Từ Văn Hóa Thung Lũng Qua Văn Hóa Kinh Kỳ Trên đất Hoa Lư
Có thể bạn quan tâm
Trước hết, từ nền văn hóa Hòa Bình (một nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng thế giới) mà giới khoa học thường gọi là nền văn hóa Thung lũng hay nền văn hóa ăn ốc vì đặc trưng cảnh quan, môi trường sống của cư dân thời tiền sử này là những thung lũng đá vôi, đồng thời nguồn sinh dưỡng chính của họ là ốc.
Nền văn hóa này có không gian tương đối rộng, trải dài khắp từ Nam Trung Quốc đến cả vùng Đông Nam Á, có niên đại khoảng 30 nghìn năm đến khoảng 4 nghìn năm cách ngày nay. ở thung lũng Hoa Lư, chúng ta đã phát hiện nhiều di tích khảo cổ thuộc nền văn hóa Thung lũng như hang Son ở dãy núi Chu Ma, phía trước khu vực Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ vua Lê Đại Hành; hay hàng loạt các di tích trong hang động, mái đá như: hang Bói, hang Trống, mái đá Hang Chợ, hang Thung Bình... (thuộc Quần thể danh thắng Tràng An).
Với đặc trưng nguồn sinh dưỡng chính của họ là ốc núi, ốc suối, nhuyễn thể sông suối, chim thú nhỏ và các loài thực vật có hạt, củ chứa tinh bột, sống trong hệ sinh thái (sinh cảnh) được khái quát theo trật tự: suối - bãi bồi - thung lũng - thềm cổ - đồi trung sinh hay miền trước núi - núi đá vôi karst (với các hang động, mái đá) (Trần Quốc Vượng 1986). Riêng ở thung lũng Hoa Lư còn có thêm yếu tố nữa là cận kề với biển. ở thung lũng Hoa Lư, chúng ta bắt gặp tại di tích những đống vỏ ốc có bề dày hàng mét.
Quá trình hơn 10 năm hợp tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ giữa các đơn vị nghiên cứu ở trong nước và quốc tế trong vùng thung lũng Hoa Lư đã cho chúng ta một kho tư liệu vô cùng phong phú về lịch sử nhân loại. Từ những vỏ ốc biển được chế tác làm đồ trang sức vòng đeo tay, đeo cổ có tuổi trên 20 nghìn năm, đến những mảnh gốm có niên đại sớm trên dưới 9 nghìn năm được trang trí văn đập; cùng với hàng loạt các công cụ đồ đá, đồ xương được phát hiện trong các di tích khảo cổ làm cho chúng ta ngỡ ngàng về cách kiếm sống, cách làm đẹp của người Tiền sử.
Họ di chuyển ra khỏi nơi cư trú hàng chục cây số để giao lưu, trao đổi công cụ lao động, đồ dùng hay di cư theo mùa, theo chu kỳ sinh trưởng của động, thực vật… là cách để người Tiền sử xưa kia kiếm sống, sinh dưỡng và cao hơn là để khám phá, đáp ứng nhu cầu làm đẹp, nhu cầu tinh thần của mình.
Khai thác nguồn thức ăn từ thiên nhiên, trên hệ sinh thái phổ tạp với nhiều loại động, thực vật đa dạng, phong phú (các loài chim, thú lớn, thú nhỏ, cá nước ngọt đến các loài nhuyễn thể ốc núi, cua đá, ốc mít, sò huyết, vọp, ngó, ngao dầu, hầu cửa sông, hàu hà và các loài thực vật có củ, quả chứa tinh bột, đường…), sau đó, cư dân ở đây dần biết đến thuần dưỡng động vật, làm vườn, trồng trọt. Người ta cho rằng khi xuất hiện những đồ đựng bằng gốm có kích thước lớn chính là lúc người Tiền sử biết làm nông nghiệp.
Đặc điểm nổi bật trong các tầng văn hóa ở đây là đất sét vôi ken dày đặc vỏ các loài nhuyễn thể cùng tàn tích xương động vật, than tro, di cốt người và di vật đá. Di vật đá là một trong những đặc trưng của văn hóa Hòa Bình, công cụ đá phần lớn được chế tác từ đá vôi, một đặc trưng khá riêng ở thung lũng đá vôi Hoa Lư, nơi cận kề với biển và cũng đã từng là vịnh biển trong các kỳ biển tiến.
Hàng loạt các di tích, di vật thời đại kim khí; các di tích, di vật thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt xuất hiện trong phạm vi và vùng liền kề với thung lũng Hoa Lư là cơ sở để khẳng định vùng đất này luôn được loài người sử dụng làm nơi định cư hay nơi đến để kiếm sống và hơn nữa là khám phá.
Ngay sau khi hình thành những bãi bồi do tích tụ bồi đắp của sông ở thời kỳ biển thoái khoảng 4 nghìn năm cách ngày nay, cư dân cổ đã chiếm cứ, định cư, khai thác nguồn lợi từ vùng đồng bằng mới hình thành, từ biển song vẫn tiếp tục khai thác nguồn lợi từ phía rừng núi, thung lũng Hoa Lư. Họ cư trú ngoài trời, di chuyển, kiếm sống sâu vào vùng lõi của Di sản Tràng An thông qua sông Sào Khê; sông Đền Vối; sông Ngô Đồng đều chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam.
Ở thế kỷ X, thung lũng mở Hoa Lư được người dân nước Việt xây dựng kinh đô, đắp thành, khép kín thung lũng Hoa Lư để phục hưng văn hóa Việt, làm tiền đề hun đúc nên nền Văn minh Đại Việt nở rộ ở Thăng Long-Hà Nội. Trong những năm vừa qua, qua công tác thu thập tư liệu lịch sử, Hán Nôm, dân tộc học, văn hóa dân gian, đặc biệt là việc thám sát, thăm dò khảo cổ đã phát hiện một số di vật, dấu tích kiến trúc (hệ thống tường thành, sân, nền móng cung điện…) của kinh đô Hoa Lư thế kỷ X.
Đồng thời, đã phát hiện một số dấu tích kiến trúc, di vật khẳng định khu vực Cố đô Hoa Lư đã tồn tại những công trình kiến trúc lớn giai đoạn trước thế kỷ X. Ngoài ra, tại một số địa phương thuộc lưu vực sông Hoàng Long đã phát hiện nhiều dấu tích vật chất, công trình kiến trúc cho thấy khu vực này có tính chất trị sở, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa trong giai đoạn từ đầu Công nguyên đến khi thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt thế kỷ X.
Có một nền văn hóa kinh kỳ ở thung lũng Hoa Lư. Vùng đất Hoa Lư có tính chất thung lũng, có những thung lũng kín và thung lũng mở, có những đầm nước, những cồn đất cát ven sông, trước núi do được bồi đắp không đồng đều trong quá trình hình thành châu thổ sông Hồng, sau đợt biển tiến ở giai đoạn 2.500 đến 1.500 năm cách ngày nay.
Chính không gian này nhà Đinh đã khéo quy hoạch, đắp những tuyến tường thành khép nối những dãy núi, núi lẻ để có một kinh thành mang dáng dấp một thung lũng lớn được bao bọc bởi núi và tường thành nhân tạo, đậm nét yếu tố quân thành bên bờ hữu sông Hoàng Long.
Kinh thành này cũng mang đậm một yếu tố đô thị ven biển (một tầm giáo là phóng tới biển Đông), khi đó sóng biển còn vỗ về dưới chân núi Non Nước mà cho tới thời Lý còn có cửa biển Đại ác - Đại An cận kề với núi này; hay thời điểm trước đó còn có một cửa biển "Gián Khẩu" liền kề, nơi thế lực đô hộ phương Bắc xây dựng cầu cảng chuyên chở những sản vật, sa khoáng khai thác từ lưu vực sông Bôi và sông Hoàng Long.
Như vậy, Kinh thành Hoa Lư bên hữu của con sông Hoàng Long lúc đó có vị trí như điểm giao thủy giữa nước ngọt của sông và nước mặn của biển. Con người đã sớm biết lợi thế của điểm giao thủy để tụ cư khai thác một nguồn thủy sản phong phú (có cả hải sản nước mặn lẫn thủy sản nước ngọt) vừa là điểm ngược lên thượng nguồn hay xuôi ra biển cả đều rất dễ dàng, thuận tiện. Do vậy khu vực xây dựng kinh đô Hoa Lư đã từng là nơi có tính đô thị-đô hội.
Thế kỷ X là một cột mốc rất quan trọng của lịch sử Việt Nam. Đó là thế kỷ bản lề, khép vĩnh viễn thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc và mở ra thời đại độc lập dân tộc lâu dài, là bước quá độ từ thế kỷ IX của văn hóa nô dịch lệ thuộc Đường triều sang thế kỷ XI của sự phục hưng văn hóa dân tộc trên nền tảng dân gian cổ truyền, bước quá độ từ "văn hóa vùng" sang "văn hóa dân tộc", từ chữ Hán sang chữ Nôm, từ "văn hóa truyền miệng" sang "văn hóa chữ viết", từ "văn hóa Việt Mường chung" (culture orale) sang "văn hóa Việt" (culture écrite) và "văn hóa Mường" trong cơ cấu văn minh Đại Việt thống nhất mà đa dạng.
Cả một thế kỷ quá độ về văn hóa và văn minh, về thế ứng xử tập thể và lối sống, một thế kỷ có liên tục và gián đoạn, có đổ vỡ, phá hủy (cái cũ) và vun vén, xây nền từ chất liệu (văn hóa) cũ và mới. Có những cái rất sượng và thô bạo… Ngược lại có những cái rất tinh tế và văn minh - khoan dung, giản dị, thương người trong cùng một nước, tha bỏ lực dịch, bình quân thuế ruộng, đúc tiền, mở chợ, mở đường thủy bộ, có đặt bến đò, đặt quán nghỉ, xây lầu, dựng chùa, nung gạch hoa, chế đồ sứ, tổ chức lễ mừng sinh nhật, vui đua thuyền, bước đầu tổng hợp ca múa nhạc dân gian thành sân khấu chèo, có cả xiếc chuyên nghiệp.
Không gian từ văn minh Đông Sơn đến văn minh Đại Việt. Cái "không gian bản lề" đó của Hoa Lư - Trường Châu, là một yếu tố địa - chính trị và địa - chiến lược để Đinh Bộ Lĩnh vận dụng và biến đổi thành không gian xã hội bản lề giữa một thời kỳ "thống nhất hình thức"- dựa trên chính quyền thống trị Bắc thuộc "An Nam đô hộ phủ" và một thời kỳ "thống nhất thực sự"- dựa trên nhà nước dân tộc.
Vùng thung lũng Hoa Lư mang đậm yếu tố sông nước, đã từng là điểm giao thủy (ở thời điểm trước sau thế kỷ X) trên sông Hoàng Long có tính "động" cao, là vùng mở, vùng giao thương ven biển, có tính giao lưu mạnh. Giao lưu với vùng rừng núi phía tây bắc thông qua sông Hoàng Long, ngược sông Bôi, sông Lạng. Giao lưu với những miền quê trù phú xứ Đoài, cạnh phía tây nam tam giác châu thổ Bắc Bộ thông qua sông Đáy.
Tính văn hóa của vùng đất Hoa Lư có tính giao lưu mạnh, có tính chất văn hóa của nơi đã từng là vùng Keo; giao chứ không khép kín như những làng trong thung lũng hay trên bậc thềm phù sa cổ trước núi xa sông. Tính cách/cá tính con người nơi đây chất phác nhưng can trường của miền núi; khôn ngoan, tinh tế, ôn hòa của dân châu thổ; tính mạnh mẽ, phóng khoáng, liều lĩnh của dân miền biển.
Hơn một ngàn năm đã qua, di tích kinh đô xưa có những thứ đã ẩn sâu trong lòng đất mẹ, có những thứ đang thi gan cùng tuế nguyệt. Nhưng phần hồn văn hóa luôn chắt lọc phát triển trong cộng đồng dân cư nơi đây, một cộng đồng cư dân có tính ly tán và hội tụ, có tính chất "tứ chiếng", có cái chất của văn hóa vùng đã từng là kinh kỳ, đô hội, họ có sự tinh tế, phóng khoáng, chất phác, khoan dung, họ đang cùng nhau chung sức xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh trên nền tảng di sản văn hóa của ông cha. Những phong tục, tập quán mang nét thanh lịch của kinh đô xưa góp phần làm nên hồn văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Cao Tấn
Từ khóa » Thung Lũng Hoa Ninh Bình
-
Ninh Bình: Thung Lũng Hoa 15ha Khoe Sắc | Báo Dân Trí
-
Thung Lũng Hoa Bái Đính – Mội điểm... - Nhà Đất Rẻ Ninh Bình
-
Thung Nham Ninh Bình | Rong Chơi ở Xứ Sở Loài Chim - MOTOGO
-
Vườn Hoa Ninh Bình - Địa điểm Sống ảo Mới Cực Kỳ Thu Hút Giới Trẻ
-
Du Lịch Ninh Bình Thưởng Ngoạn 10 điểm đến 'non Nước Hữu Tình ...
-
Ngày Xuân đi Thăm Thung Lũng Hoa Rộng 15 Ha ở Chùa Bái Đính
-
Thung Lũng Hoa Bái Đính Trước Ngày Lễ Hội
-
Rực Rỡ Hương Sắc ở Thung Lũng Hoa Bái Đính – Ninh Bình
-
Thung Lũng Hoa - Điểm Hẹn Mới Của Du Lịch Ninh Bình | VTV.VN
-
Những điểm Du Lịch Hấp Dẫn ở Ninh Bình Cho Kỳ Nghỉ 2/9
-
Top 10 điểm Thăm Quan Tại Thung Nham Ninh Bình
-
Du Lịch Thung Nham Ninh Bình Toàn Tập Từ A đến Z
-
Ninh Bình: Thung Lũng Hoa 15ha Khoe Sắc - Hà Tĩnh 24h