Tư Vấn Dành Cho Người Bệnh Cao Huyết áp
Có thể bạn quan tâm
Cao huyết áp: “Kẻ giết người số một”
- Cao huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau và thậm chí có thể tử vong: Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, nhũn não, suy thận,các biến chứng về mắt, các biến chứng về mạch máu.
- Những biến chứng đó có ảnh hưởng lớn đến người bệnh, gây tàn phế và trở thành gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội. Hàng năm chúng ta phải chi một khoản kinh phí rất lớn, tới cả ngàn tỷ đồng để trực tiếp điều trị bệnh và phục vụ những người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim…
- Bệnh cao huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi chỉ có một số ít các người bệnh cao huyết áp có một vài triệu chứng gợi ý khiến họ đi khám bệnh, như: đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ bừng, ù tai…còn đa số người bệnh lại thường không có dấu hiệu cảnh báo trước. Không ít người bệnh thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc đời của họ do xuất huyết não nặng nề.
- Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh cao huyết áp trong cộng đồng, như: Tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp…Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh.
I. HƯỚNG DẪN, TƯ VẤN ĐIỀU TRỊ
Tại sao phải điều trị huyết áp cao?
- Huyết áp cao thường gây tai biến nghiêm trọng như tử vong và hôn mê do tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận, phình bóc tách động mạch chủ...Do đó mục đích chính của điều trị cao huyết áp là để phòng ngừa những biến chứng này.
- Thông qua trị số huyết áp được hạ bằng thuốc hạ áp chúng ta có thể nhận biết huyết áp được kiểm soát tốt hay không. Tốt nhất nên đưa trị số huyết áp về < 140/85mmHg; đối với người lớn tuổi, trị số huyết áp ban đầu có thể đưa về <160/90mmHg sau đó điều chỉnh tùy theo sự chịu đựng của người bệnh.
- Điều trị huyết áp cao là điều trị suốt đời, do đó khi huyết áp đã trở về gần bình thường cũng không nên ngưng thuốc hạ áp mà phải điều trị tiếp tục vì huyết áp gia tăng trở lại khi ngưng thuốc. Cần tham vấn thường xuyên bác sĩ của bạn khi huyết áp quá cao hoặc quá thấp trong quá trình điều trị.
- Điều trị thuốc hạ áp có thể phối hợp các nhóm thuốc khác nhau để tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ (do sử dụng liều thấp). Cần lưu ý đến tác dụng phụ của thuốc khi điều trị đặc biệt là tụt huyết áp ở người lớn tuổi. Ở người lớn tuổi, bác sĩ điều trị thường cho thuốc hạ áp với liều khởi đầu chỉ bằng nửa liều người trẻ vì người già dễ tụt huyết áp do thuốc hơn.
- Ngoài việc điều trị huyết áp, cần lưu ý điều trị các yếu tố nguy cơ khác kèm theo như tiểu đường, tăng lipid máu...
Bạn sẽ được bác sĩ điều trị gì khi bạn bị cao huyết áp?
Thông thường khi đo trị số huyết áp của bạn cao >140/90mmHg với nhiều lần đo trong nhiều ngày bạn có thể được xem là bị cao huyết áp. Nếu huyết áp của bạn không cao lắm tức khoảng 140/90-150/95mmHg và tình trạng chung tốt và không mắc các bệnh khác làm xấu thêm tình trạng tim mạch, bạn có thể không dùng thuốc mà cần phải điều chỉnh lối sống. Nếu huyết áp cao hơn hoặc không cải thiện thì có thể xem xét điều trị thuốc ngay sau khi cân nhắc cẩn thận.
Việc điều chỉnh lối sống bao gồm:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống như giảm ăn mặn (<6g natri chlorua/ngày), giảm mỡ, giảm đường (nếu có tiểu đường), không uống quá nhiều bia rượu mặc dù uống với số lượng hạn chế cũng giúp có lợi cho sức khoẻ của bạn (chừng 15ml rượu ethanol, 360ml bia/ngày).
- Tập thể dục đều đặn là cách thức giảm cân, hoạt động thể lực hàng ngày 30-45 phút hầu hết các ngày trong tuần.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Đời sống tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi giải trí hợp lý.
Điều trị thuốc hạ áp:
Bác sĩ của bạn sẽ xem xét điều trị bệnh cao huyết áp bằng thuốc cho bạn khi trị số huyết áp khá cao, huyết áp cao có ảnh hưởng lên tim, mắt , thận, não hay chưa cũng như có kèm theo các bệnh liên quan khác không (tiểu đường, tăng mỡ trong máu...).
Một số thuốc hạ áp thường dùng:
Nhóm thuốc lợi tiểu:
Furosemid (Lasix, Lasilix)
Hydrochlorothiazid (Hypothiazid)
Indapamid (Natrilix SR)
Nhóm thuốc ức chế canxi:
Nifedipine(Adalat, Procardia)
Felodipine(Plendil), Amlodipine(Amlor, Amdepin, Amlopress)
Tildiem(Tildiazem), Verapamil(Isoptin)
Nhóm thuốc ức chế men chuyển:
Captopril (Lopril), Enalapril (Renitec), Lisinopril (Zestril), Peridopril (Coversyl)
Nhóm thuốc ức chế bêta giao cảm:
Propranolol (Avlocardyl, Inderal), Atenolol (Tenormin), Metoprolol (Lopresor), Acebutolol (Sectral), Pindolol (Visken)
Việc lựa chọn thuốc hạ áp nào là phụ thuộc vào tình trạng huyết áp và tình trạng bệnh lý đi kèm và bác sĩ của bạn sẽ cân nhắc lựa chọn.
II. HƯỚNG DẪN, TƯ VẤN CHĂM SÓC
Cách đo huyết áp
Để có trị số huyết áp đúng, việc đo huyết áp là bước chẩn đoán quan trọng nhất vì tránh được việc điều trị quá mức hoặc không đầy đủ.Cần đo nhiều lần và nhiều vị trí khác nhau (2 tay, 2 chân) để so sánh, đôi khi giúp phát hiện bệnh lý mạch máu ví dụ như trong teo hẹp eo động mạch chủ huyết áp chi trên cao hơn chi dưới.
Đo huyết áp cần thực hiện trong phòng yên tĩnh, trạng thái tinh thần người bệnh thoải mái.Tư thế đo huyết áp thông thường là tư thế nằm và ngồi để làm sao băng quấn cánh tay ngang mức với tim.Băng quấn cánh tay(cuff) phải phù hợp kích thước cánh tay. Trẻ em cần có băng quấn cánh tay kích thước nhỏ hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Các cách thức theo dõi điều trị
Đo huyết áp tại phòng khám:
Đây là cách thức thường áp dụng cho người bệnh. Nhược điểm là trị số huyết áp tại phòng khám thường cao hơn trị số thực sự 20-30mmHg, dù kỹ thuật đo của nhân viên y tế là đúng. Hiện tượng này còn gọi là hiệu ứng áo choàng trắng. Sự gia tăng huyết áp này là do tâm lý người bệnh khi đến môi trường y tế. Điều này làm bác sĩ thay đổi thuốc hoặc tăng liều sẽ gây bất lợi là tụt huyết áp do điều trị quá mức.
Đo huyết áp tại nhà:
Thật là lý tưởng nếu người bệnh tự đo huyết áp ở nhà nhiều lần trong ngày để kết hợp với trị số đo tại phòng khám. Với các máy đo huyết áp điện tử hiện nay (đặc biệt những máy có kiểm định chất lượng tốt) sẽ hỗ trợ lớn cho bác sĩ và người bệnh theo dõi điều trị. Một khó khăn thường gặp là làm sao để người bệnh đo tại nhà đúng kỹ thuật và không phải tất cả người bệnh đều có máy đo huyết áp tại nhà (dù giá máy hiện nay tương đối chấp nhận được).
Đo huyết áp với kỹ thuật theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ (ABPM) trong điều kiện ngoại trú:
Ngoài ra, trong một số trường hợp bác sĩ của bạn có thể đề nghị bạn mang 1 máy đo huyết áp theo dõi liên tục 24 giờ (ambulatory blood pressure monitoring-ABPM), là máy đo huyết áp trong điều kiện ngoại trú. Đây là loại máy hoàn toàn tự động, ban ngày máy có thể đo mỗi 15 phút /lần và ban đêm mỗi 30 phút -1 giờ /lần. Sau đó 24 giờ sẽ nạp vào máy vi tính và bác sĩ chuyên trách sẽ in ra cho bạn 1 bảng kết quả đo và biểu đồ huyết áp dao động trong ngày. Nhờ số lần đo >60 lần/ ngày mà bác sĩ của bạn sẽ biết được chính xác hơn huyết áp của bạn đã trở về gần bình thường chưa và biết được thời điểm nào huyết áp bạn lên cao hoặc có tụt huyết áp không để điều chỉnh thuốc hạ áp cho bạn. Chi phí cho một lần đo 24 giờ chừng 200.000 đồng, có hiệu quả đánh giá tình trạng huyết áp trong khi điều trị tốt và cho đến nay đây là biện pháp tốt nhất để đánh giá hiệu quả điều trị so với đo huyết áp tại phòng khám hoặc tự đo tại nhà.
Điều trị cao huyết áp chỉ thật sự ích lợi khi trị số huyết áp được đưa về gần như bình thường. Với trị số này mới có thể ngăn ngừa biến chứng do cao huyết áp. Vấn đề quan trọng là việc tuân thủ điều trị của người bệnh và sử dụng thuốc hợp lý của bác sĩ. Trong nhiều khảo sát gần đây cho thấy chỉ 40-50% người bệnh được điều trị cao huyết áp có trị số huyết áp trở về gần bình thường. Người cao huyết áp không tuân thủ đúng điều trị một phần do chưa hiểu hết tầm quan trọng của điều trị huyết áp, do bận công việc nên không tái khám và uống thuốc đúng giờ, chi phí thuốc và các xét nghiệm kèm theo trong mỗi lần khám khá đắt và tác dụng phụ của thuốc.
Việc theo dõi điều trị có hiệu quả hay không là vấn đề quan trọng. Bạn có thể tự đo huyết áp ở nhà trung bình > 3 lần/ngày sau đó ghi vào sổ theo dõi huyết áp. Khi tái khám bạn nên đem theo để bác sĩ của bạn tham khảo kết hợp với trị số đo huyết áp tại phòng khám bệnh.
Mặc dù huyết áp bạn có thể đã ổn định trong giới hạn cho phép nhưng điều đó không có nghĩa là bạn được tự ý ngưng thuốc. Bạn cần khám định kỳ tại bác sĩ chuyên khoa tim mạch mà bạn tin tưởng và tái khám ngay khi bạn thấy có thay đổi bất thường như choáng váng, khó thở...
III. GIÁO DỤC SỨC KHỎE
Phòng tránh bệnh cao huyết áp
Thực hiện lối sống lành mạnh, phù hợp là một biện pháp chính để phòng ngừa cao huyết áp cũng như góp phần điều trị bệnh cao huyết áp. Sau đây là những cách để phòng tránh bệnh cao huyết áp:
- Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì: Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Những người béo phì, bụng to (với vòng thắt lưng >85cm ở nữ và >98cm ở nam) cũng có nhiều khả năng bị cao huyết áp. Vì vậy cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
- Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm ăn các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần. Nên ăn 3 bữa một ngày, ăn nhiều rau xanh và trái cây vì chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Không dùng nhiều mỡ và chất ngọt, ăn các thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan như: đậu xanh quả, các loại đậu hạt, măng…Hàng ngày nên ăn khoảng 55-85g các chế phẩm từ sữa như phomát, sữa chua…Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân.
- Ăn nhiều cá, hải sản, giảm các loại thịt đỏ như: thịt heo, thịt bò, các loại sữa và trứng.
Chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây tốt cho người bệnh cao huyết áp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
- Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi: Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp. Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm một thìa cà phê muối ăn/ngày là đủ.
- Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, nên hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, không dùng các loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp vì các loại thức ăn này có lượng muối khá cao. Hạn chế dùng các loại nước ngọt có ga, các loại bia vì có hàm lượng natri còn cao hơn so với nhiều loại thực phẩm công nghiệp khác. Bột nở, bột nổi, các loại bột làm sủi bọt cũng thuộc nhóm muối gốc natri vì vậy không nên dùng nhiều.
- Tăng cường hoạt động thể lực: Tăng hoạt động thể lực làm giảm bớt béo phì, cần tập thể dục đều đặn ở mức vừa phải như đi bộ nhanh hoặc bơi lội trong vòng 30-45 phút, 3-4 lần/tuần.
- Bỏ những thói quen xấu: Ngưng hút thuốc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh cao huyết áp và các bệnh tim mạch. Bớt uống rượu: Nếu dùng thường xuyên một lượng rượu nhỏ sẽ có tác dụng làm giảm các nguyên nhân gây tử vong nói chung và do tim mạch nói riêng, nhưng nếu uống nhiều dễ làm tăng huyết áp. Không thức khuya, làm việc quá căng thẳng, ngủ ít nhất 7giờ/ngày và ngủ đúng giờ.
Luôn luôn tìm nguyên nhân gây ra cao huyết áp
Hầu hết các trường hợp cao huyết áp đều là không rõ nguyên nhân, do đó ngoài việc điều trị bằng thuốc hạ áp phải lưu ý đến điều trị các yếu tố nguy cơ như tiểu đường,tăng lipid máu…và nên giảm ăn mặn,chế độ ăn kiêng hợp lý, tập thể dục đều đặn.
Cần lưu ý một số nguyên nhân tăng huyết áp mà việc điều trị can thiệp phẩu thuật có thể trị khỏi hoàn toàn như hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận,u tủy thượng thận.
BS CKI Lâm Tuấn Phong
Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhân dân 115
Từ khóa » đi Khám Huyết áp ở đâu
-
15 địa Chỉ Khám Cao Huyết áp ở Hà Nội Và TPHCM Có Chuyên Môn ...
-
Khám Và điều Trị Tăng Huyết áp ở đâu Tốt Tại Hà Nội? - BookingCare
-
TOP 6 Bác Sĩ Khám Chữa Cao Huyết áp Giỏi ở TP.HCM - BookingCare
-
Khám Tăng Huyết áp Là Khám Những Gì? | Vinmec
-
Tăng Huyết áp, ù Tai đi Khám ở đâu? - Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh
-
Khám Huyết áp ở đâu Tốt? Quy Trình Khám Như Thế Nào?
-
Cao Huyết áp Khám Khoa Nào? - Giảo Cổ Lam
-
Phác đồ điều Trị Bệnh "TĂNG HUYẾT ÁP" Tại Phòng Khám Hoàn Mỹ ...
-
Tăng Huyết áp - Rối Loạn Tim Mạch - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên: Huyết áp Thấp Khi Nào Cần điều Trị?
-
TOP 5 Bác Sĩ Khám Chữa Cao Huyết áp Giỏi ở TP.HCM
-
Khám Bệnh Huyết áp ở đâu, Bệnh Viện Thu Cúc | TCI Hospital
-
Khám Huyết áp ở đâu Tốt Tại Hà Nội - TIM Care Diamond
-
7 Bác Sĩ Trị Cao Huyết áp Giỏi, Dày Dặn Kinh Nghiệm - Docosan