Tư Vấn Trường Hợp Gia Hạn Nghỉ Không Hưởng Lương để Chữa Bệnh?

Tư vấn trường hợp gia hạn nghỉ không hưởng lương để chữa bệnh? Nghỉ không hưởng lương là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc người lao động nghỉ việc trong một thời gian nhất định mà không được trả lương trong thời gian đó. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về nghỉ việc không hưởng lương? Thời hạn nghỉ không hưởng lương được được xác định như thế nào? Công ty Luật TNHH Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn về pháp luật lao động

Hiện nay, pháp luật lao động chỉ dừng lại ở việc quy định chế độ nghỉ không lương được thực hiện do sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động Vì vậy, khi có nhu cầu, các bên phải thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến việc nghỉ việc không hưởng lương như thời hạn nghỉ, thời điểm nghỉ, lý do nghỉ...

Nếu bạn muốn nghỉ không hưởng lương, bạn có thể đề cập và thỏa thuận vấn đề này với người sử dụng lao động. Khi hai bên thống nhất được các vấn đề về việc nghỉ không hưởng lương, bạn có thể nghỉ theo sự thỏa thuận đó. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người sử dụng lao động cũng đồng ý với việc thỏa thuận nghỉ không hưởng lương với người lao động vì lý do ảnh hưởng đến công việc, ảnh hưởng đến công ty nên bạn có thể xem xét hình thức nghỉ việc khác để phù hợp với tình hình thực tế và hoàn cảnh của bản thân.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về lĩnh vực lao động, bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua website của Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn.

2. Tư vấn về nghỉ không hưởng lương để chữa bệnh

Câu hỏi tư vấn: Tôi có một việc xin được tư vấn về nghỉ không hưởng lương để khám chữa bệnh như sau: Năm nay tôi 44 tuổi, là viên chức đóng bảo hiểm liên tục 23 năm, cuối năm ngoái tôi có việc gia đình nên xin nghỉ không hưởng lương 4 tháng, đến nay đã hết thời hạn nghỉ nhưng tôi lại bị viêm đa khớp, trong thời gian này tôi chưa thể về tiếp tục công việc được.

Vì tôi công tác ở Cao Bằng mà hiện tại tôi đang trong TP Hồ Chí Minh nên tôi gửi đơn xin nghỉ tiếp 3 tháng không hưởng lương nữa (Tự nguyện nộp bảo hiểm), cùng sổ khám chẩn bệnh và điều trị ngoại trú nhưng thủ trưởng đơn vị không cho tôi nghỉ với lý do cán bộ công nhân viên không được phép nghỉ không lương quá 6 tháng. Vậy tôi xin được tư vấn:

1. Tôi đã xin nghỉ không hưởng lương 4 tháng nay muốn xin nghỉ không lương 3 tháng nữa có sai không?

2. Thủ trưởng cơ quan tôi trả lời công nhân viên chức không được phép nghỉ không lương 6 tháng có đúng luật lao động không?

3. Nếu không được tiếp tục nghỉ không hưởng lương mà hiện nay tôi chưa thể về để tiếp tục công việc được, tôi có phải xin nghỉ hẳn công tác không?

Tôi có một số vấn đề như vậy xin được tư vấn cụ thể để giải đáp những thắc mắc của tôi, để tôi tìm được hướng giải quyết tốt nhất. Mong sớm được hồi âm. Tôi xin trân thành cảm ơn!

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Minh Gia. Đối với vấn đề của bạn, Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc nghỉ không hưởng lương và nghỉ chữa bệnh

Tại Điều 13 VBHN Luật Viên chức 2019 quy định về quyền nghỉ ngơi của viên chức như sau:

“1. Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.

[...]

4. Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.”

Có thể thấy, chế độ nghỉ ngơi của viên chức được áp dụng theo quy định của pháp luật về lao động. Trong đó, Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc nghỉ không hưởng lương của người lao động như sau:

“[...] 2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

Như vậy, pháp luật hiện hành không có quy định về việc hạn chế thời gian nghỉ không hưởng lương của viên chức. Do đó, bạn vẫn có thể tiếp tục được nghỉ không hưởng lương nếu đáp ứng 02 điều kiện được quy định tại Điều 13 nêu trên, bao gồm:

  • Có lý do chính đáng

  • Có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập

Cũng từ quy định trên có thể xác định, việc thủ trưởng đơn vị không đồng ý cho bạn nghỉ không lương và đưa ra lý do viên chức không được nghỉ không hưởng lương quá 06 tháng là không phù hợp.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn muốn xin nghỉ không lương thêm 03 tháng để điều trị bệnh. Đối với trường hợp này, để bảo đảm quyền lợi của mình bạn có thể xin nghỉ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.”

Trong thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, bạn được hưởng trợ cấp, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và đối chiếu với mức lương, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của mình để tính mức hưởng trợ cấp.

Để được hưởng chế độ này, bạn cần làm đơn xin nghỉ hưởng chế độ ốm đau kèm theo giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến đơn vị.

Trân trọng!

Từ khóa » đơn Xin Nghỉ ốm Không Hưởng Lương