Tuần 29 - Hello Bacsi

Thai 29 tuần đồng nghĩa với việc bạn đang bước vào tam cá nguyệt thứ 3. Ở thời điểm này, bé đã đạt được một mức độ phát triển nhất định về kích thước, cân nặng… Mẹ bầu sẽ cảm thấy rất háo hức bởi thai kỳ đang dần tiến vào giai đoạn cuối và thời điểm em bé ra đời không còn xa.

Hãy cùng Hello Bacsi điểm qua một số thắc mắc thường gặp về giai đoạn tuần 29 cũng như các lưu ý cần thiết nhé.

Thai 29 tuần phát triển như thế nào?

1. Cân nặng của thai nhi 29 tuần tuổi

Khi thai kỳ bước vào tuần thứ 29, kích thước bé rơi vào khoảng 38.6 cm tính từ đầu đến chân. Vậy, thai nhi 29 tuần nặng 1400g hay bao nhiêu?

  • Cân nặng khoảng 1,165 – 1,554kg
  • Chiều dài khoảng 38,6cm tính từ đầu đến gót chân.

Kích thước này ngang bằng kích thước của một quả bí dâu. Chiều dài bé có thể tăng một chút trong 11 tuần tới, nhưng cân nặng có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong giai đoạn này.

Bên cạnh cân nặng và chiều dài, khi bé bước vào tuần thai thứ 29, mẹ nên quan tâm đến các chỉ số khác như sau:

  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 67 – 81mm
  • Chu vi vòng đầu (HC): 251 – 293mm
  • Chu vi vòng bụng (AC): 224 – 276mm
  • Chiều dài xương đùi thai 29 tuần (FL): 50 – 59mm.

2. Sự phát triển của thai 29 tuần tuổi

Nhiều người thắc mắc thai 29 tuần là mấy tháng hay mang thai 29 tuần là tháng thứ mấy? Câu trả lời là thai 29 tuần sẽ là lúc mẹ bầu mang thai 7 tháng.

Tuần này, hình thức siêu âm thai sẽ cho thấy em bé phát triển nhanh như thế nào. Vậy, thai nhi 29 tuần tuổi phát triển như thế nào? Hiện tại, em bé đang trong giai đoạn phát triển và có những thay đổi đáng kể trong quá trình tăng trưởng nói chung.

  • Não, các cơ quan, bộ phận sinh dục và răng cũng dần được hoàn thiện.
  • Thai nhi 29 tuần tuổi sẽ trở nên năng động hơn với những cú hích và thúc mạnh, ít nhất 10 lần trong 2 giờ, những chuyển động này có thể khiến mẹ bị mệt.
  • Những cú đạp của con xuất hiện ngày càng thường xuyên và mạnh mẽ do bên trong túi ối có ít không gian để di chuyển.
  • Thỉnh thoảng, mẹ có thể cảm thấy những chuyển động giống như co giật lẻ tẻ bên trong bụng, thực chất hiện tượng này là do em bé đang “nấc cụt” đấy.
  • Trên hình ảnh siêu âm, thai nhi có thể trông hơi mũm mĩm hơn trước. Con đang có một chút mỡ trắng dưới da, bên cạnh lớp mỡ nâu trước đó. Làn da của bé cũng trở nên mịn màng hơn.
Nếu mẹ nhận thấy chuyển động của bé không nhiều như trước, hãy quan sát và đếm cử động thai. Nếu nhận thấy bé di chuyển ít hơn, hãy đi khám ngay.

Sự phát triển của thai nhi 29 tuần tuổi

  • Cân nặng: 1,165 – 1,554kg
  • Chiều dài: 38,6cm tính từ đầu đến gót chân
  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 67 – 81mm
  • Chu vi vòng đầu (HC): 251 – 293mm
  • Chu vi vòng bụng (AC): 224 – 276mm
  • Chiều dài xương đùi thai 29 tuần (FL): 50 – 59mm
  • Não, các cơ quan, bộ phận sinh dục và răng cũng dần được hoàn thiện
  • Thai nhi 29 tuần tuổi sẽ tiếp tục trở nên năng động hơn
  • Thai nhi “nấc cụt”
  • Thai nhi có thể trông hơi mũm mĩm hơn.

Cơ thể mẹ bầu mang thai tuần 29 tuổi thay đổi như thế nào?

1. Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

Vào tuần thứ 29,

  • Bụng mẹ đã to dần và mẹ bầu sẽ không thể thực hiện động tác cúi người về phía trước một cách dễ dàng.
  • Cân nặng của mẹ bầu cũng tăng đáng kể. Con số cân nặng lý tưởng mà mẹ bầu nên tăng rơi vào khoảng 8 – 11kg tính từ đầu thai kỳ.
  • Ngực của mẹ bầu trở nên to hơn và nặng hơn, vì vậy nên mặc áo ngực dành riêng cho bà bầu có tính năng hỗ trợ.

2. Triệu chứng mẹ bầu thường gặp trong tuần thai 29

triệu chứng mẹ bầu 29 tuần

Một vài triệu chứng mà mẹ sẽ gặp phải khi ở tuần 29 trong thai kỳ:

  • Ợ nóng tiếp tục kéo dài
  • Khó thở do bào thai phát triển tạo áp lực lên phổi
  • Táo bón, gặp khó khăn khi đi vệ sinh hoặc thậm chí là bị trĩ
  • Dễ mất tập trung, khó ghi nhớ do cơ thể gia tăng sản xuất nội tiết tố
  • Đau lưng, đau thắt lưng và đau chân
  • Ngứa ở vùng bụng do da bị kéo căng
  • Khó chịu trong khi ngủ và cảm giác không thoải mái
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Tĩnh mạch hình mạng nhện trên da mặt, cổ ngực hoặc cánh tay do gia tăng lưu thông máu.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ bầu mang thai 29 tuần

1. Bà bầu 29 tuần nên ăn gì?

ăn uống khi thai nhi 29 tuần

Do thai nhi đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, mẹ bầu cũng nên đáp ứng nhu cầu về mặt dinh dưỡng. Bầu 29 tuần nên ăn gì? Theo các chuyên gia, ăn đúng và đủ là bí quyết để có một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, bạn cần biết mình nên ăn gì và cần hạn chế các loại thực phẩm nào.

Thực phẩm trong tuần thứ 29 của thai kỳ nên đa dạng và cung cấp đầy đủ các khoáng chất và vitamin như sắt, canxi và vitamin C…

  • Hãy cố gắng chọn lựa thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như rau lá xanh đậm, thịt nạc và ngũ cốc.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như bông cải, cà rốt, khoai lang… cũng rất tốt.

2. Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

Hãy tranh thủ đi khám ngay nếu mẹ đang lo lắng về việc thai nhi ít chuyển động hoặc có dấu hiệu thai 29 tuần gò cứng bụng.

Để kiểm tra và đánh giá về tình trạng của thai nhi, bác sĩ có thể hỏi mẹ bầu các câu hỏi như:

  • Thời gian cuối cùng mà mẹ cảm thấy sự chuyển động của thai?
  • Mẹ đếm được thai chuyển động bao nhiêu lần trong vòng vài giờ?

Thông thường thì mọi thứ đều ổn. Nhưng nếu như phát hiện có vấn đề thì có thể em bé cần được sinh sớm hoặc cần được thực hiện các bước hỗ trợ khác. Hành động kịp thời có thể ngăn ngừa được các vấn đề nghiêm trọng.

3. Thai 29 đã quay đầu chưa?

Thai 29 tuần ngôi đầu (hay ngôi thai đầu) được xem là ngôi thai thuận lợi nhất giúp việc sinh nở trở nên dễ dàng hơn. Ở mỗi mẹ bầu, thời điểm thai nhi quay đầu là khác nhau. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, phải đến tuần thứ 32 – 34 thai nhi mới quay đầu.

 vậy, nếu trong tuần 29, thai nhi chưa quay đầu thì cũng là điều bình thường và các mẹ bầu không nên quá lo lắng. Mẹ bầu nên đến thăm khám và siêu âm để biết thai 29 đã quay đầu chưa?

4. Những xét nghiệm nào mẹ cần biết?

đi khám thai 29 tuần

Giai đoạn thai nhi 29 tuần, đây có thể là lần cuối mẹ kiểm tra hàng tháng với bác sĩ. Vì qua tuần thứ 30 trở đi, mẹ sẽ có thể gặp bác sĩ thường xuyên hơn, cứ mỗi hai tuần vào tháng thứ 7, 8 và mỗi một tuần vào tháng thứ 9 cho đến khi em bé được sinh ra.

Trong lần kiểm tra tháng này, bác sĩ sẽ:

  • Kiểm tra lại huyết áp và cân nặng của mẹ.
  • Hỏi mẹ về bất kỳ dấu hiệu nào mà mẹ có thể đang gặp phải.
  • Yêu cầu mẹ mô tả các cử động và lịch trình hoạt động của bé như khi nào bé hoạt động và khi nào bé giữ yên lặng.
  • Theo dõi sự phát triển của em bé bằng siêu âm thai
  • Xét nghiệm nước tiểu (có thể kèm theo các xét nghiệm khác nếu cần).

hình siêu âm tuần thai 29

5. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 29 có cần thiết không?

Việc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ thường diễn ra vào khoảng tuần thai thứ 24 đến 28. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm sớm hơn nếu bạn:

  • Đã từng bị tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước
  • Có đường trong nước tiểu khi đi khám thai
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
  • Bị béo phì
  • Có huyết áp cao
  • Trên 35 tuổi
  • Có tình trạng bệnh lý như PCOS (hội chứng buồng trứng đa nang) hoặc tình trạng bệnh lý khác liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.

6. Nên làm gì và không nên làm gì khi thai 29 tuần?

Dưới đây là một vài cách đơn giản để bạn có thể giảm bớt cảm giác khó chịu khi mang thai:

Nên:
  • Nâng cao chân lên khi ngồi hay nằm
  • Nghỉ ngơi thật nhiều
  • Nên nằm ngủ nghiêng về phía bên trái
  • Hạn chế đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài
  • Ưu tiên các thực phẩm lành mạnh giàu năng lượng
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm để giảm thiểu tình trạng rạn da
  • Uống nhiều nước và cẩn trọng với các triệu chứng UTI (Nhiễm trùng đường tiết niệu).
Không nên:
  • Nâng vật nặng
  • Mặc quần áo bó sát
  • Ăn quá nhiều bởi sẽ gây tăng cân quá mức
  • Ngồi bắt chéo chân vì tư thế sẽ hạn chế lưu thông máu đến chân và gây sưng hoặc giãn tĩnh mạch.

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ thai nhi 29 tuần là mấy tháng, thai 29 tuần nặng bao nhiêu và những thay đổi ở mẹ bầu khi thai nhi được 29 tuần. Từ đó sẽ giúp bạn chăm sóc thai kỳ tốt hơn.

[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]

Từ khóa » Hình ảnh Siêu âm Thai 29 Tuần