“Tuổi Thơ Dữ Dội” Những Anh Hùng Nhỏ Tuổi - Cafe Cuối Phố
“Tuổi Thơ Dữ Dội” không phải là mẫu truyện dành cho tuổi mới lớn, càng không phải là những câu truyện tình yêu lãng mạn của tuổi học trò , mà nó là cuốn tiểu thuyết kể về cuộc chiến đấu, hy sinh của các bạn nhỏ thiếu niên trong đội thiếu niên trinh sát Trần Cao Vân ở mặt trận thành phố Huế. Mỗi bạn là một hoàn cảnh khác nhau nhưng vì thời cuộc, vì lòng yêu quê hương đất nước , sự nhiệt huyết, lòng câm thù giặc nên các bạn đã gia nhập vào Vệ Quốc Đoàn, để rồi cùng nhau học tập, cùng nhau chiến đấu và cũng không ít bạn phải hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chiến tranh đã lấy đi tuổi thơ của những người chiến sĩ trẻ tuổi.
“Tuổi Thơ Dữ Dội” của nhà văn Phùng Quán là một trong những quyển sách gối đầu giường của tôi. Đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào đọc xong cũng cùng chung một cảm xúc như ban đầu. Nó khiến tôi trải qua từng cung bậc cảm xúc vừa hồi hộp, lo lắng, vừa cười, vừa như muốn khóc, đau đớn, xót xa và ngưỡng mộ! Chắc hẳn nếu ai đã từng đọc qua tiểu thuyết này đều trải qua cảm xúc đó giống như tôi. Mỗi chương trong tiểu thuyết là một cuộc đời của một chiến sĩ nhỏ tuổi , đặc biệt hơn đây là những nhân vật hoàn toàn có thật ngoài đời chứ không phải là nhân vật hư cấu, các bạn nhỏ này chính là đồng đội của Phùng Quán năm xưa, có lẻ chính vì điều này mà ông miêu tả các nhân vật chân thật đến vậy, nó khiến người đọc sống cùng nhân vật trong thời kỳ bom đạn chiến tranh của đất nước.
Tôi đã phải lặng người trước sự hy sinh của Vịnh “Sưa” khi em lấy thân mình làm cột mốc đánh dấu kho đạn của địch để đồng đội nhắm bắn vào mục tiêu, em chết một cách anh dũng trên cột thu lôi không một mảnh vải che thân vì đã xé quần áo mình ra làm cờ tín hiệu. Khi bị địch phát hiện và bắn xối xả vào em, em không hề sợ hãi mà vẫn gan dạ thực hiện nhiệm vụ trinh sát của mình cho đến hơi thở cuối cùng.
Tôi phải khâm phục trước sự dũng cảm của Lượm”Sứt”. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ em bị địch bắt và bỏ tù. Trước những đòn tra tấn thâm độc của địch, em đã kiên cường gan dạ vượt qua tất cả. Tôi phải rùng mình ớn lạnh khi em xắn tay áo lội vào bãi phân ngập ngụa, dọn sạch cả hố xí, để dọn chỗ cho những người cùng cảnh ngộ tù tội trong buồng giam với em có chỗ nằm. Tôi hồi hộp, lo lắng với kế hoạch và quá trình vượt ngục của em, sau nhiều lần thất bại cuối cùng em đã thành công bằng chính sự thông minh và dũng cảm của mình.Không những một mình thoát tù, mà em còn cứu được Thúi và Lép “sẹo”, cùng đưa các bạn trở lên chiến khu tiếp tục chiến đấu. Khi đọc đến nhân vật này, tôi lại nghĩ tới chú bé liên lạc Lượm của nhà thơ Tố Hữu, và tự đặt ra câu hỏi liệu rằng hai nhân vật Lượm này là hai chiến sĩ khác nhau hay là một người duy nhất ?!?.
Quỳnh “Sơn Ca” xuất thân từ gia đình giàu có, sống trong nhung lụa, giỏi chơi đàn, nhưng vì mê những bản nhạc kháng chiến, em bỏ nhà đi Vệ quốc Đoàn. Trong khi thực hiện nhiệm vụ em bị thương khá nặng ở chân, nằm viện quân y em đã mang tiếng đàn phục vụ nhưng bệnh nhân khác, em sáng tác bài hát “Sông Ô Lâu kháng chiến” cổ vũ tinh thần đấu tranh cho toàn chiến khu và mơ ước được viết một vở nhạc kịch về bạn Mừng đi tìm thuốc cho mẹ. Tiếc rằng mơ ước đẹp đẽ đó đã không thành hiện thực, khi biết tin chính gia đình mình đã có những việc làm phản quốc , em vì uất ức vỡ tim mà chết. Hình ảnh trước lúc chết của em cứ ám ảnh tôi mãi. Một tâm hồn nhạy cảm của một người nghệ sĩ nhỏ, một chiến sĩ nhỏ:
“sống, viết nhạc trên lá cây
chết, bạn cùng quả ươi bay trên rừng
sống anh dũng, chết thủy chung
nơi đây yên nghỉ bạn Thân Trọng Quỳnh”
Nước mắt tôi chực rơi trước sự nghi oan và hy sinh của Mừng, tôi vừa thương vừa giận em, tại em ngây thơ, hồn nhiên và tin người quá đã làm hại em. Vì có hiếu với mẹ, muốn đi tìm lá tầm gởi để chữa bệnh hen suyễn cho mẹ, em đã tham gia Vệ Quốc Đoàn , cuộc đời em như một tờ giấy trắng không một vết bẩn, nên em đã bị Kim “điệu” một kẻ phản bội lừa trắng trợn, khiến cả chiến khu Hòa Mỹ nghi ngờ em là Việt gian. Nỗi oan này theo em cho đến những trang cuối cùng, trước khi mất em cũng chỉ kịp trăn trối lời cuối cùng: “Anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí.” Câu nói đơn giản thế thôi mà khiến tôi nghẹn lòng. Em hy sinh trên đài quan sát khi giúp bộ đội giật bom giết địch trong đợt càn lên chiến khu của quân Pháp. Trước sự hy sinh anh dũng, em đã được minh oan và được đồng đội lấy tên đặt cho một ngọn núi “Núi mẹ con em Mừng” ( Mẹ em cũng mất vì trúng bom của địch trong lúc chuyển đồ tiếp tế lên chiến khu).
Xuyên suốt tiểu thuyết, chúng ta sẽ còn bắt gặp thêm nhiều chiến sĩ nhỏ tuổi khác nữa. Ngoài sự hy sinh,những giọt nước mắt cảm thương, cảm phục. Bạn đọc sẽ phải bật cười không ngớt trước sự hồn nhiên, thông minh, lém lĩnh của Tư “ Dát”, Bồng “ Da Rắn”, bạn sẽ ngưỡng mộ trước sự gan dạ và tài giỏi của Vệ” To Đầu”, Hiền, Hòa” Đen”, Châu”sém”, Nghị…Trước sự tàn khốc, gian khó, đau thương mất mát của chiến tranh. Ý chí của các chiến sĩ nhỏ tuổi thật sắt đá, kiên cường, các em đã vượt qua tất cả, dũng cảm chiến đấu bảo vệ đất nước, chấp nhận hy sinh bản thân vì niềm tin chiến thắng, vì niềm tin ngày mai tốt đẹp hơn trên quê hương mình. Nhưng đôi khi, ý chí đó cũng bị lung lay, cũng bị xô ngã trước gian khổ và sự cám dỗ của địch mà điển hình nhất ở đây là Kim”Điệu”, một kẻ phản bội tổ quốc, phản bội đồng đội, kẻ bán mình để làm tay sai gián điệp cho địch, kẻ đã gián tiếp gây ra cái chết oan ức cho Mừng .
“ Tuổi Thơ Dữ Dội “ theo đánh giá của bản thân tôi là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất trong nền văn học Việt Nam( Không hiểu sao,tiểu thuyết này không được đưa vào giảng dạy văn học VN ở phổ thông ???) .Cuộc đời của các chiến sĩ nhỏ tuổi tuy ngắn ngủi nhưng thật nhiều màu sắc, Cuốn sách đã xếp lại trong tủ từ lâu, nhưng những dư âm của nó vẫn còn hiện mãi trong tôi. Hình ảnh những chiến sĩ nhỏ tuổi Vệ quốc đoàn ngây thơ, gan dạ và giàu tình cảm vẫn sẽ mãi chạm đến trái tim và tâm hồn của biết bao thế hệ người đọc. Hãy đọc để khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, biết quý trọng cuộc sống bình yên lúc này hơn, để hiểu được hòa bình mà chúng ta có ngày nay đã phải đánh đổi rất nhiều mới có được.
“Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi
Dù có gian nguy nhưng lòng không nề
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui”
Đánh giá:
Chia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » Núi Mẹ Con Em Mừng Có Thật Không
-
Tìm Về Tuổi Thơ Việt Trong Những Ngày Kháng Chiến Qua ” Tuổi Thơ Dữ ...
-
Tuổi Thơ Dữ Dội – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tuổi Thơ Dữ Dội - Núi Mẹ Con Em Mừng! | Facebook
-
“MỖI TUẦN MỘT CUỐN SÁCH” KÍCH HOẠT HOẠT ĐỘNG ĐỌC ...
-
Review Sách Tuổi Thơ Dữ Dội (Bản Mới 2013)
-
Núi Mẹ Con Em Mừng | 東京外国語大学附属図書館OPAC
-
Tuổi Thơ Dữ Dội Full HD | Phim Việt Nam Cũ Hay Nhất - YouTube
-
Ý Nghĩa Của Tác Phẩm Tuổi Thơ Dữ Dội
-
Review - Tuổi Thơ Dữ Dội - Phùng Quán - Việt Nam Overnight
-
Tuổi Thơ Dữ Dội - Quansuvn
-
Tuổi Thơ Dữ Dội - Giải Sách Hay
-
Tóm Tắt & Review Tuổi Thơ Dữ Dội - Phùng Quán - Cùng đọc Sách
-
Tuổi Thơ Dữ Dội - Wiki Là Gì