TỤC THỜ CÁ ÔNG VÀ SỰ TIẾP BIẾN VĂN HOÁ CỦA CƯ DÂN VIỆT

Tín ngưỡng thờ thần biển và những vị thần liên quan đến sông nước trong cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam có từ lâu đời. Đó là nét văn hoá tâm linh ghi dấu quan niệm của người xưa về một thế giới mà trong đó “vạn vật hữu linh”: Núi rừng có Sơn thần, sông biển có thuỷ thần...., đến như cây cỏ, gỗ đá đều có thần cả. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ thần biển của người Việt từ Bắc đến Nam cũng có những khác biệt. Nghĩa địa cá Ông thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TV Nghĩa địa cá Ông thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TV Theo chúng tôi được biết, vùng ven biển từ tỉnh Thanh Hoá trở ra đến Quảng Ninh, người ta thờ thần Độc Cước. Đó là vị thần một chân. Tương truyền rằng vị thần này đã dùng phép phân thân để vừa chống yêu quái trên cạn vừa diệt trừ thuỷ quái, cứu hộ dân lành. Xong việc, để đảm bảo bình yên lâu dài cho dân chúng, thần tiếp tục tồn tại một nửa trên cạn, một nửa dưới nước. Một nửa trên bờ phù hộ cho cư dân nông nghiệp, nửa dưới nước tiếp tục độ trì cho ngư dân trên biển. Hiện nay, dọc theo bờ biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh có nhiều miếu (hoặc đền) thờ thần Độc Cước. Tỉnh Thanh Hoá là nơi có nhiều đền thờ vị thần này. Tiêu biểu có các đền ở các làng: An Lạc (Hoằng Hải), Đại An (Hoằng Lương), Mỹ Du (Hoằng Kim), Vân Trai (Cẩm Vân, Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá). Đặc biệt có đền Độc Cước ở Sầm Sơn, toạ lạc trên núi Cổ Giải được xem là đền chính, thờ chính nơi thần đã hoá thân và để lại một dấu chân rất lớn trên đá. Ngôi đền này nổi tiếng linh thiêng. Hằng năm có hàng vạn khách thập phương đến viếng.

Còn từ Đèo Ngang trở vào Nam, ngư dân thờ cá Ông. Tục thờ cá Ông xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá voi của người Chăm. Giai thoại kể rằng cá Voi là hoá thân của thần Cha-Aih-Va, còn được gọi là thần sóng biển, thường cứu người bị nạn trên biển.

Khi lưu dân Việt tiếp quản dải đất từ Trung bộ trở vào, cũng đồng thời ít nhiều tiếp biến văn hoá của người Chăm, mà tục thờ cá Ông là một ví dụ . Tuy nhiên, chưa thấy công trình nghiên cứu nào nói rõ về tập tục và nghi thức thờ cá Voi của người Chăm. Riêng tục thờ cúng cá Ông của người Việt đã Việt hoá hoàn toàn. Dấu vết Chăm trong tập tục này chỉ còn tồn tại ở tên vị thần mà người ta thờ phụng.

Trước hết, ta thấy tục thờ cá Ông của người Việt luôn gắn với tâm linh Việt: Bên cạnh việc thờ cá Ông, người Việt còn cúng tế cả tiền hiền, hậu hiền, vong linh thập giới cô hồn liên quan đến sông nước. Lễ vật dâng cúng Ông cũng không rườm rà, chỉ là những thứ dễ tìm, thông dụng (trừ hải sản). Văn tế thấm đẫm tinh thần Việt. Múa hát bả trạo là trò diễn xướng dân gian độc đáo. Trong nhiều công trình nghiên cưú, các học giả đều cho rằng múa hát bả trạo thuộc về phần hội (theo nghĩa lễ hội) của lễ cầu ngư. Theo tôi, vấn đề này cần nghiên cứu kỹ hơn.

Lễ cầu ngư và tục thờ cúng cá Ông của cư dân ven biển Trung bộ Việt Nam sở dĩ được xem là một trong những lễ hội chính, trang trọng và thu hút mạnh mẽ cộng đồng không chỉ do quan niệm và lòng tin của ngư dân về vị thần cứu hộ, độ sinh, mà còn xuất phát từ sự chỉ đạo của chính quyền phong kiến dưới thời nhà Nguyễn. Theo truyền thuyết, trong quá trình bôn tẩu, trốn tránh sự truy bức của anh em Tây Sơn, có lần thuyền của Nguyễn Ánh bị bão tố và trôi dạt. Trong cơn hoạn nạn, Nguyễn Ánh đã được cá voi cứu và đưa đến nơi an toàn. Khi lên ngôi, Nguyễn Ánh lấy hiệu là Gia Long, đồng thời đã sắc phong cá voi là Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Thượng đẳng thần. Về sau, triều Nguyễn sắc phong cá ông là Đại Càng quốc gia Nam Hải. “Trước năm 1945, chính quyền phong kiến quy định làng nào bắt gặp cá Ông chết thì xã trưởng phải trình lên phủ, huyện để quan cho người về khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ 7 vòng và cho khâm liệm, cấp đất xây lăng cùng ruộng hương hoả g việc thờ cúng cá ông...” (Thạch Phương và Lê Trung Vũ - 60 lễ hội truyền thông Việt Nam). Sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền phong kiến trong tục thờ cúng cá Ông có tác dụng lớn trong việc duy trì và bảo tồn tốt tập tục này.

Trong quá khứ, cá Ông có vị trí đặc biệt trong vấn đề an nguy của cư dân ven biển - những người sinh sống bằng những chiếc thuyền nan mỏng manh như những chiếc lá trên biển cả mênh mông. Thế thì giờ đây, khi phương tiện đánh bắt cá đã được hiện đại hoá bằng thuyền lớn, động cơ mạnh mẽ, đảm bảo vượt sóng nước, nhanh chóng vượt hiểm nguy, tín ngưỡng thờ cá Ông có còn đậm nét trong tâm thức ngư dân ?

Trong tâm thức dân gian, nhất là những người mưu sinh bằng nghề đi biển, thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy, tính mạng gần như không tự quyết được, thì cá Ông luôn là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin không thể thiếu của người dân làm nghề biển. Niềm tin ấy hoàn toàn có tính tâm cảm. Nó giúp cho người ta có thêm sức mạnh để vượt qua gian khổ, hiểm nguy trong cuộc sống và có thể bám nghề, bám biển cho dù cuộc mưu sinh đó không dễ dàng gì. Năm 2006, đa số ngư dân Quảng Nam đối mặt với cơn bão Chanchu khủng khiếp, thiệt hại về người và của cải nhiều vô kể, nhưng qua câu chuyện kể của những người may mắn thoát nạn lại viết tiếp giai thoại cá Ông thời hiện đại. Đấy là câu chuyện của hai thuyền cá ở thôn Tĩnh Thuỷ, xã Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam gặp bão ở vùng biển Đông Bắc Hoàng Sa. Không thể chạy thẳng vào bờ, các thuyền viên nhằm hướng Bắc mà dìu theo ngọn gió. Khi nhìn thấy đảo Hải Nam, mọi người mừng rẵ vì sắp được cập bờ. Nhưng trên đất liền người ta kiên quyết bắn súng chỉ thiên, ra hiệu không cho vào bờ. Trong cơn tuyệt vọng, các ngư dân này thấy thuyền của mình tự nhiên lướt nhanh theo hướng Bắc, ra khỏi vùng nguy hiểm. Định thần, các ngư dân này mới nhìn thấy bốn vị cá Voi đã vẫy đuôi từ biệt !

Niềm tin của cư dân ven biển vào cá Ông không phải đơn thuần là một tín ngưỡng nhuốm mầu sắc tâm linh, mà nó là niềm tin được thực tế xác lập và củng cố. Theo chúng tôi, tục thờ cúng cá Ông mãi mãi trường tồn, vì mấy lẽ sau đây:

Tục thờ cúng cá ông là nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân vùng biển. Người ta thờ cúng cá Ông, cầu mong cá Ông cứu hộ, độ sinh, nhưng tuyệt đối không mê tín. Trong tâm thức dân gian, cá Ông là vị phúc thần, gần gũi, thân thiện với con người.

Lễ hội cầu ngư trong tục thờ cúng cá Ông có sức thu hút, lôi cuốn cộng đồng. Trong khung cảnh khói hương trầm nghi ngút, lời khấn đầy vẻ thành kính của người chủ lễ, diễn xướng bả trạo tái hiện sinh hoạt sóng nước, tất cả mọi người có mặt đều tràn ngập niềm tin vào sự bình an, hạnh phúc. Sự gắn kết cộng đồng trong lễ cầu ngư rất lớn.

Tuy nhiên, để tục thờ cúng cá Ông của cư dân ven biển giữ được nét trong sáng, hồn nhiên cần lưu ý mấy điểm sau:

Hãy để tập tục này diễn ra theo tâm thức dân gian. Nghĩa là nó có từ thực tế cộng đồng, thuộc về cộng đồng, và phải được cộng đồng bảo tồn, lưu giữ và phát huy. Chính quyền đừng can thiệp, đừng bao cấp mà chỉ định hướng.

Cần tôn trọng yếu tố gốc. Thực tế, trong văn cúng cầu ngư, trong diễn xướng bả trạo, có nhiều chỗ chúng ta không hiểu hết, nhiều lúc thấy “vô nghĩa” nhưng sự tồn tại của các yếu tố ấy có cái lý của nó, vì những sinh hoạt văn hoá tâm linh ấy diễn ra đã lâu đời, có nhiều chi tiết không còn diễn ra trong đời sống hiện đại của chúng ta.

Tuyệt đối không biến tục thờ cúng cá Ông và lễ cầu ngư thành phương tiện để phục vụ ý đồ kinh tế một cách thô thiển, như có nơi đã dàn dựng, biến thành “sân khấu”, tổ chức cầu cúng không đúng mùa vụ để cho khách du lịch xem, làm mất hết ý nghĩa.

Tóm lại, tục thờ cúng cá Ông của cư dân ven biển miền Trung nói chung, ven biển Quảng Nam nói riêng là tập tục tốt, cần bảo tồn, phát huy. Vì bất ngờ được Ban Tổ chức mời dự hội thảo, bản thân tôi cũng mạo muội nêu mấy suy nghĩ mang tính cá nhân. Mong các nhà nghiên cứu đừng chê cười./.

Từ khóa » đền Thờ Cá ông ở Việt Nam