Tục “Tứ Cửu Hầu Thánh” Làng Vó

Cổng Tam quan đình làng Quảng Bố (Nguồn Internet).

Sau này dân làng dựng lại ngôi đình thờ chung Thành hoàng, Tổ nghề và chùa làng. Chùa kiến trúc chữ Đinh, kết cấu vì kèo đơn giản, có bảo vật là quả chuông đúc năm Thành Thái thứ 11 (1899). Đình gồm 3 gian 2 dĩ Tiền đường, 2 gian Hậu cung hướng Đông, 4 mái đao cong. Các di vật lưu giữ tại đình khá phong phú, như: Tượng đồng Tổ sư, Bộ bát bửu đồng, Hương án, Đỉnh đồng, Bia đá, Thần tích, Sắc phong… Lăng mộ và đình thờ Tổ sư nghề đồng đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa năm 1992.

Thời xưa làng Vó có 26 dòng họ cùng quần tụ sinh sống, ngoài làm ruộng là làm nghề đồng với các sản phẩm: chân đèn, cóc lẫy (bản lề hòm tủ), khóa, ke hòm, nhạc đồng, chuông đồng… Ngày giỗ Tổ nghề đồng là ngày 23/8 (âm lịch) trở thành ngày hội lớn của làng. Con em đi làm ăn xa đều thu xếp thời gian về quê lễ Tổ.

Làng Vó hiện nay còn bảo lưu được nhiều tập tục đẹp, trong đó có tục “Tứ cửu hầu thánh”, nghĩa là những người tuổi 49 phải ra phục vụ chốn đình chung suốt một năm để Tết âm lịch tới làm lễ trình giầu “lên lão” tuổi năm mươi. Đây là thời điểm có dấu ấn đặc biệt về lứa tuổi ở làng Vó. Những người cùng lứa tuổi tập hợp lại thành Hội đồng niên. Hội đồng niên ở làng Vó quy tụ không chỉ nam nhân, mà còn quy tụ cả nữ nhân, gồm các nàng dâu lấy chồng về làng và các bà cô lấy chồng thiên hạ. Người có thân phụ tuổi cao hơn được coi là “Anh Cả” đứng đầu Hội. Trong năm có hầu Thánh, các tuần sóc vọng, vào các dịp trọng lễ xuân thu nhị kì, ngày đình đám mùng 9 tháng Tư và ngày giỗ Tổ nghề 23/8, đồng niên nam phải lo việc tế thánh. Trước kì tế, mùng 9/4 âm lịch, các ông tứ cử nam phải lo học tế hàng tuần liền, do các cụ cao tuổi chỉ dẫn. Hội đồng niên cử ra hai người đủ tiêu chuẩn của làng làm “quan đám”, hay còn gọi là “chủ tế”. Nhờ lệ này mà đảm bảo tất cả các cụ ông trên 50 tuổi ở làng Võ đều biết tế thánh.

Những năm gần đây, ngoài việc hầu thánh thì các hội đồng niên được tuổi tứ cửu đều phấn đấu có một dấu ấn riêng kỉ niệm. Đó là những công trình khá tiêu biểu trong hợp thành Di tích Lịch sử văn hóa, như: Đồng niên 1967 công đức tu sửa Lăng Tổ nghề; đồng niên 1969 công đức ngôi Tiền Tế ở Lăng Tổ nghề với giá trị xây lắp trên 1 tỉ đồng; đồng niên 1971 công đức Tam quan và tường bao đình làng với giá trị xây lắp 560 triệu đồng; đồng niên 1972 công đức hạng mục dải vũ giá trị xây lắp 280 triệu đồng... Các công trình xây dựng công đức này đều xin phép Ban quản lí di tích, quá trình xây dựng có sự giám sát của chính quyền và Ban khánh tiết đình. Khi hoàn thành đều có lễ bàn giao công trình cho Ban quản lý di tích. Dân làng đánh giá cao sự công đức của các lứa tuổi “Tứ cửu hầu thánh” những năm qua, qua lời thơ ca ngợi:

Tiếng thơm công đức mãi còn

Lưu truyền in dấu vàng son tấm lòng./.

Từ khóa » Ninh Cửu Lang