Tử Vong Không Tiêm Ngừa Sau Khi Bị Chó Dại Cắn - VNVC

Nam sinh lớp 9 xuất hiện các triệu chứng của bệnh dại, sốt, đau nhiều ở chân, sợ nước, sợ gió, co thắt vùng hầu họng…Dù nhanh chóng được đưa vào bệnh viện, nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.

moi nguy tu benh dai

Nạn nhân sinh năm 2007, trú thôn 2, xã Thạch Hóa. Cách đây 1 tháng, em bị chó cắn. Hai ngày sau, con chó chết, nhưng gia đình em lại chủ quan không đưa em đi tiêm ngừa vắc xin dại. Đến ngày 25/5/2022, nạn nhân lên cơn sốt, xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường như mệt, đau nhiều ở chân bị chó cắn, sợ nước, sợ gió, co thắt vùng hầu họng khi uống nước… và tử vong.

Đây không phải là nạn nhân duy nhất tử vong do bị chó dại cắn tại Quảng Bình. Từ cuối năm 2021 đến nay, địa phương đã ghi nhận tổng cộng 4 ca bị chó dại cắn. Tất cả đều không qua khỏi. Nhiều địa phương khác như Phú Thọ, Lạng Sơn, Hà Giang,… đều đã ghi nhận các ca nhập viện cấp cứu do bị chó dại cắn.

nhap vien do cho dai can
Nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận các trường hợp nhập viện do chó dại cắn với diễn tiến nguy kịch

Đáng chú ý có những ca bệnh rất nhỏ và có diễn tiến nguy kịch. Như bệnh nhi 16 tháng tuổi ở Phú Thọ nhập viện ngày 12/8/2021 trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, tím tái toàn thân, ý thức lơ mơ; được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết, chưa loại trừ được viêm cơ tim cấp và viêm não – màng não.

Ngay lập tức, trẻ được các bác sĩ điều trị tích cực, thở máy nâng cao, dùng các thuốc trợ tim vận mạch để duy trì sự sống. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2, tình trạng bệnh của trẻ ngày càng nặng, viêm phổi nặng lên, toan hóa máu không cải thiện kèm theo chảy máu tiêu hóa. Khai thác lại tiền sử từ gia đình mới biết trước thời điểm vào viện khoảng 1 tháng, trẻ ra đường bị chó cắn nhưng không tiêm vắc xin phòng dại do gia đình nghĩ đây là vết thương nhỏ, trẻ cũng ít đau và sợ tiêm phòng dại có thể làm con mình suy giảm trí nhớ nên gia đình không cho trẻ tiêm.

Sau khi có thông tin này, các bác sĩ đã tiến hành chọc dịch não tủy của bệnh nhi làm xét nghiệm PCR để tìm virus dại. Kết quả, có rất nhiều virus dại trong dịch não tủy, bé được đưa về với gia đình bởi bệnh dại khi phát cơn thì không thể cứu chữa. Bệnh nhi tử vong sau đó 2 ngày.

100% nạn nhân bị chó cắn khi lên cơn dại sẽ bị tử vong

Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào hoặc liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể phòng ngừa và điều trị dự phòng bằng vắc xin hay huyết thanh kháng dại. Nếu tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.

duong lay truyen benh dai
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào hoặc liếm của con vật bị bệnh dại

Một số ít người dân quan niệm rằng, tiêm vắc xin dại có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe và suy giảm trí nhớ. Chính vì sự lo sợ vô căn cứ, nhiều người không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó/mèo cắn, dẫn đến nhiều hệ lụy nặng nề, tử vong thương tâm.

Theo các chuyên gia, phản ứng sau tiêm là điểm hạn chế của vắc xin phòng dại thế hệ cũ đã được ngừng sử dụng cách đây hàng chục năm. Loại vắc xin thế hệ cũ này được sản xuất, tinh chế từ não chuột, với độ tinh khiết không cao có thể gây những phản ứng bất lợi cho người tiêm. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện tại vắc xin phòng dại thế hệ mới đã khắc phục hoàn toàn nhược điểm này.

Vắc xin phòng dại thế hệ mới được nhập khẩu từ Pháp và Ấn Độ, chất lượng vắc xin rất tốt và hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng có hại nào ảnh hưởng đến trí não, hệ thần kinh của người được tiêm phòng.

Vắc xin Verorab (Pháp) và vắc xin Abhayrab (Ấn Độ): phòng bệnh dại cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và người lớn.

Lịch tiêm vắc xin dại dự phòng trước phơi nhiễm gồm 3 mũi: Vào các ngày 0-7-21 hoặc (28).

Lịch tiêm khi xác định có phơi nhiễm:

Người chưa tiêm dự phòng:

Tiêm 4 mũi (*): vào các ngày N0 – N3 – N7 – N28 Tiêm 5 mũi (**) vào các ngày N0 – N3 – N7- N14 – N28

Lưu ý:

(*) Con vật sau 10 ngày theo dõi

(**) Con vật chết, bệnh, không theo dõi được

Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn.

Không tiêm huyết thanh trễ hơn 7 ngày sau ngày tiêm liều đầu tiên vắc xin Dại.

Người đã tiêm dự phòng trước phơi nhiễm hoặc sau phơi nhiễm ít nhất 3 mũi vắc xin Dại: Tiêm 2 mũi vào các ngày 0-3.

Dại là căn bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong gần như 100% với những trường hợp đã lên cơn dại. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người thân, người chăm sóc trẻ cần quan sát, chú ý trông nom trẻ cẩn thận khi chơi với chó mèo. Chó mèo của gia đình bắt buộc phải được tiêm phòng đầy đủ, định kỳ. Khi nghi ngờ trẻ có tiếp xúc không an toàn với chó, mèo hoặc bị chó, mèo cắn cần tiêm vắc xin phòng dại ngay theo đúng phác đồ.

Từ khóa » Sợ Chó Cắn