”, lại có thêm đôi "tay" chắc khỏe, cân xứng bao gồm "nhà nước pháp quyền" và "xã hội dân sự" tạo nên "cơ chế" hợp lý trong việc kết hợp hài hòa giữa hai mặt "quyền" và "lợi", tức giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, xung đột, tiêu cực (trở ngại) phát sinh trong quá trình phát triển đi lên của đất nước.
Nói cách khác, Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và xã hội dân sự được xây dựng hoàn chỉnh ở nước ta sẽ chính là cơ chế hiệu quả để kiểm soát sự tha hóa của quyền lực phát sinh từ thể chế kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu dân chủ hóa xã hội, đồng thời trợ giúp những người yếu thế, giải quyết hài hòa về lợi ích giữa các giai tầng, các nhóm, các cá nhân, tạo lập sự công bằng trong xã hội.
Cùng với phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và xã hội dân sự phù hợp với đặc điểm cụ thể ở nước ta chính là các giải pháp thiết thực, hiệu quả, thực hiện một cách đồng bộ cả đổi mới kinh tế và chính trị, xã hội, tạo động lực mới cho đất nước phát triển bền vững để hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013 đã xác định.
Từ khóa » Giải Pháp Phòng Chống Quan Liêu
-
Chống 'bệnh' Quan Liêu - Bộ Nội Vụ
-
Bệnh Quan Liêu Và Giải Pháp Khắc Phục Bệnh Quan Liêu Trong Công ...
-
Đấu Tranh Chống Bệnh Quan Liêu, Vô Cảm Với Nhân Dân Của Cán Bộ ...
-
Tình Hình Nguyên Nhân Và Những Giải Pháp đấu Tranh Phòng Chống ...
-
Xây Dựng Đảng - Việc Chống Tham ô, Lãng Phí, Quan Liêu Là...
-
Phòng Chống Quan Liêu, Tham Nhũng, Lãng Phí Từ “gốc” Theo Tư ...
-
Đẩy Mạnh đấu Tranh Phòng, Chống Quan Liêu
-
8 Nhiệm Vụ, Giải Pháp Trọng Tâm Trong Phòng, Chống Tham Nhũng
-
Phải Hết Sức Tránh Quan Liêu, “xa Dân”, Triển Khai Các Giải Pháp Mới ...
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Phòng, Chống Tham Nhũng, Lãng Phí, Quan ...
-
Niềm Tin Vững Chắc Vào Cuộc đấu Tranh Phòng, Chống Tham Nhũng
-
Đấu Tranh, Ngăn Chặn, đẩy Lùi Tình Trạng Tham Nhũng, Tiêu Cực
-
Thực Trạng Và Một Số Giải Pháp Phòng, Chống Tham Nhũng ở Việt ...
-
Quan điểm Phòng, Chống Tham Nhũng Trong Văn Kiện Đại Hội XIII Của ...