Tư Tưởng Yêu Nước Việt Nam Thời Kỳ Phong Kiến độc Lập (938 – 1884)
Có thể bạn quan tâm
Trên thế giới, hiếm có quốc gia nào có lịch sử hình thành và phát triển “phi chính thường” như Việt Nam. Quốc gia Việt Nam khởi đầu khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, giành lại được chủ quyền và độc lập dân tộc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, chiến thắng mọi cuộc xâm lược của kẻ thù phương Bắc và mở rộng lãnh thổ về phương Nam trong gần 1000 năm tiếp theo, giành lại độc lập sau gần 100 năm Pháp thuộc, chiến thắng cuộc chiến tranh can thiệp của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước trong thế kỷ XX và đang tiếp tục bảo vệ vững chắc lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong thế kỷ XXI. Điều gì đã giúp một quốc gia mới trong giai đoạn sơ khai hình thành lại có thể vượt qua được thử thách lịch sử ghê gớm đó? Lý giải điều này, nhiều học giả cho rằng, tư tưởng yêu nước của Việt Nam là đặc trưng căn bản, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử tư tưởng dân tộc, là cội nguồn trí tuệ của sức mạnh dân tộc, là nhân tố quyết định sự phát triển của Việt Nam. Chính tầng lớp lãnh đạo đất nước qua các thời đại đã xây dựng tư tưởng yêu nước thành một hệ thống lý luận để khơi dậy, dẫn dắt, tập hợp và chuyển hóa tinh thần yêu nước của nhân dân thành nguồn sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, đe dọa chủ quyền, độc lập, tự do của dân tộc.
Cuốn sách chuyên khảo “Tư tưởng yêu nước Việt Nam thời kỳ phong kiến độc lập (938 – 1884)” do PGS.TS. Lê Thị Lan làm chủ biên được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2020 đã tập trung làm rõ sự hình thành, vận động và phát triển của tư tưởng yêu nước Việt Nam trên cơ sở phân tích các nội dung cơ bản và phương thức biểu hiện cụ thể của tư tưởng yêu nước trải dài trong quá trình lịch sử phong kiến độc lập (938-1884), gắn với hoạt động của các triều đại và các nhà tư tưởng tiêu biểu, từ đó rút ra những ý nghĩa gợi mở xu hướng thiết lập và phát triển tư tưởng yêu nước hiện đại trong bối cảnh thế kỷ XXI.
Đây là sản phẩm được nhóm nghiên cứu nâng cấp công phu từ kết quả đề tài cấp Bộ cùng tên. Ngoài phần mở đầu, kết luận, cuốn sách được cấu trúc gồm 5 chương:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận trong nghiên cứu tư tưởng yêu nước Việt Nam thời kỳ phong kiến độc lập
Trong chương này, nhóm tác giả đề cập đến một số khái niệm có mối quan hệ hữu cơ và sự gắn kết chặt chẽ về mặt nhận thức về tư tưởng yêu nước như các khái niệm “nhà”, “làng”, “nước”, “tình yêu đất nước”, “tư tưởng yêu nước” và “chủ nghĩa yêu nước”. Các tác giả đã phân định sự khác nhau giữa tình yêu nước và tư tưởng yêu nước. Nếu như tình yêu nước là hiện tượng tâm lý, tình cảm phổ biến trong mọi xã hội đã xuất hiện nhà nước, không phân biệt giai cấp, không mang tính tư tưởng hệ thì tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc lại mang tính ý thức hệ, là lý luận của tầng lớp tinh hoa về quốc gia, dân tộc.
Trên cơ sở tổng quan một số công trình tiểu biểu trong và ngoài nước về lịch sử dân tộc và tư tưởng yêu nước Việt Nam của các học giả gạo cội như Trần Văn Giàu, Nguyễn Đăng Thục, Hà Văn Tấn, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Tài Thư, Lê Sĩ Thắng, Leopold Cadière, Keith Weller Taylor, … nhóm tác giả khẳng định sẽ kế thừa các kết quả nghiên cứu của các công trình đi trước, đồng thời tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa quá trình hình thành, nội dung chủ yếu và phương thức truyền bá, xây dựng tình yêu nước của dòng tư tưởng yêu nước Việt Nam trong lịch sử.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm tác giả đã sử dụng hai cách tiếp cận chủ yếu là tiếp cận triết học và lịch sử. Các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành triết học và liên ngành khoa học xã hội như: phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic, phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp... đều được sử dụng trong nghiên cứu tư tưởng yêu nước thời phong kiến độc lập.
Chương 2. Cơ sở hình thành tư tưởng yêu nước Việt Nam thời kỳ phong kiến độc lập
Các tác giả tập trung phân tích các cơ sở hình thành tư tưởng yêu nước Việt Nam thời kỳ phong kiến độc lập bao gồm bốn yếu tố: (i) lịch sử; (ii) văn hóa, tôn giáo; (iii) kinh tế- xã hội; (iv) tư tưởng. Lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc cho thấy, trong suốt hơn một nghìn năm dưới ách đô hộ của ngoại bang, khát vọng độc lập, tự chủ của người Việt Nam như ngọn lửa vĩnh cửu luôn cháy sáng qua các thế hệ người Việt và nhân dân chưa bao giờ từ bỏ ý định nổi dậy khởi nghĩa để giành lại quyền quản lý đất nước. Tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước được nuôi dưỡng và trao truyền qua các thế hệ, kết tinh thành ý thức đấu tranh giành độc lập, chủ quyền dân tộc, đem đến thắng lợi cuối cùng và tạo cơ sở cho tư tưởng yêu nước của người Việt phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ phong kiến độc lập. Nhóm tác giả khẳng định, nhìn lại cơ sở lịch sử, văn hóa, xã hội, tư tưởng Việt Nam thời Bắc thuộc cho thấy tất cả mọi mặt của đời sống xã hội thời kỳ này đều tạo dựng những nền tảng rất vững chắc cho sự phát triển của tư tưởng yêu nước thời kỳ tiếp theo. Sau khi thoát khỏi hơn một nghìn năm Bắc thuộc, bước vào thời kỳ phong kiến độc lập, người Việt Nam đã có đầy đủ điều kiện để bắt tay vào xây dựng đất nước, phát triển văn hóa, qua đó, không ngừng hoàn thiện hệ thống quan điểm, lý luận về vấn đề giành lại và giữ vững nền độc lập dân tộc.
Chương 3. Nội dung tư tưởng yêu nước Việt Nam thời kỳ phong kiến độc lập
Tư tưởng yêu nước Việt Nam thời kỳ phong kiến độc lập là một quá trình hình thành và liên tục được bổ sung, phát triển thêm những nội dung mới. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, các nhà tư tưởng lại bổ sung thêm những nhận thức mới về quốc gia dân tộc, làm giàu thêm nội dung của tư tưởng yêu nước. Trong chương này, bàn về nội dung tư tưởng yêu nước thời kỳ phong kiến độc lập giai đoạn từ 938 đến 1884, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích 5 nội dung cơ bản sau: (i) Nhận thức về chủ quyền quốc gia – dân tộc và tính chính danh của vương triều; (ii) Nhận thức về tính thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; (iii) Nhận thức về dân tộc có lịch sử lâu đời và hào hùng; (iv) Nhận thức về dân tộc có nền văn hiến lâu đời và đặc sắc; (v) Nhận thức về mối quan hệ trung quân – ái quốc và trách nhiệm của nhà vua. Theo các tác giả, nhận thức về tính chính danh của người làm chủ quốc gia-dân tộc là đặc trưng căn bản nhất của tư tưởng yêu nước Việt Nam thời phong kiến. Nhà vua làm chủ quốc gia đạt được tính chính danh, trên theo mệnh trời, dưới thuận ý dân, là người gánh trọng trách vệ quốc, an dân, sẽ quy tụ được nhân tâm, được nhân dân bảo vệ chủ quyền và trường tồn. Nhận thức về tính thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là nhận thức trường tồn cùng ý niệm về quốc gia-dân tộc, theo đó, nhân dân và đất nước là hai yếu tố không thể tách rời, không thể chia sẻ của một quốc gia-dân tộc. Nhận thức về lịch sử dân tộc là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng quốc gia dân tộc. Bởi lẽ việc tìm hiểu về lịch sử của cộng đồng, quốc gia - dân tộc của mình cũng chính là hành trình truy nguyên bản sắc dân tộc, tìm kiếm những nền tảng định hình nên quốc gia dân tộc đó. Tư tưởng đồng nhất trung quân với ái quốc thời phong kiến độc lập không những coi trung quân là chuẩn mực đạo đức chính trị cao nhất thể hiện tình yêu và lòng trung thành với đất nước, với Tổ quốc mà còn chỉ rõ những cơ sở cho tính tất yếu phải củng cố sự đồng nhất này, đó là tính đại diện dân tộc của nhà vua, mối quan hệ nương tựa cùng tồn tại của vua- quan trong sứ mệnh chính trị vệ quốc an dân và mối quan hệ lợi ích giữa quan – dân trong thực hiện các nghĩa vụ với đất nước.
Chương 4. Phương thức xây dựng, truyền bá tư tưởng yêu nước qua cơ chế giáo dục và khoa cử của các triều đại
Để làm sáng tỏ phương thức xây dựng, truyền bá tư tưởng yêu nước của các triều đại dựa trên cơ chế giáo dục và khoa cử, nhóm tác giả tập trung phân tích hai nội dung sau: (i) Quá trình lựa chọn ý thức hệ xây dựng nền giáo dục quốc gia); và (ii) Tư tưởng giáo dục khoa cử giúp bảo vệ và củng cố mô hình nhà nước quân chủ quan liêu tập quyền chuyên chế. Nghiên cứu nhấn mạnh, dựng nước và giữ nước là một quá trình song hành và là một quy luật của sự tồn tại và phát triển quốc gia - dân tộc Việt Nam. Chính quy luật tồn tại khắc nghiệt đó của dân tộc đã quy định đường hướng xây dựng và phát triển nền giáo dục và khoa cử thành một định chế văn hóa - chính trị phục vụ việc nuôi dưỡng, truyền bá tinh thần yêu nước và tưởng dân tộc chủ nghĩa. Nền văn hóa và giáo dục khoa cử thời kỳ phong kiến độc lập đã đào tạo nên tầng lớp trí thức tinh hoa thấm nhuần đạo lý trung quân - ái quốc, là rường cột của triều đình, là những người vừa giúp vua thực hành đạo trị quốc an dân, vừa vun bồi và phát triển tư tưởng yêu nước trở thành vũ khí lý luận sắc bén bảo vệ Tổ quốc trên phương diện đấu tranh tư tưởng.
Chương 5. Giá trị, hạn chế và ý nghĩa của tư tưởng yêu nước phong kiến thời kỳ độc lập trong bối cảnh hiện nay.
Chương này tập trung phân tích những giá trị cũng như hạn chế của tư tưởng yêu nước thời phong kiến độc lập, đồng thời so sánh với yêu cầu mới của thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nghiên cứu đã nêu rõ giá trị và đề cao tính sáng tạo trong tư duy chiến lược bảo vệ Tổ quốc của cha ông chúng ta thời kỳ phong kiến độc lập, khi đối mặt với chiến tranh và nguy cơ chủ quyền bị đe dọa. Trong bối cảnh hiểm nguy, tầng lớp lãnh đạo luôn nhìn ra mối gắn kết hữu cơ, cộng sinh giữa nhân dân và triều đình, vận dụng tư tưởng yêu nước để sáng suốt xác định đường hướng đoàn kết toàn dân phát huy sức mạnh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đồng thời, nhóm tác giả cũng chỉ ra một trong những hạn chế lớn của tư tưởng yêu nước giai đoạn phong kiến độc lập là sao nhãng lý luận củng cố mối quan hệ lợi ích gắn bó hữu cơ giữa tầng lớp lãnh đạo với nhân dân trong xây dựng đất nước thời hòa bình. Cuối cùng, nhóm tác đã đưa ra nhiều nhận xét xác đáng cũng như ý nghĩa của tư tưởng yêu nước Việt Nam thời kỳ phong kiến độc lập và cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam cần vận dụng sáng tạo quy luật yêu nước của dân tộc trong bối cảnh mới, đồng thời phát huy các giá trị của tinh thần yêu nước truyền thống lên một tầm cao mới nhằm mục tiêu phát triển quốc gia Việt Nam trong hòa bình, tự do, thịnh vượng.
Cuốn sách thể hiện tâm huyết và công sức của tập thể tác giả đã nỗ lực tiếp cận dòng tư tưởng yêu nước Việt Nam thời phong kiến độc lập từ tinh thần nghiên cứu hiện đại, từ đó mang tới cho độc giả những nhận thức mới và cách nhìn thú vị về dòng tư tưởng này trong giai đoạn phong kiến Việt Nam độc lập.
Hy vọng rằng cuốn sách đem lại nhiều thông tin có giá trị dành cho tất cả những người quan tâm tới triết học, sử học và chính trị học.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nguồn: Nhà xuất bản Khoa học xã hội
Từ khóa » Thời Phong Kiến Nghĩa Là Gì
-
Thể Loại:Phong Kiến – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phong Kiến Là Gì? Bản Chất Chế độ Phong Kiến? - Luật Hoàng Phi
-
Phong Kiến – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phong Kiến Là Gì? Xã Hội Phong Kiến Và Nhà Nước Phong Kiến?
-
Phong Kiến Là Gì? (Cập Nhật 2022) - Luật ACC
-
2. Chế độ Phong Kiến Là Gì ? | Việt Nam
-
Kiểu Nhà Nước Phong Kiến Là Gì ? Sự Ra đời Và Phát Triển Nhà Nước ...
-
Tư Tưởng Quân Sự Thời Phong Kiến (khoảng Cuối Thế Kỷ V đến Giữa ...
-
Công Việc Nội Vụ Thời Phong Kiến ở Việt Nam Trước Năm 1945
-
Nghĩa Vụ Của Quan Lại Thời Phong Kiến Trong Việc Thực Thi Công Vụ Và ...
-
Vài Nét Về Quá Trình Phát Triển Của Dân Tộc Việt Nam
-
Pháp Luật Thời Phong Kiến Việt Nam Về Phòng, Chống Tham Nhũng
-
Phong Kiến Là Gì - Kiểu Nhà Nước - Có Nghĩa Là Gì, Ý Nghĩa La Gi