Tục ăn đất Dưới Góc Nhìn Khoa Học - VnExpress

d

Bà Nguyễn Thị Lạc (81 tuổi), đến từ Lập Thạch, Vĩnh Phúc, ăn miếng đất nướng trong buổi trình diễn tại Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội.

Thực ra với giới khoa học, hiện tượng này đã được biết tới từ lâu và không phải là hiếm ở nước ta cũng như trên thế giới. Theo số liệu điều tra tại Kenya thì trong 285 học sinh, có đến 73% các em nghiện đất, tỷ lệ đó ở phụ nữ mang thai là 56%. Tại Anh, khoảng 3.000 phụ nữ thú nhận đã ăn gạch và đất vì quá thèm khi thai nghén. Ở đấy người ta phải nhập khẩu đất từ Bengal, Ấn Độ, chế biến thành thỏi gọi là "Sikor" bán cho phụ nữ và trẻ em. Ở Đức cũng thấy bày bán loại "đất chữa bệnh" (Healing soil) trong các cửa hàng.

Theo ông Trần Văn Tân, cán bộ Viện nghiên cứu Địa chất và khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thói quen ăn đất cũng có ở các loài động vật. Ở Ruwanda có giống khỉ gorila rất thích ăn loại đất sét giống caolin. Còn hắc tinh tinh lại ưa món đặc sản đất ụ mối. Ở núi Elgun trên biên giới Kenya-Uganda có mỏ calcit-zeolit là khoáng vật được nhiều loài ưa thích, đặc biệt là voi châu Phi. Loài này thường đến đào đất bới để ăn, lâu ngày tạo thành hang ngầm dưới đất.

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của tiến sĩ Lê Nhâm Tuyết, tục ăn đất có từ phong tục "việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu" thuở Hùng Vương dựng nước. Nó không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng bởi đất vốn là nguồn sống của các cư dân nông nghiệp, mà còn bắt nguồn từ thực tiễn. Bà Tuyết cho biết từ xa xưa, đồng bào Kháng ở vùng Thuận Châu, Sơn La vẫn phơi đất trên gác bếp rồi lấy xuống ăn. Người Bana cũng có tục ăn đất là lớp bùn non đông lại trên mặt đất sau mưa. Riêng ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, người ta không chỉ ăn đất sống mà còn hun, nướng các cục đá non. Thậm chí, có rất nhiều người nghiện món ăn này. Có nhiều gia đình còn sống bằng nghề bán đất cho người ta ăn.

Trước tiên, người ta dùng dao đào đất chừng 15-20 m dưới mặt đất gọi là "giếng đất", hoặc chừng 4-5 m dưới mặt đất gọi là "hầm đất". Những tảng đất mới lấy to chừng 5-6 cm3, màu xám tro, có vệt nâu đỏ, mịn, mềm, không sạn, nặng mùi bùn. Sau đó, họ chặt thành từng miếng mỏng to bằng 2-3 đầu ngón tay và đem phơi khô. Đất sẽ bớt mùi bùn và chuyển sang màu xám trắng. Để miếng đất thêm thơm ngon, họ sẽ nướng các cục đất cùng với lá sim và lá chè cay cho đến khi chúng chuyển sang màu vàng sẫm và khét mùi thơm. Đến đây, những miếng đất hun được gọi là "ngói" và trở thành món ăn vặt ngon lành hay những món quà chợ để biếu nhau.

Theo nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Địa chất và khoáng sản, thói quen ăn đất có một số nguyên nhân sau: Có thể họ ăn do cơ thể chiếu vi chất sinh dưỡng; để tạo cảm giác no trong thời kỳ đói kém; dùng như một loại thuốc (đất có lẽ là loại thuốc cổ xưa nhất trên thế giới cho đến nay); và ăn để giải toả một số căng thẳng thần kinh, về tâm sinh lý...

Nhưng có lẽ nguyên nhân thiết hụt vi chất dinh dưỡng trên phông địa hoá địa phương là có cơ sở hơn cả. Để chứng minh, tiến sĩ Nguyễn Việt tại Trung tâm tiền sử Đông Nam Á đã tiến hành phân tích một số mẫu đất đá mà người Mãng ở Than Uyên dùng để ăn, thấy có nhiều oxit sắt, canxi, kali, photpho, kẽm... là những khoáng chất có lợi cho sức khoẻ. Thực tế trong y học, người ta cũng sản xuất ra một số loại thuốc, thực chất là các loại đất tinh chế, như bican, alusi... để trị bệnh dạ dày. Ngoài ra, người ta cũng tạo ra các loại thực phẩm có khả năng bổ sung vi chất dinh dưỡng như canxi, muối iốt, viên sắt, kem đánh răng fluor... để tăng cường sức khoẻ và chữa bệnh.

Tuy nhiên, các số liệu phân tích mẫu đất còn nghèo nàn và chưa đi sâu về đặc điểm địa hoá, địa sinh thái, dịch tễ học, độc học... Ngoài ra, theo ông Tân, cùng một nguyên tố, có khi là chất dinh dưỡng, có khi lại là chất độc hại, tuỳ thuộc vào cách sử dụng và hàm lượng hấp thụ. Chẳng hạn như fluor trong thuốc đánh răng giúp răng chắc khoẻ, nhưng quá nhiều fluor sẽ làm răng mềm nhũn và vỡ vụn.

Hơn nữa, khi đánh giá tác dụng của việc ăn đất, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng đất ăn đồng thời có thể đưa vào cơ thể những chất độc hại như As, Hg, Pb, Cd... và nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm, nhất là khi môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải, phân bón hoá học, thuốc trừ sâu... Đó là chưa kể việc ăn đất thường xuyên còn nhanh chóng làm mòn răng.

Vì vậy, theo ý kiến của nhóm nghiên cứu địa chất, không nên khuyến khích việc sử dụng trực tiếp đất tự nhiên và cũng không nên dùng đại trà cho mọi người. Ngược lại, nên sử dụng có chọn lọc theo nguyên tắc: thiếu chất gì bổ sung chất ấy, thiếu nhiều dùng nhiều, thiếu ít dùng ít và phải qua chế biến để loại trừ các chất độc hại. Muốn làm được như vậy phải có sự can thiệp của khoa học.

"Tục ăn đất là một hiện tượng phức tạp và nhạy cảm. Nó vừa là đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội, vừa là đối tượng của khoa học tự nhiên và có liên quan tới nhiều ngành. Vì vậy, để đánh giá đúng bản chất của nó phải có cái nhìn toàn diện và có sự tham gia của nhiều lĩnh vực khoa học", ông Tân kết luận.

Anh Thi

 

Từ khóa » đá ăn được ở Vĩnh Phúc