Tước Vị Và Phẩm Hàm - Báo Đà Nẵng điện Tử

* Đọc các tài liệu nói về chế độ phong kiến ngày trước, tôi thấy có hai từ dễ nhầm lẫn là tước vị và phẩm hàm. Xin quý báo chỉ cho cách phân biệt. (Trần Văn Ngọc, Hải Châu, Đà Nẵng)

Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại Quảng trường 3-2 (TP. Nam Định). Ảnh: Internet
Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại Quảng trường 3-2 (TP. Nam Định). Ảnh: Internet

- Theo Hán Việt từ điển trích dẫn, Tước 爵(danh từ) chỉ danh vị phong cho quý tộc hoặc công thần thời phong kiến. Thời xưa có 5 tước vị là: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam; về sau có thêm tước Vương, là tước vị cao nhất trong chế độ phong kiến. Tước vị là tôn hiệu của vua ban cho người trong hoàng tộc hay những người có công với đất nước, với triều đình.

Theo bài viết “Tước vị, phẩm hàm thời Phong kiến Việt Nam” đăng trên trang ngotoc.vn (Thông tin điện tử của Hội đồng Ngô tộc Việt Nam), từ triều đại Nhà Ngô, tài liệu cũ đã có nhắc đến tước Công, nhất là tước Lệnh Công. Năm 950 khi Ngô Xương Văn lật đổ được Dương Tam Kha giành lại ngôi báu, nể tình cậu cháu đã không giết Tam Kha, chỉ giáng xuống cho làm Chương Dương Công, còn ban cho đất làm thực ấp.

Đến đời Nhà Đinh, tài liệu cổ về đời này thấy ghi tước Vương và Quốc công. Quốc công là một tước vị dưới tước Quận vương.

Tước vị có 2 loại: tước có phong địa (tức kèm theo ban tặng đất đai) và không phong địa. Cách thức đặt tên tước là lấy tên đất được phong đặt trước tên tước. Ví dụ Hải Lăng Vương: Hải Lăng là tên đất (tên một quận), Vương là tên tước. Kiến An Vương: Kiến An là tên đất (một phủ thuộc tỉnh Định Tường cũ), Vương là tên tước. Trường hợp không phong địa thì đặt một mỹ tự được phong (từ có nghĩa đẹp) trước tên tước. Ví dụ Hưng Đạo Vương: Hưng Đạo là mỹ tự, Vương là tên tước. Thanh Quốc Công: Thanh là mỹ tự, Quốc Công là tên tước; Ích Quận Công: Ích là mỹ tự, Quận Công là tên tước.

Cũng theo Hán Việt từ điển trích dẫn, Phẩm 品 (danh từ) chỉ cấp bậc trong chế độ quan lại. Ngày xưa đặt ra chín phẩm, từ nhất phẩm đến cửu phẩm, để phân biệt thứ bậc cao thấp. Đường quan là 5 phẩm cấp trên từ nhất phẩm đến ngũ phẩm; thuộc quan là quan cấp dưới từ lục phẩm đến cửu phẩm. Phẩm hàm thường được chia làm hai ban là Văn giai và Võ giai; mỗi phẩm hàm lại chia thành hai cấp bậc là Chánh và Tòng (còn gọi Tùng), tương đương cấp Chánh và Phó ngày nay.

Nhất phẩm là bậc quan cao nhất, đứng đầu triều đình thời xưa. Xếp sau đó là nhị phẩm.

Theo quan chế Minh Mạng (năm 1827 và sau này), ở hàm Chánh nhị phẩm, Văn giai gồm: Thượng thư (đứng đầu các Bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, về sau có thêm Bộ Học); Tổng đốc (đứng đầu một đơn vị hành chính gồm hai hay ba tỉnh, thành); Tả Hữu Đô ngự sử (chức quan phụ trách công tác giám sát tối cao ở Đô sát viện). Võ giai gồm: Thống chế; Đề đốc (thường được biết như các Đề đốc điều hành binh lính tại dinh hoặc tỉnh).

Ở hàm Tòng nhị phẩm, Văn giai gồm: Lục bộ Tả Hữu Tham tri; Tuần phủ (còn gọi là Tuần vũ); Tả Hữu Phó Đô ngự sử. Võ giai gồm: Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ; Cẩm y vệ Chưởng vệ sự; Khinh xa Đô úy; Phó Đề đốc.

Thấp nhất là hàm Cửu phẩm, thường được dùng để ban cho quan lại không chỉ ở triều đình mà còn ở các địa phương, làng xã.

Ở Việt Nam, do chính quyền trung ương mạnh nên các tước vị không được cha truyền con nối. Khi người được vua ban tước phạm lỗi lầm thì có thể bị xóa hoặc hủy bỏ tước vị.

ĐNCT

Từ khóa » Các Cấp Bậc Trong Hoàng Gia Trung Quốc