Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Người “công Bộc Của Dân”
Có thể bạn quan tâm
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân là một chủ trương lớn mang tính cấp bách trong bối cảnh hiện nay và có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, công chức cần xác định rõ vị trí của mình đã thực sự là “công bộc của dân” như lời dạy của Người.
Bác Hồ thăm cán bộ và nhân dân Tỉnh Nam Định (Ảnh tư liệu)
Trong thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó có nhiệm vụ điều hành bộ máy Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa còn non trẻ và nặng tàn dư phong kiến nên đã dùng khái niệm “công bộc” để hướng dẫn cán bộ, công chức phục vụ Nhân dân. Vậy “công bộc” là gì? Theo từ điển Hán-Việt, công có nghĩa là của chung, bộc có nghĩa đầy tớ, cụm từ “công bộc của dân” có nghĩa là “người đầy tớ chung của dân” hay người đầy tớ công vụ.
Nhìn lại lịch sử những năm tháng gian khổ trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, biết bao tấm gương cán bộ, đảng viên đã quên mình vì nước vì dân, để lại tiếng thơm mãi cho đời sau. Đó thật sự là những con người từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Và cũng chính vì vậy, họ được nhân dân đùm bọc, tin yêu che chở và giúp đỡ vượt qua bao gian lao thử thách cho đến ngày đất nước thống nhất, độc lập tự do.
So với những năm tháng khó khăn gian khổ của chiến tranh và những năm đầu sau khi đất nước thống nhất thì thời mở cửa và hội nhập hôm nay, đội ngũ cán bộ công quyền có cuộc sống đầy đủ hơn, có nhiều điều kiện, lợi thế để học tập mở mang kiến thức hơn thế hệ cha anh. Nhưng bên cạnh đó, cũng thường xuyên tiếp xúc với những cám dỗ vật chất mà bất cứ lúc nào, nơi nào cũng dễ bắt gặp. Phải suy nghĩ gì khi hiện nay, trên một số các trang báo viết bài phê phán tiêu cực hay ngoài xã hội, người dân lúc nói chuyện với nhau, mỗi khi nhắc đến một số cán bộ nhà nước, nhất là lãnh đạo ở địa phương có hành vi làm sai thường dùng những từ chỉ có trong thời phong kiến hoặc chế độ cũ như: “quan chức nhà nước”, “mấy ông quan này” v.v... nghe rất xa lạ với cách gọi cán bộ, công chức Nhà nước ta mà Bác Hồ răn dạy “phải là đầy tớ trung thành, là công bộc của Nhân dân”… Đau lòng khi có những cán bộ đã không giữ được lập trường, không thắng được sự cám dỗ của vật chất tầm thường để rồi làm trái với luật pháp, làm mất lòng tin của nhân dân. Đã có việc một số cán bộ ăn chặn tiền của dân, kể cả những đồng tiền cứu trợ bão lụt, tiền hỗ trợ Tết cho người nghèo hay những vụ chia đất công hưởng lợi ở chỗ này chỗ kia… làm tổn hại uy tín chung của những cán bộ, đảng viên chân chính. Không thể vui khi có chuyện những “công bộc” lại đi hách dịch, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hành dân hơn là phục vụ nhân dân. Thấm thía lời dạy của Bác luôn nhắc nhở những người làm trong các cơ quan công quyền luôn phải tự nhìn nhận lại bản thân để xem đã làm những việc có lợi cho dân hay chưa, đã xứng đáng với vai trò, vị trí “công bộc” của dân hay chưa, chúng ta càng thấu hiểu rằng lời dạy của Người đến nay và mãi mãi về sau vẫn luôn mang tính thời sự.
Thật vậy, yếu tố con người đóng vai trò, bộ phận cực kỳ quan trọng trong cơ thể bộ máy Nhà nước. Những hành vi sai phạm, biến chất, thoái hóa của một số cán bộ trong các cơ quan công quyền sẽ khó làm cho dân tin, dân phục, vô hình chung làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với Nhà nước, với chế độ. Một chính quyền “của dân, do dân và vì dân” không thể chấp nhận việc tồn tại những “công bộc” vi phạm kỷ cương phép nước, bản thân biết sai mà vẫn làm, như vậy là có tội, là hại dân. Xử lý nghiêm, không nương nhẹ, không châm chước đối với những cán bộ này mới làm yên dân.
Mặt khác, cán bộ, công chức là công bộc của Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc được giao. Luật cán bộ, công chức gồm 10 chương, 87 điều quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và điều kiện đảm bảo thi hành công vụ. Trong đó mục 2 Điều 8 có ghi: “Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân”. Cải cách hành chính là vấn đề quan trọng trong việc củng cố, hoàn thiện bộ máy công quyền, có quan hệ trực tiếp đến lợi ích của nhân dân.
Đến nay, sự chuyển biến tích cực đã có ở nhiều cán bộ, công chức các cơ quan quản lý Nhà nước trong cả nước, cũng như ở Quận và 16 Phường của Quận Gò Vấp. Tuy nhiên, trên thực tế, để theo kịp sự phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế, để tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng nhu cầu chính đáng của Nhân dân và Doanh nghiệp, đặt ra yêu cầu với mỗi cán bộ, công chức cần thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng hơn nữa, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, thiếu sót. Cải cách hành chính cần kết hợp với việc giáo dục đạo đức và văn hóa công sở.
Chương trình cải cách hành chính có tính chiến lược, dài hạn của Chính phủ khẳng định mục tiêu xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa. Một loạt chủ trương, giải pháp quan trọng được đưa ra như điều chỉnh chức năng và cải tiến phương thức hoạt động của Chính quyền, nguyên tắc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; tách quản lý Nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh, tách cơ quan quản lý công quyền với tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công; cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, một giải pháp hết sức quan trọng, cấp bách và thường xuyên phải làm, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực, thiết lập kỷ cương, trách nhiệm và tính nêu gương lên hàng đầu, kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng… Và chỉ có như thế mới thật sự là "Công bộc của dân" như Bác Hồ răn dạy. BA MINH
Từ khóa » Công Bộc Của Nhân Dân
-
Công Bộc Của Dân – Wikipedia Tiếng Việt
-
Công Bộc Là Gì ? Khái Niệm Công Bộc Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh.
-
Công Bộc Là Gì? Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Công Bộc Của Dân?
-
Cán Bộ, đảng Viên Phải Là Công Bộc Của Dân - Tin Tức, đọc Báo, Sự Kiện
-
Chính Phủ Là Công Bộc Của Dân - - Phường Cam Phú
-
Bài Học “Cán Bộ Là Công Bộc Của Nhân Dân” - Thành ủy TPHCM
-
Khi Cán Bộ Là Công Bộc Của Dân - Hồ Chí Minh
-
Giữ Vững Phẩm Chất Công Bộc Của Nhân Dân | Tạp Chí Tuyên Giáo
-
Văn Hóa Công Bộc - Hànộimới
-
Cán Bộ, Công Chức Phải Là “công Bộc” Của Dân - CAND
-
Cán Bộ, đảng Viên Phải Là “công Bộc” Của Nhân Dân…
-
Cán Bộ, đảng Viên Phải Là “công Bộc” Của Nhân Dân…Bài 2
-
Chúng Tôi Là Công Bộc Của Nhân Dân Bài 1: Cuộc Chiến Thầm Lặng
-
Hãy Xứng đáng Là Công Bộc Của Dân, Là Học Trò, Con Cháu Của Bác Hồ