Tục Ngữ Về "Quy Nhơn" - Ca Dao Mẹ

Những bài ca dao - tục ngữ về "Quy Nhơn":
  • Mời chư vị giai nhân tài tử

    Mời chư vị giai nhân tài tử Tới đây nghe tôi thử pháo tre Của bán ra không phải nói khoe Thời thực vật sắm vừa túc dụng Có pháo nhiều đốt cũng vui tình Từ cựu thời bộc trước nhi thinh Có pháo mới văn minh xuân nhựt Dưới con cháu cũng vui cũng ức Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ Coi như lễ Tết Tây trong dã Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình Phí của nọ vui tình không tiếc Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung Luật vui xuân ai cũng nên dùng Có pháo mới đùng đùng là thú Cùng mấy người no đủ tiêu xoay Đều xúm lại hàng này Mua pháo nầy về đốt Vốn tôi không nói tốt Hay thiệt tình có một mình tôi Nhiều người bán xảo làm mồi Đốt đây khá về rồi dại dở Có kẻ làm kêu cũng đỡ Vấn nhiều tay tôi sợ không đều Của bán ra là biết bao nhiêu Một mình vấn nên kêu đều đặn Mười như chục tiếng kêu đúng đắn Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm Như đại bác vang gầm trời đất Hễ đốt thì xác tan bay mất Không khi nào gió phất ngún hừng Của tôi làm, tôi đã biết chừng Xin quý chức mua đừng có ngại Để đốt thử vài trái Nghe có phải hay không Đang buổi chợ mua đông Tôi cũng trông bán đắt Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc Xin bà con mua hắt tôi về Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng…

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Khác
    • Thẻ:
      • Bình Định
      • chợ Gò
      • Tuy Phước
      • Quy Nhơn
      • bài chòi
      • đốt pháo
    • Người đăng: Nguiễn Sơn
    • 22 August,2022
  • Nước trên nguồn chảy tuôn ra biển

    Nước trên nguồn chảy tuôn ra biển Cảm thương người một kiểng hai quê Cầu Đôi liền lối đi về Mịt mùng mây phủ An Khê, Phú Tài

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Quê hương đất nước
    • Thẻ:
      • Phú Tài
      • Bình Định
      • An Khê
      • Cầu Đôi
      • Quy Nhơn
    • Người đăng: Phan An
    • 25 November,2015
  • Hát bội Quy Nhơn

    Hát bội Quy Nhơn Hầu đơn Quảng Ngãi Thơ lại Quảng Nam Hò khoan xứ Huế

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Quê hương đất nước
    • Thẻ:
      • Quảng Ngãi
      • Quy Nhơn
      • hò khoan
      • Thừa Thiên-Huế
      • thơ lại
      • hát bội
    • Người đăng: Phan An
    • 4 October,2015
  • Ai về Bình Định Quy Nhơn

    Ai về Bình Định Quy Nhơn Có nghe vó ngựa Tây Sơn thuở nào

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Quê hương đất nước
    • Thẻ:
      • Bình Định
      • Tây Sơn
      • Quy Nhơn
    • Người đăng: Nguiễn Sơn
    • 5 August,2014
  • Quy Nhơn có tháp Chòi Mòi

    Quy Nhơn có tháp Chòi Mòi Có đầm Thị Nại chạy dài biển Đông

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Quê hương đất nước
    • Thẻ:
      • Bình Định
      • Thị Nại
      • Quy Nhơn
      • tháp Chòi Mòi
    • Người đăng: Phan An
    • 23 May,2013
  • Quy Nhơn có biển, có cầu

    Quy Nhơn có biển, có cầu Có phố chú Chệt, có lầu ông Tây Thông ngôn, kí lục lắm thầy Chân thì giày ống, tay thì ba-toong Vợ thì đánh phấn thoa son Nước non còn mất, mất còn không hay

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Quê hương đất nước
      • Lịch sử
    • Thẻ:
      • Pháp thuộc
      • Quy Nhơn
    • Người đăng: Phan An
    • 4 May,2013
  • Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát

    Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát Đường Quy Nhơn mịn cát dễ đi Phương Mai, Gành Ráng tương tri Ngâm câu “Thuỷ tú sơn kì” thảnh thơi

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Quê hương đất nước
    • Thẻ:
      • Bình Định
      • Phương Mai
      • Cầu Tấn
      • Quy Nhơn
      • Ghềnh Ráng
    • Người đăng: Phan An
    • 16 April,2013
Chú thích
  1. Tài tử giai nhân Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.

    Dập dìu tài tử giai nhân Ngựa xe như nước, áo quần như nêm (Truyện Kiều)

  2. Thực vật Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
  3. Túc dụng Đủ dùng (từ Hán Việt).
  4. Cựu thời Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
  5. Bộc Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
  6. Nhi thinh Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  7. Xuân nhựt Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
  8. Ức Ham, muốn (từ cũ).
  9. Minh niên Năm nay (từ Hán Việt).
  10. Hỉ hạ Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
  11. Dã Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
  12. Huế Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  13. Điện Quang Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.

    Pháo Điện Quang

    Pháo Điện Quang

  14. Lôi đình Sấm sét (từ Hán Việt).
  15. Hung Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Tiêu xoay Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Ngún hừng Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
  18. Hắt Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
  20. Một kiểng hai huê Cũng phát âm thành "một kiểng hai quê" ở Nam Bộ, nghĩa là một cây (cảnh) có hai bông hoa, nghĩa bóng chỉ chuyện một chồng hai vợ. Còn có nghĩa một xứ sở mà hai quê hương, chỉ cảnh tha hương, lênh đênh rày đây mai đó.
  21. Cầu Đôi Tên chung của hai cây cầu song song nhau, một dành cho xe lửa và một dành cho đường bộ, nằm ở cửa ngõ thành phố Quy Nhơn, Bình Định, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.

    Cầu Đôi

    Cầu Đôi

  22. An Khê Tên một cái đèo giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, đồng thời cũng là tên một trong hai thị xã của tỉnh Gia Lai. Khu vực An Khê đồi núi trập trùng, hiểm trở, nên được nghĩa quân Tây Sơn chọn làm căn cứ địa trong những ngày đầu kháng chiến.

    Đèo An Khê

    Đèo An Khê

  23. Phú Tài Địa danh trước đây là một thôn thuộc xã Phước Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 1986, xã Phước Thạnh được sáp nhập vào thành phố Quy Nhơn, khu vực này trở thành ngã ba Phú Tài.
  24. Hát bội Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  25. Quy Nhơn Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  26. Có bản chép là “làm đơn,” đều có ý chỉ việc kiện tụng, tranh chấp.
  27. Quảng Ngãi Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  28. Thư lại Viên chức trông coi việc giấy tờ ở công đường thời phong kiến, thực dân. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành thơ lại.
  29. Quảng Nam Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  30. Hò khoan Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  31. Bài này nói về tài năng hoặc nét đặc trưng của người dân ở bốn địa phương.
  32. Bình Định Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  33. Tây Sơn Tên cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là tên vương triều được lập ra từ cuộc khởi nghĩa này và kéo dài từ 1788 đến 1802. Khởi nghĩa và vương triều Tây Sơn có công rất lớn trong việc bình định đất nước, chấm dứt thời kì loạn lạc Trịnh-Nguyễn phân tranh, đồng thời giữ vững bờ cõi trước sự xâm lược của quân Thanh. Tây Sơn gắn liền với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  34. Tháp Thầy Bói Còn có tên là Tháp Chòi Mòi, một gành đá nổi giữa đầm Thị Nại, thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Đầm biển cạn chu vi 9.500 trượng, trong đầm có núi nhỏ, tục gọi Tháp Thầy Bói.” Sách Nước non Bình Định của Quách Tấn chép: “Trong đầm ở phía tây, gần phía Quy Nhơn, nổi lên một cụm đá rộng, chừng vài sào, cao chỉ trên mặt nước chừng một thước, một thước rưỡi, khi thủy triều thay đổi. Người ta gọi là Tháp Thầy Bói.”

    Về tên gọi “Tháp Thầy Bói,” có người giải thích sở dĩ có tên như vậy vì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, do dân chài lập ra để thờ thuỷ thần.

    Gành đá Tháp Thầy Bói

    Gành đá Tháp Thầy Bói

  35. Thị Nại Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại

  36. Chệch Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  37. Lầu ông Tây Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lầu ông Tây, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  38. Thông ngôn Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
  39. Kí lục Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  40. Ba toong Gậy chống, thường cong một đầu để làm tay cầm. Từ này có gốc từ tiếng Pháp bâton. Các viên chức, trí thức dưới thời Pháp thuộc thường mang theo gậy này.
  41. Cầu Tấn Tên một chiếc cầu cổ gần cửa biển Thị Nại (nay là đầm Thị Nại), tỉnh Bình Định. Cầu này có từ đời Chiêm Thành, xây bằng đá, nên sử chép là Thạch Kiều, thời Pháp được sửa lại, đúc bằng xi măng cốt sắt. Cầu có tên là cầu Tấn vì Thị Nại xưa kia là một thương cảng tấp nập, có quan Tấn thủ coi giữ.
  42. Có bản chép: Bãi.
  43. Phương Mai Tên một hòn núi nhỏ nằm ở phía Đông của đầm Thị Nại (trước là cửa biển Thị Nại) thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên bán đảo và vịnh ở đây.

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

  44. Ghềnh Ráng Tên một thắng cảnh rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 2km. Đây là một bãi đá tự nhiên rất đẹp, trước đây từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Ghềnh đá có bãi tắm Tiên Sa, bãi Hoàng Hậu (tương truyền có tên như vậy vì là bãi tắm ưa thích của hoàng hậu Nam Phương triều Nguyễn), đá Hòn Chồng, bãi Đá Trứng, cùng với ngôi mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Quách Tấn giải thích về tên gọi Gành Ráng: (...) gọi là Gành Ráng không phải là Ráng trời. Người đi biển có bốn tiếng để lái thuyền: Cay: cho thuyền từ phải qua trái; Biết: cho thuyền từ trái qua phải; Nhượng: xoay mũi thuyền theo đầu gió; Ráng: đổ gió trong buồm ra, xoay mũi theo cuối chiều gió. Thuyền hễ qua Gành này thì phải đổ gió nên gọi là Gành Ráng.

    Một góc Ghềnh Ráng

    Một góc Ghềnh Ráng

  45. Tương tri Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  46. Sơn kì thủy tú Chữ Hán, nghĩa là "núi lạ, sông đẹp." Chỉ cảnh vật tươi đẹp. Còn nói là "thủy tú, sơn kì."

    Xa xa vừa mấy dặm đường Gặp Vương Tử Trực vầy đoàn đều đi. Trải qua thủy tú sơn kì Phỉ lòng cá nhảy gặp thì rồng bay (Lục Vân Tiên)

Từ khóa » Bài Thơ Nói Về Quy Nhơn