Tục An Táng Cá Voi - VnExpress

  • Mới nhất
  • Thời sự
  • Góc nhìn
  • Thế giới
  • Video
  • Podcasts
  • Kinh doanh
  • Bất động sản
  • Khoa học
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Số hóa
  • Xe
  • Ý kiến
  • Tâm sự
  • Tất cả
  • Trở lại Thời sự
  • Thời sự
  • Dân sinh
Thứ hai, 17/1/2022, 00:00 (GMT+7) Tục an táng cá voi

Hà TĩnhThấy cá voi chết, người dân đưa vào miếu Đức Ngư Ông ở huyện Cẩm Xuyên chôn cất, đặt tên dựa theo chữ thập trên đầu hoặc tung đồng xu âm dương.

Miếu Đức Ngư Ông diện tích hơn 2.000 m2, nằm bên bờ biển thuộc thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, có lịch sử khoảng 600 năm, từ thời khai sinh vùng đất này.

Bên trong khuôn viên có ba điện thờ cá voi, được đặt các tên gồm: Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần, Đức Cá Ông, Đức Cá Bà, Đức Cậu và Đức Cô. Bên trái là nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ cá. Công trình đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh Hà Tĩnh năm 2007.

Ông Nguyễn Hữu Phương, 63 tuổi, Trưởng ban quản lý miếu, cho biết Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần được thờ chính tại đây là một con cá voi lớn. Tương truyền, một lần vua Lê Thánh Tông cùng tùy tùng đi thuyền rồng trên biển, bất ngờ bão tố nổi lên khiến mọi người chới với, cá voi lập tức xuất hiện đẩy thuyền vào bờ an toàn. Nhà vua thoát nạn đã đặt tên cá là một vị Đại vương, cho lập miếu thờ cúng, ban tặng sắc phong. Có chốn tâm linh, ngư dân mỗi lần ra khơi thường đến miếu cầu may, cầu an. Tục an táng cá voi cũng xuất hiện từ đây.

Ông Nguyễn Hữu Phương đang thắp hương tại mộ của một con cá voi chết khoảng nửa năm trước. Ảnh: Đức Hùng

Ông Nguyễn Hữu Phương đang thắp hương tại mộ của một con cá voi chết khoảng nửa năm trước. Ảnh: Đức Hùng

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Cẩm Nhượng, thuở thanh niên và trung niên ông Phương nhiều lần đến miếu thắp hương cầu khấn mỗi lần ra khơi, quan sát các cụ cao niên trong xã làm thủ tục chôn cất và lập mộ khi cá gặp nạn. Lúc được giao tiếp quản di tích, ông bày tỏ đây là niềm vinh dự, tại các cuộc họp luôn truyền đạt lại kinh nghiệm, nhắc nhở 14 thành viên trong ban lễ nghi cần giữ gìn và phát huy truyền thống. Mỗi năm có khoảng 3-5 con cá voi nặng từ 20-50 kg chết dạt bờ, năm nhiều nhất hơn 10 con, đều được an táng chu đáo tại miếu.

Theo quy định, ngư dân thấy cá voi chết thì sẽ gọi điện, chụp ảnh gửi về cho Trưởng ban lễ nghi để chuẩn bị, sau đó vào bờ phối hợp làm thủ tục chôn cất. Nếu cá chết không có ai phát hiện, mọi việc sẽ giao cho ban quản lý miếu.

Ông Phương kể, tiếp nhận một con cá bị chết, ban lễ nghi sẽ thắp hương cầu khấn, làm lễ xin thổ địa cho cá được an táng tại khu vực miếu. Mọi người sau đó dùng nước sạch rửa cá, xịt nước hoa, đổ rượu lên thân để khâm liệm. Nếu trên đầu cá có chữ thập, nghĩa là cá voi già, được đặt tên là Đức Cá Ông hoặc Đức Cá Bà. Đối với những con không có chữ thập trên đầu thì phải tung đồng xu. Nếu ba lần hai xu đều thể hiện một mặt dương thì đặt lên là Đức Cậu, được hiểu là con cá đực. Ngược lại hai mặt xu cùng lật mặt âm thì tên Đức Cô - cá cái.

Xong thủ tục khâm liệm, cá được đưa ra khu đất trống cạnh miếu để chôn cất. Hố để đặt xác cá sâu khoảng khoảng 3-4 m, bề ngang hoặc dọc không cố định, tùy theo kích thước của con vật. Khi đặt cá xuống hố xong, người dân tham dự lễ sẽ lần lượt tiến lại bốc một nắm đất nhỏ bỏ vào hố. Một lễ an táng diễn ra khoảng 3 tiếng, kinh phí hết khoảng 400.000 đồng, gồm tiền mua đồ cúng, hương hoa... Ngư dân nào phát hiện cá chết và đưa vào đầu tiên, họ sẽ bỏ khoản này. Với các trường hợp khác, ban quản lý miếu sẽ trích tiền công đức làm.

Phần mộ của cá voi đực, gọi là Đức Cậu, giới tính được xác định qua tung đồng xu âm dương. Ảnh: Đức Hùng

Phần mộ của cá voi đực, gọi là Đức Cậu, giới tính được xác định qua tung đồng xu âm dương. Ảnh: Đức Hùng

Cạnh miếu có một nghĩa trang cá voi rộng khoảng 300 m2, phía trên có một tấm bia lớn màu xanh, đúc tượng con cá voi màu xám, xung quanh có hơn 100 ngôi mộ. Cá voi mới chết sẽ chôn ngoài nghĩa trang, được làm lễ cúng hương đăng, hoa quả vào các thời điểm 3 ngày, 50 ngày, 100 ngày, giỗ đầu. Sau hai năm, khi "hết tang" ngư dân phát hiện đầu tiên hoặc ban quản lý miếu sẽ phối hợp làm lễ bốc mộ cá, cải táng đưa bộ xương vào chôn cất trong nghĩa trang. Mộ xây bằng xi măng, bề ngang 40 cm, dài gần 1 m, phía trước đặt tấm bia, lư hương.

Ông Nguyễn Hữu Phương chia sẻ, cá voi như một người bạn, luôn âm thầm giúp đỡ ngư dân. Mỗi lần thấy cá gặp nạn, ông và mọi người đều mang một nỗi buồn rất lớn. Không bất kể đêm hay ngày, hay tin cá hết, dân địa phương và ngư dân đang đánh bắt hải sản trên vùng biển huyện Cẩm Xuyên đều lái thuyền vào hỗ trợ chôn cất, túc trực nhiều giờ tại khu vực miếu bày tỏ lòng thành kính.

"Hai năm trước, lúc 0h, một con cá voi nặng 40 kg chết cách khu vực biển xã Cẩm Nhượng khoảng 400 m. Tôi nhận tin báo liền chạy xe ra làm lễ, song đến nơi đã thấy hàng chục người túc trực tại đó hỗ trợ. Ai cũng làm việc miệt mài, không nề hà, dù trời mưa rét người run cầm cập", người đàn ông 63 tuổi kể.

Khi cầu khấn tại miếu, khách hành hương luôn gọi cá voi là "ngài". Theo cụ ông Phan Văn Tần, 78 tuổi, trú huyện Cẩm Xuyên, dù gần đây chưa ghi nhận việc cá voi giúp đỡ ngư dân, song hàng chục năm trước, có một ngư dân tên Thư - thường gọi là ông "Thư Búa", quê ở xã Cẩm Nhượng, trong một lần ra khơi thì thuyền gặp sóng to gió lớn. Ông này đã nói với các thuyền viên "kiểu này không sống được rồi". Tuy nhiên, vài giây sau một con cá voi lớn xuất hiện, đỡ mạn thuyền đưa ông Thư cùng các lao động vào một hòn đảo nhỏ tránh trú an toàn.

Điện thờ cá voi ở trong miếu Đức Ngư Ông. Ảnh: Đức Hùng

Điện thờ cá voi ở trong miếu Đức Ngư Ông. Ảnh: Đức Hùng

Trưởng ban quản lý miếu Đức Ngư Ông cho hay, việc an táng và thờ tự trên không phải mê tín, mà đó là đức tin của ngư dân làng chài đối với cá voi - những người bạn luôn đồng hành với mình trên biển. Tuy nhiên, ông Phương cũng trăn trở, bởi trước kia cá voi ít bị chết, song gần đây số lượng nhiều hơn. Trong 3 năm gần nhất họ đã chôn 32 con. Nguyên nhân "có thể do môi trường biển bị ảnh hưởng bởi nạn xung điện và tàu giã cào, khiến cá bị ảnh hưởng".

Trải qua nhiều biến thiên của thời gian, miếu Đức Ngư Ông bị xuống cấp, bốn năm trước được chính quyền phối hợp với người dân phục dựng lại. Ông Phương mong muốn sắp tới sẽ quyên góp kinh phí để làm tấm bia tượng cá lớn, bên cạnh đó là thay mới những ngôi mộ cũ để nơi thờ tự được khang trang hơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, cho biết tục an táng cá voi tại miếu Đức Ngư Ông là sinh hoạt văn hóa phi vật thể của người dân địa phương, nó gắn với lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn và hội chèo cạn diễn ra vào ngày 8/4 âm lịch hàng năm. Hiện lễ hội cầu như Nhượng Bạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngày 27/5.

"Hàng năm chính quyền luôn huy động xã hội hóa và trích kinh phí để tôn tạo miếu, có thời điểm nhiều nhất khoảng một tỷ đồng", ông Hùng nói.

Cá voi hay còn gọi là cá ông, tên khoa học Cetacea, gồm khoảng 90 loài, hầu hết sinh sống ở các đại dương lớn. Cá voi được xếp vào dòng động vật có vú nhưng do sống trong môi trường nước nên vẫn được gọi là cá.

Tại Việt Nam, vùng biển Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng... từng ghi nhận cá voi dạt vào bờ. Ngư dân thường vớt cá lên chôn cất, thờ cúng.

Tục an táng cá voi ở hà tĩnh Tục an táng cá voi ở hà tĩnh

Tục an táng cá voi ở Hà Tĩnh. Video: Đức Hùng

  • Cứu cá voi gần 2 tấn
  • Phục dựng hai bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam
  • Đền thờ bộ xương cá voi lớn nhất miền Bắc

Đức Hùng

Trở lại Thời sựTrở lại Thời sự Copy link thành công ×

Từ khóa » Chịu Tang Cá Voi