Từ Vụ Chó Pitbull Cắn Chết Người: Có Thể áp Dụng Chế Tài Hình Sự

Phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người nào có hành vi không đeo rọ mõm, không có người dắt chó khi đưa ra nơi công cộng
Phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người nào có hành vi không đeo rọ mõm, không có người dắt chó khi đưa ra nơi công cộng

Nhiều vấn đề pháp lý

Mới đây, sự việc bé trai 8 tuổi tại Bình Phước bị chó pitbull cắn tử vong đã khiến không ít người cảm thấy bàng hoàng và lo sợ. Sự việc gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến cho rằng nên cấm nuôi loại chó dữ này vì chúng chưa được thuần hóa hoặc bản tính của chúng quá hung dữ. Sự việc cũng đặt ra nhiều về vấn đề pháp lý liên quan rằng, liệu quy định đã phù hợp, đủ sức răn đe và hiệu quả trong cuộc sống hay không?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thực tế hiện nay trên đường phố vẫn xuất hiện những con chó thả rông, không đeo rọ mõm, được chở trên xe máy, hoặc được chủ dắt đi dạo trong công viên... Như vậy, một khi người nuôi không có ý thức tuân thủ quy định và cơ quan chức năng không quản lý chặt, xử lý nghiêm thì số nạn nhân bị chó dữ tấn công có thể sẽ gia tăng.

"Bởi vậy, trước hết các địa phương cần phải quản lý được số vật nuôi trên địa bàn và phân ra loài nào nuôi làm cảnh, loài nào thuộc thú dữ, nguy hiểm... để "siết", yêu cầu ký cam kết và có quy định quản lý cụ thể cho phù hợp", luật sư Nguyên nói.

Theo quy định hiện hành, chưa có quy định cũ thể, rõ ràng về việc cấm nuôi thú cưng tại gia đình. Tuy nhiên, tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP có quy định về một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư là: chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư.

Ngoài ra, Điều 66 Luật Chăn nuôi năm 2018 cũng quy định khi nuôi chó, chủ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu như thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh dại theo quy định. Chủ vật nuôi phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y…

Phụ lục 15 Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT cũng đã quy định rõ chủ chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.

Chủ chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.

Cấm nhập khẩu, nuôi các loại chó dữ

Theo quy định của pháp luật, hành vi thả rông chó nơi công cộng, không tuân thủ quy định về quản lý chó, không tuân thủ quy định về tiêm phòng thì sẽ bị xử phạt hành chính. Hiện nay chế tài hành chính có thể áp dụng theo quy định tại Nghị định 04/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2017/NĐ-CP), theo đó mức phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người nào có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Trường hợp người nuôi chó để chó tấn công người khác gây thiệt hại thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, chủ vật nuôi còn phải bồi thường thiệt hại theo Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bộ luật Dân sự hiện hành quy định vật nuôi là nguồn nguy hiểm cao độ, trường hợp vật nuôi gây thiệt hại cho người khác thì kể cả trường hợp chủ vật nuôi không có lỗi, vẫn phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp vi phạm quy định về quản lý vật nuôi dẫn đến chó cắn chết người thì người quản lý chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định an toàn nơi đông người" theo quy định tại Điều 295 BLHS năm 2015.

Theo luật sư Nguyên, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có quy định tương đối đầy đủ về quản lý phòng dại chó mèo, đảm bảo an toàn khi nuôi chó mèo. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa cao, công tác quản lý ở một số địa phương còn yếu kém dẫn đến tình trạng chó mèo nuôi tràn lan, thiếu kiểm soát, thiếu quản lý gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là gây ra những vụ cắn người gây thương tích, thậm chí chết người.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại chó dữ được nhập khẩu về Việt Nam nhưng người nuôi không tuân thủ quy định về quản lý, không đảm bảo điều kiện về huấn luyện, thuần dưỡng dẫn đến nhiều vụ cắn người thương tâm, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của những người xung quanh.

Do đó, thực tiễn đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý vật nuôi, thú cưng, đặc biệt là các loại chó dữ. Cần phải tăng cường trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, tăng mức xử phạt, truy trách nhiệm trong công tác quản lý thậm chí quy định điều kiện riêng đối với các loại chó dữ có khả năng tấn công người. Đối với những loại chó hung dữ, không đảm bảo tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn thì có thể cấm nuôi nhốt, cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyên, cần tăng cường công tác quản lý chó nói riêng và các vật nuôi nói chung để đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho con người là cần thiết. Việc này cần có sự thay đổi về chính sách, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và đặc biệt là những người dân có sở thích, nhu cầu nuôi chó hiện nay.

Chó Pitbull tuột xích, cắn nát tay người phụ nữ đi đường
Từ vụ việc chó Pitbull cắn chết người: Chủ nuôi phải chịu trách nhiệm hình sự?
Người lùa chó Pitbull sang hàng xóm giải quyết mâu thuẫn có bị xử lý hình sự?
Một cháu bé 8 tuổi bị chó Pitbull nặng hơn 30kg cắn tử vong
Giống chó Pitbull có thật sự nguy hiểm?

Từ khóa » Những Vụ Chó Cắn Chết Người