Tục Chạp Mả Cuối Năm - Báo Bình Thuận

Trở lại thời xưa, những ngày giáp tết con cháu mang cuốc, xẻng, thúng mủng và bó nhang, đĩa bánh trái từ sáng sớm tới nghĩa địa của làng bắt đầu với công việc nhổ cỏ trên mộ đất rồi tìm đất sạch cạnh bên đắp bồi lên cho đầy đặn. Có nhiều mộ không có bia ghi tên mà chỉ qua người lớn tuổi trong gia đình chỉ cho con cháu thứ bậc trong họ tộc và phải nhớ vị trí để kế tục về sau. Dù là đất tha ma “gò mả” của làng chọn trên phần đất gò, động cát cao và mộ phần của dòng họ thường được chôn gần kề nhau. Cũng có người khi xong phần dẫy mộ trong chi tộc đã không quên những nấm mồ hoang bên cạnh, gọi là dẫy mả âm linh cho láng giềng. Người ta có thể nhìn ngôi mộ đắp tròn hay dài mà đoán được quê quán vùng đất nào, xứ Quảng hay Triều Châu, Phúc Kiến… Nhưng khác nhau ở chỗ gia đình nào khá giả thì mua đất, xây vòng tường để lập khu mộ họ tộc nhưng không nhiều.

 Nền văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng khá nhiều với người Việt, trong đó nhiều phong tục, lễ tiết vẫn còn nhưng dần dần được Việt hóa theo đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế.Theo sách vở cũ, chạp mả còn có nghĩa là lạp nguyệt, tức tháng cuối năm. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Cũng là hình thức tảo mộ, dẫy mả nhưng đối với người Trung Hoa thì coi tiết thanh minh xuất xứ từ tích xưa là Tết hàn thực có ý nghĩa hướng về tổ tiên giữa thời điểm giao mùa của sự vận hành trời đất, cây cỏ xanh tươi và nhằm vào khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch. Nhưng với người Việt lại coi đây cũng là dịp tốt nhất để sửa sang, cải táng mà không phải lệ thuộc kiêng kỵ vì khắc tuổi, thời gian. Thanh minh còn có ảnh hưởng đến cộng đồng dành sự quan tâm, chăm sóc đối với mồ mả của những mảnh đời thiếu vắng người thân. Từ xưa, sau khi mở làng lập ấp, cư dân đã lập nên nghĩa địa cho người từ trần và tiếp đến việc tổ chức hội thanh minh, thường gắn với hoạt động đình làng. Ở Bình Thuận, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) đã thành lập “Thanh minh tương tế ái hữu hội” và phát triển đến các làng còn đến ngày nay.

 Nhưng với tục cúng chạp, dẫy mả cuối năm đối với gia đình người Việt là quan trọng và trở thành nét văn hóa của dân tộc, mang ý nghĩa giáo dục về đạo lý uống nước nhớ nguồn.

PHAN CHÍNH

Từ khóa » Dẫy Mả