Tương Ngộ Của Một Bộ Trưởng Với Thi Sĩ Hữu Loan - VietTimes

Nhà thơ Hữu Loan
Nhà thơ Hữu Loan

Nhân một người hé ra cái tin dạo này thi sĩ đã yếu lắm, cựu binh thành cổ Quảng Trị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu quyết định đánh độp rằng “hay là thứ bảy tuần tới cánh ta vào Thanh thăm thi sĩ Hữu Loan đi…”. Biết tôi có chút quen biết thi sĩ Hữu Loan lại rành đường đi, chất giọng ông Bộ trưởng thoắt tha thiết về cái việc cậy nhờ ấy… Tôi hơi hoảng lẫn ngại nhưng đương trong cơn rượu bung biêng, tự dưng thấy hay hay rằng chuyện một ông Bộ trưởng đi thăm một thi sĩ tài danh, tại sao lại không nhỉ? Nên cứ gật bừa!

HL
Nguyễn Quốc Triệu khi ấy là Bộ trưởng Bộ Y tế thăm thi sĩ Hữu Loan tháng 12 năm 2009 tại quê nhà thi sĩ ở Vân Hoàn Nga Lĩnh Nga Sơn Thanh Hóa. Ảnh Xuân Ba

Thế là tinh mơ hôm thứ bảy theo hẹn từ chiều hôm trước, đã nhong nhong mấy xe nhằm hướng Nga Sơn thẳng tiến. Tôi không rành cung cách lẫn tính khí ông bộ trưởng này lắm nhưng khá ấn tượng những kỳ họp QH có chất vấn. Không ít những lời bình, lời bàn rằng ngang thẳng như thế là được, rằng như vậy là chưa chuẩn v.v... và v.v... Hóa ra ông này cũng là người quyết đoán. Tưởng nói chơi chơi trong bữa rượu ấy thế mà mần thật!

Riêng tôi thì ngài ngại bởi hơi biết một tý tính khí của thi sĩ Hữu Loan. Dạo còn khỏe nhúc nhắc đi lại, những lần theo người này người khác ghé qua Vân Hoàn Nga Lĩnh, trong những câu chuyện không đầu không cuối, ông không phải là có vẻ nữa mà khá… dị ứng với... những nhà chức việc đang đóng ở ngôi cao. Tóm lại là ông không ưa các quan chức!

Bằng cớ là có ai nhắc đến vị này người nọ là ông lảng hoặc gạt phắt, chuyển sang chuyện khác. Như trong câu chuyện ông đã kể chúng tôi nghe dạo nào, Hữu Loan từng bỏ cuộc cà phê với tướng Nguyễn Sơn trước khi chỉ mặt ông tướng anh là đồ tiểu tư sản!

HL
Đàn hát bài "Màu tím hoa sim bên gường thi sĩ Hữu Loan. Ảnh: Xuân Ba

Của đáng tội, duyên do việc nổi cáu ấy không phải do mấy ly cà phê sau cuộc cưới của tướng Sơn với bà Lê Hằng Huân (em vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan) mà là cái ri đô màu hoa cà cô dâu chăng giữa gian ngủ với gian khách tại nơi một nhà dân mà đơn vị đóng quân ở đất Thọ Xuân, Thanh Hóa. Hữu Loan coi thứ trang trí ấy là đồ… rởm, là học đòi!

Tôi hơi hoang mang hơn khi biết ông Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu này chưa hề gặp chứ đừng nói quen với thi sĩ Hữu Loan? Cái phên dại che hờ lối cổng vào nhà thi sĩ Hữu Loan, rất ít, ít lắm quan chức hàng tỉnh chứ nói chi đến ngoài Hà Nội đẩy ra để vào nhà!

Cắt nghĩa cùng giải mã sự tiết tháo mà có người nhận xét rằng hơi bị gàn ấy là cả một việc nhiêu khê. Từng xoắn bện chắc khừ trong thân thể còm cõi chín mươi tư tuổi kia là chất chứa bao nhiêu những ngày thương xót tức tưởi, những là cố ý với hiểu lầm của người đời mà dễ chi ngày một ngày hai thuyên giảm được?

Ngó ông Bộ trưởng chuyện trò cứ oang oang, chất giọng thoải mái như thường ngày khi ông ngỏ thẳng cái ý với vài vị chức việc của tỉnh của huyện (không rõ tình cờ hay biết được việc kinh lý của ông Bộ trưởng mà ra đón?) rằng là vào thăm nhà thơ chứ không có việc gì... tôi lại thấy cứ lo lo?

Thầy thuốc ghé thăm một con bệnh trọng, cũng là việc thường! Nhưng lẩu lâu rồi ông bác sĩ này có hành nghề nữa đâu? Hơn thế bệnh tình của nhà thơ là bệnh già chứ có phải thuộc lãnh vực chuyên môn của BS Nguyễn Quốc Triệu?

Lại thấy ngại hơn khi cả bọn bước qua cái cổng ọp ẹp, thoáng bà vợ thi sĩ ngồi mỗi mình trên cái võng mé vườn, chiếc nạng để bên. Hóa ra cái tin thi sĩ dạo này yếu tợn là có thực?

Bộ trưởng Nguyễn Quôc Triệu đọc bài thơ
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đọc bài thơ "Màu tím Hoa sim" cho Hữu Loan nghe. Ảnh: Xuân Ba.

Đận trước chúng tôi ghé và cũng như vài bận khác, thi sĩ Hữu Loan tóc cước bồng bềnh bao giờ cũng ngồi bên vợ. Nhất là năm ngoái, bà bị ngã gẫy bên chân. Họ ngồi với nhau thế này đã bao năm rồi nhỉ? Từ cái dạo cô thôn nữ Phạm Thị Nhu kém thi sĩ 19 tuổi trong hội phụ nữ địa phương đi úy lạo đơn vị Vệ quốc đoàn bị anh vệ túm Hữu Loan hớp mất hồn? Hay từ những ngày cuối 50 đầu 60, nhà thơ Hữu Loan nổi đóa biệt thủ đô về hẳn Nga Lĩnh dưới chân núi Vân Hoàn đây?

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, cùng quê Nga Sơn mà ông rất thương quý nay đã ra người thiên cổ từng thăng hoa những năm tháng nhọc nhằn chơi vơi của thi sĩ mật ong nhà tan trong bát rượu quê/ ông lại hát những vui buồn đích thực.

Thăng hoa cũng bởi thương, bởi trọng thi sĩ chứ mật ong không biết có có không, thi sĩ Hữu Loan có hát thực hay không nhưng chồng chất những năm ấy là những xe đá lặc lè thi sĩ quai ra từ chân núi Vân Hoàn chở xe cút kít về nhà bán mua gạo.

Là lui cui tỷ mẩn cái cách ông xếp đá sao đó để nhử lũ rắn ráo vào trú lẫn vào làm tổ. Làm chi vậy? Để thi thoảng có thịt rắn thay cho chất đạm của mấy lạng thịt tem phiếu mà gia đình ông không được hưởng suốt những năm dài bao cấp! Là những bửng tưng đang nhọ mặt người, bà vợ ông đã dấm dúi xong một quang bánh cuốn để bán vụng ven chợ.

Chính sách lương thực hồi ấy cấm ngặt việc làm bánh làm bún, cứ lần hồi như thế, cái đôi tưởng như cọc cạch ấy song song với nhau xoắn bện bên nhau. Xoắn bện mãi cho đến bây giờ phương trưởng 10 người con, 6 gái 4 trai đề huề dâu rể cháu chắt...

Thi sĩ nằm ở buồng trong. Vẫn gương mặt có những đường nét mà tạo hóa chừng như hơi bị vội chỉ mới vạc sơ được mấy nhát chứ chưa kịp trau chuốt chi nhiều! Ông vẫn tỉnh nhưng chất giọng yếu. Khí kém chứ không vượng. Thể này là ngại đây. Ngại thêm khi người cháu nói mà như rên bữa kia người ông cháu đỏ rực lên cứ tưởng đi... Bữa nguy kịch ấy nghe đâu duyên do bởi một liều kháng sinh không chuẩn.

Tôi sục tay vào chăn. Chân vẫn ấm. Đợi cho viên thầy thuốc đi theo Bộ trưởng hỏi han chẩn bệnh, ông Bộ trưởng mới ghé xuống một bên giường. Tôi hồi hộp dõi theo ánh mắt còn khá thần khí của thi sĩ lướt trên khuôn người phương phi của ông khách đang cúi sát sạt bên mình, tay đang lóng ngóng đặt bó hoa tươi bên gối.

Chiếc xe lăn ông Triệu tặng thi sĩ thì... vợ ông lại dùng trước. Ảnh: Xuân Ba.
Chiếc xe lăn ông Triệu tặng thi sĩ thì... vợ ông lại dùng trước. Ảnh: Xuân Ba.

Thấy ánh mắt thi sĩ như dò hỏi, tôi định nói mấy câu nhưng chất giọng oang oang của ông Bộ trưởng đã cất trước.

Thưa bác, 38 năm trước trong hành trang của những người lính chúng cháu vào chiến đấu ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị, ngoài súng đạn lương khô còn có bài thơ cháu chép tay để trong túi áo ngực. Đó là bài “Màu tím hoa sim”.

Trong rất nhiều ca khúc người lính vẫn hát như bài “Vì nhân dân quên mình”, “Giải phóng miền Nam” có mấy bài “Màu tím hoa sim” mà các nhạc sĩ đã phổ nhạc. Những bài hát ấy đã động viên chúng cháu vượt qua gian khó rất nhiều. Rất nhiều những người lính nằm lại chiến trường đã đọc bài thơ và đã hát bài Màu tím hoa sim của bác...

Hình như tất thảy đều thở phào, hóa ra chúng tôi chỉ lo hão! Ông Bộ trưởng có cách nói của ông ấy. Bất đồ, tôi thấy đuôi mắt của thi sĩ ươn ướt... Từ cặp môi khô nẻ âm thanh lào phào... Lặng phắc đi một lúc, chúng tôi mới nghe thủng rằng anh đang làm gì? Ông Nguyễn Quốc Triệu đáp rõ ràng: Thưa bác, cháu làm Bộ trưởng Bộ Y tế...

Ông Triệu nối ngay cái mạch vừa khơi: Xin phép bác cháu đọc bài thơ “Màu tím hoa sim”. Ngó ông cụng cựa, tôi tưởng ông đang rút ra bài thơ chép tay ngày nào nhưng ngài thượng thư cúi sát hơn xuống gương mặt thi sỹ mà lứa hậu sinh sau chúng tôi, chắc hẵng còn đắm đuối? Chất giọng ông Triệu vang mạnh, có lẽ ở chỗ khác thì hơi chuế nhưng trong khung cảnh này tự dưng thấy ổn.

Nàng có ba người anh đi bộ đội... Chất giọng đọc theo trí nhớ ấy thi thoảng, lúc đầu thì thi sĩ phẩy tay hơi nhẹ, sau đó dường như không đủ sức, ông lắc nhẹ cái đầu... Rồi chúng tôi cũng hiểu ra được rằng, động thái ấy ông muốn chỉnh sửa những từ ông Bộ trưởng đọc nhầm!

Cứ mỗi lần nhác thoáng như thế, ông Triệu biết ý cúi sát nữa xuống để nghe ông thầm thì chỉnh sửa lại. Khi ông Triệu đọc câu khi gió sớm thu về gờn gợn nước sông thi sĩ thầm thì nhưng nghe khá rõ khi gió sớm thu về rờn rờn nước sông. Rờn rờn chứ không phải gờn gợn! Nhớ chưa? Dạ cháu nhớ... Ông Triệu cười.

Ông Triệu và các vị khách cùng đi chụp ảnh chung với gia đình Hữu Loan. Ảnh: Xuân Ba.
Ông Triệu và các vị khách cùng đi chụp ảnh chung với gia đình Hữu Loan. Ảnh: Xuân Ba.

Ai đó đang lựa đưa vào cây đàn ghi ta. Người đón lấy không phải ông Bộ trưởng mà một chàng trai đi theo ông ... Ánh mắt thi sĩ Hữu Loan như thêm sáng hơn khi những âm thanh trầm ấm của đàn quấn bện với ca từ của bài Màu tím hoa sim.

Trên gương mặt thi sĩ, những nét đăm đăm khó nhọc trước đây bây giờ thoắt giãn ra... Và kìa, ông khóc! Những giọt nước mắt không biết vì cơn cớ gì mà cứ ràn mãi ra... Thoáng nghĩ đến duyên do sự đổi tính của những bậc cao niên hay những giọt nước mắt ràn ra vì sự tử tế của lớp hậu sinh? Sợ có điều chi, người con trai ngưng đàn thôi hát. Nhưng thi sĩ lắc đầu phẩy nhẹ tay ra hiệu cứ tiếp tục. Có lẽ thấy không lợi cho nhịp tim của bệnh tâm phế mãn, ông Bộ trưởng trước khi lui ra dặn khẽ nhưng ai cũng nghe vừa vừa thôi các cậu nhá...

Ông lui ra ngồi xuống bên mấy người đang chuyện trò với bà vợ thi sĩ. Bà đang kể lại hoàn cảnh ra đời bài thơ Hoa lúa mà thi sĩ viết tặng bà hàng chục năm trước. Ngồi bên còn có người con trai út Nguyễn Hữu Đán là kiến trúc sư, nay đang làm ở một cơ quan.

Bảo vệ di sản? Trong 10 người con của thi sĩ, may không có ai theo đuổi hoặc nối cái nghề những là nhọc nhằn lẫn hệ lụy của cha. Không biết người con trai út sẽ làm những gì để bảo vệ di sản của thi sĩ Hữu Loan đây?

Trong câu chuyện, ánh mắt ông Bộ trưởng thoáng một chốc bao quát mảnh sân nghèo trên đó đang sáng loáng một chiếc xe lăn, quà tặng của ông Bộ trưởng cho thi sĩ. Cũng thật là may lẫn tiện, thi sĩ đang phải nằm chưa ngự xe lăn được thì bà vợ không may cái chân bị gẫy đang bó bột cứ dùng trước.

Tôi đang cố đoán rằng ông Triệu đương nghĩ gì vậy? Cầu mong thi sĩ qua được đận này để mà ngự trên chiếc xe đó thay cho những bước nhúc nhắc trước đây? Mãi bữa nay, ông mới đến được đây có muộn không nhỉ?

Có lẽ muộn còn hơn không. Như cái câu người ta vẫn nói, không có sự tử tế nào là muộn cả!

… Chuyện về ông cựu Bộ trưởng này còn dài, nhất là cái đoạn sau này ông gánh trọng trách Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe TƯ. Xin khất bạn đọc vào một dịp khác!

Từ khóa » Thi Si Huu Loan